Từ đầu những năm 1990, hàng trăm hộ dân khu vực Tây Bắc đã được đưa vào xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) định cư, theo dự án di dân vùng lòng hồ sông Đà (Thủy điện Hòa Bình). Vậy nên, hiện nay 92% dân số của xã là người đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc. Giữa cao nguyên, họ gửi nỗi nhớ về cố hương qua những nếp nhà sàn cổ kính.

Từ đầu những năm 1990, hàng trăm hộ dân khu vực Tây Bắc đã được đưa vào xã Ia Lâu (huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai) định cư, theo dự án di dân vùng lòng hồ sông Đà (Thủy điện Hòa Bình). Vậy nên, hiện nay 92% dân số của xã là người đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc. Giữa cao nguyên, họ gửi nỗi nhớ về cố hương qua những nếp nhà sàn cổ kính.


Toàn xã Ia Lâu (Chư Prông, Gia Lai) có 2.160 hộ, phần lớn dân số nơi đây là người dân tộc phía Bắc với 1.762 hộ. Hiện có khoảng 40% số hộ dân tộc thiểu số phía Bắc vẫn sinh sống trên nhà sàn. Theo nhiều hộ dân cho biết, việc giữ gìn những ngôi nhà sàn là cách để họ tưởng nhớ đến cố hương và lưu giữ nét truyền thống văn hóa của dân tộc mình.

Câu chuyện của những ngôi nhà sàn Tây Bắc trên biên giới Gia Lai  - Ảnh 1.

Hai ngôi nhà sàn truyền thống của gia đình ông Ma Văn Tiến (thôn Bắc Thái, xã Ia Lâu, huyện Chư Prông).

Đến thăm ngôi nhà của ông Hà Văn Mừng-59 tuổi, Trưởng thôn Lũng Vân (Ia Lâu, Chư Prông, Gia Lai). Ông Mừng kể: Nguyên quán của ông ở xã Nam Sơn, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình. Do cuộc sống khó khăn, ông tự nguyện đưa vợ và 3 con di cư vào đây năm 1997. Trên 1.000 m2 đất ở được cấp, ông dựng tạm căn lều nhỏ. Năm 2000, sau khi dần ổn định cuộc sống trên quê mới, ông bắt tay vào dựng ngôi nhà sàn truyền thống.

Chuyện sau những ngôi nhà sàn Tây Bắc trên biên giới Gia Lai  - Ảnh 2.

9 bậc cầu thang nhà sàn ở Ia Lâu

"Có người bảo tôi, đã không có ăn sao còn đi dựng nhà thế này. Nhưng tôi lại nghĩ, phải an cư thì mới lạc nghiệp. Hơn nữa, nhà sàn là bản sắc của người Mường chúng tôi, ông bà xưa đã để lại thì mình phải tiếp nối", ông Mừng hồi tưởng.

Ngôi nhà của ông được chia làm 3 gian, mái lợp ngói, có 3 cửa sổ với hàng chấn song chỉ chiếm khoảng 1/3 chiều cao ô cửa để thoải mái đón gió. Chủ nhân ngôi nhà cho hay, theo quy tắc làm nhà sàn của người Mường, số bậc cầu thang cũng như cửa sổ đều phải là số lẻ. Cầu thang 9 bậc gần như là quy chuẩn nhưng cũng có hộ chỉ làm 5 hoặc 7 bậc tùy chiều cao của nhà so với mặt đất.

Câu chuyện của những ngôi nhà sàn Tây Bắc trên biên giới Gia Lai  - Ảnh 2.

Ngôi nhà sàn làm bằng gỗ rất khang trang

Nhắc về kỷ niệm đáng nhớ, ông Mừng bật cười cho hay, sau khi dựng nhà khoảng 1 năm thì ông mới phát hiện điều tréo ngoe-căn nhà… không nằm đúng trên phần đất được cấp. Vậy là cả thôn hơn trăm người đã hè nhau giúp ông nhấc bổng ngôi nhà lên rồi khiêng về đặt ở vị trí hiện tại!

Chuyện sau những ngôi nhà sàn Tây Bắc trên biên giới Gia Lai  - Ảnh 4.

Ngôi nhà sàn này có người trả hơn 1 tỷ nhưng chủ nhân không bán

Ông Mừng còn kể thêm, gần đây có người đến đặt vấn đề mua lại ngôi nhà về làm quán cà phê nhưng ông không bán. Sau hơn 20 năm lập nghiệp trên đất mới, ông có 2 ha lúa nước 2 vụ, 2 ha rẫy trồng điều và một xưởng cơ khí khá lớn, cũng không còn khó khăn để phải bán đi ngôi nhà kỷ niệm. "Sẽ làm nhà xây nhưng vẫn giữ lại nhà sàn", ông Mừng nói.

Bà Đinh Thị Dúng, nguyên là Bí thư, Chủ tịch UBND xã Ia Lâu. Gia đình bà cũng đang sống trong ngôi nhà sàn được xây dựng từ năm 2000. Thời gian đầu, cả nhà 6 người sống trong ngôi nhà của dự án rộng chừng 30 m2, chỉ đủ kê chiếc giường và một số vật dụng. Sau đó, vợ chồng bà quyết tâm dựng ngôi nhà sàn truyền thống làm bằng gỗ cà chít với diện tích khá lớn, mái lợp ngói.

Chuyện sau những ngôi nhà sàn Tây Bắc trên biên giới Gia Lai  - Ảnh 3.

Nhiều người dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc di dân vào Gia Lai và gửi nỗi nhớ về cố hương qua những nếp nhà sàn cổ kính


Không gian ngôi nhà thoáng rộng, được chia tách bằng cách kê thêm tủ, kệ hoặc kéo 1 tấm rèm. Bếp nằm riêng ra một gian tạo thành khối nhà chữ L. Bà Dúng cho hay: "Ở nhà sàn vừa mát, vừa sạch sẽ, quét sơ là bụi bặm lọt qua kẽ sàn. Thích ngồi, thích nằm chỗ nào cũng được, chỉ cần trải tấm chiếu. Trước khi mất, chồng tôi dặn dò là đừng làm nhà xây. Cuộc sống hiện nay cũng không lam lũ gì nên tôi sẽ giữ lại ngôi nhà này cho đến hết đời mình".

Chuyện sau những ngôi nhà sàn Tây Bắc trên biên giới Gia Lai  - Ảnh 6.

Đồng bào dân tộc Mường biểu diễn chiêng bên nhà sàn

Tại thôn Bắc Thái (Ia Lâu), nơi cư trú của đa số dân tộc Tày trên địa bàn, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi dừng chân trước 2 ngôi nhà sàn truyền thống nằm liền kề trên khu đất của gia đình ông Ma Văn Tiến. Ông Tiến cho hay, quê ông ở xã Sảng Mộc, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên. Vào Ia Lâu năm 1997, cùng với việc khai hoang, ông bắt tay vào đẵn gỗ làm ngay một ngôi nhà sàn 10x7 m làm nơi cư trú ổn định cho 8 người trong gia đình. 

"Tôi luôn tự hào về ngôi nhà của mình. Vào những ngày nhiệt độ vùng biên "phi mã" trên dưới 40 độ C, tôi chỉ cần mang võng xuống treo dưới gầm sàn là có giấc ngủ trưa ngon lành! Đời thế là thoải mái, không lo nghĩ gì nữa", ông Tiến cho biết.

Người dân không nuôi gia súc hay chất củi dưới gầm sàn mà chỉ dùng để đồ lặt vặt và dụng cụ lao động

Khác với đồng bào Tây Nguyên, đồng bào Tây Bắc không làm bếp ngay trên nhà sàn mà làm bếp riêng. Họ cũng không nuôi gia súc hay chất củi dưới gầm sàn mà chỉ dùng để đồ lặt vặt và dụng cụ lao động. 

Họ tưởng nhớ về quê hương không chỉ qua việc giữ gìn những căn nhà sàn truyền thống mà còn mang theo nhiều địa danh như: Đà Bắc, Bắc Thái, Lũng Vân, Hòa Bình, Pác Bó, Cao Lạng… để đặt tên cho đất mới.

Thực hiện: Gia Hân