Đêm về khuya tĩnh mịch, hòa vào tiếng rả rích của côn trùng xứ núi của xóm nhỏ Cơ Tu thuộc thôn Tà Lâu (nay là thôn thôn Đha Mi), xã Ba (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) là tiếng “đàn tình” não nề, ai oán cất lên. Hỏi ra mới hay, người chơi đàn là già Đinh Văn Bớt (76 tuổi) tấu đàn Abel (còn gọi là H’ra) điêu luyện từ khi còn nhỏ trên dãy Trường Sơn.

Cây đàn tình yêu và cách "hát không há miệng" của người Cơ Tu

Đêm về khuya tĩnh mịch, hòa vào tiếng rả rích của côn trùng xứ núi của xóm nhỏ Cơ Tu thuộc thôn Tà Lâu (nay là thôn thôn Đha Mi), xã Ba (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) là tiếng "đàn tình" não nề, ai oán cất lên. Hỏi ra mới hay, người chơi đàn là già Đinh Văn Bớt (76 tuổi) tấu đàn Abel (còn gọi là H'ra) điêu luyện từ khi còn nhỏ...


Giữa đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ có bộ tộc Cơ Tu sinh sống lâu đời. Trải qua bao biến đổi, thăng trầm của lịch sử và thiên nhiên, người Cơ Tu vẫn lưu giữ được nhiều bản sắc văn hoá quý giá cho cộng đồng mình về phong tục, lễ hội, trang phục, âm nhạc…

Đặc biệt, trong các loại nhạc cụ của đồng bào dân tộc Cơ Tu như Chiêng (Chieng), Thanh la (Bhr’noóh), đàn gỗ 4 dây (H’jưl), sáo (A’luốt)… thì cây đàn môi Abel rất đặc biệt bởi nhìn nó gần giống cây đàn cò (nhị) của người Kinh và gắn với nghệ thuật "hát không há miệng" của đồng bào Cơ Tu.

Truyền thuyết đàn Abel

Cây đàn tình yêu và cách “hát không há miệng” của người Cơ Tu - Ảnh 1.

Ông Đinh Văn Bớt và vợ thi thoảng mang cây đàn Abel ra chơi để ôn lại một thời tuổi trẻ đã qua.

Bên ánh lửa bập bùng già Bớt kể rằng, ngày xưa, thuở còn hoang sơ, con người dưới trần và Tiên trên trời còn liên lạc với nhau. Ở một buôn làng Cơ Tu nọ có chàng trai sống với mẹ già. Để mưu sinh, hằng ngày chàng vác cung, dụ… đi vào những khu rừng xa nhất để săn bắt thú rừng. Nơi ấy có dòng suối nước trong xanh, đôi bờ "hoa thơm đua nở, bướm lượn dập dìu", và thường có các nàng Tiên trên trời xuống tắm.

Một hôm, chàng mải miết theo dấu chân con hươu nên đi mãi, đi mãi, và bỗng nghe tiếng la thất thanh của một cô gái. Chàng vạch cây, lá chạy đến thì thấy con đại bàng cắp lấy đôi cánh của nàng Tiên đang bay lên. Không chần chừ, chàng dương cung lên bắn mũi tên chính xác đã hạ gục con đại bàng rớt xuống.

Chàng lấy lại đôi cánh trao cho nàng Tiên. Nàng Tiên vô cùng cảm kích tấm lòng của chàng trai Cơ Tu tốt bụng và tài ba. Sau đó nàng Tiên đến lúc phải bay về Trời, hai người chia tay nhau trong lưu luyến, chàng trai cứ ngẩn ngơ nhìn theo mãi bóng dáng của nàng Tiên khất dần trong áng mây sa.

Đêm hôm đó, chàng trằn trọc không ngủ được và chỉ mong trời mau sáng để đến nơi con suối mát, gặp gỡ với nàng Tiên. Thời gian trôi qua, hai người đã yêu nhau và có những giờ phút bên nhau hạnh phúc và thề với nhau rằng chỉ có cái chết mới chia lìa.

Nhưng một ngày kia, Vua cha trên Trời biết được, sai thiên sứ xuống bắt nàng Tiên về Trời, không cho nàng xuống lại trần gian. Chàng và nàng Tiên chia lìa trong nuối tiếc, nước mắt chảy thành suối. Trước khi theo thiên sứ về Trời, nàng Tiên chỉ kịp rút chiếc trâm cài tóc, đưa lên miệng thổi.

Chiếc trâm cài liền biến thành cây đàn Abel một dây. Quá nhớ thương người yêu, chàng trai không màng đến ăn uống, ngày ngày cầm đàn "kéo" lên những khúc nhạc u hoài, da diết… Và cây đàn Abel còn gọi là "cây đàn tình yêu" phát nguồn từ đó.

"Hát không há miệng"

Già Bớt cho xem chiều dài toàn bộ cây đàn khoảng 50cm, được chia làm hai phần chính: đế và thân. Trong đó, đế đàn làm bằng một mảnh gỗ mỏng gần 1cm, dài trên 10cm, có chạm trổ hoa văn hoạ tiết rất đẹp. Khi chơi đàn có thể dùng hai ngón chân cái và trỏ kẹp vào phần dưới của đế đàn nhằm định vị cho cây đàn.

Cây đàn tình yêu và cách “hát không há miệng” của người Cơ Tu - Ảnh 2.

Già làng Nguyễn Văn Cần chơi đàn Abel trên cánh đồng làng.

Thân đàn gồm một ống nứa nhỏ, đường kính gần 30cm, đầu dưới được gắn vào đế đàn, phần trên để trống và cũng là nơi chứa cần đàn (cần kéo) khi không sử dụng. Gần đầu đàn có một cái chốt bằng tre xuyên qua thân đàn để lên dây đàn. Dưới chốt, trên thân ống có gắn 3 cái núm nhỏ làm bằng chai chò (nhựa cây chò), gọi là vú đàn và gắn theo chiều dọc của ống, có khoảng cách 1cm giữa các vú…

Ngoài ra, có một sợi chỉ (dài hơn thân đàn một chút), nối từ nơi tiếp giáp giữa đế đàn và thân đàn, đến cuối sợi chỉ thì xuyên qua một mảnh vải con trút cắt theo hình tròn.

Đàn được chơi qua hai cách. Cách thứ nhất: dùng cây cần bằng tre hay nứa kéo qua lại chỗ tiếp giáp giữa dây đàn và thân đàn, đồng thời các ngón tay của bàn tay trái bấm dây dàn, âm thanh phát ra như những cây đàn bình thường khác. Cách thứ hai là người sử dụng dùng hai hàm răng cắn miếng vỏ trút và giữ cho sợi chỉ nằm trong tình trạng căng ra đồng thời hát (trong khi hai hàm răng vẫn cố định) không há miệng. Âm thanh lúc bấy giờ nghe lớn hơn và không còn nghe tiếng nhạc đơn thuần nữa mà nghe hoà quyện lời ca lồng trong tiếng nhạc, đượm màu hoang dã, lôi cuốn người nghe.

"Dưới không nên, trên thoải mái"!

Già làng Bớt cho biết: "Đây là cây đàn để tâm sự về tình yêu, nỗi nhớ mà trai làng thổ lộ tình yêu với bạn gái của mình khi còn e thẹn chưa nói nên lời được. Trước đây, thông qua cây đàn này, đa số trai, gái Cơ Tu nên duyên chồng vợ.

Lúc bấy giờ,  người Cơ Tu vùng thấp (Cơ Tu phương) trong quan hệ trai gái không được "cởi mở" và gần gũi như bây giờ. Người Cơ Tu vùng cao (Cơ Tu dal) bao đời trên dãy Trường Sơn lấy vợ, lấy chồng hơi muộn, khoảng trên dưới 30 tuổi vợ chồng mới làm lễ ăn giùm (pa’zum), mà người kinh gọi là động phòng.

Ở đây có tục gọi là "đi sim" (vốch zong), có nghĩa là trai, gái đến tuổi trưởng thành có quyền tìm hiểu nhau, có thể rũ bạn tình của mình lên nhà Moong, lên chòi trên rẫy để cùng nhau tâm sự, có thể ngủ chung suốt đêm nhưng "chuyện ấy" thì cấm tuyệt. Và khi đi, họ không quên mang theo cây đàn Abel để thổ lộ tâm tư tình cảm của mình.

Già làng Nguyễn Văn Cần (87 tuổi), trú thôn Phú Túc, xã Hoà Phú (Hoà Vang- TP. Đà Nẵng) cho biết: "Hồi trước, ngay giữa làng, lũ làng dựng lên một cái nhà chòi rất cao (gọi là nhà Moong), đến tối trai làng chưa vợ thường tập trung lên đây để ngủ hoặc "ngủ sim". Trường hợp có hai người ‘để ý’ nhau, họ hẹn hò và mang theo cây đàn Abel và trèo lên nhà Moong hoặc ra khe suối... để chơi đàn nhằm thổ lộ ‘tâm tư tình cảm’ của mình và tha hồ ‘hát không há miệng’! Tuy nhiên, trong quan hệ nam nữ, người Cơ Tu rất "trong sáng", ít có trường hợp vượt qua cái "ngưỡng" cho phép ấy vì theo luật tục của người Cơ Tu bao đời, nếu như có quan hệ tình dục, có thai… trước lễ cưới (bhiệc k’điêl) hoặc pa’zum, thì hai người sẽ bị phạt xô bằng trâu, heo, ché… rất nặng, có trường hợp đuổi người phụ nữ kia vào rừng sâu, cách biệt với cộng đồng. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, nếu gặp lúc ‘cao trào’, đôi nam nữ cũng có thể áp dụng phương châm: ‘dưới không nên, trên thoải mái’, có nghĩa là từ bụng trở lên có thể vuốt ve, âu yếm… mà không vi phạm luật tục".

Trai và gái cùng "chơi" chung 1 cây đàn

Cái độc đáo thứ hai là đàn Abel có thể chơi hai người, trai kéo đàn và luyến láy âm thanh, gái thì ngậm miếng vảy chút vào răng và hát, môi có thể mở để âm thanh từ miệng thoát ra, nhưng răng thì phải cắn chặt miếng vảy trút.

Cây đàn tình yêu và cách “hát không há miệng” của người Cơ Tu - Ảnh 3.

Cố già làng Alăng Avel cùng bạn gái chơi đàn Abel.

Vì sợi chỉ ngắn, nên khoảng cách giữa người nam và người nữ gần hơn, họ có cơ hội để thông cảm, quyến luyến. Hai tâm hồn, hơi thở hòa quyện vào nhau, lâng lâng, bồng bềnh trong lời ca tiếng nhạc nên khi chơi đàn Abel có sức quyến rũ kỳ diệu, đam mê, nhất  là khi con trai, con gái Cơ Tu đến tuổi yêu đương. Rất nhiều trai, gái Cơ Tu nên duyên thành vợ thành chồng sống hạnh phúc, viên mãn cũng là nhờ cây đàn tình yêu.

Ngày nay, tuy tuổi đã cao, nhưng thỉnh thoảng già Bớt cùng vợ là bà Alăng Thị Nhá (70 tuổi) mang đàn Abel ra "hát không há miệng" để ôn lại những bài tình ca một thời làm say đắm… lòng nhau. Mỗi lần chơi đàn, già Bớt với đôi mắt mơ màng ngó về nơi dãy Trường Sơn xa mờ  trong màu lam sương khói, nơi đó đã hình thành tình yêu, hạnh phúc, cho hai người và nhớ về những người bạn ra đi không trở lại cho sự nghiệp giải phóng quê hương.

Cây đàn tình yêu và cách “hát không há miệng” của người Cơ Tu - Ảnh 4.

Già làng Y Kông cùng người vợ (mới qua đời) chơi đàn Abel.

Cây đàn tình yêu và cách “hát không há miệng” của người Cơ Tu - Ảnh 5.

Vợ chồng cố già làng Đinh Văn Nhơi chơi đàn Abel tại nhà lúc sinh thời.

Cây đàn tình yêu và cách “hát không há miệng” của người Cơ Tu - Ảnh 6.

Vợ chồng cố già Đinh Văn Lương chơi đàn Abel lúc chăn bò trên cánh đồng làng khi còn sống.

Cây đàn tình yêu và cách “hát không há miệng” của người Cơ Tu - Ảnh 7.

Già Đinh Văn Bớt tấu đàn Abel với đàn Bró.

Già Bớt bộc bạch: "Hiện nay, rất hiếm người biết chơi đàn Abel. Trai gái bây giờ đến với nhau, không thông qua cây đàn Abel như ngày xưa lớp chúng tôi nữa. Chúng chỉ thích những cảnh yêu vội trong phim thôi. Những người già chúng tôi lần lượt ra đi, còn lớp trẻ bây giờ không chịu học cách sử dụng đàn, nên nghệ thuật ‘hát không hả miệng’ của người Cơ Tu có nguy cơ thất truyền, thật là đáng tiếc…". Tôi như đọc được tâm sự của già Bớt qua đôi mắt mơ màng dường như ông nuối tiếc một thời oanh liệt, trai trẻ đã đi qua.

Cây đàn tình yêu và cách “hát không há miệng” của người Cơ Tu - Ảnh 8.

Già làng Nguyễn Văn Cần dạy lớp trẻ sử dụng nhạc cụ truyền thống của người Cơ Tu.

Cây đàn tình yêu và cách “hát không há miệng” của người Cơ Tu - Ảnh 9.

Người Cơ Tu rất thích nghe đàn Abel.

Bài, ảnh: Hòa Vang