Vụ việc “chồng lén đưa 2 con sang nước ngoài sinh sống”: Viện KSND cấp cao TPHCM quyết định kháng nghị giám đốc thẩm

Đinh Thu Hiền
11/04/2022 - 15:15
Vụ việc “chồng lén đưa 2 con sang nước ngoài sinh sống”: Viện KSND cấp cao TPHCM quyết định kháng nghị giám đốc thẩm

Ảnh minh họa

Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm này đã xét toàn diện các đề nghị của bà Trần Thị Thanh H. về việc tranh chấp nuôi con và chia tài sản sau ly hôn với ông Lâm Hải T.; tạm đình chỉ thi hành án đối với Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm của Tòa án Nhân dân TPHCM đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Tình mẫu tử bị chia cắt

Báo PNVN từng có loạt bài "Ly hôn xong, chồng lén đưa 2 con sang nước ngoài sinh sống" phản ánh về vụ án ly hôn, tranh chấp nuôi con, chia tài sản sau ly hôn giữa chị Trần Thị Thanh H. (SN 1978), ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM và anh Lâm Hải T. (SN 1962), Việt kiều đang sinh sống tại Mỹ.

Theo đó, cả bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều đồng ý cho anh Lâm Hải T. và chị Trần Thị Thanh H. ly hôn, đồng ý cho anh T. được toàn quyền nuôi 2 con. Tòa phúc thẩm cũng không chấp nhận yêu cầu của chị H. về yều cầu được chia số tiền 70 tỉ đồng từ toàn bộ thu nhập của anh T. từ thời điểm kết hôn đến tháng 5/2020, tương đương 50% thu nhập chịu thuế theo văn bản của Cục thuế TPHCM.

Mọi sự bị đẩy lên căng thẳng hơn sau khi tòa tuyên án, anh T. đã không cho chị H. gặp mặt các con, dẫn các con ra ngoài thuê khách sạn ở và ngày 28/5/2021, anh T. đã lén đưa 2 con xuất cảnh về Mỹ mà chị H. không hề hay biết. Khi sang Mỹ, anh T. cắt đứt toàn bộ liên lạc với chị H. và gia đình bên ngoại. Chị H. đã cố gắng liên lạc nhiều lần với chồng cũ qua zalo, whapsapp, facetime nhưng anh Lâm Hải T. đã không trả lời. Chị H. cũng gọi facetime cho các con nhưng các con của chị không nghe máy.

Về chia tài sản, chị H. mong muốn được đề nghị làm rõ số tiền anh Lâm Hải T. được nhận thu nhập từ công ty bảo hiểm và 3 căn nhà tại Mỹ trong thời gian hôn nhân được mua trị giá hơn 2,2 triệu USD. Chị H. suốt thời gian qua đã gửi đơn thư cầu cứu tới nhiều cơ quan, đoàn thể có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ và trẻ em, sau các nỗ lực liên lạc với chồng cũ và các con không có kết quả.

Niềm hy vọng của bà mẹ trẻ

Vừa qua, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) cấp cao TPHCM đã ra Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm số 8/QĐKNGĐT-VC3-VP đối với Bản án hôn nhân gia đình số 469/2021/HNGĐ-PT ngày 17/5/2021 của TAND TPHCM. Theo đó, cơ quan này cho biết, về quan hệ hôn nhân, ông Lâm Hải T. và bà Trần Thị Thanh H. là vợ chồng, có đăng ký kết hôn tại UBND TPHCM ngày 8/1/2009. Ông T. và bà H. có 2 con chung là Lâm N.M, sinh ngày 4/5/2009 và Lâm T.H, sinh ngày 23/5/2014. Do ông T. và bà H. không hợp nhau về tính cách, quan điểm sống, đặc biệt là trong cách nuôi dạy các con, cuộc sống chung không hạnh phúc nên tòa án công nhận việc thuận tình ly hôn giữa ông T. và bà H. là đúng với quy định tại Điều 55 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014.

"Xét thấy, với vị trí việc làm của ông T. là Tổng Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Bảo hiểm nhân thọ C. Việt Nam thì ông T. rất bận công việc, thường xuyên phải đi công tác, không đảm bảo thời gian chăm sóc các con. Trong khi đó, bà H. có việc làm, thu nhập ổn định, có nhà riêng tại TPHCM. Bà H. là người trực tiếp chăm sóc, nuôi dưỡng các con. Từ khi sinh cháu Lâm T.H, bà H. đã nghỉ việc để dành thời gian chăm sóc các con. Đồng thời, các trẻ đang chuẩn bị bước vào giai đoạn dậy thì, sẽ có nhiều thay đổi về tâm sinh lý nên rất cần sự quan tâm, chăm sóc của người mẹ. Tuy nhiên, khi giải quyết về vấn đề nuôi con chung, Toà án hai cấp chỉ xem xét đến điều kiện vật chất mà chưa xem xét đến yếu tố tinh thần cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ. Quá trình giải quyết vụ án, cháu H. là con gái, gần đủ 7 tuổi nhưng tòa án cũng không tham khảo ý kiến của trẻ để xem xét, cân nhắc là chưa thu thập, đánh giá toàn diện các chứng cứ. Mặt khác, ông T. và các con có quốc tịch Mỹ, trong khi bà H. có quốc tịch Việt Nam. Việc Tòa án hai cấp giao các con cho ông T. trực tiếp nuôi sẽ ảnh hưởng đến việc thăm nom, chăm sóc con chung của bà H. khi ông T. cùng các con sang Mỹ sinh sống", Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm phân tích.

Cũng tại Quyết định này đã đề cập tới việc tranh chấp tài sản sau ly hôn của ông T. và bà H. Theo đó, bà H. yêu cầu được chia 50% thu nhập của ông T. trong thời kỳ hôn nhân. Tòa án hai cấp không chấp nhận yêu cầu của bà H. vì cho rằng bà H. không cung cấp được chứng cứ chứng minh quá trình chung sống và cho đến hiện tại khối tài sản chung của các bên là 138.721.627.732 đồng.

"Xét thấy, trong quá trình giải quyết vụ án, bà H. đã cung cấp Văn bản số 4997/CT HKDCN ngày 12/5/2020 của Cục thuế TPHCM có nội dung xác định tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của ông T. từ tháng 1/2009 đến tháng 5/2020 là 138.721.627.732 đồng (Bút lục 551) và theo xác nhận của Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ C. Việt Nam thì tiền vé máy bay về thăm nhà, tiền thuê nhà, điện nước, chi phi đi lại bằng xe hơi và chi phí đi học của các con tại Việt Nam đều do Công ty chi trả và đài thọ (Bút lục 546). Ông T. cho rằng số tiền trên thực tế không còn tồn tại bởi ông T. đã sử dụng chi tiêu cho các sinh hoạt gia đình, chi phí hiếu hỉ, ma chay và các mối quan hệ xã hội phục vụ cho công việc của ông T. (Bút lục 1086), thì nghĩa vụ chứng minh trong trường hợp này thuộc về ông T. mà không phải là của bà H. Mặt khác, Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định: Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân..". Do đó, tổng thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của ông T. từ tháng 1/2009 đến tháng 5/2020 là tài sản chung của ông T. và bà H. trong thời kỳ hôn nhân. Bà H. yêu cầu chia tài sản chung là thu nhập của ông T. được xác định trong Văn bản số 4997/CT-HKDCN ngày 12/05/2020 của Cục thuế TPHCM, chứ không yêu cầu chia theo văn bản này. Toà án hai cấp cho rằng, Văn bản số 4997/CT-HKDCN ngày 12/5/2020 của Cục thuế TPHCM không phải là giấy tờ có giá trị, không phải là tài sản để không chấp nhận yêu cầu chia tài sản chung của bà H., là nhận thức không đúng về đối tượng khởi kiện và áp dụng không đúng pháp luật Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014. Quá trình giải quyết vụ án, ông T. không cung cấp được chứng cứ về việc sử dụng số tiền thu nhập trên nên có cơ sở để chấp nhận yêu cầu của bà H. về chia 50% thu nhập của ông T. trong thời kỳ hôn nhân", Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm chỉ rõ.

Vì các lẽ trên, Viện KSND cấp cao TPHCM đã quyết định kháng nghị giám đốc thẩm một phần Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 469/2021/HNGĐ-PT ngày 17/5/2021 của TAND TPHCM về con chung và chia tài sản chung. Và đề nghị Ủy ban Thẩm phán TAND cấp cao tại TPHCM, căn cứ Điều 344 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 xét xử giám đốc thẩm theo hướng hủy một phần Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 469/2021/HNGĐ-PT ngày 17/5/2021 của TAND TPHCM và Bản án hôn nhân gia đình sơ thẩm số 511/2020/HNGĐ-ST ngày 29/9/2020 của TAND quận 1, TPHCM, về con chung và chia tài sản chung để xét xử sơ thẩm lại theo hướng phân tích trên.

Viện KSND cấp cao TPHCM cũng đề nghị tạm đình chỉ thi hành đối với Bản án hôn nhân gia đình phúc thẩm số 469/2021/HNGĐ-PT ngày 17/5/2021 của TAND TPHCM đến khi có quyết định giám đốc thẩm.

Trao đổi với phóng viên Báo PNVN chiều ngày 5/4/2022, chị Trần Thị Thanh H. cho biết rất cảm ơn Quyết định kháng nghị giám đốc thẩm của Viện KSND cấp cao TPHCM đã thấu hiểu sự bất công của 2 bản án sơ thẩm và phúc thẩm trước đó và nỗi đau của người mẹ bị tước mất quyền nuôi 2 con. "Đến nay đã gần 1 năm mẹ con tôi bị chia lìa tình mẫu tử. Tôi rất mong muốn có kết quả sớm của quyết định giám đốc thẩm để đòi lại công bằng cho bản thân và các con", chị Trần Thị Thanh H. chia sẻ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm