Ấn Độ có tỷ lệ người ăn chay cao nhất thế giới

29/06/2023 16:16
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ăn chay là một xu hướng đáng chú ý trong những năm gần đây. Ngày càng có nhiều người lựa chọn ăn chay vì nhiều lý do, bao gồm niềm tin tôn giáo, các mối quan tâm về đạo đức, tính bền vững của môi trường, lợi ích sức khỏe, sở thích cá nhân,...

Nhiều năm trước, ước tính cho thấy chỉ khoảng 8% người ăn chay trên thế giới và chưa đến 1% người theo chế độ thuần chay. Năm 2019 được The Economist gọi là “Năm của người ăn chay”. Tiêu thụ các sản phẩm thuần chay và các sản phẩm thay thế thịt và sữa cũng gia tăng đáng kể. Một cuộc khảo sát do Ipsos Mori thực hiện vào năm 2018 cho thấy 3% dân số thế giới là người thuần chay, 5% ăn chay và 14% ăn bán chay.

Cộng đồng y tế cũng công nhận những lợi ích sức khỏe của chế độ ăn dựa trên thực vật. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng chế độ ăn dựa trên thực vật có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh mãn tính như bệnh tim, tiểu đường và một số loại ung thư.

Nhiều người cũng đang áp dụng chế độ ăn dựa trên thực vật và kết hợp nhiều bữa ăn này hơn trong cuộc sống hàng ngày. Nhận thức rõ hơn về tác động của việc lựa chọn thực phẩm đối với sức khỏe và môi trường ngày càng gia tăng, dẫn đến sự thay đổi trong sở thích ăn uống.

Theo WorldAtlas, đây là 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có tỷ lệ người ăn chay cao nhất thế giới.

1. Ấn Độ

Ấn Độ dẫn đầu thế giới về tỷ lệ người ăn chay với 38% dân số ăn chay. Ăn chay trong khu vực trở nên phổ biến sau khi Phật giáo và Kỳ Na giáo du nhập khoảng thế kỷ thứ 6 trước Công nguyên. Cùng với Ấn Độ giáo, cả ba tôn giáo đều có khái niệm về ahimsa (không gây hại), có ý nghĩa không giết hại hay làm tổn thương những chúng sanh khác.

Thực hành ăn chay ở Ấn Độ gắn liền với chế độ ăn chay lacto. Người ăn chay lacto tiêu thụ các sản phẩm từ sữa nhưng không ăn trứng. Ăn chay lacto giúp các cá nhân có chất dinh dưỡng cần thiết từ sữa trong khi vẫn tuân thủ các nguyên tắc ăn chay.

Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỷ lệ tiêu thụ thịt thấp nhất trên thế giới. Tuy nhiên, việc tiêu thụ thịt tương đối phổ biến ở một số khu vực ven biển, như Tây Bengal và Kerala, do vị trí gần biển và mối liên hệ lịch sử với các món ăn từ hải sản và đánh bắt cá. Ăn chay phổ biến trong các cộng đồng khác nhau ở Ấn Độ, bao gồm cộng đồng Kỳ Na giáo, Bà la môn và các giáo phái Ấn Độ giáo. Những cộng đồng này thường tuân thủ các thực hành ăn chay như một phần của truyền thống văn hóa và tôn giáo.

Ấn Độ có tỷ lệ người ăn chay cao nhất thế giới - Ảnh 1.

Thực hành ăn chay ở Ấn Độ gắn liền với chế độ ăn chay lacto.

2. Israel

Ở Israel, khoảng 13% dân số theo chế độ ăn chay. Nguồn gốc của việc ăn chay ở đất nước có thể là do Do Thái giáo, tôn giáo có luật kashrut hạn chế việc ăn một số động vật.

Mặc dù chủ nghĩa ăn chay ở Israel ban đầu mang ý nghĩa tôn giáo nhưng qua thời gian nó đã trở thành một lựa chọn vượt ra phạm vi này. Nhiều người không theo tôn giáo ở Israel ăn chay do những lo ngại về đạo đức đối với phúc lợi động vật, tính bền vững của môi trường và các vấn đề về sức khỏe.

Israel có hàng trăm nhà hàng chuyên phục vụ chế độ ăn dựa trên thực vật, cung cấp nhiều loại bữa ăn và món ăn thuần chay. Sự đa dạng về ẩm thực này đã khiến Israel trở thành thiên đường cho những người ăn chay và thuần chay, cả trong nước và quốc tế. Năm 2014, thành phố Tel Aviv đã tổ chức lễ hội thuần chay lớn nhất thế giới, thu hút 15.000 người tham dự.

3. Đài Loan (Trung Quốc)

Khoảng 13% dân số ở Đài Loan theo chế độ ăn chay. Nền văn hóa dựa trên thực vật ở Đài Loan có thể do một số yếu tố, bao gồm ảnh hưởng của các cộng đồng Phúc Kiến, Khách Gia và thực hành ăn chay của Phật giáo.

Các cộng đồng Phúc Kiến và Khách Gia ở Đài Loan có truyền thống ăn chay lâu đời, một điều góp phần thúc đẩy việc áp dụng chế độ ăn chay trên khắp Đài Loan. Phật giáo, một tôn giáo phổ biến ở Đài Loan, cũng khuyến khích ăn chay như một phương tiện để thực hành lòng từ bi. Nhiều Phật tử ở Đài Loan tuân theo chế độ ăn chay như một phần niềm tin tôn giáo.

Đài Loan có luật ghi nhãn thực phẩm nghiêm ngặt để đảm bảo thông tin chính xác về sản phẩm chay. Phong trào “mỗi tuần ăn chay một ngày” là một chiến dịch nổi bật ở Đài Loan nhằm khuyến khích các cá nhân áp dụng chế độ ăn chay ít nhất một ngày mỗi tuần. Phong trào có sức hút đáng kể và nhận được ủng hộ từ cả chính quyền địa phương và quốc gia.

4. Italy

Italy là quốc gia có tỷ lệ ăn chay cao nhất ở châu Âu, với khoảng 10% dân số. Người Italy ăn chay vì nhiều lý do, bao gồm các cân nhắc về vấn đề đạo đức với động vật, ý thức về sức khỏe và mối quan tâm đến sự bền vững của môi trường.

Năm 2016, thành phố Turin đã đề xuất chương trình cắt giảm thịt như một phần trong nỗ lực thúc đẩy chủ nghĩa ăn chay. Sáng kiến được Thị trưởng thành phố, bà Chiara Appendino, ủng hộ. Tuy nhiên, đề xuất cũng bị một số cư dân thành phố phản đối, nêu bật những quan điểm và thái độ khác nhau đối với các lựa chọn chế độ ăn uống.

Ấn Độ có tỷ lệ người ăn chay cao nhất thế giới - Ảnh 2.

Khoảng 10% dân số ở Italy ăn chay.

5. Áo

Khoảng 9% người dân ở Áo ăn chay hoặc thuần chay. Ăn chay ở Áo ngày càng phổ biến như một lựa chọn về lối sống, phản ánh nhận thức và sự quan tâm ngày càng tăng đối với chế độ ăn dựa trên thực vật.

Mặc dù chế độ ăn uống của người địa phương chủ yếu dựa vào thịt và pho mát nhưng nhiều nhà hàng thường sẽ có các lựa chọn chay hoặc thuần chay. Đặc biệt, thành phố Vienna có nhiều cửa hàng và nhà hàng chay phục vụ theo sở thích của người ăn. Vienna được đánh giá là thành phố tốt thứ tư trên thế giới dành cho người ăn chay trong số 200 thành phố được trang Nestpick khảo sát đầu năm 2021.

Hiệp hội Ăn chay Áo thành lập năm 1999 cũng đóng vai trò là nền tảng cho những người ăn chay và cung cấp các nguồn lực, hỗ trợ và thông tin về chủ nghĩa thuần chay.

6. Đức

Số người ăn chay ở Đức khoảng 9%. Đất nước này có khoảng 7,9 triệu người ăn chay hoặc phần lớn bỏ ăn thịt vào năm 2022. Kể từ năm 2014, số người được xác định là ăn chay hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn đã tăng khoảng 2,51 triệu người. Từ năm 2019 đến 2021, mức tiêu thụ thịt ở Đức đã giảm, chỉ có thịt gia cầm có xu hướng ổn định. Mức tiêu thụ các sản phẩm thịt và xúc xích, vốn nổi tiếng của đất nước, cũng giảm trong những năm qua.

Hầu hết những người Đức chuyển sang chế độ ăn uống dựa trên thực vật thường được thúc đẩy bởi những lo ngại liên quan đến bảo vệ môi trường, quyền động vật và nhận thức về sức khỏe. Các thành phố như Berlin và Hamburg đã chứng kiến sự gia tăng số lượng cơ sở ăn chay và thuần chay do nhu cầu tăng. Berlin thậm chí còn được tạp chí Saveur gọi là Thủ đô ăn chay mới của thế giới vào năm 2015.

7. Vương quốc Anh

Số lượng người ăn chay ở Vương quốc Anh ngày càng tăng, ước tính khoảng 9% dân số. Thực hành ăn chay ở Vương quốc Anh bắt đầu có đà phát triển sau Thế chiến thứ hai. Điều này có thể do các yếu tố khác nhau như thay đổi sở thích ăn uống, cân nhắc về sức khỏe và nâng cao nhận thức về phúc lợi động vật và các vấn đề môi trường.

Dữ liệu cho thấy số lượng phụ nữ ăn chay nhiều gấp đôi nam giới. Vương quốc Anh hiện được xếp hạng là quốc gia cao thứ ba về tỷ lệ ăn chay ở châu Âu. Một xu hướng khác ở quốc gia này là ăn bán chay, chế độ ăn cắt giảm một phần nhỏ lượng thịt trong các bữa ăn.

Ấn Độ có tỷ lệ người ăn chay cao nhất thế giới - Ảnh 3.

Số lượng người ăn chay ở Vương quốc Anh ngày càng tăng, ước tính khoảng 9% dân số.

8. Brazil

Brazil có tỷ lệ ăn chay ước tính là 8%. Các thành phố như Rio de Janeiro, Sao Paulo và Curitiba được biết đến là nơi có số lượng đáng kể các nhà hàng chay.

Ăn chay ở Brazil thường gắn liền với các phong trào văn hóa phản kháng như chủ nghĩa vô chính phủ, văn hóa punk, thuyết duy linh và Chủ nghĩa thời đại mới. Các tôn giáo và triết học phương Đông, chẳng hạn như Phật giáo và Ấn Độ giáo, cũng ảnh hưởng đến việc ăn chay ở Brazil.

Phần lớn những người ăn chay ở nước này là cư dân thành thị thuộc tầng lớp trung lưu hoặc thượng lưu sống ở nửa Trung-Nam của Brazil.

9. Ireland

Ireland có 5% dân số theo chế độ ăn chay. Văn hóa Ireland từ lâu ủng hộ việc ăn thịt nhưng chủ nghĩa ăn chay cũng như chủ nghĩa thuần chay đang phát triển ở quốc gia này.

Hiệp hội thuần chay Ireland là một tổ chức tình nguyện và phi lợi nhuận được thành lập vào năm 2009 bởi một nhóm thuần chay nhằm thúc đẩy triết lý thuần chay, nâng cao nhận thức về ăn chay như một lựa chọn trong lối sống và lựa chọn thân thiện với môi trường.

10. Úc

Khoảng 5% dân số Úc ăn chay. Ăn chay ở Úc chỉ mới có trong hai thế kỷ. Phong trào ăn chay được du nhập vào đất nước này thông qua người châu Âu - đầu tiên là người Thụy Điển, một nhóm tôn giáo gồm những người theo chủ nghĩa Kinh Thánh, đến Úc những năm 1830, sau đó là các nhóm tôn giáo khác như Cơ Đốc Phục Lâm, Mặc Môn và Giám Lý, tất cả đều khuyến khích chế độ ăn không thịt.

Theo một cuộc khảo sát năm 2019, gần 2,5 triệu người Úc ăn chay hoàn toàn hoặc gần như hoàn toàn trong khi gần 10 triệu người ăn ít thịt đỏ hơn.

“Tuần lễ ăn chay” là sự kiện thường niên được tổ chức tại Úc từ ngày 1 đến 7/10. Xu hướng ăn chay ngày càng tăng ở Úc đã thúc đẩy các cơ sở ăn uống thay đổi thực đơn và cung cấp các lựa chọn thuần chay cho các món ăn phổ biến, đáp ứng nhu cầu và sở thích của những người chọn theo chế độ ăn dựa trên thực vật.

Nguồn: WorldAtlas

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.