Chùa Jogyesa ở quận Jongno-gu của thủ đô Seoul, Hàn Quốc, là một trong những địa danh Phật giáo quan trọng nhất trong nước. Người viếng chùa có cơ hội tham gia vào nhiều trải nghiệm và hoạt động khác nhau.

Chùa Jogyesa: Chốn yên bình và tĩnh lặng giữa Seoul nhộn nhịp

Chùa Jogyesa ở quận Jongno-gu của thủ đô Seoul, Hàn Quốc, là một trong những địa danh Phật giáo quan trọng nhất trong nước. Người viếng chùa có cơ hội tham gia nhiều trải nghiệm và hoạt động khác nhau.

Theo dòng lịch sử

Chùa Jogyesa là một điểm đến yên bình cho khách tham quan giữa các khu mua sắm và địa điểm nhộn nhịp của trung tâm Seoul. Chùa nằm ở phía bắc sông Hàn và được bao quanh bởi các cung điện từ thời Joseon (1392 - 1897), triều đại cuối cùng của Hàn Quốc và những ngôi nhà hanok truyền thống.

Theo thống kê năm 2022 từ trang Statista, một nửa dân số Hàn Quốc (50%) không theo bất kỳ tôn giáo nào.

Trong số những người theo tôn giáo, hai nhóm lớn nhất là Phật giáo (17%) và Ki-tô giáo, bao gồm Công giáo (11%) và Tin Lành (20%).

Việc thành lập chùa Jogyesa vào năm 1910 đánh dấu cột mốc quan trọng đối với Phật giáo ở Hàn Quốc. Trước khi chùa được xây dựng, Phật giáo gặp phải cuộc đàn áp dài 5 thế kỷ dưới thời các vị vua Khổng giáo Joseon. Các nhà sư Phật giáo thậm chí còn bị cấm bước qua các bức tường thành trong gần 300 năm cho đến năm 1895. Sự xuất hiện của Jogyesa trong các bức tường thành của Seoul tượng trưng cho sự hồi sinh và chấp nhận Phật giáo ở Hàn Quốc.

Vào cuối thế kỷ 19, thái độ với Phật giáo ở Hàn Quốc mềm mỏng hơn do ảnh hưởng ngày càng tăng của Nhật Bản. Ở thời gian này, Nhật Bản có ảnh hưởng chính trị và văn hóa đáng kể với Hàn Quốc, dẫn đến những thay đổi trên nhiều phương diện của xã hội.

Jogyesa có nhiều tên gọi khác nhau trong hơn 100 năm tồn tại. Chùa có tên là Kakhwangsa trong 28 năm đầu tiên sau khi thành lập và sau đó được gọi là Taegosa cho đến năm 1954.

Jogyesa: Ngôi chùa yên bình và tĩnh lặng giữa Seoul nhộn nhịp - Ảnh 2.

Một cây đại thụ được cho là khoảng 500 năm tuổi bên ngoài chính điện và được trang trí với đèn lồng trong các lễ lớn của Phật giáo như Lễ Phật Đản.

Kiến trúc độc đáo

Chính điện (được gọi là daeungjeon) là công trình kiến trúc quan trọng trong chùa Jogyesa. Đó là một tòa nhà bằng gỗ nhiều màu sắc được xây dựng vào những năm 1920, theo nguyên tắc kiến trúc của triều đại Joseon. Joseon là triều đại cuối cùng của Hàn Quốc, phong cách kiến trúc của nó cũng mang những đặc điểm riêng. Một điểm đáng chú ý là gongpo, hay các giá đỡ bằng gỗ được chạm khắc tinh xảo nối các bức tường và mái chùa.

Jogyesa: Ngôi chùa yên bình và tĩnh lặng giữa Seoul nhộn nhịp - Ảnh 3.

Bảo tháp 10 tầng hình bát giác bên cạnh chính điện chứa xá lợi của Đức Phật

Bên ngoài chính điện có một cây đại thụ ước tính khoảng 500 năm tuổi, đóng vai trò là yếu tố tự nhiên nổi bật trong khuôn viên chùa. Trong các lễ lớn, chẳng hạn như Lễ Phật Đản, cây được trang trí với đèn lồng, làm tăng thêm không khí lễ hội và tâm linh của chùa.

Liền kề với chánh điện là bảo tháp hình bát giác 10 tầng. Bảo tháp là nơi lưu giữ "xá lợi" của Đức Phật, những vật thể giống như ngọc trai hoặc pha lê được tìm thấy trong tro hỏa táng từ thi thể nhà sư. 

Theo Joseon Bulgyo Tongsa, một tài liệu ở thế kỷ 19 ghi lại lịch sử Phật giáo của Hàn Quốc, xá lợi trong chùa Jogyesa được một nhà sư Sri Lanka tặng trong lần đến thăm chùa vào năm 1913.

Jogyesa là một trong những ngôi chùa quan trọng nhất của đất nước và đóng vai trò là trụ sở của tông phái Phật giáo lớn nhất ở Hàn Quốc, Jogye (Tào Khê).

Jogyesa: Ngôi chùa yên bình và tĩnh lặng giữa Seoul nhộn nhịp - Ảnh 4.

Chùa Jogyesa ở quận Jongno-gu của thủ đô Hàn Quốc là một trong những địa danh Phật giáo quan trọng nhất trong nước.

Bình yên và thư giãn

Chùa Jogyesa mở cửa 24/24, cho phép khách tham quan đến thăm và trải nghiệm bầu không khí tâm linh của chùa bất cứ lúc nào. Jogyesa cũng nằm gần một số địa danh nổi tiếng ở Seoul, như Cung điện Gyeongbok (thành lập vào năm 1395 và được coi là biểu tượng của kiến trúc hoàng gia từ triều đại Joseon), Quảng trường Gwanghwamun (nổi tiếng với các tòa nhà chính phủ và đại sứ quán nước ngoài) hay khu phố Insa-dong giàu văn hóa bao quanh ngôi chùa, mang đến bầu không khí truyền thống và văn hóa.

Bất kể thời gian nào trong ngày, Phật tử đều có thể đến chùa Jogyesa. Những người sùng đạo có thể lạy 108 lạy trước tượng Phật lớn để thể hiện lòng tôn kính.

Jogyesa cũng được bao quanh bởi các tòa văn phòng, giúp đáp ứng nhu cầu của nhân viên văn phòng đến chùa trong giờ nghỉ trưa. Vào thời gian này, chùa cung cấp các buổi thiền định có hướng dẫn, mang đến cho họ cơ hội tìm thấy sự bình yên và thư giãn giữa lịch trình bận rộn. Nhiều người thường mang theo cà phê khi đi dạo trong khuôn viên chùa.

Jogyesa: Ngôi chùa yên bình và tĩnh lặng giữa Seoul nhộn nhịp - Ảnh 5.

Trung tâm Thông tin Lưu trú nằm đối diện chùa Jogyesa.

Bên kia đường là Trung tâm Thông tin Lưu trú, cũng được điều hành bởi tông phái Jogye, nơi khách tham quan có thể lấy thông tin và đặt chỗ ở tại các ngôi chùa không chỉ ở Seoul mà còn trên khắp Hàn Quốc. Các hoạt động khi đến với chùa Jogyesa và Trung tâm Thông tin Lưu trú gồm:

- Trải nghiệm "ở lại chùa" ngắn ngày

Jogyesa: Ngôi chùa yên bình và tĩnh lặng giữa Seoul nhộn nhịp - Ảnh 6.

Khách tham quan chụp ảnh tại Jogyesa

Trải nghiệm "ở lại chùa" cho phép khách viếng thăm nghỉ một đêm tại chùa, tham quan chùa với hướng dẫn viên, thiền định, ăn uống chánh niệm và trải nghiệm lối sống khiêm cung và yên bình của các nhà sư.

Trải nghiệm nhằm cung cấp hiểu biết sâu sắc hơn về Phật giáo và các nguyên tắc của đạo Phật. Người tham gia có cơ hội hòa mình vào không gian yên bình của chùa, tạm dừng những thói quen thường ngày và hiểu rõ hơn về các hoạt động, tư tưởng và nghi lễ được thực hành bởi các nhà sư Phật giáo.

- Thưởng trà với nhà sư

Khách tham quan có cơ hội vừa thưởng trà vừa trò chuyện với nhà sư Phật giáo. Những buổi này thường diễn ra trong các nhóm bốn người hoặc ít hơn và kéo dài khoảng một giờ. Người tham gia có thể đặt câu hỏi, tìm kiếm chỉ dẫn hoặc đơn giản là tham gia cuộc trò chuyện thân thiện với nhà sư.

Trí tuệ và triết lý Phật giáo đã trở nên phổ biến ở Hàn Quốc như một phương tiện để đối phó với những thách thức và đấu tranh của cuộc sống hiện đại. Nhiều nhà sư Hàn Quốc trở thành tác giả nổi tiếng với những cuốn sách đưa ra lời khuyên và hiểu biết sâu sắc từ giáo lý Phật giáo. Ví dụ, cuốn sách "Non possession" (tạm dịch: Không sở hữu) của cố hòa thượng Beopjeong đã trở thành một tác phẩm kinh điển kể từ khi được xuất bản năm 1976. Cuốn sách nhấn mạnh tầm quan trọng của việc buông bỏ những sở hữu và ham muốn không cần thiết, thúc đẩy một lối sống biết hài lòng và cân bằng hơn.

- Tìm hiểu ẩm thực đền chùa

Tìm hiểu về ẩm thực là một trải nghiệm tại Trung tâm Ẩm thực Chùa Hàn Quốc, nằm trong cùng tòa nhà với Trung tâm Thông tin Lưu trú. Buổi học diễn ra vào Thứ Bảy hàng tuần từ 10 giờ sáng đến 12 giờ trưa và được hướng dẫn bởi một nhà sư Phật giáo.

Người tham gia được hướng dẫn quy trình chuẩn bị các món ăn với các nguyên liệu có sẵn theo mùa. Trọng tâm của buổi học là tạo ra các bữa ăn chay bổ dưỡng, có hương vị thơm ngon và phù hợp với các nguyên tắc của Phật giáo. Món ăn ở chùa thường tránh sử dụng hương liệu nhân tạo và chú trọng vào các nguyên liệu tự nhiên và lành mạnh. Chúng có nguồn gốc từ các thành phần như tảo bẹ, nấm, hạt vừng hoang và bột đậu nành thô.

Một số món ăn được hướng dẫn có thể bao gồm súp rong biển hạt tía tô, salad rễ cát cánh với kalopanax, và bánh bao rau tề với tảo diếp khô. Những món ăn này đại diện cho sự đa dạng và sáng tạo của ẩm thực đền chùa, thể hiện việc sử dụng các nguyên liệu có nguồn gốc thực vật và làm nổi bật hương vị độc đáo của chúng.

Jogyesa: Ngôi chùa yên bình và tĩnh lặng giữa Seoul nhộn nhịp - Ảnh 7.

Hoạt động làm đèn lồng hoa sen tại Trung tâm Thông tin Lưu trú,

- Làm tràng hạt và lồng đèn hoa sen

Chuỗi tràng hạt thường được các Phật tử sử dụng để thiền định và cầu nguyện. Chúng được đeo như vòng tay hoặc vòng cổ và được sử dụng để đếm khi trì tụng thần chú hoặc thiền định. Tại trung tâm thông tin, mọi người có thể tự làm chuỗi tràng hạt và thỏa sức sáng tạo theo ý muốn với màu sắc tùy chọn.

Đèn lồng hoa sen giữ một vị trí quan trọng trong văn hóa và biểu tượng Phật giáo. Với hình dáng như hoa sen, những chiếc đèn lồng này mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Thắp sáng đèn hoa sen tượng trưng cho sự soi sáng thế giới tối tăm đầy đau khổ và vô minh bằng trí tuệ của Đức Phật.


(Theo SCMP)
21/06/2023 09:32