“Bếp trưởng” chùa Guột: 20 năm nấu cơm chay cho hàng chục nghìn người

18/05/2023 10:58
Bà Nguyễn Thị Hưởng đã có 20 năm phụng sự cho Phật pháp.

Bà Nguyễn Thị Hưởng đã có 20 năm phụng sự cho Phật pháp.

Đến chùa Guột (Bắc Ninh), khi hỏi các bà, các cụ tham gia khóa tu tập vào cuối tuần, rất nhiều người nhắc đến tên bà Nguyễn Thị Hưởng (61 tuổi, quận Tây Hồ, Hà Nội). Bà là người đã có hơn 20 năm hỗ trợ, giúp đỡ nhà chùa và các tăng ni ở khắp mọi nơi.

Hướng đến những việc làm thiện

Bà Nguyễn Thị Hưởng vốn là người Hà Nội gốc, từ nhỏ, bà đã thấy bà nội thường xuyên đi chùa Hương, chùa Thầy. Lên cấp II, một phần vì tò mò, phần vì yêu mến tính cách hiền hậu, nhân ái của bà nội, nên bà Hưởng đã tranh thủ ngày nghỉ, cùng bà nội lên chùa: "Thời gian đó, đi chùa rất khó khăn, muốn thuê xe phải đặt trước vài tuần, thậm chí cả tháng. Đường đi vẫn còn xấu, chứ chưa đẹp như bây giờ".

Đến khi trưởng thành, dù đã có gia đình, bà Hưởng vẫn lưu giữ những ký ức đẹp về các ngôi chùa cổ, nơi mà mỗi khi đến đó hoặc nghĩ về tâm hồn bà được bình yên, thư thái. Nhưng vì bận công việc, gia đình phải đến đầu những năm 2000, bà mới có duyên quay trở lại với Phật pháp. Bắt đầu bằng việc đi theo đạo tràng Linh Đàm (Hà Nội), từ một người chỉ có khái niệm mơ hồ về Phật pháp, bà dần hiểu rằng đi chùa, không phải là cầu cúng, xin lộc, xin tài mà là tu tâm, tu thân cho suy nghĩ được sáng, sạch và hướng đến những việc làm thiện.

Bà Hưởng chia sẻ, đi tu cũng giống như đi học, nhưng là học để tìm đến bình yên, hạnh phúc và giải thoát. Dù có đi theo pháp tu nào, đến cuối cùng, mục đích của Phật pháp là để con người thoát khổ, đạt đến an lạc trong chính những khoảnh khắc hiện tại. Đối với bà, phát tâm theo Phật là khởi đầu, nhưng tìm được pháp môn (Tịnh độ, Thiền,…), cùng người thầy chân tu là một hành trình dài.

“Bếp trưởng” chùa Guột: 20 năm nấu cơm chay cho hàng chục nghìn người  - Ảnh 1.

Bà Hưởng (thứ 7 từ phải sang) cùng thầy và các phật tử.

Sau 6 năm, đến năm 2006, bà bắt đầu theo pháp môn Tịnh Độ. Theo lời Phật dạy, muốn đạt đến giải thoát, con người không thể thiếu chánh định (đó là niệm, định, tuệ). Chỉ một câu "Nam mô a di đà Phật" mỗi ngày, cũng giúp con người từ trong rối loạn, quay về bình an. Bởi "nhất tâm bất loạn", khi con người đang từ bến mê, có những vọng tưởng, họ sẽ dùng danh hiệu của Phật để trở lại với thế giới thanh tịnh.

Bà Hưởng chia sẻ, việc tu học là quá trình, không phải là một chặng đường ngắn. Bà phải mất đến gần mười năm, mới tìm được một ngôi chùa, người thầy để có thể tu tập và thực hành những giáo lý nhà Phật. "Tôi được người thân giới thiệu đến chùa Guột, có thầy Thích Tâm Quán trụ trì theo pháp môn Tịnh Độ. Thầy không chỉ giảng pháp, mà còn khuyến khích, giúp đỡ chúng tôi làm từ thiện, ăn chay,…".

Những bữa cơm phục vụ hàng nghìn người tu học

Bà Hưởng cho biết, từ ngày biết đến Phật pháp, bà hiểu rằng cuộc đời này là vô thường. Những thứ vật chất ngoài thân như tiền bạc, dung nhan, danh vọng có hôm nay, chắc gì ngày mai đã còn? Vì vậy, bà dần buông bỏ những chấp niệm, sống tích cực và cởi mở với tất cả mọi người.

Chồng và con gái nhìn thấy bà luôn vui vẻ, dành được thiện cảm từ những người xung quanh, cũng dần được Phật pháp "cảm hóa". Chồng bà cùng vợ tham gia các khóa tu, trong môi trường tu tập, ông cũng được rất nhiều người yêu mến. Hiện tại, ông đang là chúng trưởng của đạo tràng Ba Đình, đồng hành với bà Hưởng hỗ trợ tăng ni và Phật tử.

Ngôi nhà đang ở của hai ông hiện tại, cũng được phát nguyện để hỗ trợ các sư thầy, sư cô từ miền Trung, miền Nam ra giảng dạy có chỗ nghỉ ngơi khi cần thiết. Bà cho biết, có rất nhiều tăng ni khi ra Bắc giảng dạy cho các chùa không tìm được chỗ ở, nhà bà sẵn sàng đón tiếp, cơm nước, giúp đỡ.

Bà kể một câu chuyện đáng nhớ nhất, vào khoảng 10 năm trước, để những Phật tử có thể hiểu đúng chánh pháp, không sa vào mê tín, dị đoan, bà từng mời thầy đến nhà, chia sẻ những giáo lý đúng đắn cho mọi người: "Tôi nhớ mãi một hôm, có khoảng chục người tới. Mọi người đều rất hoan hỉ ngồi nghe và nhờ thầy giải đáp những băn khoăn, vướng mắc".

Trong thời gian đó, bà thường nghiên cứu nấu các món ăn chay để phục vụ tăng ni, đồng thời giúp mọi người tiếp cận với việc ăn chay nhiều hơn. Bà chia sẻ: "Ăn chay cốt yếu để nuôi dưỡng lòng từ bi, yêu thương tất cả chúng sinh trong cuộc đời này. Bởi vạn vật trên thế gian đều bình đẳng, vì vậy không nên sát sinh".

Đồ ăn chay cũng không khô khan, thiếu chất dinh dưỡng như mọi người nghĩ. Bà lấy ví dụ như nấm, phù trúc để làm các món chiên, rán, kho đều ngon mà lượng đạm và chất xơ rất cao, thậm chí còn hơn cả thịt. Bà nhớ nhất một lần, bà làm món phở chay, mọi người đều thích, có rất nhiều người còn xin đến bát thứ hai, thứ ba vì quá ngon.

Nhờ cơ duyên đó, thầy Thích Tâm Quán - trụ trì chùa Guột - nhờ bà nấu ăn cho các Phật tử. Từ năm 2014 cho đến nay, bất cứ khóa tu nào ở chùa Guột cũng có sự góp mặt của bà Hưởng. Ngoài thời gian tu tập, bà là bếp trưởng ở chùa Guột, lên thực đơn và cùng những người làm công quả nấu cho năm đến sáu nghìn người tham dự khóa tu. Bà tâm sự: "Tu là hành. Mỗi người có cách làm khác nhau, có người cho của cải, có người góp tâm đức. Còn tôi đóng góp cho nhà chùa, cho các ‘bạn’ đồng tu chút sức lực, khả năng của chính mình".

Sau mỗi bữa cơm, bà Nguyễn Thị Hưởng lại được mọi người đến cảm ơn vì những món ăn ngon lành, bổ dưỡng. Điều vui nhất với bà là có rất nhiều người đã xin bà công thức làm đồ ăn chay. Dần dần, một số Phật tử cũng chuyển dần sang ăn chay vào những ngày rằm, mùng một hoặc thậm chí mười, hai mươi ngày trong tháng.

Chùa Diên Quang tọa lạc tại Thôn Guột, xã Việt Hùng, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh trên khu đất rộng 17.000 mét vuông. Chùa có từ thời nhà Lý và người dân nơi đây thường gọi là chùa Guột.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn