Châu Phi: Mối liên hệ giữa khoảng cách giáo dục và các nhóm tôn giáo

08/06/2023 09:32
Ảnh minh họa: Unspalsh

Ảnh minh họa: Unspalsh

Trong ba thế hệ qua, trẻ em theo đạo Ki-tô ở Châu Phi đã vượt qua trình độ học vấn của cha mẹ với tỷ lệ cao hơn nhiều so với trẻ em theo đạo Hồi và các niềm tin truyền thống ở châu Phi.

Đã hơn 50 năm trôi qua kể từ khi hầu hết các quốc gia châu Phi giành được độc lập từ thực dân châu Âu. Trong thời kỳ thuộc địa, bên cạnh việc khai thác tài nguyên thiên nhiên của châu Phi, người châu Âu còn truyền bá Ki-tô giáo vào lục địa này.

Mặc dù đã trải qua vài thập kỷ, những người theo đạo Ki-tô ở châu Phi tiếp vẫn tục đạt những tiến bộ vượt trội trong giáo dục qua nhiều thế hệ so với người Hồi giáo và những người theo niềm tin bản địa truyền thống. Trong một số lĩnh vực, khoảng cách giáo dục giữa các tín đồ theo và không theo Ki-tô giáo đang gia tăng, cho thấy sự chênh lệch về cơ hội và kết quả giáo dục giữa các nhóm tôn giáo.

Một nghiên cứu dựa trên dữ liệu điều tra dân số trong 50 năm từ 2.286 quận trên 21 quốc gia châu Phi đã được thực hiện nhằm cung cấp bức tranh toàn diện đầu tiên về khoảng cách giáo dục qua các thế hệ ở các nhóm tôn giáo châu Phi, nơi sinh sống của 17% dân số toàn cầu và có số lượng lớn người theo Ki-tô giáo và Hồi giáo trên thế giới. Những phát hiện của nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature, đặt ra những câu hỏi mới về mối quan hệ giữa giáo dục, sự giàu có và văn hóa ở Châu Phi.

Xem xét khoảng cách giáo dục qua các thế hệ

Theo Stelios Michalopoulos, đồng tác giả nghiên cứu và là giáo sư kinh tế chính trị tại Đại học Brown, khoảng cách giáo dục giữa người theo Ki-tô giáo và Hồi giáo ở Châu Phi đã tồn tại từ lâu. Tuy nhiên, điều không rõ ràng là liệu khoảng cách này có thay đổi qua các thế hệ hay không, đặc biệt là sau quá trình phi thực dân hóa mà nhiều nước châu Phi đã trải qua. Mục đích của nghiên cứu là xem xét khoảng cách giáo dục giữa những người theo đạo Ki-tô và đạo Hồi giáo đang thu hẹp, mở rộng hay giữ nguyên theo thời gian. Các phát hiện cho thấy khoảng cách này vẫn tương đối ổn định trong 50 năm qua, và thậm chí còn trở nên lớn hơn trong một số trường hợp.

Michalopoulos và các tác giả phát hiện ra rằng trẻ em theo đạo Ki-tô ở 21 quốc gia châu Phi có những tiến bộ lớn hơn về trình độ học vấn so với cha mẹ của chúng trong suốt ba thế hệ. Xu hướng này diễn ra ở mức độ thấp hơn nhiều đối với trẻ em theo đạo Hồi và niềm tin bản địa truyền thống ở châu lục. Một điều đáng lưu ý là mô hình này vẫn đúng ngay cả khi người Hồi giáo và Ki-tô giáo sống trong cùng một quận và có bối cảnh kinh tế và gia đình giống nhau.

Lấy Nigeria, quốc gia đông dân nhất Châu Phi, làm ví dụ. Nigeria có dân số gần như được chia đều giữa đạo Ki-tô giáo và đạo Hồi. Theo các nhà nghiên cứu, tỷ lệ dịch chuyển giáo dục chung giữa các thế hệ ở Nigeria trong 50 năm qua được tính là 0,612. Điều này có nghĩa là 61% trẻ em Nigeria có cha mẹ không học hết tiểu học đã vượt qua trình độ học vấn của cha mẹ, hoàn thành chương trình tiểu học và biết chữ. Tuy nhiên, tỷ lệ này cao hơn nhiều ở người theo đạo Ki-tô (0,786) so với người Hồi giáo (0,466). Với những người theo niềm tin truyền thống, tỷ lệ này thậm chí còn thấp hơn, ở mức 0,229.

Châu Phi: Mối liên hệ giữa khoảng cách giáo dục và các nhóm tôn giáo - Ảnh 1.

