Vẻ đẹp của người phụ nữ trong văn Nguyễn Xuân Khánh

Minh Nhật
24/06/2021 - 19:40
Vẻ đẹp của người phụ nữ trong văn Nguyễn Xuân Khánh

Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh và tác phẩm xuất bản sau cùng của ông

Một điều dễ nhận thấy, phụ nữ luôn xuất hiện trong văn chương của Nguyễn Xuân Khánh với một vẻ đẹp lạ lùng. Dù là bậc vương phi công chúa nơi lầu son gác tía, hay chị ăn mày vất vưởng ngoài đường trong đói rét; dù đó là thiếu nữ 16 tuổi trong sáng hay bà già lẩn thẩn góc làng quê...

Trong cuộc đời của Nguyễn Xuân Khánh, có một khoảng trống hơn 20 năm không hề có bất cứ tác phẩm văn học nào được in ra. Trong suốt thời gian đó, ông làm đủ thứ trên đời để kiếm sống. Từ việc đi làm gác đêm cho một xí nghiệp, rồi lang thang hành nghề thợ chữa khóa, đến làm thợ may. Ông mở một tiệm may trong cái xóm nhỏ ven đê Trần Khát Chân, may quần áo cho khách và làm hàng may sẵn mang ra bán ở khu chợ trời ở phố Huế. Ông còn viết báo, dịch sách "chui" và trong một thời gian dài, được những người bạn thân thiết ở NXB Phụ nữ, Báo Phụ nữ Việt Nam sử dụng với nhiều bút danh để có thêm thu nhập...

Không có tác phẩm được xuất bản nhưng ông vẫn miệt mài viết, vì cái nghiệp văn chương của mình. Ông viết nhiều, viết hoàn toàn độc lập, không bị lệ thuộc vào cái gì cả, rồi cất vào ngăn kéo những tác phẩm lớn của đời mình... Đến năm 1990, ông mới được trở lại văn đàn với cuốn tiểu thuyết Miền hoang tưởng viết từ năm 1970. Sau đó là một loạt tác phẩm khác, giúp Nguyễn Xuân Khánh đàng hoàng, chính danh, có một vị trí riêng trong nền văn học Việt Nam.

Một điều dễ nhận thấy, phụ nữ luôn xuất hiện trong văn chương của Nguyễn Xuân Khánh với một vẻ đẹp lạ lùng. Dù là bậc vương phi công chúa nơi lầu son gác tía, hay chị ăn mày vất vưởng ngoài đường trong đói rét; dù đó là thiếu nữ 16 tuổi trong sáng hay bà già lẩn thẩn góc làng quê... đọc những dòng ông viết về họ, đều thấy đẹp và đáng yêu. Từ "Hồ Quý Ly", "Mẫu Thượng ngàn", "Đội gạo lên chùa" cho đến những tác phẩm trào phúng, ông đều dành thương yêu cho những nhân vật nữ.

Sinh thời, nhà văn Nguyễn Xuân Khánh chia sẻ, có lẽ bởi cả đời ông được phụ nữ thương yêu và bao bọc nên hầu như hình ảnh xấu xí của người phụ nữ không xuất hiện trong văn của ông. Nhân vật nữ trong truyện của ông đều bắt đầu từ những nguyên mẫu có thật ngoài đời – những người bà, người chị mà ông gần như theo dõi, chứng kiến cả cuộc đời họ. Ngày nhỏ, ông thường xuyên về quê của mình ở làng Cổ Nhuế, hầu như 3 tháng hè là sống ở quê, rồi giỗ chạp khi nào cũng khăn gói về. 

Ông nói, những chuyến đi ấy cho ông nhiều thứ lắm. Chúng giúp ông quan sát và hơn thế, thực sự sống trong cái làng quê và hiểu số phận những người đàn bà ấy. Khi ông về sống ở con ngõ nhỏ trên đường Trần Khát Chân, chung quanh cũng toàn là các bà các chị. Trước kia đây là xóm nghèo lam lũ, chỉ toàn nhà lá vách đất, đằng sau nhà ông là cái ao rau muống rộng, nhưng đó là nguồn sống của cả xóm. Những người phụ nữ sống quanh ông đều rất lam lũ nhưng không vì thế mà ông thấy họ bớt đẹp. Ông nói, ông thực sự thấy họ đẹp chứ không phải tô vẽ.

Vẻ đẹp của người phụ nữ trong văn Nguyễn Xuân Khánh - Ảnh 1.

Bìa tác phẩm Mẫu thượng ngàn

Nguyễn Xuân Khánh cho rằng, hiểu rồi thì sẽ thấy phụ nữ nào cũng đẹp. Ngay cả như cái bà già lẩn thẩn sống cô quạnh nơi vườn chùa trong "Đội gạo lên chùa". Già rồi, lẩn thẩn rồi, tưởng không còn chuyện gì để viết nữa. Nhưng thế giới của bà ấy là những con đom đóm lập lòe trong đêm. Bà ấy tin rằng những con đom đóm là linh hồn của chồng bà, của những bạn gái thời trẻ chết oan, bay về để trò chuyện với bà... Ánh sáng của đom đóm ấy, nó kỳ lạ lắm, nó cũng như sâu thẳm tâm hồn con người, ở góc tối tăm nhất vẫn có thể sáng lên...

Đặc biệt, mẹ chính là người đã khiến những trang văn về phụ nữ của Nguyễn Xuân Khánh luôn đẹp đẽ. Ông mồ côi cha từ lúc 6 tuổi, người mẹ khi ấy chưa đến 30, bà đã ở vậy suốt đời nuôi con khôn lớn. "Mẹ tôi đẹp lắm, không phải vì bà ấy là mẹ mình mà tôi nói thế đâu. Mẹ tôi thực sự là một phụ nữ đẹp, lúc nào cũng có người đàn ông đeo đuổi tán tỉnh. Lúc còn nhỏ thì tôi cũng ích kỷ, không thích mẹ tôi thân thiết với người đàn ông nào cả. Sau này đã là người đàn ông trưởng thành, tôi mới có dịp nghĩ lại, thấy mẹ tôi đúng là một nhan sắc mặn mà. Và khi đó tôi mới thấy tiếc cho mẹ tôi, mới thấy thương bà quá" - ông từng chia sẻ với PNVN trong một cuộc trò chuyện cách đây khoảng chục năm...


Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh sinh năm 1933 tại làng Cổ Nhuế, Hà Nội. Năm 1951 ông đỗ Đại học Y Hà Nội, năm 1953 đi bộ đội, làm y tá, sau chuyển sang dạy văn hóa trong quân đội. Sau đó ông về làm phóng viên tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội, phóng viên báo Thiếu niên Tiền phong rồi nghỉ hưu non năm 1973. Ông viết văn từ năm 1957. Tác phẩm chính đã xuất bản: Rừng sâu (tập truyện ngắn, 1963), Miền hoang tưởng (tiểu thuyết 1990), George Sand - nhà văn của tình yêu (chân dung văn học, 1993), Hồ Quý Ly (tiểu thuyết, 2000), Hai đứa trẻ và con chó mèo xóm núi (truyện vừa thiếu nhi, 2002), Mưa quê (tập truyện ngắn thiếu nhi, 2003), Mẫu thượng ngàn (tiểu thuyết, 2006), Đội gạo lên chùa (tiểu thuyết, 2011), Chuyện ngõ nghèo (tiểu thuyết, 2016).

Tác phẩm của ông đã được trao nhiều giải lớn như giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội, giải Thăng Long, giải Sách hay... Ông cũng là dịch giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng như: Chuông nguyện hồn ai, Những quả vàng, Tâm lý học đám đông...

Nguyễn Xuân Khánh qua đời chiều 12/6/2021, thọ 88 tuổi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm