Cặp vợ chồng nghệ nhân mê sáng tác tranh Bác Hồ

19/05/2023 09:32
Chị Trương Thị Lệ Lan bên những tác phẩm của mình.

Chị Trương Thị Lệ Lan bên những tác phẩm của mình.

Các tác phẩm của vợ chồng nghệ nhân “Dũng Lan” thường tập trung vào chủ đề văn hóa dân tộc, nông thôn Việt Nam và rất nhiều tác phẩm có chân dung của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.

Chúng tôi đã rất ấn tượng khi ghé thăm gian hàng triển lãm tranh ghép gỗ mỹ nghệ của cặp vợ chồng nghệ nhân "Dũng-Lan" trong một hội chợ tại Đà Nẵng. Tại đó, khoảng 100 bức tranh bút lửa và mỹ nghệ ghép gỗ tinh xảo đã được trưng bày, khiến người xem không khỏi trầm trồ và thán phục trước tài năng của cặp đôi đến từ xã Bình Hòa, huyện Krông Ana, tỉnh Đắk Lắk.

Cặp vợ chồng nghệ nhân mê sáng tác tranh Bác Hồ - Ảnh 1.

Anh Dũng sáng tác tranh bằng bút lửa.

Trong gian trưng bày, anh Ngô Hữu Dũng, người sinh ra tại TP. Đà Nẵng và đang sinh sống và làm việc tại Krông Ana, cho biết rằng khi anh còn trẻ, gia đình anh đã theo đuổi công cuộc xây dựng kinh tế mới ở Krông Ana.

Thôn Phước Tường, xã Hòa Phát, huyện Hòa Vang (nay đổi thành phường Hòa Phát, Q. Cẩm Lệ), TP. Đà Nẵng là nơi anh trải qua tuổi thơ êm đềm với cánh đồng lúa chín vàng óng ả. Khi anh đến Tây Nguyên để lập nghiệp, anh mới thực sự cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương. Vì vậy, hình ảnh miền quê thanh bình, sắc màu văn hóa truyền thống trong các lễ hội của Tây Nguyên đã trở thành chủ đề chính trong các tác phẩm của anh.

Chị Trương Thị Lệ Lan, vợ của anh Dũng, cho biết: "Nguyên liệu để làm tranh đều là gỗ quý như cà te, cẩm lai, hương, mít... Trong quá trình chỉnh trang, xây dựng, nhiều người đã bỏ lại những gốc cây khô. Thấy tiếc, chúng tôi đã thu nhặt về và phát hiện rằng chúng có vẻ đẹp rất lạ. Từ những khúc gỗ vô tri đó, chúng tôi đã tạo ra những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc..."

Cũng theo chị Lan, làm tranh ghép gỗ phải trải qua nhiều công đoạn, nhưng khó nhất vẫn là khâu tạo hình. Trước hết phải vẽ hình trên gỗ rồi cưa, cắt, đục để lấy hình vẽ ra, sau đó mài, gọt, giũa để tạo các hoa văn, họa tiết, rồi mới sơn màu, phun dầu bóng, dán lên miếng gỗ nền. Do sử dụng màu tự nhiên của gỗ nên các bức tranh luôn tươi tắn. Hiện tranh của cơ sở Dzũng Lan được tiêu thụ khá mạnh ở khu vực Tây Nguyên và TP.Hồ Chí Minh. Nhiều Việt kiều về thăm quê cũng tìm đến mua tranh về làm quà cho người thân.

Anh Dũng cho hay: "Tùy theo hình thức tấm gỗ mà chúng tôi đưa nội dung vào như các bức như: Mã đáo thành công, Phước lộc thọ, Ngọa hổ tàng long, Bộ tứ linh…".

Có thể thấy, các bức tranh do anh Dũng tạo ra thể hiện nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Tây Nguyên. Đó là hình ảnh sơn nữ Ê Ðê trong bức "Suối ngàn" có mái tóc đen dài và bộ ngực trần thanh thoát; cặp voi trong bức "Chiều buôn nhỏ" với người quản tượng mình trần, đóng khố, dáng dấp phong trần gió bụi trên lưng voi đang ung dung về làng...

Cặp vợ chồng nghệ nhân mê sáng tác tranh Bác Hồ - Ảnh 2.

Tranh chân dung Bác Hồ kính yêu rất mỹ thuật.

Đặc biệt, anh Dũng và chi Lan rất mê sáng tác những tác phẩm có chân dung Bác Hồ kính yêu rất sinh động bởi Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc ta, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới. Cụ thể như các tác phẩm: "Không có gì quý hơn độc lập tự do", "Người ngồi đó với cây chì đỏ, vạch đường đi từng phút từng giờ", "Ngày xưa vua Hùng có công dựng nước"…

Tâm sự với chúng tôi, anh Dũng cho hay, ngay từ nhỏ anh đã mê xem tranh, xem sách về Bác Hồ, những hình ảnh về Bác đã thấm sâu vào máu thịt của anh nên khi lớn lên đeo đuổi nghề mỹ thuật, anh thể hiện vẽ tranh Bác Hồ rất sinh động và có thể vẽ Bác Hồ rất giống mà không cần nhìn vào ảnh mẫu.

Năm 2010, anh Ngô Hữu Dũng đã nhận được Bằng chứng nhận "Danh hiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa làng nghề 2010" từ Ban chấp hành Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Năm 2011, chị Trương Thị Lệ Lan cũng đạt danh hiệu tương tự. Năm 2017, nghệ nhân Ngô Hữu Dũng, chủ sở hữu cơ sở sản xuất gỗ mỹ nghệ Dzũng Lan nhận được Giấy chứng nhận đạt danh hiệu "Sản phẩm Làng nghề Thẩm mỹ, Chất lượng và Bản sắc 2017" cho sản phẩm mang tên "Chiều buôn nhỏ" từ Ban tổ chức Hội chợ triển lãm Làng nghề Việt Nam 2017 tại TP. Hồ Chí Minh…

Anh Dũng không chỉ đam mê nghề mà còn truyền nghề cho rất nhiều em nhỏ ở địa phương. Trong 5 năm qua, cơ sở của anh đã đào tạo miễn phí cho khoảng 30 em, và hiện nay các em đã có tay nghề vững chắc để điều hành các lớp học cho thiếu niên ở TP. Đà Nẵng và tỉnh Đắk Lắk về nghề thủ công mỹ nghệ, giúp bảo tồn nghề truyền thống.

Hiện nay, cơ sở Dzũng Lan chuyên chế tác các tranh ảnh mỹ thuật bằng gỗ, tranh mỹ nghệ ghép gỗ, tranh bút lửa, quà lưu niệm cho các dịp như tân gia, cưới hỏi, sinh nhật... Anh đã mở cơ sở thứ hai tại trên đường Lý Thái Tông (Thanh Khê - TP. Đà Nẵng) để đáp ứng nhu cầu của khu vực "quê hương". Điều khá đặc biệt của "cặp" nghệ nhân này là khi theo nghề đều tự học, không hề qua trường lớp mỹ thuật, điêu khắc, chạm trổ nào.

Tranh Bác Hồ do anh Dũng và chị Lan sáng tác.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.