Trẻ em theo đạo Ki-tô ở 21 quốc gia châu Phi có những tiến bộ lớn hơn về trình độ học vấn so với cha mẹ của chúng trong suốt ba thế hệ. Ảnh: UN

Nguyên nhân tạo nên khoảng cách giáo dục

Nguyên nhân đằng sau khoảng cách này được tìm hiểu qua phân tích dữ liệu điều tra dân số đồng thời kiểm soát một loạt yếu tố, bao gồm các đặc điểm của hộ gia đình và cộng đồng. Khác biệt về quy mô hộ gia đình – trung bình hộ gia đình Hồi giáo và tôn giáo bản địa truyền thống lớn hơn hộ gia đình theo Ki-tô giáo – chỉ tác động nhỏ đến chênh lệch về dịch chuyển giáo dục giữa các nhóm tôn giáo. Các yếu tố như cơ cấu nghề nghiệp và thu nhập hầu như không đóng vai trò gì cho việc giải thích những chênh lệch trong dịch chuyển giáo dục giữa các nhóm tôn giáo.

Theo nghiên cứu, khoảng 2/3 chênh lệch trong dịch chuyển giáo dục giữa các thế hệ có thể được giải thích bởi hai yếu tố: sự chênh lệch về tỷ lệ biết chữ của thế hệ trước và động lực giáo dục riêng của mỗi khu vực.

Những khu vực mà người Hồi giáo chiếm đa số ít có khả năng đạt được trình độ học vấn cao hơn so với những cộng đồng theo Ki-tô giáo. Điều đó đặc biệt đúng ở các quốc gia Tây Phi như Benin, Cameroon, Ghana, Senegal và Nigeria, nơi có sự phân biệt tôn giáo cao. Ngược lại, khi sống trong các cộng đồng mà người Hồi giáo chiếm thiểu số, họ có trình độ học vấn cao hơn, thậm chí đôi khi vượt qua những người theo đạo Ki-tô về khả năng dịch chuyển giáo dục.

Điều này cũng thách thức giả định rằng một nhóm thiểu số sẽ tạo ra phân biệt đối xử và mở rộng khoảng cách dịch chuyển giáo dục. Trên thực tế, ở một số quận, người ta thấy các nhóm thiểu số Hồi giáo học tốt hơn và đạt nhiều thành tựu giáo dục hơn so với các Ki-tô hữu.

Khả năng ưu tiên cho giáo dục

Mặc dù giáo dục được coi là động lực của sự phát triển và giải phóng ở thế giới phương Tây, mang lại những kết quả tích cực về kinh tế và xã hội, nhưng giả định này có thể không đúng ở mọi nơi. Trong một số cộng đồng nhất định, các mạng lưới xã hội cung cấp một số hình thức an ninh kinh tế tương đương như lợi ích của giáo dục như ở Mỹ, hỗ trợ các cá nhân tìm được việc làm.

Tuy nhiên, trong các cộng đồng đang gặp khó khăn về kinh tế, các cá nhân có nhiều khả năng ưu tiên giáo dục hơn nếu nó hứa hẹn mang lại kết quả tích cực. Trong những năm 1930 và 1940, các nhà truyền giáo Ki-tô đã thành lập nhiều trường học ở các cộng đồng châu Phi, nơi phổ biến các niềm tin truyền thống và gặp khó khăn về kinh tế. Những ngôi trường này thu hút một số lượng lớn trẻ em ở Nam và Trung Phi do nhận thức an ninh kinh tế mà các ngôi trường có thể cung cấp. Kết quả là, những đứa trẻ này biết đọc viết và cải đạo sang Ki-tô giáo với số lượng đáng kể. Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, ảnh hưởng của Ki-tô giáo ở Châu Phi đã tăng lên đáng kể theo thời gian. Tỷ lệ người châu Phi xác định là Ki-tô hữu đã tăng từ 9% vào năm 1900 lên gần một nửa dân số ngày nay. Ngược lại, tỷ lệ người Hồi giáo đã giảm nhẹ từ 47% vào năm 1870 xuống còn 41% hiện nay.

Nghiên cứu chỉ ra rằng những người châu Phi theo các niềm tin truyền thống cải đạo sang Ki-tô giáo trong ba thế hệ qua đã thu được nhiều thành tựu giáo dục hơn so với những người không cải đạo. Phát hiện này phù hợp với quan sát rộng hơn rằng các khu vực nằm gần thủ đô và bờ biển, trải qua quá trình phát triển thuộc địa châu Âu lâu hơn, thể hiện mức độ dịch chuyển giáo dục lên cao hơn.

Nguồn: Brown.edu

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn