Câu chuyện về hành trình tìm ánh sáng và những nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc

15/06/2021 06:24
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hàng trăm người dân ở Ninh Bình, trong đó có nhiều đồng bào Công giáo, trước khi qua đời đã để lại di nguyện hiến tặng giác mạc, giúp người mắc bệnh lý về giác mạc nhìn thấy ánh sáng. Di nguyện cao đẹp ấy, đã được thực hiện trọn vẹn để viết lên nhiều câu chuyện cổ tích cho những người không may phải sống trong cảnh mù lòa...

Khi bác sĩ mở băng mắt sau ca phẫu thuật ghép giác mạc, hình ảnh mà chị Tô Thị Thắm (xã Khánh Thủy, huyện Yên Khánh, Ninh Bình) nhìn thấy đầu tiên đó là chồng và hai đứa con nhỏ.

Hai đứa con ấy chị Thắm đã tận tay chăm sóc bao năm bằng sự mơ hồ của ánh sáng. Chị chỉ có thể tường tận các đường nét của con ở sự nhạy cảm của đôi bàn tay. Nhưng nay, chị đã có thể ngắm các con bằng đôi mắt của người mẹ. Các con đã lớn, xinh xắn và ngoan ngoãn, chị Thắm đã có thể cùng chồng viết tiếp ước mơ xây đắp một gia đình hạnh phúc, nuôi dạy những đứa con ngoan bằng một cặp mắt sáng trong, tinh tường.

"Tôi đã nhìn thấy cuộc đời bằng cặp giác mạc được hiến tặng của một người thiện lương. Cuộc sống của tôi đã bước sang một trang mới, tươi tắn, lạc quan và đẹp đẽ. Tôi sẽ cố gắng sống một cuộc đời có nghĩa nhất, hạnh phúc nhất để báo đáp cuộc đời, báo đáp tấm lòng cao đẹp của những người đã khuất", chị Thắm xúc động.

Câu chuyện về hành trình tìm ánh sáng và những nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc - Ảnh 1.

Từ giác mạc của người hiến tặng, chị Thắm có thể sinh hoạt như người bình thường. Ảnh: Minh Quang

Câu chuyện về hành trình đi tìm ánh sáng, những tâm sự như được trút ra từ trái tim chị Thắm đã mang lại niềm xúc động mạnh mẽ cho rất nhiều gia đình có người thân hiến tặng giác mạc có mặt tại hội trường Lễ tôn vinh "nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc" do Bệnh viện Mắt Trung ương phối hợp với UBND huyện Kim Sơn tổ chức. Bà Trần Thị Huê ở xóm 8, xã Kim Chính, huyện Kim Sơn, là một trong những người như thế. Chồng bà Huê qua đời. Nguyện vọng trước khi mất của ông đã được bà và cả 6 người con thực hiện trọn vẹn, đó là: Hiến tặng lại giác mạc với mong muốn trao lại nguồn ánh sáng quý giá cho những người gặp bệnh lý giác mạc.

Bà Trần Thị Huê xúc động chia sẻ: Ngày ông nhà tôi còn sống, chúng tôi đã cùng thực hiện đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Chúng tôi mong muốn sẽ làm được những điều thực sự có ý nghĩa để tặng lại cho cuộc đời trước khi hóa thân thành cát bụi. Hôm nay, được gặp trực tiếp, được lắng nghe những tâm sự của chị Thắm-đại diện cho hàng trăm người may mắn tìm lại được ánh sáng nhờ nguồn giác mạc được hiến tặng, tôi rất xúc động xen lẫn niềm tự hào. Chồng tôi đã sống một cuộc đời nhẹ nhàng, vun đắp nhiều mầm thiện, khi ông ra đi cũng thanh thản, ý nghĩa.

Theo số liệu từ Bệnh viện Mắt Trung ương, hiện nay ở nước ta đang có hàng chục nghìn người còn phải sống trong cảnh mù lòa do các bệnh lý giác mạc gây ra. Những người không may mắn đó sẽ phải sống trong cảnh mù lòa như vậy nếu không có giác mạc để thay thế.

PGS.TS Phạm Ngọc Đông, Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương cho biết: Kỹ thuật ghép giác mạc giúp cho những người không may bị mù do các bệnh lý giác mạc tìm lại được ánh sáng đã được thực hiện từ rất lâu trên thế giới cũng như Việt Nam. Tuy nhiên, vấn đề gặp nhiều khó khăn nhất đó là nguồn giác mạc để phẫu thuật còn hạn chế. Số lượng giác mạc Bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận hàng năm vẫn không đủ so với số lượng bệnh nhân chờ ghép. Đó cũng là khó khăn chung trên thế giới và đặc biệt là tại Việt Nam – nơi từ ngàn đời nay tư tưởng định kiến chết toàn thây đã ăn sâu vào tiềm thức, tư tưởng. Tuy nhiên, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động hiến tặng giác mạc trong thời gian qua, cũng đã giúp cho việc hiến tặng mô, tạng được phát triển hơn.

Vận động 11.758 người đăng ký hiến tặng giác mạc

Kể từ ngày 5/4/2007, sau ca hiến tặng giác mạc đầu tiên trong cả nước của cụ bà Nguyễn Thị Hoa ở xã Cồn Thoi, huyện Kim Sơn, đến nay, Ngân hàng Mắt – Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận dược 841 người hiến giác mạc từ 17 tỉnh, thành trong cả nước. Trong đó tỉnh Ninh Bình vẫn là tỉnh có số lượng người hiến dẫn đầu trong cả nước với số lượng 398 người đã hiến. Chỉ riêng huyện Kim Sơn đã có 380 người hiến. Tính từ đầu năm 2020 đến nay Ngân hàng Mắt đã thu nhận giác mạc được từ 154 người hiến trong đó riêng tỉnh Ninh Bình đã có 47 người hiến.

Câu chuyện về hành trình tìm ánh sáng và những nghĩa cử cao đẹp của người hiến giác mạc - Ảnh 2.

Bác sĩ thực hiện lấy giác mạc của một người hiến tặng cho Ngân hàng Mắt

Với những kết quả đã đạt được, huyện Kim Sơn trở thành điểm sáng, là đơn vị dẫn đầu cả nước trong phong trào hiến tặng giác mạc. Ông Mai Văn Trường, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Kim Sơn cho biết: Để có những kiến thức trong việc tuyên truyền vận động hiến tặng giác mạc Hội Chữ thập đỏ huyện đã phối hợp cùng Ngân hàng Mắt Việt Nam tổ chức các lớp tập huấn về nâng cao kiến thức và kỹ năng vận động truyền thông hiến tặng giác mạc cho trên 1.000 tình nguyện viên. Trong số những tình nguyện viên trên có rất nhiều vị là người Công giáo và Phật giáo, đó là các vị Linh mục, các vị Chánh trương, Trùm trưởng, các vị chức sắc chức việc thuộc công giáo, các vị Hoà thượng, Thượng toạ, Đại đức tăng ni Phật giáo trên địa bàn huyện.

Bên cạnh đó, Hội chữ thập đỏ huyện còn thường xuyên tổ chức tuyên truyền nội vận động hiến tặng giác khi qua đời trên hệ thống truyền thanh của huyện, của xã cũng như kết hợp tuyên truyền trong các buổi họp khu dân cư. Ngoài ra những tình nguyện viên Chữ thập đỏ còn xuống tận hộ gia đình, vận động tư vấn cho người dân về ý nghĩa nhân đạo, cao đẹp của chương trình, cũng như giải thích những điều mà người dân đang quan tâm về việc hiến tặng các bộ phận cơ thể người trong đó có hiến giác mạc.

Hội chữ thập đỏ huyện cũng phân công các tình nguyện viên phụ trách theo địa bàn dân cư, nắm chắc các đối tượng như người cao tuổi, người có bệnh hiểm nghèo, để có phương pháp hình thức tiếp cận phù hợp, thường xuyên gần gũi sẻ chia những khó khăn vướng mắc về hiến tặng giác mạc với gia đình. Việc tuyên truyền bằng nhiều hình thức đã làm cho mọi người hiểu ý nghĩa nhân đạo, nhân văn cao cả của chương trình, từ đó nhiệt tình hưởng ứng tham gia và vận động con cháu dòng họ cùng tham gia.

Với việc làm tốt công tác tuyên truyền vận động, từ năm 2007 đến nay, huyện Kim Sơn đã tuyên truyền vận động được 11.758 người đăng ký hiến tặng giác mạc khi qua đời (cả nước có trên 50 nghìn người đăng ký hiến). Hiện tại đã có 380 người hiến tặng giác mạc thành công đem lại nguồn ánh sáng vô cùng quý giá cho hàng trăm người mù, nay đã nhìn thấy bình thường như bao người khác, đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho bản thân gia đình và cộng đồng xã hội. Những đơn vị tiêu biểu đã làm tốt công tác truyền thông vận động hiến tặng giác mạc đó là: Xã Cồn Thoi, Văn Hải, Kim Mỹ, Định Hóa, Kim Tân, Kim Định…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn