Chặng đường hành hương ở Shikoku, đảo nhỏ nhất trong số bốn hòn đảo chính của Nhật Bản, không chỉ có khung cảnh ngoạn mục mà còn gắn với các giá trị về lịch sử, văn hóa và lòng hiếu khách.

Chặng đường hành hương dài 1.200km qua 88 ngôi chùa ở Shikoku

Chặng đường hành hương ở Shikoku, đảo nhỏ nhất trong số bốn hòn đảo chính của Nhật Bản, không chỉ có khung cảnh ngoạn mục mà còn gắn với các giá trị về lịch sử, văn hóa và lòng hiếu khách.

Không Hải sinh ra trong một gia đình nổi tiếng của tỉnh Sanuki trên đảo Shikoku vào năm 774 sau Công nguyên. Sau khi trở về từ chuyến đi đến Trung Quốc vào thế kỷ thứ chín để nghiên cứu truyền thống Phật giáo, nhà sư đã sáng lập Chân ngôn tông, một trong những giáo phái Phật giáo lớn ở Nhật Bản.

Chặng đường hành hương ở đảo Shikoku dài 1.200 km, đi qua 88 ngôi chùa Phật giáo. Mỗi chùa đều có mối liên hệ với nhà sư nổi tiếng Không Hải, hay còn được gọi là Hoằng Pháp Đại Sư.

Sau khi nhà sư Không Hải qua đời vào năm 835, mọi người bắt đầu hành hương đến các địa điểm ở Shikoku gắn với cuộc đời và những đóng góp cho Phật giáo của ngài. 

Các địa điểm này bao gồm nơi sinh, nơi chôn cất, hang động nơi ngài thiền định và những nơi diễn ra các nghi lễ tôn giáo. Theo thời gian, các địa điểm riêng lẻ này được liên kết với nhau, và các ngôi chùa cũng được đánh số để tạo thành tuyến đường hành hương như ngày nay.

Cuộc hành hương đến Shikoku: 88 ngôi chùa, 1.200 km và những món quà chưa kể - Ảnh 2.

Đường đi đến Meiseki-ji, ngôi chùa số 43, vào một ngày u ám.

Cuộc hành hương đến Shikoku: 88 ngôi chùa, 1.200 km và những món quà chưa kể - Ảnh 3.

Kumadani-ji, chùa số 8, ở tỉnh Tokushima.

Phật giáo du nhập vào Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên, từ đó phát triển thành nhiều trường phái và giáo phái khác nhau. Theo ước tính của Cơ quan Văn hóa Chính phủ Nhật Bản, tính đến năm 2018, Phật giáo là tôn giáo có nhiều tín đồ nhất với khoảng 84 triệu người hay khoảng 67% dân số Nhật Bản, tiếp theo là Thần đạo.

Theo truyền thống, người hành hương quanh Shikoku chủ yếu bao gồm các nhà sư và Phật tử phái Chân ngôn tông. Ngày nay, cuộc hành hương thu hút nhiều cá nhân tham gia hơn, vượt ra giới hạn về các thực hành liên quan đến tôn giáo. Những người trẻ bắt đầu hành trình khám phá bản thân, những người lớn tuổi tận hưởng thời gian nghỉ hưu và ngay cả những du khách nước ngoài rất ít biết về ngôn ngữ và phong tục của Nhật Bản cũng bị cuốn vào chuyến đi bởi những khung cảnh ngoạn mục của Shikoku cũng như bởi những trải nghiệm và giá trị tuyệt vời về di sản văn hóa của đất nước.

Cuộc hành hương đến Shikoku: 88 ngôi chùa, 1.200 km và những món quà chưa kể - Ảnh 5.

Những khối đá ấn tượng dọc theo Koibito Cape ở tỉnh Tokushima.

Hành hương quanh Shikoku đã dễ dàng hơn và đa dạng về phương thức đi lại hơn. Trước đây, người hành hương thường phải đi bộ cả chặng đường. Trong những năm gần đây, các chuyến đi bằng xe buýt có hướng dẫn viên đã trở thành một lựa chọn phổ biến, cho phép khách tham quan đến tất cả 88 ngôi chùa mà không phải đi bộ 1.200 km. Một số người di chuyển bằng ô tô riêng hoặc kết hợp đi bộ với lái xe, tùy thuộc vào sở thích và khả năng thể chất.

Với những người tham gia chuyến hành hương Shikoku vì các lý do phi tôn giáo, một trong những món quà lưu niệm được yêu thích nhất là nokyocho (hay sách tem) được đóng dấu đầy đủ. Nokyocho được thiết kế đặc biệt cho chuyến hành hương Shikoku và đóng vai trò như một vật kỷ niệm cho hành trình. Mỗi ngôi chùa dọc theo tuyến đường hành hương đều có trang riêng trong nokyocho và khi người hành hương đến một ngôi chùa, nhân viên ở chùa sẽ dán tem và viết các dòng thư pháp bằng cọ truyền thống vào đó.

