Chuyện ít biết về những đền thờ Hai Bà Trưng

Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng nằm ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội

Di tích Quốc gia đặc biệt đền Hai Bà Trưng nằm ở thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội

Hiện trên cả nước có hơn 100 đền thờ Hai Bà Trưng, ngoài ra còn rất nhiều đền thờ các tướng lĩnh đã tham gia cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống ngoại xâm của dân tộc. Mỗi đền thờ Hai Bà đều gắn với câu chuyện riêng nhưng tất cả đều tôn vinh tinh thần quật khởi, khí phách của hai vị nữ anh hùng dân tộc.

Truyền thống bất khuất, quật cườngcủa phụ nữ Việt Nam

Hai Bà Trưng là những anh hùng dân tộc đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa chống Bắc thuộc đầu tiên trong lịch sử Việt Nam, tạo tiền đề cho các cuộc khởi nghĩa sau này tiếp tục nổ ra để đi đến thắng lợi cuối cùng. Bắt đầu dấy binh vào năm 39, Hai Bà cùng các tướng lĩnh lập Hội thề ở cửa sông Hát (nay thuộc huyện Phúc Thọ, Hà Nội). 

Cuộc khởi nghĩa nhận được sự hưởng ứng của nhiều đội quân và nhân dân các nơi thuộc đất Âu Lạc và Nam Việt cũ nên đã nhanh chóng giành thắng lợi. Bà Trưng Trắc được suy tôn là nữ vương điều hành đất nước. Đây là sự kiện làm chấn động cõi Nam, là lời tuyên bố hào hùng về khí phách phụ nữ Việt Nam nói riêng và người dân đất Việt nói chung. 

Cuộc khởi nghĩa kết thúc vào năm 43 khi Hai Bà Trưng gieo mình tự vẫn cũng ở cửa sông Hát (tương truyền Hai Bà hóa ngày 5/3/43, tức ngày 6 tháng 2 âm lịch và đây là ngày giỗ của Hai Bà).

Chuyện ít biết về những đền thờ Hai Bà Trưng - Ảnh 1.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng qua tranh Đông Hồ

Nếu so sánh với lịch sử dựng nước và giữ nước của các quốc gia trên thế giới, chúng ta có thể tự hào bởi Việt Nam từ thời Hai Bà Trưng đã xuất hiện bao nữ tướng anh hùng, làm cho quân địch nhiều phen kinh hồn. Trước sức mạnh của quân đội Hai Bà Trưng, thái thú Tô Định phải cắt tóc cạo râu, bỏ ấn tín để chạy về nước, chấp nhận sự trừng phạt của Hán Vũ Đế. Cũng trong đội nghĩa quân của Hai Bà Trưng còn có biết bao nữ tướng nổi danh khác như: Lê Chân, Lê Thị Hoa, Phật Nguyệt, Hồ Đê... 

Trong các thời kỳ sau, lịch sử Việt Nam tiếp tục in dấu nhiều gương mặt nữ tướng lừng danh khác như một sự tiếp nối hào hùng. Có thể kể đến các nhân vật tiêu biểu như: Bà Triệu (225-248), Ngọc Dung công chúa (? - 1426), Bùi Thị Xuân (1760 - 1802). Sang đến thế kỷ 20, anh hùng Nguyễn Thị Định trở thành nữ tướng đầu tiên trong lịch sử Việt Nam hiện đại, bắt đầu một hành trình từ thủ lĩnh đội quân tóc dài trong phong trào Đồng Khởi, Bến Tre đến khi trở thành Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam sau này.

Những đền thờ tri ân

Hai Bà Trưng là anh hùng dân tộc và được thờ cúng tại nhiều nơi. Theo trang Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, hiện nay trên cả nước có 103 nơi thờ Hai Bà Trưng và các tướng lĩnh ở 9 tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, Thái Bình, Phú Thọ… trong đó, riêng huyện Mê Linh có 25 di tích thờ tại 13 xã.

Chuyện ít biết về những đền thờ Hai Bà Trưng - Ảnh 2.

Toàn cảnh đền thờ Hai Bà Trưng ở Mê Linh

Địa danh được nhắc đến nhiều nhất có lẽ là đền Hai Bà Trưng tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, Hà Nội. Đây được xem là nơi sinh ra và lớn lên của Hai Bà. Theo ghi nhận của sử gia Ngô Thì Sĩ, từ nhiều thế kỷ trước khi đền thờ Hai Bà được lập ra, vì Hai Bà chết do binh đao nên đền thờ kiêng màu đỏ là màu máu: hương án đều sơn màu đen, không có màu đỏ; người dân địa phương cũng không dám mặc áo đỏ, kể cả người đến viếng thăm nếu mặc áo đỏ phải cởi bỏ để bên ngoài theo lệ cấm. 

Ngày nay, tục lệ này đã không còn, chỉ có tấm lòng tri ân, biết ơn của hàng vạn người về dâng hương thành kính với Hai Bà là không hề thay đổi.

Cách Hạ Lôi khoảng 40km, tại xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, Hà Nội cũng có đền thờ Hai Bà Trưng. Theo một số tài liệu ghi lại, vùng Hát Môn là nơi Hai Bà tổ chức hội quân sĩ sau khi hội tại thành Phong Châu. Đây cũng là nơi tuẫn tiết của Hai Bà Trưng khi cuộc khởi nghĩa thất bại. Tương truyền, đền Hát Môn được khởi dựng sau khi Hai Bà Trưng trẫm mình.

Nếu như đền Hai Bà Trưng ở thôn Hạ Lôi là quê hương của hai vị, đền Hát Môn là nơi tuẫn tiết thì tại phường Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), ngôi đền Hai Bà Trưng gắn với truyền thuyết: Hai Bà sau khi tuẫn tiết, khí thiêng hóa thành hai tảng đá trắng trôi về Thăng Long, đến bến Đồng Nhân, ban đêm thường phát sáng rực rỡ. Dân làng thấy vậy, bèn lấy vải đỏ rước và lập đền thờ Hai Bà ở ngay bãi Đồng Nhân ven sông. 

Chuyện ít biết về những đền thờ Hai Bà Trưng - Ảnh 3.

Đền Hát Môn, còn gọi là đền Quốc tế, đền Hai Bà Trưng, thuộc địa bàn xã Hát Môn, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội. Theo một số tài liệu ghi lại, vùng Hát Môn là nơi Hai Bà tổ chức hội quân sĩ sau khi hội tại thành Phong Châu.

Đó là vào năm 1142, đời Vua Lý Anh Tông, niên hiệu Đại Định thứ ba. Đến năm Gia Long thứ 18 (1819), do đất bị lở nên dân làng phải dời ngôi đền tới khu vực thôn Hương Viên (nay là phố Hương Viên) nhưng vẫn giữ tên cũ. Đền Đồng Nhân hiện có tấm bia "Trưng Vương sự tích bi ký" đặt ở sân trước bái đường, do tiến sĩ Vũ Tông Phan soạn năm 1840 với nội dung ca ngợi Hai Bà là bậc "Nam bang tiết liệt"...

Ngoài ra còn hàng trăm ngôi đền lớn nhỏ trong nước thờ Hai Bà và các vị tướng quân tài ba năm xưa đã làm nên cuộc khởi nghĩa từ những buổi đầu giữ nước của dân tộc. Trong đó, đáng chú ý nhất phải kể đến miếu thờ Trưng Vương tại tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc). Thông tin này do hai nho sĩ được cử đi sứ là Nguyễn Thực (thế kỷ 16) và Ngô Thì Nhậm (thế kỷ 18) ghi chép lại trong thơ văn của mình.

Trong bài "Nam hoàn chí Ngũ Lĩnh", Nguyễn Thực viết:

Đồng trụ Trưng vương lưu cựu tích

Thạch nhai Trưng tướng phục tùng từ

Phong cương tự cổ phân trung ngoại

Thậm tiễn thiên công xảo thiết thi.

Những câu thơ miêu tả cảnh đẹp núi non, song "dấu cũ Trưng Vương" được ông nhắc đến khiến ai nấy đều liên tưởng đến ngôi đền thờ nữ anh hùng của dân Việt trên đất Bắc. Điều này được khẳng định rõ nét hơn khi năm 1793, Ngô Thì Nhậm đi sứ nhà Thanh có sáng tác tập "Hoàng Hoa đồ phả", trong đó bài "Phân Mao lĩnh" có nhắc đến "miếu bà Trắc" ở ngọn núi ranh giới giữa hai nước Sở, Việt (2 quốc gia thời Xuân Thu - Chiến Quốc thuộc Trung Quốc ngày nay).

Trong sử sách có ghi: "Sau khi Mã Viện quay lại xâm lược đã bắt trên 300 cừ súy (tướng lĩnh giỏi) là người Việt đưa về Trung Quốc". Từ những thông tin đó cùng với việc các sứ thần đã đưa địa danh miếu vào thơ, các nhà nghiên cứu nhận định rằng, những người dân Việt yêu nước tuy bị đày ải xa quê hương nhưng vẫn lập miếu thờ Hai Bà để tưởng nhớ thủ lĩnh cũng như thể hiện ý chí bất khuất của người Việt.

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Quốc tế phụ nữ, nhắc nhớ về những nữ tướng lừng danh trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, chúng ta càng thêm cảm phục và tự hào về những tấm gương trung liệt ấy. Khí phách của bao bậc tiền nhân ấy còn mãi mãi đồng hành cùng những người phụ nữ Việt Nam hôm nay và mai sau.

(*) Tiến sĩ ngôn ngữ học Đỗ Anh Vũ hiện công tác tại Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam, thành viên Hội đồng Văn học thiếu nhi - Hội Nhà văn Việt Nam

Ngày Quốc tế phụ nữ đã có lịch sử hơn một thế kỷ, bắt đầu từ những cuộc biểu tình do phụ nữ tổ chức để đòi quyền lợi bình đẳng chính đáng cho giới mình, diễn ra ở Mỹ và Nga. Cho đến năm 1910, Hội nghị Phụ nữ thế giới được tổ chức tại Copenhaghen, Đan Mạch đã quyết định chọn ngày 8/3 hàng năm làm Ngày Quốc tế phụ nữ - Ngày đoàn kết đấu tranh với các khẩu hiệu: Ngày làm 8 giờ, Việc làm và tiền lương ngang nhau, Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

Năm 1911, Ngày Quốc tế Phụ nữ lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 19/3 ở bốn quốc gia: Áo, Đan Mạch, Đức và Thụy Sĩ với hơn một triệu người tham gia. Từ năm 1914, Ngày Quốc tế Phụ nữ bắt đầu được tổ chức đúng vào 8/3 ở nhiều quốc gia gắn với một số sự kiện đáng chú ý: Phụ nữ Đức đòi quyền bầu cử vào ngày 8/3/1914, một cuộc diễu hành từ Bow tới quảng trường Trafalgar để ủng hộ cuộc bầu cử của phụ nữ tại Anh cũng diễn ra vào ngày 8/3/1914. Năm 1977, Đại hội đồng Liên hợp quốc chính thức tuyên bố ngày 8 tháng 3 là Ngày của Liên hợp quốc về quyền phụ nữ và hòa bình thế giới.

Tại Việt Nam, Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 thường gắn với Lễ kỷ niệm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng nhằm tri ân công đức của Hai Bà và những vị nữ tướng anh hùng trong lịch sử dân tộc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.