Cây chuối trong văn hóa ẩm thực núi rừng

Trong lễ Kết nghĩa của dân tộc Cơ Tu, các vị già làng hai bên hát lý, nói lý quanh các mâm cỗ đậy bằng lá chuối

Trong lễ Kết nghĩa của dân tộc Cơ Tu, các vị già làng hai bên hát lý, nói lý quanh các mâm cỗ đậy bằng lá chuối

Đối với đồng bào các dân tộc miền núi, cây chuối là một trong những nguồn sống. Đồng bào trồng chuối ở nương rẫy và ở vườn, bờ rào quanh nhà…

Cây chuối mang lại nhiều lợi ích, hiệu quả kinh tế cao, tạo nguồn thu nhập ổn định cho nhiều hộ gia đình. Đặc biệt, ngoài quả chuối, lá chuối là thành phần không thể thiếu trong việc nấu nướng, chế biến, làm nên nhiều món đặc sản ẩm thực mang hương vị núi rừng.

Quả chuối là món quà hoa trái ngon lành ở các buôn làng. Là loại hoa quả chủ lực "nhà trồng", nên hầu như trong nhà của đồng bào lúc nào cũng có sẵn chuối chín.

Những nải chuối rừng vừa được thu hái. Chuối rừng thái thành khúc để phơi khô ngâm rượu

Khi xong một ngày lao động trên nương rẫy, họ thường gùi về nhà cả một buồng chuối. Đồng bào để dành cho cả nhà ăn dần, nhất là trẻ con. Đến thăm làng bản dân tộc, món ăn đãi khách không thể thiếu là những nải chuối chín hoặc vài khúc mía.

Vào lễ hội làng hoặc của từng gia đình thì quả chuối là thức ăn không thể thiếu. Chuối trồng trên nương rẫy thường có quả to, hương vị thơm ngon vì đất tốt, hợp với thổ nhưỡng.

Đặc biệt, chuối ngà voi quả to bằng cả cánh tay. Bà con miền núi hay để dành cho trẻ nhỏ ăn dặm hoặc bồi dưỡng cho người mới ốm dậy, sau sinh nở hoặc em bé cần bổ sung dinh dưỡng và làm quà biếu tặng người thân, khách quý.

Ngoài chuối trồng, bà con miền núi còn thu hái chuối rừng. Chuối rừng buồng chỉ ra vài nải, quả nhỏ, thường có màu tím. Khi quả già, đồng bào hái về thái quả chuối thành lát dày phơi khô để bán ngoài thị trường.

Chuối rừng khô thường được dân gian dùng để chữa bệnh sỏi thận, bệnh dạ dày bằng cách dùng chuối rừng khô nấu nước uống trong vài tháng. Uống nước chuối hột khô kích thích tiêu hóa, bổ thận, chữa đau lưng, mệt mỏi, trị kém ăn, kém ngủ…

Lần lượt từ trái qua: Những búp chuối rừng được khai thác để làm thức ăn; Buồng chuối ngà voi có quả to và dài; Chuối là một loại hoa quả dồi dào, cùng với những san vật từ nương rẫy mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ gia đình dân tộc miền núi.

Đặc biệt khi ngâm rượu với quả chuối rừng sẽ có hương vị rất thơm ngon. Chuối rừng khô là vị thuốc quý rất được ưa chuộng trên thị trường. Trong nhà đồng bào thường có vài thẩu rượu chuối rừng dành để đãi khách quý.

Cây chuối dệt nên màu xanh tươi đẹp cho buôn làng. Tàu lá chuối xanh còn có nhiều công dụng trong cuộc sống, nhất là việc gói ghém, bày biện và chế biến món ăn. Lá chuối được sử dụng để đựng, bảo bảo thực phẩm rất an toàn, thân thiện với môi trường. Khi "ăn trâu", "ăn bò" (hiến sinh trong lễ hội) hay săn được thú rừng, đồng bào thường lấy lá chuối để gói thức ăn, gói thịt chia cho mỗi gia đình theo bình quân đầu người.

Từ trái qua: Món cá nướng um lá chuối của đồng bào Cơtu; Món cá suối nướng bọc lá chuối; Món thịt nướng băng lá chuối

Nhiều tộc người, dùng lá chuối để đựng thức ăn như một nghi lễ bắt buộc. Trong lễ ăn trâu mừng mùa bội thu của người M’nông, đồng bào thường trải lá chuối thành hàng và đặt thức ăn lên đó rồi mọi người ngồi dọc theo thành hai hàng đối diện nhau để dùng thức ăn. Mâm cỗ của dân tộc Cơtu thường được đậy bằng lá chuối, chỉ khi nói lý- hát lý đạt tình thông lý thì mới được dở lá và cùng nhau thưởng thức.

Lá chuối là nguyên liệu làm nên hương vị ẩm thực núi rừng. Cá nướng um lá chuối là món đặc sản của nhiều tộc người. Nguyên liệu là cá liêng/niêng, cá xanh cùng gia vị như tiêu, ngò gai, ớt, củ kiệu… trộn đều ướp vào cá, sau đó đùm trong lá chuối và um trên bếp than. Các loài cá sinh trưởng trong môi trường tự nhiên, được người dân đi đánh bắt đem về làm sạch, tẩm ướp gia vị, gói lại bằng lá chuối rồi nướng trên than bếp lửa.

Lá chuối là nguyên liệu chính để bày đựng thức ăn và được sử dụng để đóng gói, bảo quản thực phẩm có nguồn gốc từ núi rừng.

Món cá bống sông nướng trong lá chuối rừng cũng là món ăn truyền thống của đồng bào miền núi. Cá bắt về làm sạch ruột để ráo, ướp gia vị bỏ thêm lá gừng, lá nghệ, ớt... Sau đó lấy khoảng 5-6 lá chuối cho cá vào cuốn lại, hơ bằng than đến khi những lớp lá bên ngoài cháy thì cá sẽ chín. Đồng bào lấy ra thưởng thức ngay với những chén rượu gạo ngâm chuối rừng khô, chén cơm gạo đỏ nhai trộn rất hấp dẫn và ngon miệng. Cách ẩm thực này cung cấp một lượng đạm hết sức quan trọng cho cơ thể.

Cây chuối thân thương, bình dị, với sức sống mạnh mẻ, vươn lên xanh biết giữa trời. Cây chuối làm đẹp cho cảnh quan miền sơn cước. Chuối cũng là loại quả cho hương vị ngọt ngào nuôi sống con người, góp phần vào cuộc sống ấm no cho đồng bào các dân tộc miền núi.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.