2 chị em nghệ nhân bảo tồn không gian quan họ cổ

2 chị em nghệ nhân Nguyễn Thị Sang (trái) và Nguyễn Thị Thềm giới thiệu áo của người chơi quan họ

2 chị em nghệ nhân Nguyễn Thị Sang (trái) và Nguyễn Thị Thềm giới thiệu áo của người chơi quan họ

Vào một ngày mùa đông se lạnh, chúng tôi tìm về khu phố Viêm Xá, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh) để thăm bảo tàng quan họ mà 2 chị em nghệ nhân Nguyễn Thị Sang (69 tuổi) và Nguyễn Thị Thềm (64 tuổi) đã cất công sưu tầm nhiều năm qua.

Quan họ đã ngấm vào máu

Nghệ nhân Nguyễn Thị Sang và Nguyễn Thị Thềm là 2 chị em ruột, sinh ra ở làng Diềm (nay là khu phố Viêm Xá) - được xem là đất quan họ cổ. Là con gái của liền chị có tiếng ở xứ Kinh Bắc xưa nên ngay từ trong bụng mẹ, 2 chị em đã được mẹ ru những làn điệu dân ca quan họ mượt mà thấm đẫm tình người. Lên 6-7 tuổi, 2 chị em đã hát thành thạo các bài quan họ cổ với những luyến láy, nhả chữ rất khó. 

"Ngày xưa, trong làng có đoàn ca quan họ, 2 chị em thường theo mẹ đến nhà chứa quan họ (nơi tập trung các liền anh, liền chị trong làng) để học hát. Các cụ chủ yếu dạy theo cách truyền miệng, theo kinh nghiệm là chính", nghệ nhân Sang kể.

Nghệ nhân Sang cho hay, quan họ ngấm vào máu 2 chị em, lại được thường xuyên tiếp xúc với những liền anh, liền chị là bạn hát của mẹ nên tự lúc nào, những làn điệu quan họ cổ vang, rền, nền, nảy mượt mà cứ ngự trị trong tâm trí. Ngày còn bé, vừa làm việc, 2 chị em vừa học ca, hát một cách say mê. Với sự rèn giũa của mẹ và học các nghệ nhân trong làng, giọng ca quan họ của 2 chị em không chỉ nổi tiếng ở làng Diềm mà còn vang xa trong và ngoài tỉnh. 

Hai chị em nghệ nhân bảo tồn không gian quan họ cổ - Ảnh 1.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm giới thiệu áo quan họ trong bộ sưu tập

Cũng vì có giọng ca hay, 2 chị em nghệ nhân Sang và Thềm được chọn đi biểu diễn, quảng bá quan họ ở nhiều nước trên thế giới. "Dân ca quan họ đối với chúng tôi như cơm ăn, nước uống. Mỗi khi hát quan họ, chúng tôi cảm thấy cuộc sống tươi vui, tinh thần sảng khoái", nghệ nhân Sang chia sẻ.

Ngồi bên cạnh, nghệ nhân Thềm tâm sự, bây giờ hát quan họ có nhiều thay đổi so với trước. Ngày nay, trang phục quan họ cũng khác được may tối giản hơn so với thời các cụ. "Các cụ xưa phải mặc đủ 3 lớp áo nhưng bây giờ người ta không mặc vậy nên khi may, người ta may thêm cái lật khác màu ở viền cổ áo, khi mặc thì lật ra để tượng trưng cho các lớp áo. Hay như xà tích (đựng kim chỉ, trầu cau) lớp trẻ chơi quan họ ngày nay ít người biết", nghệ nhân Thềm cho biết.

