Cộng đồng người Đông Nam Á ở Nam Mỹ đang chia sẻ nền ẩm thực và văn hóa với cộng đồng địa phương qua những lễ hội và sự kiện ở các ngôi chùa Phật giáo trong khu vực.

Chùa Phật giáo kết nối các cộng đồng ở Nam Mỹ

Cộng đồng người Đông Nam Á ở Nam Mỹ đang chia sẻ nền ẩm thực và văn hóa với cộng đồng địa phương qua những lễ hội và sự kiện ở các ngôi chùa Phật giáo trong khu vực.

Lớn lên ở Georgia, Molli Voraotsady thường xuyên mong chờ đến lễ hội chào đón năm mới của Lào tại chùa Wat Lao Buddhamoongcoon, bang Georgia. Đến tháng Tư, ngôi chùa Phật giáo này lại chật kín các gian hàng thức ăn, chào đón Voraotsady với món thịt nướng và xôi nếp hấp trong giỏ tre. Chú của cô sẽ luộc tôm và ăn theo cách của người Lào, kèm với jeow som, một loại gia vị cay với hương vị của chanh và nước mắm.

Sau khi gặp gỡ anh chị em, ăn uống là điều đầu tiên Voraotsady nghĩ đến. Sau đó, họ tham gia vào các hoạt động truyền thống chào đón năm mới như té nước, tượng trưng cho việc gột rửa năm cũ và thanh tẩy cho năm mới. Đó là thời điểm duy nhất trong năm cô thấy mọi người trong cộng đồng Lào tụ họp cùng nhau.

"Ở cạnh người lớn tuổi thật thoải mái. Hầu hết phụ nữ Lào có tuổi đều rất hoạt bát, họ thường thích nấu ăn và gọi bạn là 'luk', có nghĩa là trẻ con. Đó là một cộng đồng tràn đầy niềm vui, cảm giác đó rất tuyệt vời", Voraotsady nói.

Những buổi tụ họp tương tự cũng diễn ra tại các ngôi chùa trên khắp đất nước để chào đón năm mới của người Thái Lan, Lào và Campuchia trong tháng Tư vừa qua, nhưng chúng đặc biệt quan trọng ở Nam Mỹ. Số liệu của Cục thống kê dân số Mỹ cho thấy Nam Mỹ có số lượng người gốc Á thấp nhất cả nước và đa dạng tôn giáo ở các bang ở miền Nam cũng thuộc vào hàng thấp nhất.

Chùa Phật Giáo kết nối các cộng đồng ở Nam Mỹ - Ảnh 1.

Một bảng ghi “Chúc mừng năm mới của Lào” tại Wat Lao Buddha Khanti ở Snellville, Georgia.

Kết nối và chia sẻ văn hóa

Chùa Phật giáo thường thu hút người dân địa phương và những người từ nơi khác đến tham gia các lễ hội. Khi các buổi tụ họp trở nên phổ biến hơn, chúng đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cộng đồng người Thái và người Lào đang phát triển nhanh chóng ở Nam Mỹ kết nối với nhau và chia sẻ văn hóa với cộng đồng.

Chùa Phật Giáo kết nối các cộng đồng ở Nam Mỹ - Ảnh 2.

Một người đổ bột cho món khao nom kok, một loại bánh gạo dừa của Lào, tại chùa Wat Lao Buddha Khanti ở Atlanta

Với Voraotsady, 32 tuổi, một đầu bếp người Lào và là thành viên của cộng đồng người Mỹ gốc Á ở Atlanta, điều quan trọng là phải duy trì mối liên hệ với di sản văn hóa và truyền thống của mình. 

Mặc dù thành công với vai trò là một đầu bếp, cô vẫn coi trọng ý thức cộng đồng và truyền thống đi kèm với việc đón năm mới tại chùa. 

Năm nay, Voraotsady đã đưa nhân viên cửa hàng So So Fed đến chùa, không chỉ giới thiệu cho họ về các món ăn và văn hóa truyền thống của cộng đồng Lào, mà còn chia sẻ về tầm quan trọng của cộng đồng và truyền thống trong cuộc sống và công việc của mình.

Ngày 23 tháng 4, ngày thứ hai của lễ hội, sân chùa rộn ràng âm thanh, từ nhạc sống đến tiếng "xèo xèo" của các món nướng. Lễ hội bắt đầu với những lời cầu nguyện và cầu phước, tiếp tục đến buổi chiều với các nghi lễ, diễu hành và nhảy múa.

Trong thời gian đó, mọi người đến những gian hàng khác nhau, nơi bán mọi thứ, từ súng nước đến nước mía ép và món ăn truyền thống của người Lào với các loại thảo mộc thơm và ớt cay. "Tham dự lễ hội với những người chưa từng đến đây rất thú vị, đặc biệt là với các thành viên đang phục vụ đồ ăn Lào cùng chúng tôi tại So So Fed. Đó là một trải nghiệm tuyệt vời cho mọi người", Voraotsady nói.

Chùa Phật Giáo kết nối các cộng đồng ở Nam Mỹ - Ảnh 3.

Các thành viên của Hiệp hội người Mỹ gốc Lào Jaesen Khounthalangsy và Clark Frederick ăn mừng trong cuộc diễu hành Nang Sangkhan tại Wat Lao Buddha Khanti ở Atlanta.

Chùa Phật Giáo kết nối các cộng đồng ở Nam Mỹ - Ảnh 4.

Terry Cuskelly nấu một món súp, món mà cô nói rằng chỉ có thể tìm thấy ở Thái Lan. Cusekelly nấu món này mỗi năm một lần tại Wat Wimuttayaram, ngôi chùa Phật giáo Thái Lan ở New Orleans.

Chùa Phật Giáo kết nối các cộng đồng ở Nam Mỹ - Ảnh 5.

Những người tham gia Lễ Tắm Phật tại Wat Wimuttayaram.

Lamai Begue, 43 tuổi, di cư từ Thái Lan đến New Orleans vào năm 2002 và chỉ quen một vài người trước khi cô biết đến chùa Phật giáo Wat Wimuttayaram ở bang Louisiana, miền Nam nước Mỹ.

Begue bắt đầu xây dựng một cộng đồng và trở thành tình nguyện viên bán thức ăn cho hai dịp lễ trong năm: lễ hội Songkran hay Tết của người Thái Lan diễn ra vào tháng 4 và Loy Krathong, lễ hội ánh sáng của Thái Lan diễn ra vào mùa thu.

Mọi người thường xếp hàng dài trước gian hàng của Begue, đợi ăn món gỏi đu đủ cay và gỏi măng. "Mọi người thử mọi thứ, và nói họ thích mọi thứ. Tôi nghĩ đó là lý do tại sao chúng tôi ngày càng phát triển", Begue nói.

Khi mới bắt đầu vào năm 2018, các hội chợ ẩm thực có quy mô nhỏ và chủ yếu là phục vụ cộng đồng người Thái. Tuy nhiên theo thời gian, chúng thu hút mọi người từ khắp khu vực. 

Lễ hội Songkran năm nay có khoảng 10 đến 15 người tình nguyện bán các món ăn đường phố Thái Lan, từ món khai vị như salad đến xúc xích Thái và các món tráng miệng truyền thống như xoài và xôi. Mọi người cũng có thể thưởng thức các điệu nhảy truyền thống, tham gia quay xổ số và lễ hội té nước của sự kiện.

Chúng tôi muốn chia sẻ mọi thứ với những cộng đồng khác, các tôn giáo khác hay các nền văn hóa khác. Được quảng bá cho đất nước, cho cộng đồng và cho ngôi chùa của chúng tôi là một điều rất tuyệt vời.

Luksamee Dyer ở chùa Wat Wimuttayaram

Làn sóng người nhập cư

Chùa Phật Giáo kết nối các cộng đồng ở Nam Mỹ - Ảnh 6.

Nhà sư Aphaymani Sengsir ban phước lành cho mọi người tại Wat Wimuttayaram.

Một lượng lớn người nhập cư Đông Nam Á đến Mỹ trong những năm 1970 và 1980, nhưng chủ yếu là người tị nạn từ Việt Nam, Campuchia và Lào. Làn sóng đầu tiên của những người tị nạn này được hỗ trợ bởi các cá nhân hoặc tổ chức tôn giáo như của Ki-tô giáo và Do Thái giáo. Họ cũng đóng vai trò quyết định thành phố hoặc khu vực nào mà người tị nạn sẽ sinh sống sau khi đến Mỹ.

Mạng xã hội và truyền miệng sau đó đã thúc đẩy di cư đến miền Nam nước Mỹ. Vào những năm 80, các công việc trong ngành sản xuất đã thu hút thêm nhiều người Lào đến các cộng đồng miền Nam. Theo Kimberly Khounthalangsy và Justin Settah Rodriguez của Hiệp hội người Mỹ gốc Lào, các nhà máy sản xuất ở những nơi như quận Habersham và Gwinnett ở bang Georgia sẵn sàng thuê người nhập cư bất chấp rào cản ngôn ngữ.

Ngày nay, người Mỹ gốc Á là nhóm chủng tộc hoặc sắc tộc phát triển nhanh nhất tại Mỹ. Và mặc dù miền Nam có số dân số gốc Á ít nhất ở Mỹ, khu vực này có một số cộng đồng châu Á phát triển nhanh nhất trong nước.

C.N. Le, Giám đốc chương trình Nghiên cứu về người gốc Á và người Mỹ gốc Á tại Đại học Massachusetts ở Amherst, cho biết người nhập cư Đông Nam Á đến miền Nam nước Mỹ vì nhiều lý do. Theo Le, các yếu tố như cơ hội việc làm, chi phí sinh hoạt thấp hơn và giá cả phải chăng hơn đang thúc đẩy xu hướng này. Những người nhập cư này đang chuyển đến miền Nam thay vì "các điểm đến cửa ngõ truyền thống" là Los Angeles, New York và San Francisco.

Giá trị từ các cộng đồng

Mọi người đến đây từ nhiều cộng đồng. Dù là từ bất kỳ nền văn hóa nào thì chúng tôi cũng đều chào đón họ khi đặt chân đến đây.

Ngonephetsy

Moukdavanh Ngonephetsy chuyển từ Rockford, bang Illinois đến bang Tennessee và tham gia cộng đồng tại chùa Wat Amphawan of America ở thành phố Murfreesboro của bang bốn năm trước.

Tại chùa, cô nhận thấy các hội chợ ẩm thực Thái – Lào được tổ chức hai lần một năm thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng địa phương. Nhiều người đến từ những nơi khác nhau để thử các món ăn Đông Nam Á do các đầu bếp tình nguyện tại hội chợ nấu nướng.

Chùa Phật Giáo kết nối các cộng đồng ở Nam Mỹ - Ảnh 9.

Susan Vangvongsavanh chiên trứng cuộn trong Hội chợ ẩm thực Thái - Lào tại chùa Wat Amphawan of America. Đây là năm thứ 3 Vangvongsavanh nấu ăn cho sự kiện.

Preeda Momungkun, một nhà sư tại chùa Wat Amphawan of America ở Murfreesboro, thích thú khi thấy thành phố xích lại gần nhau, đặc biệt là các gia đình.

"Tôi yêu thành phố và tôi yêu con người, và chúng tôi có những người hàng xóm tốt trong khu vực này", nhà sư nói thông qua Ngonephetsy, người thông dịch cho thầy. Và mặc dù các lễ hội ở chùa thường đóng vai trò gây quỹ, Momungkun nói rằng tiền không quan trọng: "Điều quan trọng là được gặp gỡ mọi người và những khuôn mặt vui vẻ".

Chùa Phật Giáo kết nối các cộng đồng ở Nam Mỹ - Ảnh 8.

Biểu diễn Muay Thái ở Nashville trong Hội chợ Ẩm thực Thái - Lào tại Chùa Wat Amphawa of America.

Chùa Phật Giáo kết nối các cộng đồng ở Nam Mỹ - Ảnh 9.

Anita Chitaphong, 18 tuổi, ở Murfreesboro, biểu diễn điệu múa truyền thống của Thái Lan trong Hội chợ Thực phẩm Thái - Lào tại chùa Wat Amphawan of America.

Hội chợ ẩm thực vào tháng Tư có giá vé 30 USD (hơn 700.000 đồng) với 30 món ăn, từ thịt bò xào đến trứng cuộn tự làm của Ngonephetsy. Trong khi thức ăn là điểm thu hút chính, Ngonephetsy cũng coi các sự kiện là cơ hội để cộng đồng ở chùa chia sẻ về tôn giáo và văn hóa. Cùng với ẩm thực, hội chợ còn có các điệu nhảy và âm nhạc truyền thống, và luôn có một nhà sư để trả lời thắc mắc của người tham dự về ngôi chùa hoặc các truyền thống.

Chùa Wat Wimuttayaram ở New Orleans, nơi Begue đến, chỉ tính phí thực phẩm và số tiền thu được sẽ trực tiếp dùng để duy trì và mở rộng quy mô chùa. Mỗi sự kiện thu được từ 3.000 đến 5.000 USD (khoảng 70 – 117 triệu đồng). Begue cho biết sự phát triển này giúp chùa tạo ra ảnh hưởng lớn hơn, giống như cách chùa đã tác động lên cuộc sống của cô. Khoảng năm 2017, trong lúc khó khăn của cuộc đời, ngôi chùa chính là nơi nương tựa để Begue tìm thấy niềm an ủi cho bản thân.

Với người dân địa phương và nhiều người đến từ các khu vực khác, những sự kiện này có thể là điểm bắt đầu để tìm hiểu về văn hóa Đông Nam Á và quan điểm của Phật giáo về cộng đồng. Các ngôi chùa Phật giáo có truyền thống lâu đời là chào đón những người thuộc các tín ngưỡng khác, kết nối với cộng đồng địa phương và đặc tính này đã được chuyển sang các ngôi chùa Phật giáo ở Mỹ, C.N. Le cho biết.


(Theo Washington Post)
14/05/2023 08:10