6 đề xuất đẩy mạnh công tác cán bộ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi

30/07/2023 14:31
Ông Âu Thế Thái, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang. Ảnh: PVH

Ông Âu Thế Thái, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang. Ảnh: PVH

Tỉnh Tuyên Quang có tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ, HĐND, ĐBQH và các tổ chức chính trị trên địa bàn luôn đạt và vượt yêu cầu của Trung ương quy định.

Ông Âu Thế Thái, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang, chia sẻ những kinh nghiệm của tỉnh trong việc thực hiện công tác cán bộ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

PV: Những năm qua, Tuyên Quang luốn là tỉnh thuộc tốp đầu về tỷ lệ phụ nữ tham chính, nắm giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, xin ông chia sẻ rõ hơn những kết quả cũng như kinh nghiệm, bài học cụ thể trong công tác cán bộ nữ tại địa phương?

Ông Âu Thế Thái: Những năm qua, Tỉnh ủy Tuyên Quang luôn đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số nói riêng. Đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh ngày càng trưởng thành, chất lượng cán bộ nữ được nâng cao; tỷ lệ cán bộ nữ của tỉnh tham gia cấp ủy, Hội đồng nhân dân các cấp, đại biểu Quốc hội và các tổ chức trong hệ thống chính trị các nhiệm kỳ qua đều đạt và vượt yêu cầu của Trung ương quy định.

Hiện nay, Tuyên Quang có tổng số cán bộ nữ là 11.144/18.077 (chiếm 61,65%) tổng số cán bộ toàn tỉnh (cấp tỉnh, cấp huyện). Chất lượng đội ngũ cán bộ nữ ngày càng tăng. Tỷ lệ có trình độ đại học trở lên chiếm 55,05% (làm việc trong các cơ quan, tổ chức hành chính 98,02%; trong các đơn vị sự nghiệp 51,24%).

Để đạt được kết quả trên, tỉnh Tuyên Quang rút ra những kinh nghiệm cụ thể:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng, lãnh đạo các ngành, các cấp luôn quan tâm chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ nữ, chú trọng phát hiện, mạnh dạn giới thiệu những cán bộ nữ có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển để đưa vào quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo ở các cấp. Từ đó đã chủ động tạo được nguồn cán bộ nữ ở các cấp đáp ứng cả về số lượng và chất lượng.

Thứ hai, gắn chặt chẽ công tác quy hoạch cán bộ với việc đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ; trên cơ sở quy hoạch lựa chọn cán bộ nữ có năng lực và triển vọng phát triển để cử đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị; đồng thời phải tin tưởng, mạnh dạn giao nhiệm vụ cao hơn cho cán bộ nữ để rèn luyện thử thách qua thực tiễn.

Thứ ba, đặc biệt coi trọng vai trò của người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị, vì vậy nơi nào người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị thực sự quan tâm, chăm lo công tác cán bộ nữ thì ở nơi đó chuẩn bị được đội ngũ cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

6 đề xuất đẩy mạnh công tác cán bộ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi - Ảnh 1.

Ông Âu Thế Thái, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Tuyên Quang phát biểu tại một hội thảo về phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ tại tỉnh Yên Bái vừa qua. Ảnh PVH

PV: Với đặc thù tỉnh miền núi, đông đồng bào dân tộc thiểu số, công tác phụ nữ ở những khu vực, địa bàn này còn gặp những khó khăn gì, thưa ông?

Ông Âu Thế Thái: Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện, tham gia Hội đồng nhân dân cấp xã có nhiệm kỳ chưa đạt so với mục tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW đề ra; Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý với vị trí là người đứng đầu cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh còn thấp (Có 04/30 sở, ngành, cơ quan, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh có cán bộ nữ là người đứng đầu, chiếm 13,33%); Công  tác luân chuyển, điều động cán bộ nữ còn gặp nhiều khó khăn; Việc tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý từ đội ngũ cán bộ nữ có nơi chưa được quan tâm đúng mức; Một số cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị chưa thực sự tin tưởng, mạnh dạn bố trí, giao việc và tạo môi trường, điều kiện để thử thách, rèn luyện đội ngũ cán bộ nữ...

Qua thực tế cho thấy, một số cấp ủy, tổ chức Đảng và người đứng đầu cơ quan, đơn vị nhận thức đối với công tác cán bộ nữ còn có hạn chế; Bản thân một số cán bộ nữ còn biểu hiện tự ti; Điều kiện kinh tế, xã hội ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn khó khăn nên ảnh hưởng đến quá trình học tập, phấn đấu, tham gia công tác xã hội của phụ nữ... Cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ còn thiếu tính đột phá.

PV: Tỉnh Tuyên Quang có kiến nghị, đề xuất giải pháp gì để đẩy mạnh hơn nữa công tác phụ nữ trong thời gian tới?

Ông Âu Thế Thái: Từ thực tiễn xây dựng đội ngũ cán bộ nữ của tỉnh trong thời gian qua, tỉnh Tuyên Quang đề xuất :

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác cán bộ nữ. Nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị về nhiệm vụ xây dựng đội ngũ cán bộ nữ trong tình hình mới. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, phổ biến giáo dục về bình đẳng giới, về công tác phụ nữ; xóa bỏ những định kiến về giới đối với phụ nữ. Phải đặt vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ nữ thành mục tiêu, nhiệm vụ có tính chiến lược trong xây dựng đội ngũ cán bộ của tỉnh và các cơ quan, đơn vị.

Hai là, thống nhất chung quan điểm về xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung và đội ngũ cán bộ nữ nói riêng trong chỉ đạo công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng cán bộ và trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội Đảng bộ các cấp, nhân sự đoàn Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp; Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị.

Làm tốt công tác rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ nữ để bố trí, sử dụng. Thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả công tác đối với cán bộ nữ trong quy hoạch, cán bộ luân chuyển, bổ nhiệm để chủ động trong việc đào tạo, bồi dưỡng và bố trí sử dụng cán bộ.

Ba là, thực hiện đồng bộ và nâng cao chất lượng các khâu của công tác cán bộ. Trong đó, về công tác đánh giá cán bộ, thực hiện nghiêm quy định về kiểm điểm, đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, đảng viên hằng năm, nhiệm kỳ và trước khi đề bạt, bổ nhiệm đảm bảo theo quy định, đúng thực chất.

Về công tác quy hoạch cán bộ, thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý theo quy định; Chủ động lựa chọn cán bộ để quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, bố trí, sử dụng theo phương châm "cán bộ trẻ so với cán bộ trẻ, cán bộ nữ so với cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số so với cán bộ là người dân tộc thiểu số".

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quy hoạch cán bộ tại cơ quan, đơn vị, địa phương mình; Đồng thời đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới.

Về luân chuyển, điều động, bố trí, sử dụng cán bộ, hằng năm, các cơ quan đơn vị xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ thuộc diện cấp mình quản lý, trong đó quan tâm luân chuyển cán bộ nữ để đào tạo nguồn cán bộ cho tỉnh và các địa phương, cơ quan, đơn vị.

Bốn là, phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu và vai trò của nhân dân tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao, phát huy vai trò trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong xây dựng đội ngũ cán bộ, cán bộ nữ ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

6 đề xuất đẩy mạnh công tác cán bộ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự Hội thảo chuyên đề "Phát huy vai trò đội ngũ cán bộ nữ và việc thực hiện chính sách đối với các nhóm phụ nữ đặc thù" khu vực miền Bắc, tại tỉnh Yên Bái vừa qua

Năm là, Hội LHPN, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp phải thường xuyên củng cố, xây dựng tổ chức vững mạnh, qua đó phát hiện, lựa chọn hội viên nữ tiêu biểu, xuất sắc để giới thiệu, bố trí, sắp xếp tham gia cấp ủy, những vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị của tỉnh.

Sáu là, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và các cấp ủy, tổ chức đảng phải thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các cơ quan, đơn vị, địa phương cụ thể hóa chính sách của Đảng, Nhà nước xây dựng, triển khai và thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách phát hiện, lựa chọn, trọng dụng, bố trí, sắp xếp cán bộ trẻ, cán bộ nữ có bản lĩnh, năng lực nổi trội, phù hợp địa phương, cơ quan, đơn vị, đúng quy định của Đảng, Nhà nước.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Tỷ lệ cán bộ nữ tỉnh Tuyên Quang:

- Cấp tỉnh: Tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý 61/234 người (chiếm 26,07%). Trong đó, Tỷ lệ nữ tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh 14/48 người, chiếm 29,17% (cao hơn 4,17% so với mục tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW); quy hoạch cấp ủy cấp tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là 14/62 người, chiếm 22,58% so với tổng số cán bộ quy hoạch; quy hoạch nhiệm kỳ 2025-2030 là 18/68 người, chiếm 26,47%.

Tỷ lệ cán bộ nữ là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy 03/13 người, chiếm 23,08% (trong đó có 01 Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy là nữ); tham gia đại biểu Quốc hội 4/6 người (chiếm 66,67%). Tham gia Hội đồng nhân dân cấp tỉnh 23/55 người, chiếm 41,82% so với tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh (cao hơn 1,82% so với mục tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW ), Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh 3/3 nữ.

Cấp huyện: Tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện quản lý 169/822 người, chiếm 20,56%; Trong đó, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy cấp huyện 62/309 người, chiếm 20,06% (thấp hơn 4,94% so với mục tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW). Tỷ lệ nữ Ủy viên Ban Thường vụ cấp ủy cấp huyện là 12/89 người, chiếm 13,48% (trong đó có 01 Bí thư và 01 Phó Bí thư là nữ); tham gia Hội đồng nhân dân cấp huyện 84/237 người, chiếm 35,44% so với tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện (đạt so với mục tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW).

Cấp xã: Tổng số cán bộ nữ cấp xã là 995/2.711 người, chiếm 36,70% tổng số cán bộ cấp xã toàn tỉnh. Trong đó, Cấp ủy viên cấp xã là nữ 557/1.929 người, chiếm 28,88% so với tổng số cấp ủy viên đương nhiệm (cao hơn 3,88% so với mục tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW); ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp xã là nữ 122/625 người, chiếm 19,52%; tham gia Hội đồng nhân dân cấp xã 1.006/2.992 người, chiếm 33,62% (thấp hơn 1,38 so với mục tiêu Nghị quyết 11-NQ/TW).

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.