Xuất phát từ tình yêu quan họ, 2 chị em nghệ nhân Sang và Thềm ấp ủ sưu tầm tư liệu, hiện vật liên quan đến quan họ cổ. Từ năm 2010, nghệ nhân Sang và Thềm đã đi đến các gia đình trong làng Diềm xin mua lại những hiện vất quý như bộ quần áo, khăn vấn, giày dép của các liền anh, liền chị thế hệ trước. Không dừng lại ở đó, 2 chị em nghệ nhân Sang và Thềm còn đến những làng quan họ cổ khác trong tỉnh để sưu tầm, mua lại những hiện vật với mong muốn để lớp con cháu, thế hệ sau chơi quan họ biết và hiểu về việc chơi quan họ của các cụ ngày xưa. 

Hai chị em nghệ nhân bảo tồn không gian quan họ cổ - Ảnh 2.

Một góc trưng bày của bảo tàng

"Có nhiều trường hợp, 2 chị em tôi phải khó khăn lắm mới thuyết phục được. Lần đó, chúng tôi đến nhà một bậc lão niên trong làng ngỏ lời xin cụ bộ quan họ xưa. Cụ cứ ngần ngừ mãi nói là bộ quần áo đó đã theo cụ cả tuổi thanh xuân cho đến tận bây giờ. Nó là minh chứng cả quãng đời sôi nổi, yêu quan họ của cụ. Thế nên cụ muốn khi qua đời sẽ mang theo bộ quần áo đó cùng mình sang thế giới bên kia. Khi biết được ý nghĩa việc làm của 2 chị em tôi, cụ mới đồng ý để lại bộ quần áo quan họ", nghệ nhân Sang kể.

Trong bảo tàng quan họ, ngoài những bộ quần áo xưa, những chiếc dây xà tích và những đôi hài đậm chất quan họ thì còn có rất nhiều vật dụng khác phục vụ cho cuộc vui quan họ. Chỉ vào chiếc mâm cổ, bà Thềm giải thích: "Cỗ của người quan họ thường là xếp 3 tầng, trong lòng mâm sẽ bày mấy bát miến măng, phía trên vành mâm sẽ bày thịt gà, giò và phía ngoài vòng quanh mâm sẽ bày xôi chè, bánh trái". Cạnh đó là một chiếc nồi đồng, chuyên dùng để nấu cơm cho các liền anh, liền chị. Các dịp hát quan họ thường diễn ra vào các ngày lễ của làng, hay các anh hai, chị hai có con cái lấy vợ gả chồng. Mỗi dịp như thế này thì hội quan họ sẽ hát thâu đêm suốt sáng...

Hai chị em nghệ nhân bảo tồn không gian quan họ cổ - Ảnh 3.

Các dụng cụ nấu ăn cho người chơi quan họ cổ

Nghệ nhân Thềm sử dụng ngôi nhà nhỏ hơn 30m2 của gia đình để làm không gian lưu giữ và trưng bày "đồ nghề", hiện vật liên quan đến quan họ mà 2 chị em sưu tầm được. Đến nay, 2 nghệ nhân đã tìm được hơn 10 bộ quần áo, giày dép, khăn vấn và các vật dụng khác của các liền anh, liền chị quan họ truyền thống. Có bộ quần áo của chị hai, anh hai quan họ tuổi đời gần 80 năm.

Biết tin nghệ nhân Sang, Thềm mong muốn lập bảo tàng quan họ, nhiều người dân Bắc Ninh cũng xin góp sức bằng các hiện vật, sách nghiên cứu về quan họ. Điển hình, anh Nguyễn Hải Nam (người Bắc Ninh) công tác ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu không ngại bỏ công, góp của để tìm những cuốn sách, tư liệu viết về quan họ. Đến nay, anh Nam đóng góp vào bảo tàng quan họ của hai nghệ nhân hơn 50 đầu sách viết về quan họ...

Hai chị em nghệ nhân bảo tồn không gian quan họ cổ - Ảnh 4.

Dép của người chơi quan họ

Truyền dạy quan họ cổ cho lớp trẻ

Từ những năm 1990, nhiều em nhỏ trong làng Diềm bắt đầu tìm đến nhà nghệ nhân Sang và Thềm để học hát quan họ. Vào dịp nghỉ hè, các em học sinh trong và ngoài làng yêu thích quan họ lại đến nhà 2 nghệ nhân để học ca. Cứ như thế, nghệ nhân Sang và Thềm trở thành người truyền dạy làn điệu quan họ, trong đó có những bài hát cổ cho thế hệ sau.

"Mới đầu, chỉ là các em nhỏ, người dân trong làng yêu quan họ tìm đến học. Sau đó, tiếng lành đồn xa, những người yêu quan họ ở trong và ngoài tỉnh Bắc Ninh cũng về nhà chúng tôi học hát. Chúng tôi không chỉ dạy hát mà còn chỉ bảo cách ăn mặc, chào hỏi, ứng xử cho đúng với cách chơi quan họ cổ của ông cha. Chúng tôi dạy bằng cái tâm, không lấy một đồng nào", nghệ nhân Sang nói.

Hai chị em nghệ nhân bảo tồn không gian quan họ cổ - Ảnh 5.

"Với mong muốn, nguyện vọng bảo tồn, lan tỏa quan họ cho nhiều người và để lại cho thế hệ sau biết, hiểu về quan họ cổ nên 2 chị em chúng tôi cố gắng chừng nào còn có thể"

Chị Ngô Thị Tiện (48 tuổi), ở khu phố Viêm Xá, là một người rất yêu quan họ và qua sự chỉ dạy của 2 nghệ nhân Sang và Thềm, chị đã đoạt giải trong một lần thi hát quan họ do tỉnh Bắc Ninh tổ chức. "Tôi mê quan họ từ lâu nhưng gia đình làm nông nên không có điều kiện học hát. Dẫu vậy, tôi luôn đắm đuối với các làn điệu quan họ cổ. Mấy năm trước, các con đã lớn, việc đồng áng cũng nhàn hơn, tôi bắt đầu theo nghệ nhân Sang và Thềm học hát quan họ cổ. Ngày đi làm, tối tôi lại đến nhà nghệ nhân Sang và Thềm luyện hát. Tôi đã biết hát nhiều bài quan họ cổ nên cảm thấy rất hạnh phúc", chị Tiện chia sẻ.

Hiện tại, ở khu phố Viêm Xá có Câu lạc bộ quan họ cổ với hơn 100 thành viên tham gia, người già nhất là cụ Phụng đã ngoài 90 tuổi, tuy không còn hát được như trước nhưng cụ vẫn hăng say với làn điệu quan họ cổ và công việc truyền dạy cho thế hệ trẻ trong câu lạc bộ. "Chủ yếu là các bạn nhỏ và những người trung tuổi trong khu phố tham gia học hát chứ giờ đây thanh niên lại không mặn mà với những làn điệu quan họ cổ bởi họ bận đi làm khu công nghiệp, làm ca kíp. Với lại người trẻ thích các dòng nhạc khác như nhạc trẻ, nhạc bolero nên trách nhiệm lan tỏa quan họ của chị em chúng tôi lại vất vả hơn...", nghệ nhân Sang chia sẻ thêm.

Theo nghệ nhân Sang, từ năm 2012, nhiều người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam say mê quan họ cũng tìm đến gặp bà và nghệ nhân Thềm để tìm hiểu, rồi yêu những làn điệu quan họ. Cũng từ đây, nhiều người nước ngoài là học trò của nghệ nhân Sang và Thềm hay khách du lịch nước ngoài khi đến tham quan làng Diềm cũng ở lại nhiều ngày để cùng học hát với 2 nghệ nhân.

"Với mong muốn, nguyện vọng bảo tồn và lan tỏa quan họ cho nhiều người và để lại cho thế hệ sau biết, hiểu về quan họ cổ nên 2 chị em chúng tôi cố gắng chừng nào còn có thể", nghệ nhân Sang bộc bạch.

Năm 2010, nghệ nhân Nguyễn Thị Sang và nghệ nhân Nguyễn Thị Thềm được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tặng Bằng khen vì có những đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng hồ sơ trình UNESCO ghi danh Dân ca quan họ Bắc Ninh vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn