Chuyện người "giữ lửa" ở làng mộc Kim Bồng

12/07/2023 11:02
Nghệ nhân nhân dân Huỳnh Ri - người tái sinh làng mộc Kim Bồng (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam)

Nghệ nhân nhân dân Huỳnh Ri - người tái sinh làng mộc Kim Bồng (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam)

Nhắc đến Hội An, người ta nghĩ ngay đến một thành phố di sản với những ngôi nhà rường hàng trăm năm tuổi. Để tạo nên những công trình đó, không thể không nhắc đến những người thợ mộc vẫn ngày đêm miệt mài tay đục tay búa ở làng Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP Hội AN, tỉnh Quảng Nam).

Làng mộc Kim Bồng

Tại đây, người làng thường nhắc về Nghệ nhân nhân dân Huỳnh Ri - người tái sinh làng mộc sau những năm tháng tưởng như dân làng đã giải nghệ vì những ảnh hưởng của chiến tranh.

Ông Huỳnh Ri cho biết, sau khi hòa bình lập lại, ông có dịp ra thăm một số làng nghề ở miền Bắc. Lúc bấy giờ, tại một số nơi như Hà Tây, Bắc Ninh, Hà Nam nghề làm mộc rất phát triển, ông nhận thấy không thể bỏ phí nghề truyền thống của cha ông mình nên khi quay về, ông đã quyết tâm khôi phục nghề.

"Tôi bày tỏ tâm nguyện với lãnh đạo thị xã (TP Hội An trước đây là thị xã Hội An - PV) về việc làm lại nghề, giữ lấy truyền thống của mảnh đất này và may mắn được ủng hộ. Xã cấp cho tôi một khu đất nhỏ để làm trường dạy học. Tôi nghĩ không gì bằng chính con em quê mình giữ nghề nên truyền dạy cho các cháu trong làng trước. Sau đó có rất nhiều người đến theo học, cứ vừa học vừa làm, hoàn toàn không có học phí. Năm xưa các cụ truyền dạy tôi thế nào, tôi truyền nghề hết cho các cháu" - nghệ nhân Huỳnh Ri tâm sự.

Cứ thế, sau một thời gian dài học tập, hết lớp học trò này đến lớp học trò khác, đến nay, nghệ nhân Huỳnh Ri không còn nhớ chính xác số học sinh mà ông từng đào tạo. Chỉ biết rằng hiện nay, ở làng Kim Bồng có gần 200 người thợ lành nghề đang làm việc trong gần 20 cơ sở sản xuất đồ gỗ, nhiều người đi nơi khác lập nghiệp. Ai gặp ông cũng chào một tiếng "thầy" thân thiết.

Nghệ nhân Huỳnh Ri chia sẻ điểm độc đáo trong phong cách làm mộc của Kim Bồng là kỹ thuật đục đẽo thủ công. Nhờ đó, đến nay những công trình nhà cổ của Hội An vẫn còn nguyên giá trị bởi lưu giữ những sản phẩm chứa đựng kỹ nghệ đỉnh cao của những người thợ mộc năm xưa xây dựng. Đến những năm tháng sau này, các sản phẩm lưu niệm tại Kim Bồng cũng được du khách yêu thích vì mang nét đẹp hài hòa, không sản phẩm nào giống nhau do vẫn được những người thợ thổi hồn bằng phương pháp thủ công.

Trải qua nhiều thăng trầm, để làng mộc Kim Bồng tái sinh và phát triển như hiện nay, vai trò của người thợ với những đôi tay khéo léo là không thể thay thế. Tuy nhiên, trước sự phát triển của công nghiệp hóa, hiện đại hóa như hiện nay, việc thế hệ trẻ có còn "mặn mà" với nghề truyền thống hay không, đây có lẽ cũng là nỗi trăn trở của thế hệ cha ông trong hành trình giữ trọn lửa nghề.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.