Chatbot được xây dựng với "thế giới quan Kinh thánh”

14/08/2023 09:32
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chatbot khiến một số Ki-tô hữu hào hứng nhưng nó cũng đặt ra thách thức cho các lãnh đạo nhà thờ trong việc điều hướng những tác động của công nghệ lên các giá trị của đức tin.

Khi còn nhỏ, Nils Gulbranson có nhiều câu hỏi trong các buổi học Kinh Thánh. Ở tuổi thiếu niên, Gulbranson thường dành thời gian rảnh để tìm hiểu quan điểm của các học giả Ki-tô giáo về nhiều chủ đề, anh xem các bài giảng và video trên YouTube cho đến khi tìm thấy câu trả lời thỏa mãn mình.

Sự xuất hiện của ChatGPT giúp Gulbranson, một cựu sinh viên ngành khoa học máy tính 23 tuổi, nhìn thấy cơ hội để xây dựng nguồn tài nguyên anh ao ước khi là một thiếu niên theo đạo Tin lành ở tiểu bang Minnesota (Mỹ). Gulbranson bắt đầu xây dựng BibleMate, một "ChatGPT Ki-tô giáo" để hỗ trợ cho những cá nhân muốn tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề trong cuộc sống dựa trên Kinh thánh vào ba tháng trước.

"Sự khác biệt lớn của BibleMate so với ChatGPT là một mô hình dựa trên quan điểm thần học và kinh thánh về thế giới", Gulbranson, hiện là thực tập sinh tài chính ở Boston, nói về phiên bản chatbot mà anh tạo ra. Nó dựa trên cơ sở dữ liệu từ bài thuyết giáo, sách vở và bài báo học thuật ngày càng tăng để cung cấp câu trả lời.

Việc OpenAI cho ra mắt ChatGPT vào tháng 11 năm 2022 gây ra phản ứng trái chiều giữa những người theo Ki-tô giáo. Một mặt là sự hào hứng về những khả năng mà mô hình ngôn ngữ tiên tiến này mang lại cho việc truy cập thông tin, trả lời câu hỏi và hỗ trợ khám phá tâm linh. Mặt khác là quan ngại về những tác động và thách thức mà nó đặt ra cho cộng đồng Ki-tô hữu. Đó là câu hỏi về ý nghĩa của con người, cũng như các vấn đề đạo đức nảy sinh từ việc kết hợp AI vào nhiều mặt trong cuộc sống, chẳng hạn việc một chatbot nên hỗ trợ bao nhiêu khi viết bài thuyết giáo. Đầu tháng 6, một avatar ChatGPT đã điều khiển toàn bộ buổi lễ tại một nhà thờ Lutheran ở Đức, làm dấy lên mối lo ngại liên quan đến vấn đề phụng vụ.

Chatbot được xây dựng với thế giới quan “kinh thánh” - Ảnh 1.

BibleMate có thể được sử dụng cho nhiều mục đích tìm hiểu và nghiên cứu.

Theo Gulbranson, BibleMate có thể được sử dụng khi các mục sư nghiên cứu bài thuyết giáo, tình nguyện viên soạn hướng dẫn nghiên cứu Kinh thánh, hay những thanh thiếu niên muốn tìm hiểu sâu hơn về đức tin. Ngoài ra, những người không theo Ki-tô giáo cũng có thể sử dụng chatbot này để đặt câu hỏi về Chúa. Nó có tính năng giúp đơn giản hóa các khái niệm thần học phức tạp thành ngôn ngữ mà ngay cả một đứa trẻ 5 tuổi cũng có thể hiểu được.

Để đảm bảo tính chính xác, Gulbranson lấy nguồn thông tin từ các học giả có uy tín như William Lane Craig và CS Lewis. Nhận thấy các tín đồ Ki-tô giáo có quan điểm khác nhau về các lẽ thật trong Kinh thánh, BibleMate trình bày nhiều quan điểm về các chủ đề gây tranh cãi như nói "tiếng lạ", các vấn đề liên quan đến hôn nhân đồng giới hay việc những người thuộc cộng đồng LGBTQ+ đảm nhận vị trí lãnh đạo nhà thờ. Mục tiêu là đưa ra những câu trả lời trung lập đối với những chủ đề mà các Ki-tô hữu có thể có ý kiến khác nhau.

Gulbranson không muốn tạo sự chia rẽ trong cộng đồng Ki-tô giáo, đặc biệt là giữa những người có quan điểm bảo thủ và những người có niềm tin tiến bộ hơn. Anh nói rằng Chúa Giê-su không ủng hộ rõ ràng cho bất kỳ hệ tư tưởng chính trị cụ thể nào như chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa tư bản. Những lời dạy của Ngài tập trung vào các nguyên tắc tinh thần và đạo đức hơn là tán thành bất kỳ hệ thống kinh tế hoặc chính trị cụ thể nào.

Sau khi phát hành, Gulbranson cũng tìm hiểu phản hồi từ những người theo Ki-tô giáo thông qua mạng xã hội để cải thiện chatbot. Anh tham gia nhóm Facebook "AI dành cho các Mục sư & Lãnh đạo Giáo hội", nơi các thành viên chia sẻ những cách sáng tạo để sử dụng các công cụ AI như ChatGPT, Jasper (trình tạo nội dung AI) hoặc MidJourney (trình tạo hình ảnh) để phục vụ công việc của họ.

Chatbot được xây dựng với thế giới quan “kinh thánh” - Ảnh 2.

AI cũng tạo nên những tác động và thách thức đối với cộng đồng Ki-tô hữu.

Kỹ sư Joe Suh cũng đã phát triển Pastors.ai, một chatbot khác dựa trên nguồn tin từ các thư viện bài thuyết giáo của nhà thờ. Ban đầu anh thiết kế nó để trả lời các câu hỏi của chính mình. "Tôi muốn hỏi một số câu hỏi rất riêng tư: Ki-tô hữu nên nghĩ thế nào về việc ly hôn? Chúng ta yêu thương những người hàng xóm LGBTQ+ của mình như thế nào? Đây là những câu tôi sẽ thấy hơi ngại khi hỏi trực tiếp. Bây giờ chúng ta có thể tự tìm câu trả lời bởi vì chatbot đã được học hàng trăm giờ bài thuyết giáo", Suh nói.

Đối với Suh, một người đàn ông 45 tuổi đã làm việc ở Thung lũng Silicon trong 25 năm, Pastors.ai cũng là cơ hội để anh kết nối lại với đức tin của mình. Suh cho biết khi các buổi lễ nhà thờ chuyển sang hình thức trực tuyến trong đại dịch Covid-19, việc duy trì tương tác và tập trung rất khó khăn.

Trong khi một số người ngạc nhiên trước những công cụ AI này, những người khác, đặc biệt là các lãnh đạo nhà thờ, lại hoài nghi. Một số mục sư thậm chí còn đặt câu hỏi về các câu trả lời của chatbot, sợ rằng nó có thể bóp méo lời nói của họ. Đáp lại những lo ngại này, mục sư RJ Kang cảnh báo rằng mặc dù các công cụ AI có thể thú vị và hữu ích, nhưng các nhà lãnh đạo nhà thờ không được dựa vào chúng để thay thế cho những hướng dẫn thiêng liêng thông qua cầu nguyện và tìm kiếm ý Chúa. Thách thức nằm ở việc khiến các nhà thờ chấp nhận các công cụ AI này và đạt được sự cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ và duy trì nhận thức tâm linh.

Tháng 11 năm 2020, Giáo hoàng Phanxicô thừa nhận tiềm năng của AI trong việc tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn nếu nó được sử dụng vì lợi ích chung. Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đảm bảo rằng AI luôn phục vụ cho trí thông minh của con người, và kêu gọi các Ki-tô hữu cầu nguyện cho điều này. Trong cuộc họp của Hội nghị Báp-tít miền Nam ở New Orleans vào tháng 6, các nghị quyết liên quan đến AI đã được thông qua để khuyến khích các mục sư sử dụng công cụ AI một cách trung thực, minh bạch và phù hợp với các giá trị của Ki-tô giáo.

Nils Gulbranson, người tạo ra BibleMate, thừa nhận rằng việc sử dụng AI ở những người Ki-tô giáo có thể được xem là kỳ lạ thậm chí là điều cấm kỵ do sự mới mẻ và phức tạp của nó. Tuy nhiên, anh tin rằng theo thời gian, các nhà thờ sẽ hiểu rõ hơn về công nghệ AI và thiết lập các hướng dẫn để sử dụng nó một cách đúng đắn. Về phía Joe Suh, nhà phát triển của Pastors.ai, anh cho rằng khi các nhà thờ được cung cấp nhiều thông tin hơn về AI, họ sẽ hưởng lợi từ các công cụ này trong khi vẫn tuân thủ các nguyên tắc đạo đức và tinh thần. Mục tiêu cuối cùng là đảm bảo rằng AI vẫn là một công cụ phục vụ cho con người và phù hợp với các giá trị và giáo lý đức tin.

Nguồn: Washington Post

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn