Cây đa hơn 200 tuổi gắn kết tình đồng bào Jrai

31/08/2023 11:02
Gốc đa di sản - nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hoá, điểm check-in lý tưởng của người dân làng Ghè

Gốc đa di sản - nơi thường xuyên diễn ra các hoạt động văn hoá, điểm check-in lý tưởng của người dân làng Ghè

Cùng với thời gian, cây đa di sản hơn 200 tuổi ở làng Ghè, xã Ia Dơk, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai đã trở thành biểu tượng văn hoá của đồng bào Jrai nơi đây.

Cây thiêng - báu vật của dân làng

Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Dơk chị Đinh Bem hào hứng dẫn tôi đến thăm cây đa làng Ghè của xã. Vừa đi, Đinh Bem vừa say sưa kể: Cây đa hơn 200 tuổi không chỉ là cây di sản, là niềm tự hào của dân làng trong xã mà còn là điểm đến văn hóa của cả huyện Đức Cơ. Người dân làng Ghè nói riêng, cả xã Ia Dơk nói chung, đều coi cây đa cổ thụ là báu vật linh thiêng.

Cây đa làng Ghè sừng sững với độ cao 45 mét, tán rộng che phủ hơn 2.000 m², có chu vi gốc thân chính là 13 mét và có 8 thân phụ nằm ngay cạnh dòng suối Ia Ghe quanh năm nước chảy róc rách. Cây đa làng Ghè gắn với những nét văn hóa truyền thống của người Jrai, không chỉ là nơi nghỉ ngơi lý tưởng của bà con mỗi khi đi rẫy mà còn là nơi thường xuyên diễn ra các lễ hội truyền thống như lễ cúng bến nước, cúng Yàng.

Cây đa hơn 200 tuổi gắn kết tình đồng bào Jrai - Ảnh 1.

Cây đa làng Ghè sừng sững với độ cao 45 mét, tán rộng che phủ hơn 2.000 m², có chu vi gốc thân chính là 13 mét và có 8 thân phụ nằm ngay cạnh dòng suối Ia Ghe

Theo những người cao tuổi trong làng, cây đa này nằm bên giọt nước của làng Ghè từ nhiều đời nay. Chuyện truyền lại rằng, cây đa do một người đàn ông tên Chơng trồng. Cụ Chơng trồng cây đa với mục đích để lấy bóng mát và làm điểm tựa cho những thân mây leo. Dần dần, cây đa lớn lên, vươn rộng cả một góc làng, trở thành tài sản chung của dân làng Ghè. Con cháu của cụ Chơng đời nối đời cũng đã sang hệ thứ 5.

Trong dòng chảy của đời sống hiện đại, diện mạo thôn làng giờ cũng nhiều đổi thay song gốc đa cổ thụ hơn 200 tuổi đã, đang và mãi là nơi thiêng diễn ra mọi sinh hoạt đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Thế nên, trong tâm thức của người dân, cây đa cổ thụ còn là biểu tượng đẹp về giá trị văn hóa tự nhiên và nhân chứng thời gian cùng tồn tại song song với bao thế hệ nhân dân làng Ghè.

Cây đa hơn 200 tuổi gắn kết tình đồng bào Jrai - Ảnh 2.

Nơi đây diễn ra nhiều lễ hội và hoạt động văn hóa của dân làng Ghè

Ngày 29/11/2016 cây đa làng Ghè đã được Hội đồng Cây di sản Việt Nam công nhận là Cây di sản Việt Nam càng làm tôn thêm giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất này.

Chứng nhân lịch sử

Được biết, làng Ghè xưa kia chỉ là một ngôi làng nhỏ với mươi nóc nhà bao quanh giọt nước, gần cây đa. Nhưng hiện nay, quanh nơi này hầu như không có nhà ở vì người làng đã dời lên cao, cách xa giọt nước chừng 300 m về phía đỉnh đồi. Từ cây đa và giọt nước phải đi qua một khu vườn rẫy sản xuất và khu nhà mồ khá lớn mới tới nơi ở của dân làng.

Theo lời của Già làng Kpuih Ố, trong chiến tranh chống đế quốc Mĩ, khu vực làng Ghè và một số làng khác thuộc xã Ia Dơk là chiến địa ác liệt. Từ năm 1965, người làng Ghè phải sơ tán, lập làng tạm tại khu vực Bàu Cạn (thuộc huyện Chư Prông ngày nay) để tránh bom đạn của kẻ thù. Làng Ghè chỉ còn lại rất ít người và phần lớn là những gia đình theo cách mạng. Đến năm 1975, chiến tranh chấm dứt, người làng Ghè quay lại quê cũ, làm lại nhà rông và trồng cây gạo mới ngay chính giữa đỉnh đồi và lấy đây là trung tâm, tạo lập nên làng Ghè ở vị trí hiện tại.

Cây đa hơn 200 tuổi gắn kết tình đồng bào Jrai - Ảnh 3.

Không chỉ là Cây di sản Việt Nam, cây đa còn là chứng nhân lịch sử thăng trầm của người dân địa phương

Người dân làng Ghè còn truyền tai nhau những câu chuyện tâm linh liên quan đến cây đa linh thiêng. Ví như, từng có nhiều người do xâm phạm đến cây đa mà đêm về nằm ngủ đã gặp ác mộng hoặc chuyện xui xẻo. Bởi vậy, dân làng càng tin cây đa là vật linh thiêng, là nơi trú ngụ của thần linh và các linh hồn; từ đó không ai dám làm tổn hại đến cây. Cây đa đứng đó, sừng sững như biểu tượng trường tồn của lịch sử.

"Cũng từ niềm tin này mà các lễ hội của người làng Ghè thay vì làm ở nhà rông đặt ở giữa làng, bà con quyết định đưa ra gốc đa, nơi gần giọt nước của làng để tổ chức. Cây đa không chỉ là cầu nối đoàn kết của dân làng, với riêng chị em hội viên, phụ nữ Ia Dơk, đây còn là điểm check-in lý tưởng. Mỗi khi có khách quý hay hoạt động dã ngoại, văn hóa ngoài trời của hội viên, phụ nữ, cây đa cổ thụ chính là lựa chọn lý tưởng của chị em chúng tôi. Cây đa ăn sâu vào đời sống hàng ngày và sự phát triển của địa phương. Khi nói đến cây đa trăm tuổi là nhắc đến làng Ghè, nói đến xã Ia Dơk là nhắc đến cây đa di sản", chị Đinh Bem, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Dơk cho hay.

Một vài hình ảnh của cây đa di sản làng Ghè:

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.