20 năm "thắp hy vọng" cho những đứa trẻ đặc biệt

26/04/2023 17:30
Bà Đỗ Thúy Nga chia sẻ, việc sáng lập ra Trung tâm Hy vọng như một cách để bà trả ơn cuộc đời

Bà Đỗ Thúy Nga chia sẻ, việc sáng lập ra Trung tâm Hy vọng như một cách để bà trả ơn cuộc đời

20 năm dành tâm huyết cho những đứa trẻ đặc biệt, bà Đỗ Thúy Nga coi đó là một cách để trả ơn cuộc đời. Từ ngôi nhà Hy vọng này, nhiều đứa trẻ tưởng chừng sẽ là gánh nặng của gia đình, xã hội đã trưởng thành.

Về hưu đi làm giám đốc

Căn nhà 4 tầng màu vàng khang trang gắn biển "Trung tâm Hy vọng" nằm sâu bên trong ngõ 290 phố Kim Mã (quận Ba Đình, Hà Nội) từng ngày luôn đầy ắp tiếng ê a, những câu nói đứt đoạn của những đứa trẻ khiếm khuyết về trí tuệ. 

Hơn 20 năm qua, đây là địa chỉ của nhiều phụ huynh gửi gắm hy vọng cho đứa con thiệt thòi của mình. Giám đốc trung tâm là cụ bà năm nay đã bước sang tuổi 80. Theo bà Nga, việc lập ra Trung tâm Hy vọng như một cách để bà trả ơn cuộc đời, nhen nhóm lên niềm hy vọng được hòa nhập cuộc sống đối với những đứa trẻ bị thiệt thòi.

Làm về công tác chăm sóc giáo dục nhưng ít ai biết trước đây, bà Nga tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội và là bác sĩ đầu tiên công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất (tỉnh Hà Tây cũ, nay là ngoại thành Hà Nội) với chuyên môn bác sĩ Nhi khoa. Bà Nga công tác trong ngành Y được hơn 10 năm trước khi chuyển sang làm công tác xã hội và giáo dục.

Bà Nga bảo, vì chuyên môn là một bác sĩ Nhi khoa nên bà có cơ hội tiếp xúc nhiều với trẻ nhỏ, trong đó có cả những trường hợp trẻ bị khiếm khuyết về trí tuệ. Cá biệt có những trường hợp gia cảnh của trẻ rất éo le. 

“Tôi mở ra trung tâm này không phải chủ trương để làm kinh tế nên mức lương sẽ thấp hơn bên ngoài rất nhiều. Tôi rất cảm kích khi có giáo viên tâm sự rằng chỉ cần được làm việc với tôi là thấy tâm an, dù chỉ cho họ ăn 1 bữa họ vẫn sẽ gắn bó với trung tâm. có những giáo viên đã gắn bó với tôi gần 20 năm rồi”.

Bà Đỗ Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Hy vọng (Ba Đình, Hà Nội)

"Thời đó, ngoài làm việc tại bệnh viện, tôi mở thêm một phòng khám nhi tại nhà để có thêm thu nhập. Tuy nhiên, trong quá trình thăm khám, cứ gặp trường hợp nào có hoàn cảnh khó khăn là tôi lại đỡ đần tiền thuốc, tiền thăm khám, có khi còn đi đêm về hôm để thăm khám cho bệnh nhi. 

Những đứa trẻ đặc biệt của bà giám đốc 80 tuổi
 - Ảnh 2.

Bà Đỗ Thúy Nga gắn bó với những đứa trẻ ở Trung tâm Hy vọng như “máu mủ” của mình

Cũng chính vì thế mà phòng khám mở ra nhưng thu nhập không có để phụ giúp gia đình mà còn thêm vất vả vào bản thân. Kết quả là phòng khám hoạt động được hơn 2 năm phải đóng cửa", bà Nga chia sẻ.

Sau 10 năm gắn bó với bệnh viện, bà Nga chuyển sang công tác tại Ủy ban Bảo vệ bà mẹ và trẻ em rồi sau đó làm cán bộ Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ba Đình. Quãng thời gian đó, bà Nga được giao phụ trách khối Tiểu học và Trung học cơ sở. 

Đặc thù công việc nên bà thường có những cuộc kiểm tra, dự giờ ở các trường trên địa bàn. Trong những lần như thế, điều khiến bà Nga suy nghĩ nhiều là việc ở lớp học nào, giờ học nào bà dự giờ cũng đều có những em bé vô cùng đặc biệt. Bà Nga bảo đó là những đứa trẻ đã "ngồi nhầm chỗ". 

"Có những trường hợp học hết lớp 4 nhưng không biết đọc, biết viết. Thực trạng là thế nhưng trẻ vẫn được ngồi và cuối năm vẫn được lên lớp. Chứng kiến những điều đó, tôi cảm thấy rất băn khoăn và thấy tội cho những đứa trẻ ấy", bà Nga tâm sự.

Sau nhiều đêm trăn trở với những suy nghĩ về tương lai của những đứa trẻ khiếm khuyết, khi nghỉ hưu, bà Nga quyết định tập hợp những giáo viên có tâm, tình yêu thương trẻ để thành lập ra Trung tâm Hy vọng. 

"Khi đó, khoảng hơn 10 trẻ mang trong mình nhiều loại bệnh như down, bại não sau, viêm màng não, chậm phát triển ngôn ngữ và trí tuệ… được tôi giảng dạy. Thời đó, những trường hợp trẻ bị nặng như vậy không có ngôi trường nào dám nhận nên các bé chỉ có thể ở nhà để được người thân trông nom. Do đó, khi biết có nơi nhận trông, phụ huynh phấn khởi lắm", bà Nga chia sẻ.

"Tiếng lành đồn xa", trung tâm tiếp nhận nhiều trẻ, không chỉ riêng Hà Nội mà khắp 23 tỉnh, thành trong Nam lẫn cả ngoài Bắc. Thời điểm vài năm trước, số trẻ sinh hoạt, học tập tại trung tâm lên đến con số 70. Có thời điểm, bà Nga phải tổ chức dạy luân phiên hay cho một số học sinh "tốt nghiệp sớm" để dành chỗ cho học sinh nặng. 

Đến nay, Trung tâm Hy vọng đã tiếp nhận, chăm sóc và dạy dỗ cho trên 300 trẻ. Nhiều trẻ sau thời gian học tập tại trung tâm đã ra ngoài hoà nhập, trưởng thành.

Bà Nga chia sẻ, việc mở trung tâm đã khó nhưng tìm được đội ngũ giáo viên có tâm, yêu thương trẻ còn khó hơn rất nhiều. Thời gian đầu, nhiều người đến rồi lại ra đi sau ít bữa phần nhiều do công việc vất vả nhưng mức lương không được cao. 

"Trẻ theo học tại đây có nhiều trường hợp vô cùng khó khăn, kinh tế gia đình không có nên tôi chỉ thu tiền ăn, tiền sinh hoạt của các cháu", bà nói. Tuy nhiên, bà Nga vui khi có sự đồng hành của 15 giáo viên có chuyên môn và đồng điệu với bà trong việc nuôi dạy trẻ.

Mỗi trẻ theo học ở Trung tâm đều có hồ sơ riêng, có phiếu đánh giá hàng tháng gồm 5 mặt (vận động thô, vận động tinh, cảm xúc, cá nhân xã hội, ngôn ngữ). Các mặt cần can thiệp, bà xây dựng chương trình riêng và làm biểu đồ theo dõi. 

Bà Nga chia sẻ rằng do tuổi tác đã cao nên bà không thể nhớ hết được từng đứa trẻ đã theo học tại trung tâm. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp để lại ấn tượng sâu sắc đối với bà. Bà Nga kể về trường hợp của em Hoàng Thục Anh. Em này bị liệt nửa người bên phải, viết bằng tay trái, thêu cũng bằng tay trái nhưng rất giỏi, gấp con chim én chỉ chưa đầy 5 phút bằng một tay.

 Sau khi "ra trường", thỉnh thoảng, Thục Anh vẫn gọi điện hỏi thăm sức khoẻ bà Nga. Hay như cô bé Mai Thuỷ năm 3 tuổi được gửi đến trung tâm trong tình trạng chậm nói, kém phát triển. 3 năm gắn bó dưới sự dìu dắt của bà Nga, cô bé thi và nhận được học bổng của 6 trường tại Mỹ.

Với những đóng góp của bản thân, bà Đỗ Thúy Nga đã được vinh danh là 1 trong 10 gương mặt phụ nữ thủ đô tiêu biểu năm 2022.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn