‘Vì lá phổi khỏe’ nâng chất lượng sức khỏe bệnh nhân hen và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

14/11/2019 - 15:29
Tại Việt Nam, các bệnh không lây nhiễm chủ yếu bao gồm tim mạch, ung thư, đái tháo đường, hen và bệnh phổi tắt nghẽn mãn tính (BPTNMT) đang gia tăng nhanh chóng, chiếm tới 73% tổng số ca tử vong và 66% tổng số gánh nặng bệnh tật.

Với mục tiêu nâng cao chất lượng quản lý bệnh hen và BPTNMT tại Việt Nam, chương trình hợp tác "Vì lá phổi khỏe" được đưa vào triển khai từ năm 2017, kéo dài trong 3 năm, giúp cải thiện chất lượng quản lý bệnh nhân ngoại trú mắc hen và BPTNMT tại Việt Nam.

 

GS. TS. BS. Ngô Quý Châu - Chủ tịch Hội Hô hấp Việt Nam, Chủ tịch Hội nghị Hội Hô hấp Châu Á Thái Bình Dương 2019 (APSR)

 

Dữ liệu được ghi nhận trong vòng 12 tháng tại UMAC thuộc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hải Phòng, cho thấy nhờ triển khai chương trình, tỷ lệ nhập viện của bệnh nhân hen đã giảm từ 29,3% xuống 6,2%, nhóm bệnh nhân BPTNMT giảm từ 51% xuống 32%. Tại đơn vị này, số bệnh nhân đã kiểm soát được một phần bệnh hen tăng đến 50%, trong khi đó có thêm 28,1% số bệnh nhân có thể kiểm soát toàn bộ căn bệnh. Nhìn chung, các UMAC đã đem lại thay đổi đáng kể giúp giảm 78,1% trường hợp không kiểm soát bệnh.

Từ hiệu quả quản lý bệnh cải thiện rõ rệt tại đơn vị UMAC thuộc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hải Phòng, AstraZeneca cùng với các đối tác tiếp tục cam kết thực hiện nghiên cứu đo lường tác động của chương trình "Vì lá phổi khỏe". 

Nghiên cứu này sẽ đo lường tác động hiệu quả lâm sàng cũng như đặc điểm của bệnh hô hấp (mức độ kiểm soát bệnh, tỷ lệ trầm trọng, chức năng phổi) và phương pháp điều trị được sử dụng trong điều trị hen và BPTNMT cũng như tuân thủ của bệnh nhân với việc điều trị. 

Ngoài ra, nghiên cứu sẽ đánh giá hiệu quả kinh tế trong việc quản lý hen và BPTNMT từ chương trình "Vì lá phổi khỏe". Kết quả nghiên cứu sẽ được công bố trong quý 4 năm 2020 với kỳ vọng mô hình Phòng quản lý Hen và BPTNMT sẽ được triển khai rộng khắp cả nước. 

 

Tính đến tháng 10/2019, chương trình đã mang lại những kết quả trên 3 phương diện cốt lõi:

- Hợp tác và nhận thức: giải quyết các thách thức trong việc quản lý bệnh hen và BPTNMT hiện tại qua việc góp phần thiết lập Bộ tiêu chí “Đơn vị quản lý hen và BPTNMT” áp dụng thí điểm trong chương trình “Vì Lá Phổi Khỏe” tại Việt Nam giai đoạn 2017-2020.

- Hạ tầng và khả năng tiếp cận: Chương trình được triển khai trên phạm vi toàn quốc, hỗ trợ thành lập và cải thiện 65 đơn vị quản lý bệnh hen và BPTNMT (còn gọi là UMAC), giúp hơn 89.000 bệnh nhân được tiếp cận điều trị tốt hơn, tầm soát hơn 4.642 người có nguy cơ mắc bệnh hô hấp, hỗ trợ các chương trinh giáo dục về cách thức kiểm soát bệnh hen và BPTNMT cho hơn 11.325 bệnh nhân thông qua các câu lạc bộ dành bệnh nhân.

- Kiến thức và kỹ năng: Chương trình đã tổ chức các buổi sinh hoạt khoa học cập nhật kiến thức y khoa cho hơn 1.410 cán bộ y tế, đặc biệt hỗ trợ đào tạo và cấp bằng chứng nhận cho 94 cán bộ y tế và y tá.

Cuối năm 2017, AstraZeneca công bố triển khai chương trình "Vì lá phổi khỏe', đây là hoạt động hợp tác giữa AstraZeneca, Chính phủ các nước và các hiệp hội chuyên ngành tại 9 quốc gia trong khu vực Châu Á trong đó có Việt Nam, với mục tiêu nâng cao nhận thức về các bệnh hô hấp như hen, BPTNMT và ung thư phổi, đồng thời xây dựng năng lực cho hệ thống y tế tại các quốc gia để quản lý các bệnh này. Tại Việt Nam, dự án được phối hợp thực hiện bởi AstraZeneca cùng các đối tác gồm Cục Quản lý Khám Chữa bệnh - Bộ Y tế, Hội Hô hấp Việt Nam, Hội Phổi Việt Nam, Hội Hen - Dị ứng - Miễn dịch lâm sàng TP.HCM.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm