Bác Hồ kính yêu trong ký ức của nữ nghệ sĩ người Hrê

19/05/2023 14:00
Tranh Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Việt Nam -  Tác giả: Nguyễn Trọng Hiệp

Tranh Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Việt Nam - Tác giả: Nguyễn Trọng Hiệp

Khi chưa gặp Bác, ai cũng hồi hộp. Đến khi gặp rồi, mới thấy Bác gần gũi, chan hoà, thân tình, giản dị như một người lớn trong gia đình chứ không phải một lãnh tụ cao xa.

Nghe lời Bác dạy, cô gái Hrê nguyện mang tiếng hát phục vụ tổ quốc 

Nghệ sĩ Ưu tú Đinh Kim Nhớ (SN 1940, ở làng Ngái, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi) vinh dự được nhiều lần hát cho Bác nghe, được Bác ân cần khuyên bảo, tặng quà.

Năm 1954, khi mới 14 tuổi, cô gái giao liên người Hrê mồ côi cha mẹ, đã rời con suối Ta Man chảy ngược, rời bóng mát cây kơ-nia theo anh cán bộ người Kinh tập kết ra Bắc.

Ban đầu ra Bắc, bà không biết đọc, biết viết, không biết nói tiếng Kinh. Bà được vào học ở Trường Dân tộc Trung ương. Rồi vì có giọng hát, bà được về công tác ở một Đoàn văn công. Sau Đoàn cho bà vào học trường Âm nhạc.

Lần đầu tiên nghệ sĩ Kim Nhớ được gặp và hát cho Bác Hồ cùng bác Phạm Văn Đồng nghe bài "Thương anh bộ đội" theo làn điệu dân ca Hrê. Bác Hồ bảo Kim Nhớ hát lại, rồi Bác khen và căn dặn: "Cháu hát hay lắm, nhưng cần phải luyện tập cho hay hơn, làm cho mọi người biết nghệ thuật của người Hrê mình". Nghe bác dặn dò, Kim Nhớ cảm động trào nước mắt.

Bác Hồ kính yêu trong ký ức của nữ nghệ sĩ người Hrê - Ảnh 1.

NSƯT Đinh Kim Nhớ - Ảnh tư liệu

Lần thứ hai, nghệ sĩ Kim Nhớ được gặp Bác rất bất ngờ. Lúc đó, bà đã tốt nghiệp trường Âm nhạc Việt Nam. Theo lời kể của bà, hôm ấy, bà đang chuẩn bị về Đoàn thì nhà trường cho gọi và nói là vào Phủ Chủ tịch… Đúng như bà dự đoán, khi bước vào phòng khách, mọi người vừa ngồi xuống thì Bác ra. Thấy Bác, cả đoàn đứng cả dậy. Bác liền kéo mọi người ngồi quây bên Bác.

Bỗng Bác hỏi nghệ sĩ Kim Nhớ: "Kim Nhớ có "tủ" mới nào không?"

Nghệ sĩ Kim Nhớ giật mình vì mải miết học tập ở trường nên chưa có tiết mục nào mới. Bài hát tốt nghiệp của bà cũng chỉ là những bài dân ca cũ. Nghệ sĩ Kim Nhớ đành lúng túng thưa với Bác điều đó. Bác ân cần bảo: "Đi học, tập trung học là tốt nhưng học phải gắn với phục vụ. Vừa học vừa phục vụ nhân dân, mà hát cho nhân dân nghe phải có bài mới…".

Thấm lời dạy của Bác, để có những tình cảm gần với quê hương, nghệ sĩ Kim Nhớ đã trở về với những bản làng Vân Kiều tận Trường Sơn. Sau chuyến đi, bà đã có thêm những nhận thức mới, gửi gắm tất cả tình cảm của mình vào bài hát đã có một sắc thái khác hẳn. Nghệ sĩ Kim Nhớ đi biểu diễn ở nhiều nơi, ở đâu bà cũng được hoan nghênh… Rồi bà được đi biểu diễn ở nước ngoài. Thật không ngờ trước khi đi, Đoàn của nghệ sĩ Kim Nhớ lại được gặp Bác. Vậy là lần thứ 3 nghệ sĩ Kim Nhớ được gặp Bác, được báo cáo tiết mục của mình với Bác. Bác đã khen tiết mục của bà.

Sau chuyến đi biểu diễn ở nhiều nước về, Đoàn lại được Bác cho gặp…

Bác hỏi nghệ sĩ Kim Nhớ:

- "Chim pông- kle" đi ra nước ngoài có thấy gì không?

Nghệ sĩ Kim Nhớ thưa với Bác:

- Thưa Bác có ạ, đi thấy nhiều nơi núi đồi giống núi đồi Hrê, nhớ lắm Bác Hồ ạ.

- Nhớ thì phải hát thật hay, cả nước biết người Hrê hát rồi, thế giới cũng biết người Hrê hát rồi. Bây giờ phải hết sức cố gắng, rèn luyện giọng hát, học tập chính trị, văn hóa để rồi về hát cho người Hrê nghe.

Lời Bác dặn Nghệ sĩ Kim Nhớ đã ghi sâu. Sau này, suốt cuộc đời hoạt động nghệ thuật, bà luôn ra sức học tập, rèn luyện. Những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, bà đã đi biểu diễn ở khắp các vùng tuyến lửa; đi phục vụ quân và dân ở cả những hòn đảo xa xôi. Nghệ sĩ Kim Nhớ từng chia sẻ, rằng bà muốn mang tiếng hát của mình, tiếng hát được Đảng, Bác Hồ trao cho phục vụ Tổ quốc đang chiến đấu.

Đã 20 năm (2003) cánh "Chim pông-kle" về "thế giới khác" nhưng những ký ức, câu chuyện cảm động về những lần bà được gặp Bác Hồ vẫn còn sống mãi trong lòng người dân Hrê.

Bác gần gũi như gia đình, không phải một lãnh tụ cao xa 

Cũng là một cô gái dân tộc Hrê, bà Từ Thị Công Lễ, Đoàn Văn công Quân khu 5 (SN 1940, quê Quảng Ngãi, hiện đang sống ở quận Thanh Khê, TP. Đà Nẵng), nhờ chăm ngoan, học giỏi, năm 14 tuổi được cử ra miền Bắc học tập theo đoàn học sinh miền Nam.

Tết Trung thu năm 1956, cô gái Hrê vinh dự có mặt trong đoàn giáo viên, học sinh đến Phủ Chủ tịch để gặp Bác Hồ.

Bác Hồ kính yêu trong ký ức của nữ nghệ sĩ người Hrê - Ảnh 2.

Nữ văn công người HRê Từ Thị Công Lễ (bên cạnh, phía sau) vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ - Ảnh tư liệu

Bà nhớ lại: Khi Bác xuất hiện, tất cả học sinh chúng tôi đều đứng vây quanh Bác. Tôi cố len giữa đám đông để được đứng gần Bác hơn. Tôi nói với Bác: "Bác ơi! Người dân quê cháu dặn cháu rằng nếu có điều kiện gặp Bác Hồ thì phải cố gắng nhìn cho thật kỹ, xem Bác có giống như những người bình thường không mà sao Bác giỏi thế. Bác cho cháu được nắm tay Bác, vuốt chòm râu nữa Bác nhé". Nghe xong, Bác cười và gật đầu, đôi mắt nhìn tôi âu yếm. Suốt cả buổi hôm đó tôi chỉ chăm chú nhìn Bác mà không biết hôm đó Phủ Chủ tịch chiếu phim gì cho chúng tôi xem. Trước đó, Bác đã phát cho chúng tôi mỗi đứa một cái kẹo nhưng không ai dám ăn mà để dành như một vật quý báu".

Trong ấn tượng sâu sắc của bà Từ Thị Công Lễ, khi chưa gặp Bác thì ai cũng hồi hộp. Đến khi gặp rồi, mới thấy Bác gần gũi, chan hoà, thân tình, giản dị như một người lớn trong gia đình chứ không phải một lãnh tụ cao xa.

Bác Hồ kính yêu trong ký ức của nữ nghệ sĩ người Hrê - Ảnh 3.

Vợ chồng bà Từ Thị Công Lễ nhớ về kỷ niệm những lần được gặp Bác - Ảnh VGP

Sau này, bà Lễ còn có cơ hội được gặp Bác. Đó là năm 1957, lần thứ 2 bà được gặp Bác ở Vinh (tỉnh Nghệ An); lần thứ 3 là năm 1961, bà được cầm bó hoa ra đón Bác về quê ở sân bay Vinh (tỉnh Nghệ An); cũng năm 1961 lần thứ 4 bà được gặp Bác trong dịp Bác đến thăm bộ đội ở quân khu 4. Và lần cuối cùng bà Lễ được gặp Bác là vào năm 1967, khi cùng đoàn Văn công bộ đội Liên khu 5 vào Phủ Chủ tịch biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Đây cũng là lần gặp Bác cuối cùng đã để lại trong bà nhiều ấn tượng nhất. 

Bà kể: "Khi xem tiết mục tấu hài "Tổng ngốc sa lầy" (đả kích Tổng thống Mỹ Nixơn sa lầy trong cuộc chiến tranh Việt Nam), Bác Hồ cười rất sảng khoái, chúng tôi ai nấy cũng vui lây. Tiếp đến là màn múa "Tay chài tay súng" do tốp nữ của đoàn biểu diễn, trong đó có tôi. Do mải ngắm nhìn Bác, tôi quên chưa búi tóc. Khi nhạc nổi lên, chồng tôi (cũng là một diễn viên trong đoàn) nhắc to: Tóc, tóc! Tôi quýnh quáng búi vội mái tóc dài. Suốt thời gian biểu diễn, tôi cứ lo mái tóc bị xổ ra, nếu thế có lẽ tôi sẽ ân hận suốt đời vì không làm tròn nhiệm vụ. Rất may mọi chuyện diễn ra thật tốt đẹp, tiết mục được Bác Hồ vỗ tay khen ngợi."

Sau buổi biểu diễn, Bác nói: "Các cháu diễn hay lắm. Các cháu có đói không? Các cháu ăn phở nhé!". Rồi Bác quay sang nhà thơ Tố Hữu đứng cạnh, dặn dò: "Chú Hữu nhớ cho các cháu ăn thật no, thật ngon vào rồi mới để các cháu về đấy nhé!". Trước khi ra về, cả đoàn được chụp ảnh cùng Bác. Lần này tôi cũng chen được vào đứng cạnh Bác. Lúc này sức khỏe Người đã xuống, chúng tôi phải đỡ Bác đứng dậy. Đây cũng là lần cuối tôi được gặp Bác Hồ".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.