Chuyện người Mông "cầm lái" cua dốc ở Mù Cang Chải

Trong lúc đợi khách, các nữ tài xế ở Mù Cang Chải luôn tay thêu thổ cẩm

Trong lúc đợi khách, các nữ tài xế ở Mù Cang Chải luôn tay thêu thổ cẩm

Đến thị trấn Mù Cang Chải khách du lịch muốn tới những địa điểm như đồi Mâm Xôi, đồi Móng Ngựa, rừng Trúc hay Lao Chải, Kim Nọi thì phương tiện chính là xe ôm. Có khoảng hơn 700 tài xế xe ôm, trong đó có nhiều phụ nữ ở khắp các điểm đón khách. Đông nhất là khu vực đồi Mâm Xôi. Họ là những chàng trai, cô gái Mông, làm nhiều công việc khác nhau tranh thủ cuối tuần làm thêm.

Người Mông không chỉ giỏi cưỡi ngựa, lội rừng vượt núi bằng đôi chân, giờ người Mông còn giỏi chạy xe máy vượt đèo, băng đường đất đá. Những gương mặt hiền lành, có phần rụt rè (so với các anh xe ôm ở những khu du lịch khác). Họ không chào mời, chèo kéo mà làm việc theo tổ nhóm, có tổ chức, không xô bồ.

Họ nói với nhau bằng tiếng Mông còn giao tiếp với khách bằng tiếng Kinh. Họ mang lại cho du khách cảm giác thoải mái bởi sự thuần hậu. Những con đường của Mù Cang Chải quanh co uốn khúc, chỗ thì dốc dựng đứng, đường thì nhỏ, bên là rừng, bên thì vực sâu. Chọn cách tin tưởng vào người bạn đồng hành, chúng tôi cùng những người bạn Mông trải nghiệm.

Chuyện xe ôm ở Mù Cang Chải - Ảnh 1.

Các nữ tài xế xe ôm ngồi chờ đến lượt chở khách vào điểm du lịch đồi Mâm Xôi

"Người Mông nghe cụ Hồ"

Người bạn đường của tôi là chàng trai Mông, phụ trách bếp ăn của một trường mầm non. Hàng ngày 2 vợ chồng đi làm ở điểm trường, cuối tuần chạy xe kiếm thêm. Xe chạy qua thung lũng, đỗ xe lại, cậu chỉ tay lên một sườn đồi giới thiệu: "Nhà em kia, bố mẹ em cũng ở cùng".

Một nếp nhà nhỏ xinh, mái gỗ bình dị dưới bóng cây đào, cây mận, cây sơn tra. "Mùa xuân quanh nhà em đầy hoa đẹp lắm". Giọng nói đầy tự hào, khuôn mặt sáng lên niềm hạnh phúc. Tôi hỏi đùa: "Em có tảo hôn không đấy, trẻ thế mà đã 2 con". Cậu hồ hởi khoe: "Em không tảo hôn đâu. Người Mông ở Mù Cang Chải nghe cụ Hồ, nghe chính phủ bỏ tảo hôn rồi. Cũng không đi bắt vợ nữa".

Những đoạn đường khó, bạn ấy đi chậm lại, thậm chí đỗ lại. Thì ra vợ cậu ấy chạy xe phía sau, cùng chở khách trong đoàn của tôi. Cậu ấy giải thích là chạy chậm để chờ bạn vợ, đoạn khó thì hỗ trợ và cũng để khách yên tâm vì luôn có đoàn. Ai bảo các chàng trai Mông chỉ biết uống rượu. Cô vợ chạy sau ắt hẳn yên tâm vì luôn có người lo lắng cho mình. Người khách như mình lại càng yên tâm hơn khi ngồi sau 1 tay lái đầy tinh thần trách nhiệm.

Chuyện xe ôm ở Mù Cang Chải - Ảnh 2.

Đội xe ôm ở khu vực rừng Trúc xã Mồ Dề đang chở khách theo phân công của tổ điều hành.

Mù Cang Chải còn nhiều khó khăn

Hảng A Tỉnh, người lái xe ôm chở tôi vào rừng trúc có nét buồn buồn, gầy nhỏ. Hỏi chuyện mới biết cậu ấy mới mất con trai đầu hồi tháng ba năm nay. Cháu bé sau một cơn sốt lúc ba tuổi đã bị co giật và ảnh hưởng tới não, cháu mất khi mười tuổi. Tỉnh bảo đáng ra học lớp bốn nhưng nghỉ học từ mẫu giáo lớn rồi, giờ chỉ còn đứa em gái nó thôi. Cũng đã đưa xuống Hà Nội nhưng bác sĩ bảo không cứu chữa được.

