Ấn Độ: Nghệ thuật dân gian nêu bật các vấn đề hiện đại, gắn kết Hồi giáo và Hindu giáo

20/09/2023 09:32
Các nghệ sĩ tại Habi Chak, Tây Bengal (Ấn Độ). Những nghệ sĩ dân gian này có nguồn gốc từ khu vực trước đây là Đông Bengal, nay là Bangladesh

Các nghệ sĩ tại Habi Chak, Tây Bengal (Ấn Độ). Những nghệ sĩ dân gian này có nguồn gốc từ khu vực trước đây là Đông Bengal, nay là Bangladesh

Các nghệ sĩ dân gian ở Tây Bengal đã sử dụng một loại hình nghệ thuật để nêu bật các vấn đề hiện đại như biến đổi khí hậu, tảo hôn và thậm chí cả cuộc đổ bộ lên mặt trăng của Ấn Độ.

Tại Hội thảo Quốc tế và Lễ hội Truyền thống Truyền miệng ở Indonesia đầu năm nay, nghệ sĩ Ấn Độ Saira Chitrakar đã mang đến một màn trình diễn đầy cảm xúc bằng tiếng Bengali. "Đàn ông và phụ nữ đều như nhau, cả hai đều có quyền sinh tồn, nhưng tại sao phụ nữ lại phải chịu bạo lực?", Saira hát.

Cùng với tiếng hát của mình, Saira còn trình làng một bức tranh vải dài 3 mét nêu bật vấn nạn tảo hôn. Các màn trình diễn và tác phẩm nghệ thuật của người nghệ sĩ được khán giả tán thưởng nhiệt tình, nêu bật cam kết của cô trong việc giải quyết các vấn đề xã hội quan trọng thông qua nghệ thuật.

Là một patua (nghệ sĩ dân gian) đến từ Tây Bengal, Saira trân trọng cơ hội này để giới thiệu nghệ thuật kể chuyện độc đáo patua sangeet (bài hát của các nghệ sĩ dân gian) tới khán giả quốc tế. "Chúng tôi muốn sử dụng loại hình nghệ thuật truyền thống này để nâng cao nhận thức về các vấn đề hiện tại", nữ nghệ sĩ 36 tuổi cho biết.

Ấn Độ: Nghệ thuật dân gian nêu bật các vấn đề hiện đại và gắn kết Hồi giáo và Hindu giáo - Ảnh 1.

Một nghệ sĩ của Habi Chak ở Đông Midnapore với bức tranh mô tả câu chuyện Manasa của đạo Hindu.

Từ "chitrakar" (có nghĩa là họa sĩ) được các nghệ sĩ dùng làm họ để kết nối với các họa sĩ dân gian, đồng thời để nhận được nhiều tôn trọng hơn từ cộng đồng người theo đạo Hindu chiếm ưu thế, mặc dù họ theo đạo Hồi. Theo truyền thống, patua là người tạo ra những bức tranh trên vải cuộn, được gọi là patachitra. Chúng có thể có kích thước khác nhau, thường dao động từ khoảng hai đến tám mét, thường mô tả các cảnh trong sử thi và thần thoại của đạo Hindu. Khi mở cuộn vải này ra, các nghệ sĩ sẽ hát những bài hát do chính họ sáng tác, thuật lại những câu chuyện miêu tả trong tranh và tạo nên những phần trình diễn mang phong cách ballad.

Những nghệ sĩ dân gian này có nguồn gốc từ khu vực trước đây là Đông Bengal, nay là Bangladesh. Họ đã học về thần thoại Hindu thông qua truyền miệng và kể chuyện, và truyền thống này đã tồn tại trong một thời gian khá dài, với nguồn gốc có từ đầu thế kỷ 11. Bằng chứng cho thấy các nghệ sĩ thể hiện những câu chuyện về thần Hindu qua tranh vải cuộn có từ Ấn Độ thời tiền thuộc địa vào thế kỷ 18. Các địa chủ theo đạo Hindu, các nhân vật hành chính và lãnh đạo cảnh sát đã mời những nghệ sĩ biểu diễn các câu chuyện này. Đổi lại họ nhận được tiền, thực phẩm hoặc quần áo.

Trong thời gian gần đây, các patua, những người chủ yếu đến từ các vùng Đông Midnapore và Tây Midnapore của Tây Bengal, đã mở rộng phạm vi sáng tác của mình sang các vấn đề hiện nay như nóng lên toàn cầu, ô nhiễm nhựa, lũ lụt và đại dịch Covid-19.

Abed Chitrakar, một nghệ sĩ thế hệ thứ tám, gần đây đã sáng tác một bài hát kỷ niệm sứ mệnh lên mặt trăng Chandrayaan-II của Ấn Độ. Trong bài hát này, ông bày tỏ niềm tự hào về thành công của Ấn Độ và nêu bật sự công nhận toàn cầu đối với ISRO, cơ quan nghiên cứu vũ trụ của Ấn Độ. Abed nhấn mạnh rằng việc bảo tồn nghệ thuật truyền thống này phụ thuộc vào khả năng kết hợp các chủ đề hiện tại vào bài hát. "Di sản của chúng tôi tồn tại khi nghệ thuật tồn tại. Chỉ khi sáng tác những bài hát về các vấn đề hiện tại, chúng tôi mới có thể bảo tồn được di sản nghệ thuật này", người đàn ông 50 tuổi nói.

Khukurani Chitrakar, 35 tuổi, gần đây đã trưng bày tác phẩm của mình về an toàn đường bộ ở Kyrgyzstan. Cô cho biết loại hình nghệ thuật dân gian này, kết hợp giữa cách kể chuyện bằng miệng và hình ảnh, có tác động đáng kể khi truyền tải thông điệp xã hội.

Trong 30 năm qua, cả cơ quan chính phủ và tổ chức phi lợi nhuận đã hợp tác với những nghệ sĩ này để thúc đẩy nhiều sáng kiến phúc lợi xã hội khác nhau thông qua nghệ thuật và các bài hát đi kèm của họ. Chúng bao gồm các chiến dịch liên quan đến xóa mù chữ, vệ sinh và phòng chống HIV/AIDS cho phụ nữ.

Ratnaboli Bose, người sáng lập Daricha Foundation, tổ chức hỗ trợ nghệ thuật dân gian và bộ lạc truyền thống, chỉ ra rằng những dự án này đôi khi có thể hạn chế quyền tự do nghệ thuật của các nghệ sĩ vì họ phải đi theo một kịch bản có sẵn để đáp ứng yêu cầu của chương trình. Ngoài ra, những bức tranh này không phải lúc nào cũng gây được tiếng vang với những người đam mê nghệ thuật do thông điệp và đối tượng cụ thể của chúng.

Ấn Độ: Nghệ thuật dân gian nêu bật các vấn đề hiện đại và gắn kết Hồi giáo và Hindu giáo - Ảnh 2.

Vợ chồng nghệ sĩ dân gian Saira Chitrakar và Abed Chitrakar giới thiệu tác phẩm của mình.

Tuy nhiên, bất chấp những thách thức này, các patua đã mở rộng tác phẩm của mình ra khỏi những câu chuyện thần thoại và giờ đây là khám phá các chủ đề chính trị xã hội hiện nay. Trong bối cảnh căng thẳng ngày càng gia tăng và các cuộc tấn công chống lại cộng đồng thiểu số Hồi giáo ở Ấn Độ, Abed tin rằng những nỗ lực nghệ thuật của họ có thể góp phần tạo nên sự hòa hợp cộng đồng và giúp thay đổi nhận thức tiêu cực.

"Một bộ phận không thích người Hồi giáo có thể thay đổi nhận thức về chúng tôi khi họ xem chúng tôi biểu diễn", Abed, người vào năm 2012 đã vẽ bức Mahabharata, một văn bản cổ của đạo Hindu, dài 158 mét với bảy nghệ sĩ khác. "Hồi giáo chưa bao giờ là điều cản trở các sáng tác nghệ thuật của chúng tôi về thần thoại Hindu. Điều đó chứng tỏ rõ ràng rằng chúng tôi tin tưởng vào sự hòa hợp chung".

Patachitra đã phát triển theo thời gian. Ban đầu, các họa sĩ sử dụng vải cotton thô tự làm và các chất liệu như tinh bột gạo, hạt me để vẽ tranh. Tuy nhiên, họ giờ đây đã thành thạo việc kết hợp các chất liệu khác nhau như giấy hoặc canvas lên vải nhưng vẫn giữ truyền thống sử dụng màu hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên. Màu sắc được sử dụng có nguồn gốc từ thiên nhiên: màu đen được tạo ra từ hạt gạo rang và màu đỏ là sự kết hợp của lá trầu, chanh và keo cau. Những màu này, kết hợp với nhựa của trái quách, sau đó được quét lên các bức tranh.

Tranh patachitra đã được công nhận trên toàn cầu, một số thậm chí còn được trưng bày trong các bảo tàng lớn như Bảo tàng Victoria và Albert ở London và Bảo tàng Nghệ thuật Indigo ở Philadelphia. Sự công nhận này phản ánh tầm quan trọng của loại hình nghệ thuật và khả năng gây được tiếng vang với khán giả trên toàn thế giới.

Tuy nhiên, một số nghệ nhân đã chuyển sang các sinh kế thay thế như làm mộc, may vá hoặc lái xe để tìm kiếm cơ hội tài chính tốt hơn, Abed, người kiếm được khoảng 16.000 rupee Ấn Độ (194 USD) mỗi tháng, cho biết.

Bối cảnh nghệ thuật ngày càng phát triển đã thúc đẩy một số nghệ sĩ chuyển từ nghệ thuật biểu diễn sang nghệ thuật thị giác, loại hình thường bỏ qua thành phần âm nhạc do khả năng ca hát hạn chế. Trong khi một số nghệ sĩ tiếp tục biểu diễn tại các hội chợ và triển lãm, những người khác đã chuyển loại nghệ thuật này sang những hình thức dễ tiếp cận hơn, như vẽ các nhân vật thần thoại trên quần áo. Cách tiếp cận này thu hút người tiêu dùng trẻ tuổi, khi nhu cầu về tranh cuộn dài truyền thống đã giảm sút.

Abed nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hình dung lại loại hình nghệ thuật để đảm bảo thu nhập ổn định cho các nghệ sĩ, điều này rất quan trọng để giữ họ ở lại thay vì theo đuổi những công việc có thu nhập cao hơn. Ông nhấn mạnh rằng sự tồn tại của patachitra có liên quan trực tiếp đến sự tồn tại của những người tạo ra nó. "Nghệ thuật sẽ chỉ tồn tại khi nghệ sĩ sống sót", Abed cho biết.

Anwar Chitrakar, 47 tuổi và là một nghệ sĩ đến từ Naya của Tây Midnapore, tạo ra những bức tranh hình chịu ảnh hưởng của màu sắc rực rỡ và những đường nét táo bạo của thể loại Kalighat. Tác phẩm nghệ thuật của ông, thậm chí còn được giới thiệu trên trang web của Bảo tàng Victoria và Albert, đề cập đến các vấn đề như tham nhũng, nghèo đói, những thách thức mà những người mang thai hộ phải đối mặt và sự nguy hiểm của việc chụp ảnh selfie không chú trọng đến an toàn. "Tôi tin rằng nghệ thuật nên để lại dấu ấn nào đó trong cuộc sống hằng ngày để mọi người trân trọng nó", ông nói.

Nguồn: SCMP

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn