Chủ tịch Hội LHPN xã "dịch" văn bản ra tiếng Mông để tuyên truyền hiệu quả

11/05/2023 19:36
Chị Cứ Thị Vang (trái), Chủ tịch Hội LHPN xã Làng Nhì, trực tiếp trao đổi, tuyên truyền tới hội viên

Chị Cứ Thị Vang (trái), Chủ tịch Hội LHPN xã Làng Nhì, trực tiếp trao đổi, tuyên truyền tới hội viên

“Do hầu hết hội viên phụ nữ của địa phương chúng tôi còn hạn chế về nhận thức, nhiều chị nghe tiếng phổ thông chưa rõ, là Chủ tịch Hội LHPN xã, tôi đã chuyển văn bản của Hội ra tiếng Mông để tuyên truyền cho chị em”, chị Cứ Thị Vang, Chủ tịch Hội LHPN xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái, chia sẻ.

Hạnh phúc khi kiến thức có được không bị bỏ phí

Là người dân tộc Mông, sinh ra và lớn lên ở huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, cái duyên bất ngờ đưa chị Cứ Thị Vang đến làm dâu ở xã Làng Nhì, huyện Trạm Tấu và chị cũng bén duyên với vai trò cán bộ Hội LHPN xã từ đó.

Nữ chủ tịch Hội dịch văn bản ra tiếng Mông để tuyên truyền  - Ảnh 1.

Chị Cứ Thị Vang cùng các chị em hội viên giúp nhau trồng cây quế

Tốt nghiệp trường Cao đẳng sư phạm Yên Bái năm 2012, chị Vang đã đi dạy hợp đồng một thời gian. Thế nhưng, khi theo chồng về huyện Trạm Tấu, chị tham gia công tác Hội và là ủy viên Ban chấp hành Hội LHPN xã Làng Nhì. Sau gần 1 năm, với sự năng động của người cán bộ Hội, cuối năm 2015, chị được bầu là Chủ tịch Hội LHPN xã Làng Nhì.

"Lúc mới nhận công tác, tôi từ môi trường giáo dục chuyển sang làm cán bộ phong trào có nhiều bỡ ngỡ, khi ấy con tôi còn rất nhỏ. Làm Chủ tịch Hội phụ nữ xã, mỗi ngày tôi phải đi 30 km từ nhà đến xã. Dịp đó, chưa có đường nhựa, hầu hết chỉ đi bằng đường mòn, nên cứ sáng thứ Hai tôi đi làm sớm và ở lại xã, tối thứ Sáu mới về nhà với chồng con"- chị Cứ Thị Vang nhớ lại.

Nữ chủ tịch Hội dịch văn bản ra tiếng Mông để tuyên truyền  - Ảnh 2.

Tuyên truyền công tác Hội hầu như đều diễn ra vào buổi tối

Ở xã khi ấy còn thiếu máy tính làm việc, mạng Internet chưa có, công nghệ thông tin ở địa phương chưa được đầu tư, nên việc tuyên truyền về công tác Hội rất hạn chế. Là người dân tộc Mông, lại công tác ở địa bàn 100% bà con đều là người Mông, nên để tuyên truyền công tác Hội tốt hơn, chị Vang phải chuyển các văn bản, kế hoạch công tác Hội sang tiếng Mông, rồi đi tuyên truyền trực tiếp tại các Chi hội.

"Khi ấy, cái khó là ban ngày các hội viên đều đi làm nương rẫy, công việc tuyên truyền của tôi chủ yếu phải thực hiện vào buổi tối. Có lúc chồng bận công tác, con nhỏ không ai trông giúp, tôi đành địu con sau lưng cùng mẹ đến thôn bản tuyên truyền công tác Hội. Khi xong việc đã gần nửa đêm, mẹ con tôi ngủ lại nhà của Chi hội trưởng, hôm sau mới trở về nhà"- chị Cứ Thị Vang nhớ lại.

Nữ chủ tịch Hội dịch văn bản ra tiếng Mông để tuyên truyền  - Ảnh 3.

Cán bộ Hội Làng Nhì tuyên truyền phòng chống Covid-19 cho người dân trên địa bàn

Khó khăn nhất là mùa mưa rét, đường trơn, vùng cao núi đá vô cùng khắc nghiệt, không ít lần chị Vang đi bộ hàng chục cây số đường rừng để thực hiện công việc của mình. Chị bảo: "Dù vất vả lặn lội đường khuya, trèo đèo, lội suối một mình đến các Chi hội ở thôn bản, nhưng tôi chưa khi nào nản lòng hay muốn bỏ cuộc. Tôi nghĩ, mình may mắn được học hành hơn các chị em khác, những kiến thức mà thầy cô dạy ở trường cao đẳng, nếu không dùng để dạy học trò thì cũng phải dùng vào việc có ích cho người dân nơi mình sống. Thấy chị em ngày càng tích cực tham gia sinh hoạt Hội, tôi thấy hạnh phúc khi những kiến thức mình có không bị bỏ phí".

Đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương

Cuối năm 2019, chị thành lập Nhóm hội viên văn nghệ, gồm hơn 10 chị em. "Trước tiên nhóm này lập ra để giải tỏa tinh thần, tăng cường sức khoẻ, lại giúp chị em năng động hơn, thu hút chị em có niềm vui khi tham gia sinh hoạt Hội. Từ đó đến nay, các sự kiện của ban, ngành, đoàn thể ở xã đều có nhóm chị em tham gia góp vui, khuấy động phong trào ở địa phương. Vai trò và vị thế của hội viên được nâng lên từng bước"- chị Cứ Thị Vang cho biết.

Nữ chủ tịch Hội LHPN xã "dịch" văn bản ra tiếng Mông để tuyên truyền hiệu quả - Ảnh 4.

Hội viên phụ nữ giúp nhau đi cấy vụ mùa

Theo chị Cứ Thị Vang, mấy năm trở lại đây, ở xã Làng Nhì đã được Nhà nước đầu tư điện, đường, trường, trạm, việc đi tuyên truyền công tác Hội đã thuận lợi hơn nhiều, chị Vang có thể đi xe máy đến các thôn bản. Xã Làng Nhì có 5 thôn bản, với 5 Chi hội, số hộ là hội viên nghèo còn rất cao. Xã có 414 hộ, thì có 327 hộ hội viên nghèo. Đặc biệt, trong gia đình, nhiều chị em còn tự ti. Ví như, dù được tập huấn với Hội, nhưng về nhà nghe chồng phản ứng với việc này, việc khác, chị em lại nghe chồng rồi gạt nội dung vừa được tập huấn sang một bên. Cũng đôi lúc đi tập huấn, chị em bị chồng gọi điện phàn nàn đi 2-3 ngày liền, con cái không ai đưa đón đi học, khiến chị em không yên tâm trong tiếp thu kiến thức.

Chị Cứ Thị Vang chiêm nghiệm: "Tôi nghĩ, để cán bộ Hội vùng cao hoàn thành tốt nhiệm vụ, trước hết bản thân phải là người luôn gương mẫu, đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương, để chị em và bà con nhìn vào học tập. Bên cạnh đó, phải luôn trau dồi kinh nghiệm, học hỏi điều hay, điều mới mẻ từ các địa phương khác. Cán bộ Hội gần gũi với các chị em, coi các Chi hội trưởng và hội viên như chị em trong nhà. Khi gia đình các chị em có việc hiếu, hỷ, đau ốm, tôi đều cố gắng sắp xếp mọi việc để tới chia sẻ, khiến tình cảm chị em cán bộ Hội luôn gắn bó, thương yêu nhau".

Nữ chủ tịch Hội dịch văn bản ra tiếng Mông để tuyên truyền  - Ảnh 5.

Cán bộ, hội viên phụ nữ làm cỏ, vệ sinh đoạn đường tự quản của thôn xóm

"Tôi chỉ mong sao các ông chồng của các hội viên ở đây sẽ cảm thông, giúp đỡ vợ, để chị em yên tâm tham gia sinh hoạt Hội. Cũng mong chị em ở cơ sở như chúng tôi có thêm nhiều cơ hội được giao lưu, phối hợp với các tổ chức khác ở cấp huyện, tỉnh ở nhiều lĩnh vực để chị em vùng cao mở rộng hiểu biết. Từ đó công tác truyền thông của Hội sẽ đạt kết quả cao hơn"- chị Cứ Thị Vang bộc bạch.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.