7 tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới

26/02/2023 13:46
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hindu giáo được cho là tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới, với thời gian hình thành vào khoảng thế kỷ 15 đến thế kỷ thứ 5 TCN.

Tôn giáo được coi là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của cuộc sống con người. Tôn giáo góp phần xây dựng bản sắc cá nhân, niềm tin, phong tục và đôi khi cả hệ thống giai cấp ở một số quốc gia. Các hệ thống tôn giáo cũng là nền tảng giao tiếp giữa các cộng đồng khác nhau. Do đó, mọi người gặp gỡ, chia sẻ ý tưởng cũng như làm việc.

Tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới có thể bắt nguồn từ thế kỷ 15 TCN, trong khi một số tôn giáo khác đã hơn 5.000 năm tuổi. Dưới đây là 7 tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới.

Hindu giáo (Ấn Độ giáo)

Hindu giáo được cho là hình thành vào khoảng thế kỷ 15 đến thế kỷ thứ 5 TCN. Tôn giáo này có thể không phải là một tôn giáo thống nhất hoặc được tổ chức thành một hệ thống tín ngưỡng điển hình nhưng người Hindu giáo tuân theo các thực hành tương tự nhau, được hiểu bởi các tín đồ tôn giáo khác. 

Kinh Vệ Đà được coi là kinh sách cổ nhất của Hindu giáo. Bốn kinh Vệ Đà được biên soạn từ thế kỷ 15 đến thế kỷ thứ 5 TCN ở tiểu lục địa Ấn Độ khiến đạo Hindutrở thành tôn giáo lâu đời nhất tồn tại. Kể từ đó, Hindu giáo đã phát triển nhanh chóng.

Ngày nay có hơn 1,1 tỷ người theo đạo Hindu trên toàn thế giới và khoảng 94% họ sống ở Ấn Độ, theo tính toán của Trung tâm Nghiên cứu Pew năm 2020. Số lượng tín đồ theo Hindu giáo nhiều nhất ngoài Ấn Độ là ở Nepal - quốc gia khác duy nhất trên thế giới với đa số là người theo đạo Hindu - và Bangladesh.

7 tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới - Ảnh 1.

Diwali là một lễ hội tôn giáo quan trọng đối với người theo đạo Hindu. Đây là thời điểm thời điểm kỷ niệm chiến thắng của ánh sáng trước bóng tối và cái thiện vượt qua cái ác.

Hỏa giáo (Hiên giáo, Hỏa hiên giáo hay Bái hỏa giáo)

Hỏa giáo được cho là hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 10 đến thế kỷ thứ 5 TCN. Tôn giáo này phát triển thành hình thức hiện tại từ những lời dạy của nhà cải cách Zoroaster, người sáng lập ra Hỏa giáo và được cho là sống giữa thế kỷ thứ 10 và thứ 6 TCN. 

Có ảnh hưởng cực kỳ lớn đối với sự phát triển của các tôn giáo Áp-ra-ham, Hỏa giáo là quốc giáo của nhiều đế chế Ba Tư cho đến khi người Hồi giáo chinh phục. Ngày nay, tôn giáo này vẫn tồn tại ở một số vùng của Iran và Ấn Độ và có khoảng 200.000 tín đồ.

Kinh điển chủ yếu của Hỏa giáo là Avetsta (Cổ kinh Ba Tư) tôn vinh thần Ahura Mazda (có nghĩa là "Chúa của Trí Tuệ") là thần có thế lực cao nhất. Hỏa giáo cho rằng thế giới gồm hai bản nguyên đối lập đấu tranh với nhau đó là Thiện - hóa thân của thần quang minh (Ánh Sáng) Ahura Mazda và Ác - hóa thân của thần hắc ám (Bóng Tối) Angra Mainyu. Tôn chỉ đạo đức của Hỏa giáo là: "Nghĩ điều thiện, nói điều thiện, làm điều thiện".

Do Thái giáo

Do Thái giáo được cho là hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 9 đến thế kỷ thứ 5 TCN, bắt nguồn từ vương quốc Israel và Judah. Do Thái giáo là một tôn giáo đơn thần cổ đại thuộc nhóm các tôn giáo khởi nguồn từ Abraham đặt nền tảng trên Kinh Torah và gắn liền với lịch sử của dân tộc Do Thái. Tôn giáo này phát triển từ việc thờ phượng một vị thần nhà nước dựa trên thế giới quan đa thần thành thế giới quan của một Đức Chúa Trời duy nhất, được hệ thống hóa trong Kinh thánh.

Shabbat là một ngày rất quan trọng trong việc thực hành đạo và được quy định trong giáo luật. Shabbat có nghĩa là "nghỉ ngơi" hoặc "dừng" là ngày nghỉ và vào thứ bảy theo lịch của người Do Thái. Theo Do Thái giáo, Chúa đã sáng tạo ra tất cả trong sáu ngày và đến ngày thứ bảy thì nghỉ.

Ngày nay ước tính có khoảng 11 đến 14 triệu người theo Do Thái giáo trong khi hai tôn giáo kế thừa của nó là Cơ đốc giáo (thế kỷ thứ 1 ) và Hồi giáo (thế kỷ thứ 7) phổ biến nhất thế giới, với tổng cộng 3,8 tỷ tín đồ.

Kỳ Na giáo

Kỳ Na giáo hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 8 đến thế kỷ thứ 2 TCN, từng là một tôn giáo thống trị ở tiểu lục địa Ấn Độ. Kỳ Na giáo dạy rằng con đường dẫn đến giác ngộ là thông qua bất bạo động và giảm tác hại đối với các sinh vật sống (bao gồm cả thực vật và động vật) càng nhiều càng tốt.

Giống như người theo đạo Hindu và đạo Phật, đạo Kỳ Na tin vào luân hồi. Vòng sinh tử luân hồi này là do nghiệp của mỗi người quyết định. Tôn giáo này tin rằng nghiệp xấu là do làm hại các sinh vật sống. Để tránh nghiệp xấu, Kỳ Na giáo phải thực hành ahimsa, một quy tắc nghiêm ngặt về bất bạo động. 

Kỳ Na giáo tin rằng thực vật, động vật và thậm chí một số vật không sống (như không khí và nước) đều có linh hồn, giống như con người. Nguyên tắc bất bạo động bao gồm không làm hại con người, thực vật, động vật và thiên nhiên. Vì lý do đó, Kỳ Na giáo là những người ăn chay nghiêm ngặt.

Ngày nay, hầu hết những người theo đạo Kỳ Na sống ở Ấn Độ, với ước tính có tới 4 triệu người. Giáo lý của Kỳ Na giáo đã ảnh hưởng đến nhiều nơi trên thế giới.

7 tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới - Ảnh 2.

Một bức tượng Mahavira được chạm khắc bằng tay làm từ đá cẩm thạch, bên trong một ngôi đền Kỳ Nha giáo ở Rajasthan, Ấn Độ. Còn được gọi là Vardhamana, Mahavira là một tirthankara hay một vị thầy của giáo pháp.

Nho giáo

Nho giáo được cho là hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 5 TCN bởi chính trị gia, giáo viên và nhà triết học Trung Quốc Khổng Tử, người được cho là đã sống trong khoảng thời gian từ năm 551 - 479 TCN. Mạnh Tử và Tuân Tử là những môn đệ nổi tiếng nhất của Khổng Tử, cả hai đều góp phần phát triển tư tưởng Nho giáo.

Những tư tưởng của Khổng Tử về đạo đức và hành vi tốt đã được các đệ tử của ông viết thành một số sách, quan trọng nhất là Luận ngữ. Nho giáo tin vào việc thờ cúng tổ tiên và đạo đức lấy con người làm trung tâm để có cuộc sống yên bình. Nguyên tắc vàng của Nho giáo là "Điều mình không muốn người khác làm cho mình thì đừng làm cho người khác".

"Hiếu thảo" là chìa khóa trong tư tưởng của Khổng Tử. Điều này có thể dưới hình thức thờ cúng tổ tiên, phục tùng quyền lực của cha mẹ hoặc sử dụng các ẩn dụ về gia đình. Gia đình là nhóm quan trọng nhất đối với đạo đức Nho giáo. Có khoảng 6 triệu tín đồ theo Nho giáo trên thế giới.

Phật giáo

Người sáng lập ra đạo Phật là Siddhartha Gautama (phiên âm Hán - Việt: Tất-đạt-đa Cồ-đàm), xuất thân là một thái tử thuộc vương tộc Gautama của tiểu quốc Shakya (Thích Ca) nằm ở vùng biên giới Ấn Độ - Nepal ngày nay, có kinh đô là Kapilavastu (Ca Tỳ La Vệ). 

Thích Ca Mâu Ni là tên gọi sau khi thành đạo của ngài, mang hai nghĩa là Năng nhân (sức mạnh của lòng nhân từ) và Tịch mặc (trí tuệ, sự thấu đáo của trí tuệ thấu đạt mọi ngoại cảnh). Thích Ca Mâu Ni còn thường được gọi tắt là Phật, có nghĩa là "Người giác ngộ".

7 tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới - Ảnh 3.

Một người thắp hương bên trong Đền Kun Yam ở Macao (Trung Quốc). Hương và thiền đóng một vai trò quan trọng trong Phật giáo.

Đạo Phật được hình thành tại các vùng cực bắc của tiểu lục địa Ấn Độ. Sau khi ra đời vào khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 5 TCN, đạo Phật được truyền bá rộng rãi đến nhiều quốc gia và khu vực Á - Phi cũng như các nước Âu - Mỹ. Người theo đạo Phật tin rằng đời người là một vòng luân hồi đau khổ và tái sinh nhưng nếu đạt được trạng thái giác ngộ (niết bàn) thì có thể vĩnh viễn thoát khỏi vòng luân hồi này. Ngoài thuyết luân hồi, Đức Phật dạy còn dạy về Tứ Diệu Đế (4 chân lý cao thượng) gồm sự thật về khổ, nguyên nhân của khổ, cách diệt khổ và con đường chấm dứt khổ đau.

Ngoài Ấn Độ, Nepal và Bhutan, các quốc gia như Thái Lan, Sri Lanka và Nhật Bản cũng có mối liên hệ chặt chẽ với Phật giáo. Hiện nay trên thế giới có khoảng 400 triệu người theo đạo Phật.

Đạo giáo

Đạo giáo được cho là hình thành vào khoảng thế kỷ thứ 6 đến thế kỷ thứ 4 TCN, khi tác phẩm "Đạo Đức kinh" của Lão Tử xuất hiện. Đạo giáo phát triển từ một nhánh tôn giáo dân gian truyền thống của Trung Quốc và là một trong Tam giáo tồn tại từ thời Trung Quốc cổ đại, song song với Nho giáo và Phật giáo.

Đạo giáo cho rằng con người và động vật nên sống cân bằng với vũ trụ. Đạo giáo tin vào sự bất tử tâm linh, nơi linh hồn của cơ thể hòa vào vũ trụ sau khi chết. Một trong những tư tưởng chính của Đạo giáo là niềm tin vào sự cân bằng các lực lượng, hay âm và dương. Những tư tưởng này đại diện cho các cặp tương hợp, chẳng hạn như ánh sáng và bóng tối, nóng và lạnh, hành động và không hành động, cùng nhau hướng tới một tổng thể phổ quát. 

Ngày nay, ước tính có khoảng 170 triệu người Trung Quốc tuyên bố có liên kết với Đạo giáo, với 12 triệu người theo đạo này một cách nghiêm ngặt.

7 tôn giáo lâu đời nhất trên thế giới - Ảnh 4.

Núi Lão Quân ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) là một địa điểm linh thiêng đối với Đạo giáo. Mỗi năm có hàng trăm đạo sĩ bắt đầu các cuộc hành hương cùng với khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến địa điểm này.

Nguồn: Tổng hợp

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn