Bà Sếnh nỗ lực giữ gìn bản sắc dân tộc Dao

Người dân trong xã Quảng Sơn, ai có nhu cầu học thêu bà Sếnh đều nhiệt tình truyền dạy

Người dân trong xã Quảng Sơn, ai có nhu cầu học thêu bà Sếnh đều nhiệt tình truyền dạy

Bà Dường Chống Sếnh được nhắc đến với vai trò là người phụ nữ có nhiều công giữ gìn bản sắc dân tộc cho người dân ở xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà (tỉnh Quảng Ninh).

Xã Quảng Sơn nằm giáp biên giới Trung Quốc, có tới 90% là người dân tộc thiểu số mà chủ yếu là đồng bào Dao.

Có nhiều năm cuộc sống người dân xã Quảng Sơn rất khó khăn, nhưng bà con vẫn giữ tốt bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Một thời, nhiều tập tục của người Dao ở xã Quảng Sơn tưởng như mờ nhạt dần, nhất là việc mặc trang phục dân tộc hầu như chỉ còn tồn tại ở người cao tuổi, còn lớp trẻ lại ngại vì mặc rất mất thì giờ.

Bà Sếnh nỗ lực giữ gìn bản sắc dân tộc Dao - Ảnh 1.

Hàng năm, Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Quảng Sơn đều tổ chức chương trình "Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao"

Trong khi cuộc sống mới đòi hỏi mọi cái đều phải nhanh, nhất là lũ trẻ hằng ngày đến trường thường có rất ít thời gian mặc trang phục dân tộc. Nhiều cô gái người Dao một thời đã không biết vấn tóc kiểu truyền thống dân tộc mình như thế nào. Bên cạnh đó nhiều phong tục khác của người Dao như lễ cưới hỏi, lễ cấp sắc, lễ thanh minh, lễ ăn lúa mới cũng sẽ mờ dần nếu như không có cách khôi phục.

Huyện Hải Hà và xã Quảng Sơn cũng rất chú trọng mở các lớp học về giữ gìn bản sắc dân tộc cho bà con. Mới đây nhất vào cuối tháng 8 và đầu tháng 9/2023, xã Quảng Sơn đã mở 3 lớp học giữ gìn bản sắc dân tộc, gồm các lớp dạy thêu Dao Thanh Phán, lớp thổi kèn Dao Thanh Phán, lớp dạy về lễ cấp sắc Dao Thanh Y.


Bà Sếnh nỗ lực giữ gìn bản sắc dân tộc Dao - Ảnh 2.

Trong các chương trình "Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao" của Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Quảng Sơn bà Sếnh đều tham gia

Trong 3 lớp học này thì bà Sếnh giữ vai trò là giảng viên chính lớp dạy thêu và tham gia giảng dạy ở lớp dạy về lễ cấp sắc.

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, quyền Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn nhận định: Bà Sếnh giống như linh hồn của các hoạt động giữ gìn bản sắc dân tộc trên địa bàn xã. Ngoài giảng dạy ở các lớp học về giữ gìn bản sắc dân tộc do huyện và xã tổ chức, bà Sếnh còn tham gia giảng dạy ở các lớp cho các em học sinh ở trường học. Từ đó đã tạo rất nhiều hiệu quả cho việc giữ gìn bản sắc dân tộc trên địa bàn xã Quảng Sơn.

Hàng năm trên địa bàn xã Quảng Sơn có Trường PTDT Bán trú THCS Quảng Sơn (trường có 98% người dân tộc thiểu số mà đa phần là người Dao) mở chương trình "Giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao" đều đặn vào cuối năm kể từ năm học 2014-2015 đến nay. Chương trình tái hiện lại các điệu nhảy trong lễ cấp sắc của người dân tộc Dao, cùng với các phần thi bao gồm: Thi kiến thức tìm hiểu về các nét văn hóa dân tộc Dao, thi trình diễn thời trang bản sắc dân tộc, thi thêu thổ cẩm, thi gói bánh chưng dài của người Dao…

Bà Sếnh nỗ lực giữ gìn bản sắc dân tộc Dao - Ảnh 3.

Từ sự nỗ lực truyền dạy của bà Sếnh (ngoài cùng bên trái) mà hầu hết các em lứa tuổi học sinh và chị em phụ nữ xã Quảng Sơn đều biết thêu

Chương trình nhằm tôn vinh bản sắc văn hóa dân tộc, động viên khích lệ các nghệ nhân của xã Quảng Sơn và học sinh của nhà trường nâng cao ý thức giữ gìn vẻ đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Chương trình thu hút các em học sinh và phụ huynh từ khắp các thôn bản của xã Quảng Sơn đến chung vui.

Trong các chương trình này bà Sếnh đều được mời tham gia với tư cách là giảng viên. Bà tận tình chỉ cho các nữ sinh cách vấn tóc truyền thống của người Dao và cách thêu. Bà tỉ mỉ bảo các cháu cách chọn các sợi chỉ mầu với các mầu sắc xanh, đỏ, trắng, vàng, đỏ sặc sỡ, cách đưa đường kim khéo léo để cho ra những họa tiết hình quả trám, con rùa, chim muông, hoa lá…

Những ngày bình thường, có ai đó muốn đến học nghề đan thêu truyền thống, bà Sếnh sẵn sàng dạy tận tình. Bà bảo: "Chỉ mong sao con cháu không quên cái nghề mà cha ông đã mất bao công mới có được. Những bộ quần áo mang nét đặc trưng chỉ nhìn vào là người ta biết được đây là phụ nữ Dao rồi".

Nhờ công lao không nhỏ của bà, mà bây giờ 100% phụ nữ người Dao ở Quảng Sơn đều biết thêu những bộ quần áo truyền thống và biết cách vấn tóc truyền thống của dân tộc mình.

Năm 2013, bà Sếnh là một trong 4 nghệ nhân của tỉnh Quảng Ninh được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng bằng danh hiệu "Nghệ nhân Dân gian Việt Nam" và bà Sếnh đã luôn nỗ lực để xứng đáng với danh hiệu đó.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn