Bùng nổ dân số ở Châu Á có liên quan đến tôn giáo

11/09/2022 09:00
Ảnh minh họa: LUCY LADIDI ELUKPO

Ảnh minh họa: LUCY LADIDI ELUKPO

Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu về cuộc sống và hiện thực xã hội ở các nhóm dân cư châu Á. Sự gia tăng dân số ở châu Á, đặc biệt là ở Nam Á, đã trở thành một thực tế liên quan đến tôn giáo.

Dự báo dân số toàn cầu mới nhất của Liên Hợp Quốc dự đoán sẽ có 8 tỷ người trên hành tinh vào tháng 11 năm nay và 8,5 tỷ người vào năm 2050. Trung và Nam Á cùng với châu Phi cận Sahara sẽ là nơi có dân số đông nhất. 

Các khu vực này đã đối mặt với những hệ quả kinh tế và biến động xã hội nghiêm trọng, nhưng sẽ đóng vai trò là trung tâm cho các thành tựu quan trọng của nhân loại.

Gia tăng dân số ở châu Á

Ở châu Á - lục địa đông dân nhất thế giới, quốc gia dẫn đầu gia tăng dân số sẽ là Ấn Độ, Pakistan và Philippines theo thứ tự lần lượt. Và tôn giáo ở các quốc gia này cũng đóng vai trò trong việc khiến tình trạng dân số gia tăng.

Mặc dù bản thân bùng nổ dân số không phải là nguyên nhân trực tiếp của bất kỳ vấn đề nào, nhưng nó có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được hỗ trợ dựa trên bối cảnh kinh tế xã hội. Mặc dù Ấn Độ và Philippines đang đi lên và có nền kinh tế phát triển mạnh, nhưng chênh lệch thu nhập ở hai quốc gia này ngày càng tăng. Vì vậy, trên bình diện xã hội, những người nghèo ở Ấn Độ và Philippines đang phải chật vật và cực khổ kiếm sống, trong khi những người giàu thì tận hưởng cuộc sống xa hoa.

Bùng nổ dân số ở Châu Á có liên quan đến các tôn giáo - Ảnh 1.

Theo Liên Hợp Quốc, Ấn Độ sẽ vượt qua Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2023. Ảnh: Reuters.

Trung Quốc, quốc gia có sức mua  mạnh nhất trên thế giới, là quốc gia đông dân nhất thế giới với 1,43 tỷ người. Ấn Độ, hiện có 1,41 tỷ dân, sẵn sàng vượt Trung Quốc để trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm tới.

Pakistan, với 234 triệu dân, sẽ giữ vị trí thứ năm, và được dự đoán dân số sẽ tăng lên 366 triệu vào năm 2080. Trong vòng chưa đầy 15 năm nữa, Pakistan cũng sẽ vượt qua Indonesia để trở thành quốc gia đông dân thứ tư trên thế giới, cũng như trở thành quốc gia Hồi giáo lớn nhất với lượng dân số tại thời điểm đó.

Bangladesh, quốc gia với đa số người theo đạo Hồi như Pakistan và Indonesia, đã kiểm soát được vấn đề gia tăng dân số. Với khoảng 160 triệu dân, Bangladesh duy trì tốc độ tăng dân số đáng kể là 1% (thay đổi hàng năm) vào năm 2020, so với 2% của Pakistan.

Hai thập kỷ trước, tốc độ tăng dân số ở Bangladesh là 2% còn ở Pakistan là 2,5%. Trong khi Bangladesh đã giảm một nửa tốc độ tăng dân số trong 20 năm, thì mức giảm của Pakistan vẫn rất ít. Ấn Độ đã mất 30 năm để giảm tốc độ tăng dân số từ 2% xuống 1% vào năm 2020.

Tôn giáo ở các quốc gia châu Á

Ở hầu hết các nhóm dân cư châu Á, tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu thêm về cuộc sống và hiện thực xã hội. Thông thường, ở các cộng đồng làng xã, nơi đa số người châu Á sinh sống, hôn nhân, gia đình và sinh đẻ được quy định bởi các chuẩn mực tôn giáo nhiều hơn. Sự gia tăng dân số ở châu Á, đặc biệt là ở Nam Á, đã trở thành một thực tế liên quan đến tôn giáo.

Bùng nổ dân số ở Châu Á có liên quan đến các tôn giáo - Ảnh 2.

Tôn giáo đóng vai trò quan trọng trong việc hiểu thêm về cuộc sống và hiện thực xã hội ở các nhóm dân cư châu Á. Ảnh: Reuters.

Khoảng 60% trong số 1,3 tỷ người Hồi giáo trên thế giới sống ở châu Á. Cùng với Indonesia, Pakistan, Ấn Độ và Bangladesh lần lượt trở thành những quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất trên thế giới.

Phần lớn trong số 1,2 tỷ người theo đạo Hindu trên thế giới sống ở châu Á, và ít nhất 80% sống ở Ấn Độ - 966 triệu người. Tín đồ Phật giáo tập trung nhiều ở Đông Nam Á. Trong khi đó, số lượng người theo Thiên chúa giáo không đáng kể ngoại trừ ở Philippines và Timor Leste.

Không một tôn giáo nào trong số những tôn giáo này chủ trương kế hoạch hóa gia đình hoặc bất kỳ hình thức kiểm soát dân số nào. Đúng hơn là tất cả đều trực tiếp hoặc gián tiếp khuyến khích các gia đình có đông con.

Hầu hết các nhà lãnh đạo tôn giáo đều củng cố tư tưởng quan hệ tình dục ngoài hôn nhân là vô đạo đức, khẳng định rằng mục đích thiêng liêng của tình dục là sinh sản, và việc quan hệ tình dục chỉ để thỏa mãn là tội lỗi. Một số tôn giáo cũng góp phần tạo ra môi trường tiêu cực cho những người ủng hộ tình dục an toàn và kế hoạch hóa gia đình, ngăn cản mọi nỗ lực của chính phủ nhằm kiểm soát gia tăng dân số.

Thiếu giáo dục và đói nghèo

Bùng nổ dân số ở Châu Á có liên quan đến các tôn giáo - Ảnh 3.

Thiếu giáo dục, nghèo đói và gia tăng dân số là những thực tế xã hội không thể tách rời ở Nam Á. Ảnh: AFP/Getty Images.

Các nhà xã hội học liên kết vấn đề dân số gia tăng với tình trạng thiếu giáo dục và nghèo đói. Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận rằng thiếu giáo dục, nghèo đói và gia tăng dân số là những thực tế xã hội không thể tách rời ở Nam Á.

Một mặt, tôn giáo được cho là giúp cải thiện cuộc sống của con người và đương nhiên điều này sẽ không còn phù hợp nếu các giáo lý làm gia tăng nghèo đói và khốn khổ cho tín đồ. Việc một số nhà lãnh đạo tôn giáo, bao gồm một số nhà lãnh đạo Công giáo ở Ấn Độ, kêu gọi sinh đẻ và gia tăng số lượng tín đồ để thống trị xã hội được cho là vô trách nhiệm.

Mặt khác, nhiều tổ chức tôn giáo cũng tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan đến gia tăng dân số. Giáo hội Châu Á đã đi đầu trong công cuộc xóa đói giảm nghèo với mạng lưới các tổ chức xã hội rộng lớn. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng ở những nơi có cộng đồng người Công giáo thịnh vượng và có học thức, như Singapore, Hồng Kông, Goa và Kerala ở Ấn Độ, tỷ lệ sinh của người có đạo đang giảm mạnh so với cộng đồng nghèo ở các khu vực khác của châu Á. Các cộng đồng Công giáo có học thức và tiến bộ về mặt xã hội cũng thích các gia đình hạt nhân hơn. Họ đã thành công trong vấn đề kế hoạch hóa gia đình cho tôn giáo của mình.

Phần lớn châu Á cần tích cực kiểm soát dân số để tránh thảm họa, tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm đói nghèo, bạo lực và tội phạm. Điều này là rất cần thiết và cấp bách. Mặc dù các tôn giáo sẽ khó thay đổi quan điểm của mình về kế hoạch hóa gia đình, nhưng họ có thể góp phần đẩy nhanh giáo dục và tiến bộ xã hội ở người nghèo. Giáo dục là chìa khóa cho người dân và cho các nhà lãnh đạo tôn giáo.

Nguồn: UCA News

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.