"Mù Cang Chải còn nhiều khó khăn lắm. Đường to nhà nước làm cho rồi, mấy đường nhỏ cũng cho kinh phí làm nhưng nhiều chỗ vẫn chưa làm tới, đi lại không dễ. Trẻ em đi học nhà nước nuôi, cho tiền, cho gạo nên cũng nhiều trẻ đi học hơn, xa thì ở lại trường, gần thì về nhà bố mẹ nấu cơm, tiền và gạo vẫn lĩnh đủ. Ở Mù Cang Chải khí hậu như tên gọi (rừng gỗ khô) nên cũng chẳng trồng được mấy rau quả, mùa đông khô và lạnh, chẳng muốn ra khỏi nhà", Tỉnh chia sẻ.

Người Mông thích ở trên cao, ở từ đời ông bà tổ tiên, ở mãi quen rồi. Mùa này còn có nước chứ sang đông là khô, cây cối chẳng sinh trưởng được. Trên đường đi tôi hỏi Tỉnh "Sáng có uống rượu không?". Tỉnh bảo "Một chút thôi, không uống nhiều, uống nhiều không đi xe được đâu, không ai thuê nữa". Vậy là cũng đã nhiều thay đổi rồi.

"Con gái ở đây ai cũng làm được!"

Khi chia tay tôi sau chuyến xe khứ hồi lên tham quan khu vực danh thắng ruộng bậc thang mâm xôi lớn nổi tiếng ở xã La Pán Tẩn, Mù Căng Chải (Yên Bái), Lý Thị Pàng chìa tay để bắt tay tôi rất dứt khoát và mạnh mẽ kèm lời hẹn "Cảm ơn nhé. Lần sau lại lên nhé. Hẹn gặp lại".

Chuyện xe ôm ở Mù Cang Chải - Ảnh 3.

Lý Thị Pàng – nữ tài xế xe ôm ở đồi Mâm Xôi

Lý Thị Pàng là một trong 500 tài xế xe ôm trong đội vận chuyển khách tham quan khu vực này. Mỗi một ca (theo ngày) có 100 tài xế hoạt động.

Pàng trông khá trẻ và nét với làn da nâu óng nhưng có con gái hơn 20 tuổi đã lấy chồng.

Đôi tay cứng cáp của Pàng rất tự tin điều khiển chiếc xe máy cài số 1 vượt qua mấy con dốc cao và cua trên quãng đường 1,7km từ quốc lộ lên đỉnh đồi. Khi hoàn thành chuyến đi tôi ngỏ lời khen cảm phục "Pàng đi xe máy giỏi thật!". Pàng cười bảo "Con gái ở đây, ai cũng làm được mà. Núi cao hơn còn trèo được mà!".

So với việc trồng lúa, lên rừng bẻ măng, thu nhập từ công việc chạy xe ôm vào thời gian du lịch cao điểm giúp Pàng có được khoản thu nhập cao hơn. Pàng mong Mù Cang Chải không chỉ được đón khách theo mùa vụ mà khách sẽ đến với Mù Cang Chải quanh năm để Pàng và mọi người có công việc đều đặn, thường xuyên.

Cũng như hơn 100 phụ nữ Mông tham gia dịch vụ vận chuyển khách, trong thời gian chờ khách, Pàng lại lấy tấm vải luôn mang theo bên mình để thêu thổ cẩm. Tiếng nói cười rộn ràng một góc đồi.

Huyện Mù Cang Chải cách thành phố Yên Bái gần 200km về phía Tây, nằm trọn dưới chân núi dãy Hoàng Liên Sơn với hơn 80% dân số là người dân tộc thiểu số. Đến nay, 100% các xã đã có đường ô tô đến trung tâm; gần 350 km đường liên thôn, liên bản được kiên cố hóa, chiếm 40% tổng số đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện.

6 tháng đầu năm 2023, huyện Mù Cang Chải huy động các nguồn lực, vốn đầu tư và vận động xã hội hóa xi măng, đóng góp ngày công lao động kiên cố 48/75km đường giao thông nông thôn, đạt 63,7% kế hoạch.

Việc kiên cố hóa các tuyến đường giao thông nông thôn tại huyện vùng cao Mù Cang Chải đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thuận lợi giao thương, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo và thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2023, huyện Mù Cang Chải dự kiến kiên cố hóa 75km đường giao thông nông thôn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.