Bình Phước: Câu lạc bộ “Hát then dân tộc Tày” - điểm sáng về các hoạt động bảo tồn di sản

04/09/2022 09:32
Biểu diễn làn điệu hát Then. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Biểu diễn làn điệu hát Then. Ảnh: Minh Đức/TTXVN

Kể từ khi thành lập đến nay, câu lạc bộ “Hát then dân tộc Tày” ở ấp 11b, xã Lộc Thiện (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc dân tộc thiểu số Việt Nam.

Then là một thực hành nghi lễ không thể thiếu trong đời sống tâm linh của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam, phản ánh các quan niệm về con người, thế giới tự nhiên và vũ trụ. Then luôn luôn được trao truyền bằng truyền khẩu khi thực hành nghi lễ Then, thể hiện sự kế tục giữa các thế hệ.

Với người Tày, Nùng, Thái, điệu hát Then không chỉ là lời cầu may mắn trong năm mà còn mong cho con cháu được bình an, hạnh phúc, cầu cho mưa thuận gió hòa, xua đuổi những điều xấu để cuộc sống lứa đôi được hạnh phúc, ấm no…

Di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái tập trung chủ yếu ở các tỉnh vùng Đông Bắc (Bắc Giang, Bắc Kạn, Cao Bằng, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Tuyên Quang), vùng Tây Bắc (Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai) và một số địa phương khác ở Việt Nam. 

Bình Phước không phải là nơi sản sinh ra nghệ thuật đàn tính, hát then nhưng từ nhiều năm qua, đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Thái từ các tỉnh phía Bắc vào sinh sống, phát triển kinh tế đã gìn giữ, phát huy loại hình nghệ thuật truyền thống này. Câu lạc bộ "Hát then dân tộc Tày"  ấp 11b, xã Lộc Thiện (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) được thành lập từ tháng 10/2009 với 13 thành viên. Đến nay, số thành viên của câu lạc bộ đã tăng lên gấp đôi, với 26 thành viên và đã trở thành địa chỉ quen thuộc của hội viên, phụ nữ và nhân dân trên địa bàn, đặc biệt là đồng bào dân tộc Tày.

Các hội thi, hội diễn, các hoạt động liên hoan văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh hàng năm đều có sự tham gia của câu lạc bộ. Thông qua hoạt động sinh hoạt định kỳ, câu lạc bộ còn lồng ghép tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước.

Bình Phước: Câu lạc bộ “Hát then dân tộc Tày” góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc - Ảnh 1.

Các thành viên trong câu lạc bộ “Hát then dân tộc Tày”.

Bên cạnh đó, câu lạc bộ còn thường xuyên phối hợp với Ban điều hành ấp, các ban ngành đoàn thể của địa phương tổ chức dọn dẹp vệ sinh, sửa chữa đường giao thông nông thôn; vận động trẻ em đến trường; vận động con em, người thân trong gia đình các thành viên không tham gia tệ nạn xã hội, thực hiện theo quy định pháp luật về đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương và các nghĩa vụ công dân.

Ngoài ra, còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động góp phần xây dựng công tác Hội LHPN ngày càng vững mạnh.

Trong năm 2022, Câu lạc bộ "Hát then dân tộc Tày" đã tích cực tham gia cuộc thi, hoạt động tại địa phương. Đặc biệt, các thành viên trong câu Lạc bộ đã không ngại khó khăn, ngày đêm luyện tập những tiết mục đặc sắc để tham gia biểu diển trong đêm văn nghệ chào mừng Kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng Lộc Ninh (07/4/1972 - 07/4/2022)

Bên cạnh đó, để giúp đỡ chị em hội viên khó khăn làm kinh tế vươn lên thoát nghèo bền vững, trong thời gian qua, câu lạc bộ đã vận động chị em đóng quỹ với số tiền 6,5 triệu đồng hỗ trợ cho một chị có con bị dị tật bẩm sinh đi khám bệnh. Các hoạt động thiện nguyện đều được chị em nhiệt tình hưởng ứng.

Theo Hội LHPN huyện Lộc Ninh, câu lạc bộ "Hát then dân tộc Tày" đã và đang hoạt động hiệu quả, mang đến những hiệu quả tích cực, thu hút đông đảo cán bộ, hội viên và người dân tham gia, đóng góp cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá đặc sắc dân tộc thiểu số Việt Nam.

Trong thời gian tới, câu lạc bộ sẽ tiếp tục phát huy kết quả đã đạt được, duy trì lịch sinh hoạt và tập luyện; sưu tầm, sáng tác những làn điệu dân ca mới, tuyên truyền và giáo dục tư tưởng cho các thành viên trong câu lạc bộ; tích cực tham gia các chương trình, sự kiện, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Câu lạc bộ "Hát then dân tộc Tày" chính là điểm sáng về các hoạt động bảo tồn di sản Then. Với lòng đam mê, sự trân trọng với những điệu Then, đàn Tính của quê hương, các hội viên câu lạc bộ đang từng ngày gìn giữ, bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống quý giá của quê hương.

Bình Phước là một tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số, toàn tỉnh có 41 thành phần dân tộc thiểu số với hơn 195.600 người, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Tỷ lệ người dân tộc thiểu số sống đan xen trên địa bàn 111 xã, phường, thị trấn của 11 huyện, thị xã, thành phố; chủ yếu sống bằng nghề nông nghiệp; tập trung ở địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng an ninh.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn