Biến nguyên liệu bản địa thành “mỏ vàng” để tăng thu nhập cho người dân

29/06/2021 21:44
Vi Thùy Dương và cán bộ Hội Nông dân đến thăm  vùng nguyên liệu của HTX Hương Ngàn

Vi Thùy Dương và cán bộ Hội Nông dân đến thăm vùng nguyên liệu của HTX Hương Ngàn

Có thâm niên nghề giáo hơn 7 năm nhưng chị Vi Thùy Dương (dân tộc Nùng, xã Nguyên Phúc, huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn) đã quyết định rời mái trường, khởi nghiệp từ ý tưởng làm tinh dầu bằng nguyên liệu của vùng đất quê hương.

Làm giàu từ nguyên liệu bản địa

Tốt nghiệp ĐH Sư phạm Thái Nguyên, trở thành giáo viên, mở một cửa hàng Hoa nghệ thuật và cắt tỉa củ quả khá thành công nhưng Vi Thùy Dương vẫn cảm thấy cần làm việc gì đó khác hơn nữa. Suy nghĩ rất nhiều, cuối cùng cô quyết định chọn sản phẩm tinh dầu để khởi nghiệp.

Thùy Dương cho biết, cô chọn nghề này bởi mong muốn tạo ra giá trị từ tài nguyên bản địa, đó là cây quýt Bắc Kạn. Đây là loại cây đặc trưng của Bắc Kạn có chỉ dẫn địa lý và được bảo hộ. Quả có vị chua nhẹ, mang đậm hương thơm đặc trưng của vùng đất Bạch Thông.

"Cây quýt được bà con trồng nhiều, vì thế khi làm tinh dầu có thể tận dụng quýt nhỏ, quýt rụng... để nâng cao giá trị từ quả quýt, giúp bà con có thêm thu nhập từ đặc sản vùng miền. Bên cạnh đó, tôi còn làm tinh dầu từ cây sả, cây bưởi do bà con canh tác. Với ý tưởng này, tôi tin rằng sẽ thực hiện thành công, giúp bà con có thu nhập ổn định từ nông lâm sản và giúp người dùng có được sản phẩm tinh dầu bảo vệ sức khỏe chất lượng tốt từ thiên nhiên", Thùy Dương chia sẻ.

Quyết tâm đi theo định hướng này, Thùy Dương đã kêu gọi được một nhà đầu tư để cùng thực hiện dự án, khởi động vào cuối năm 2017. Tuy nhiên, khó khăn đến với cô ngay từ bước đầu khởi nghiệp bởi do cách làm việc chưa ăn ý, chỉ sau 6 tháng, kế hoạch đã tan rã khiến cô phải tách riêng ra làm.

Biến nguyên liệu bản địa thành “mỏ vàng”, tăng thu nhập cho người dân - Ảnh 1.

Vi Thùy Dương (phải), giới thiệu sản phẩm của HTX cho đối tác

Tuy chỉ còn một mình, lại không có vốn, song Thùy Dương vẫn không từ bỏ kế hoạch mà mình theo đuổi. Sau khi được Hội LHPN huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) cho vay số vốn khởi nghiệp là 20 triệu đồng, cô lại tiếp tục cuộc hành trình của riêng mình, thành lập Hợp tác xã (HTX) Hương Ngàn do cô làm chủ nhiệm.

Khó khăn chồng chất khi thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu thông tin về kỹ thuật, cả về việc xây dựng vùng nguyên liệu, thiếu người đồng hành, nên gần giữa năm 2019, HTX Hương Ngàn không còn vốn để có thể hoạt động tiếp. Trong lúc đứng trước nguy cơ giải thể thì Thùy Dương may mắn nhận được sự giúp đỡ của Công ty cổ phần phát triển tập đoàn Việt Vieted và Phó giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ơn - Tư vấn trưởng tư vấn OCOP quốc gia, Giám đốc khối Dự án Công ty cổ phần Dược khoa. Được hỗ trợ về vốn và định hướng, kiến thức, HTX Hương Ngàn dần vực dậy.

"2 năm đó là quãng thời gian đáng sợ nhất đối với tôi. Tôi loay hoay tìm mọi bước đi cho Hương Ngàn. Lúc HTX đứng trước nguy cơ giải thể, tôi tự hỏi mình đã sai từ đâu? Rồi tôi đi đến quyết định, ngã từ đâu sẽ bắt đầu lại từ đó, nhất định sẽ không bỏ cuộc", Thùy Dương tâm sự.

Phương châm kinh doanh "tỏa từ tâm"

Từ định hướng ban đầu, toàn bộ nguyên liệu của HTX Hương Ngàn đều được thu hái trong dân tại các vùng quýt có sẵn ước tính vài ngàn hecta. Còn đối với sả thì HTX phát giống cho bà con trồng, hướng dẫn kỹ thuật, theo dõi quy trình canh tác và cam kết bao tiêu toàn bộ lá sả. Bưởi rừng thì thu gom trong dân, bà con lên rừng hái mang về bán cho HTX.

Biến nguyên liệu bản địa thành “mỏ vàng”, tăng thu nhập cho người dân - Ảnh 2.

Cây sả sau khi chưng cất tinh dầu thì bã sả được dùng đan các sản phẩm thủ công

Hiện nay, HTX Hương Ngàn có 3 dòng sản phẩm chính theo chuỗi. Với sả có các sản phẩm tinh dầu sả, tinh chất sả, sản phẩm xua đuổi côn trùng và bảo vệ da khỏi côn trùng đốt, đồ thủ công mỹ nghệ từ lá sả. Đặc biệt, vùng nguyên liệu sả đạt chứng nhận Hữu cơ của TQC (Trung tâm kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng TQC - Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Sản phẩm từ quýt có tinh dầu quýt, rượu quýt, mứt quýt và vỏ quýt sấy khô. Bưởi rừng có sản phẩm tinh dầu vỏ bưởi, cùi bưởi sấy...

Thùy Dương cho biết, sản phẩm tinh dầu Hương Ngàn làm ra chủ yếu xuất cho các công ty dược. Chỉ có một số ít bán lẻ và nhận được phản hồi tốt từ khách hàng.

Từ số vốn 20 triệu đồng, rồi trở về con số 0, sau 2 năm vất vả và nhiều đêm trắng, Thùy Dương đã kiên trì đi tới ngày hôm nay. Cô tự hào chia sẻ, hiện xưởng sản xuất Hương Ngàn đã đạt công suất tối đa 5 tấn nguyên liệu/ngày. HTX đang tập trung vào việc xây dựng mở rộng vùng nguyên liệu bền vững đạt tiêu chuẩn hữu cơ và nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng đơn hàng cho các công ty trên thị trường.

Với phương châm kinh doanh "tỏa từ tâm", đặt chất lượng lên hàng đầu, tất cả sản phẩm của Hương Ngàn đều được Thùy Dương chọn lọc kỹ càng từ nguyên liệu đầu vào cho đến quy trình sản xuất và đưa ra thị trường sản phẩm chất lượng tốt nhất. Nhờ đó không chỉ giúp khách hàng có sản phẩm sử dụng tốt cho sức khỏe mà Hương Ngàn còn mang lại việc làm ổn định cho hàng chục nhân công tại địa phương; đồng thời giúp bà con có thu nhập từ việc trồng nông sản vùng miền.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.