Cuộc hành hương đến Shikoku: 88 ngôi chùa, 1.200 km và những món quà chưa kể - Ảnh 6.

Một người hành hương đi bộ qua hàng cây tuyết tùng đỏ gần Daiho-ji, ngôi chùa số 44. Ngoài chiếc nón lá và cây gậy (có chuông trên đỉnh), nhiều người hành hương cũng mặc áo choàng trắng.

Cuộc hành hương đến Shikoku: 88 ngôi chùa, 1.200 km và những món quà chưa kể - Ảnh 7.

Anraku-ji, ngôi chùa số 6, trong ánh sáng sớm. Marta đã ngủ trong tsuyado, hay còn gọi là khu vực ngủ miễn phí, trên tầng hai của tháp chuông ở cổng.

Một buổi chiều nóng bức trên đường hành hương ở Shikoku, Marta Giaccone, nhiếp ảnh gia người Estonia, gặp một đôi vợ chồng trung niên người Đức. Đây là lần thứ tư họ đi hành hương ở Shikoku. Khi được hỏi tại sao chọn quay lại Shikoku thay vì đến những nơi khác trên thế giới, hai vợ chồng nói rằng trong mỗi cuộc hành hương, họ đã khám phá ra một điều gì đó hoàn toàn khác.

Thức ăn cũng là một yếu tố làm tăng thêm sự hấp dẫn của chuyến hành hương Shikoku. Ẩm thực Nhật Bản nổi tiếng với hương vị đa dạng, sự chuẩn bị tỉ mỉ và chú trọng các nguyên liệu địa phương tươi ngon. Shikoku, một hòn đảo có truyền thống ẩm thực riêng, mang đến một nền ẩm thực riêng biệt làm say đắm vị giác của những người hành hương.

Một ngày khác, Marta theo chân hai người đàn ông Nhật Bản đi bộ qua những cánh đồng lúa ở tỉnh Kochi, nằm dọc theo bờ biển phía nam của đảo Shikoku. Sau vài giờ, cô nghỉ ngơi tại một điểm dừng và thấy họ cùng với hai người đàn ông khác cũng ở đó. Tất cả đều đang hút thuốc và trò chuyện.

Marta bắt chuyện với nhóm người đàn ông và biết rằng họ đều đến từ Shikoku. Hai người sẽ đi bộ dọc con đường hành hương hai ngày mỗi năm trong khi hai người kia di chuyển bằng ô tô, chở theo đồ đạc và gặp những người đi bộ ở các ngôi chùa để cùng thực hiện nghi lễ.

Dù đến nơi nào trên đảo, Marta cũng có cảm giác yên bình. Người dân ở Shikoku luôn tốt bụng và hài lòng với cuộc sống của mình. Sự tĩnh lặng và rộng lớn của khung cảnh cùng với sự ấm áp và thân thiện của người dân địa phương tạo cho cô cảm giác bình yên và tĩnh lặng sâu sắc.

Cuộc hành hương đến Shikoku: 88 ngôi chùa, 1.200 km và những món quà chưa kể - Ảnh 8.

Chủ quán trọ của Sakura Ryokan, ở thị trấn Kamojima, đã gửi cho Marta một lời nhắn động viên, cùng với lon trà xanh và hộp cơm nắm.

Một phong tục đặc biệt của người dân Shikoku là osettai: tặng quà cho những người hành hương. Những món quà này có thể là đồ ăn, thức uống, đồ trang sức, các chuyến xe, bữa ăn, chỗ ngủ và đôi khi là cả những khoản tiền nhỏ. Có những lúc tài xế dừng xe giữa đường để phát quà cho người hành hương, Marta cho biết.

Một buổi tối, khi ở lại qua đêm miễn phí tại một ngôi chùa, Marta được một phụ nữ trẻ, người hỗ trợ các công việc trong chùa, cúi đầu chào và trao một mảnh giấy. Lời nhắn được viết bằng tiếng Nhật với nội dung "Cô Marta, cô được thoải mái sử dụng phòng tắm của chùa mà không phải trả bất kỳ chi phí nào". Sự chu đáo và hiếu khách của người dân Shikoku khiến Marta khá ấn tượng.

Trong suốt 28 ngày đến tất cả 88 ngôi chùa, Marta được tặng: 700 yên (gần 120.000 đồng), 11 viên kẹo, 7 chiếc bánh nhỏ, 7 cuốc xe, 6 quả quýt, 5 nắm cơm, 3 chiếc bánh quy, ba thanh sô-cô-la, 3 tách trà xanh, 2 bánh quy giòn, 2 bánh mochi, 2 lon nước ngọt, 2 khăn vải đa năng, 2 hộp nước ép yuzu, 1 yokan (snack đậu đỏ), 1 chiếc xe đạp (được cho mượn nửa ngày), 1 túi hạt dẻ hấp, 1 túi cà chua bi, 1 bữa trưa và 1 bát mì udon tự làm.

Một người đàn ông đã biếu Marta túi cà chua bi và mời cô tham quan trang trại trên đường đến Tanema-ji, ngôi chùa số 34. Ngoài ra, Marta cũng được một người tốt bụng cho đi nhờ xe trong một ngày mưa to.

Cuộc hành hương đến Shikoku: 88 ngôi chùa, 1.200 km và những món quà chưa kể - Ảnh 10.

Một góc nhìn từ trên cao của sông Naka ngay trước khi đến Kakurin-ji, ngôi chùa số 20.

Các ngôi chùa trong cuộc hành hương Shikoku nằm rải rác quanh rìa đảo, một số gần bờ biển trong khi một số ở xa hơn vào nội địa. Chúng cũng không được phân bổ đều, có những chùa nằm gần nhau nhưng cũng có một số cách nhau tới 80 km.

Là một người hành hương, Marta thường thức dậy sớm, thường là khoảng 5 giờ 30 sáng, và dành cả ngày để di chuyển. Khoảng 80% tuyến đường là những con đường trải nhựa, chủ yếu đi qua những cánh đồng trống và thị trấn nhỏ với tầm nhìn ra bờ biển tuyệt đẹp. Tuy nhiên, cũng có những ngày cô phải vượt qua địa hình núi đầy khó khăn.

Sự suy giảm dân số ở nông thôn Nhật Bản đặc biệt thể hiện rõ ở đảo Shikoku. Nhiều thanh niên rời nông thôn và di cư đến các thành phố hoặc các hòn đảo khác để tìm kiếm cơ hội mới và cải thiện điều kiện sống. Hầu hết những người trẻ Marta gặp đều ở các thành phố lớn của bốn tỉnh trên đảo.

Trong chuyến hành hương Shikoku, nhiều người tận dụng các bữa ăn tự nấu do hầu hết các minshuku (nhà trọ gia đình chỉ phục vụ bữa sáng) và ryokan (nhà trọ truyền thống của Nhật Bản) cung cấp. Những bữa ăn này thường bao gồm cơm, súp miso, cá và rau muối chua. Với bữa trưa, người hành hương sẽ có nhiều lựa chọn tùy từng địa điểm trên tuyến đường. Ở một số nơi, có thể mua đồ ăn nhanh từ các cửa hàng tiện lợi gần đó.

Không phải những món ăn ngon, khung cảnh tuyệt vời hay lịch sử văn hóa hấp dẫn mà chính những người Marta gặp trong chuyến hành trình mới là điều để lại cho cô ấn tượng sâu sắc nhất.

Marta gặp Midori-san, một người hành hương 71 tuổi không nói được tiếng Anh, tại một nhà trọ. Bất chấp rào cản ngôn ngữ, bà đã hướng dẫn cô cách sử dụng sentō, kiểu nhà tắm công cộng của Nhật Bản. Lần khác, Marta hỏi nhân viên trong một ngôi chùa trên núi về chỗ ở miễn phí. Mặc dù chùa không hỗ trợ chỗ ở nhưng họ đã đề nghị đưa cô đến đến một thung lũng gần đó để cắm trại.

Cuộc hành hương đến Shikoku: 88 ngôi chùa, 1.200 km và những món quà chưa kể - Ảnh 11.

Một buổi sáng mù sương ở thị trấn Kumakogen, tỉnh Ehime.

Cuộc hành hương đến Shikoku: 88 ngôi chùa, 1.200 km và những món quà chưa kể - Ảnh 12.

Sông Niyodo, giữa Tanema-ji, chùa số 34 và Kiyotaki-ji, chùa số 35.

Trong một ngày mưa, sau khi đi bộ vài giờ trong chiếc áo poncho, Marta quyết định đi nhờ xe đến ngôi chùa tiếp theo. Cô đứng trên một con đường đông đúc, vẫy tay xin quá giang. Vài phút sau, trước sự ngạc nhiên của cô, một người đàn ông địa phương lái chiếc xe van cũ dừng lại. Do khác biệt ngôn ngữ, cả hai chỉ nói được với nhau vài câu. Người đàn ông thậm chí còn gọi cho vợ kể về cuộc gặp gỡ thú vị với một người nước ngoài là cô.

Trước khi chia tay, người đàn ông đã nhờ Marta nói lại tên của mình bằng katakana, một hệ thống chữ viết tiếng Nhật dành cho các từ nước ngoài, và viết nó vào mặt sau của một tờ hóa đơn. Ông phát âm các ký tự, nói to "Ma-ru-ta" và sau đó đi mất.

Đối với Marta, cuộc gặp gỡ với những người hành hương, người dân địa phương và những người tốt bụng đã tạo ra những kỷ niệm đặc biệt, gắn với sự ấm áp, hào phóng và cảm giác cộng đồng. Ngoài các yếu tố hữu hình, chính sự kết nối giữa con người với con người đã để lại ấn tượng khó phai và làm phong phú thêm trải nghiệm của cô trong chuyến hành hương ở Shikoku.

Kim Ngọc (Theo New York Times)