Cô gái dân tộc Thái thu trái ngọt nhờ giữ nghề truyền thống

Sầm Thi Tình (trái) tặng tấm vải đẹp nhất cho Hoàng hậu Malaysia

Sầm Thi Tình (trái) tặng tấm vải đẹp nhất cho Hoàng hậu Malaysia

Cô gái trẻ dân tộc Thái miền tây xứ Nghệ Sầm Thị Tình đã chọn nghề truyền thống của gia đình để khởi nghiệp và gặt hái những trái ngọt đầu mùa.

Dân tộc Thái ở miền tây Nghệ An có khoảng hơn 300 nghìn người, chiếm dân số lớn thứ 2 ở tỉnh này, sau người Kinh. Nền văn hóa của đồng bào Thái nơi đây được bảo lưu, có nhiều yếu tố nổi trội và có ảnh hưởng đến các dân tộc thiểu số khác.

Nghề dệt và trang phục truyền thống của dân tộc Thái là một di sản quý báu được gìn giữ, phát triển mạnh trong cộng đồng. Có một gia đình người Thái ở bản Hoa Tiến, xã Châu Tiến, huyện Quỳ Châu các thế hệ kế tiếp nhau theo đuổi nghề dệt truyền thống của dân tộc. Nhờ đó mà họ có một sản nghiệp đáng kể. Cô gái trẻ dân tộc Thái miền tây xứ Nghệ Sầm Thị Tình đã chọn nghề truyền thống của gia đình để khởi nghiệp và gặt hái những trái ngọt đầu mùa.

Bản Hoa Tiến là một trong những nơi được mệnh danh là cái nôi dệt thêu thổ cẩm nổi tiếng và lâu đời bậc nhất của người Thái ở tỉnh Nghệ An. Người Thái xem thổ cẩm là những vật phẩm không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày, đặc biệt trong những ngày lễ, ngày hội của bản làng hay trong ngày vui của đôi lứa. Tuy nhiên, cũng như một số nghề truyền thống khác, nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Thái đứng trước nguy cơ mai một.

Với sự trăn trở của người làm nghề, năm 2010, bà Sầm Thị Bích - mẹ của Sầm Thị Tình - cùng với một số chị em trong bản đã đứng ra thành lập hợp tác xã làng nghề thổ cẩm Hoa Tiến. Họ là những phụ nữ khéo tay có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề. Qua đó, chị em phụ nữ trong bản cùng chung tay lưu giữ và phát triển bản sắc văn hóa truyền thống của người Thái, đồng thời góp phần tăng thu nhập cho gia đình.

Nét độc đáo của thổ cẩm Hoa Tiến là bảo tồn những giống tằm địa phương cùng quá trình canh tác dâu, trồng bông thủ công. Bà con không sử dụng thuốc trừ sâu và các hóa chất bảo vệ thực vật. Họ biết sử dụng một số nguyên liệu tự nhiên từ cây, củ, quả có sẵn trong vườn, trong rừng để chế thuốc nhuộm màu. Đến nay, Hoa Tiến đã nhuộm được trên 52 màu, thừa sức để nhuộm cho nhiều chất liệu (vải tằm thô, lụa, vải bông, vải linen).

Người Thái ở Hoa Tiến còn bảo lưu kỹ thuật dệt- nhuộm với độ tỉ mỉ và hoàn thiện cao điển hình kỹ thuật dệt ikat để tạo ra các hoa văn độc đáo trên các tấm vải, khăn. Các sản phẩm từ Hoa Tiến đặc trưng với vải có độ thô nhất định từ chất liệu, đường thêu chắc chắn, màu nhuộm tự nhiên đa dạng, bền đẹp với thời gian.

Như những cô gái Thái khác, từ lúc 7-8 tuổi, Sầm Thị Tình đã được mẹ truyền dạy, hướng dẫn cách dệt vải thổ cẩm. Từ đó tình yêu với dệt đã được nhen nhóm, hình thành. Cô đã tự mình tạo ra những sản phẩm dệt, đặc biệt là tiếp thu, sáng tạo được những hoa văn mới, những mặt hàng thổ cẩm có tính ứng dụng.

Bên cạnh sản phẩm truyền thống như váy, áo, khăn piêu..., Sầm Thị Tình đã tạo, gia công nhiều sản phẩm có giá trị thị trường như: khăn dệt tơ tằm, khăn lụa, túi ví, giày dép thổ cẩm, thú bông, các sản phẩm trang trí trong nhà như vỏ gối, khăn trải bàn,...

Trong vai trò là người phụ trách kinh doanh và thiết kế, Sầm Thị Tình đã đưa sản phẩm của hợp tác xã Hoa Tiến lên nhiều kênh online giới thiệu đến với khách hàng trong và ngoài nước. Năm 2015, theo gương mẹ, cô mở cửa hàng thổ cẩm tại Hà Nội với tên giao dịch tiếng Anh: Hoa Tien Brocade. Đây là bước khởi nghiệp quan trọng nhằm mục đích quảng bá sản phẩm truyền thống của quê hương và tìm đầu ra sản phẩm giúp bà con có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Từ đó mang thương hiệu Hoa Tiến vươn xa hơn thông qua các hoạt động du lịch, thương mại, liên kết với các sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống từ hợp tác xã, từ các dân tộc ở nhiều địa phương khác.

Cô gái trẻ dân tộc Thái thu trái ngọt nhờ giữ nghề truyền thống - Ảnh 2.

Sầm Thị Tình đang sắp xếp, trưng bày sản phẩm tại gian hàng thổ cẩm ở Malaysia

Không chỉ dừng lại ở đó, cô gái thổ cẩm miền tây xứ Nghệ còn muốn sản phẩm của quê hương mình vươn xa hơn. Tháng 9/2022, Sầm Thị Tình đăng ký với Ban tổ chức Hội thảo nghề dệt may truyền thống các nước ASEAN (TTAS), do nước chủ nhà Malaysia đăng cai tổ chức tại thủ đô mới Putrajaya, tham gia một gian hàng, giới thiệu, bán sản phẩm thổ cẩm của dân tộc Thái.

Gian hàng của cô nổi bật giữa không gian trưng bày, thực hành, trình diễn nghề thủ công của các dân tộc ở các nước Đông Nam Á. Cô chủ của gian hàng càng tạo ấn tượng hơn khi diện bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình với áo (xửa cỏm), váy (xỉn), thắt lưng (xải cỏm), khăn (piêu)...

Cô gái trẻ dân tộc Thái thu trái ngọt nhờ giữ nghề truyền thống - Ảnh 3.

Sầm Thị Tình đang trao đổi kỹ thuật dệt vải với nghệ nhân dệt Malaysia

Du khách rất thích thú khi được quấn thử chiếc khăn piêu có hoa văn tinh xảo và sắc nét, ngắm chiếc chân váy như đóa hoa rừng tươi thắm của người phụ nữ Thái. Tại đây, cô đã bán được nhiều sản phẩm, đủ trang trải kinh phí tự túc cho chuyến đi.

Cô gái trẻ dân tộc Thái thu trái ngọt nhờ giữ nghề truyền thống - Ảnh 4.

Sầm Thi Tình tặng tấm vải đẹp nhất cho Hoàng hậu Malaysia Tunku Azizah Aminah Maimunah Iskandariah

Điều ngạc nhiên thú vị là, chẳng những du khách nhiều nước mà Hoàng hậu Malaysia Tunku Azizah Aminah Maimunah Iskandariah cũng rất thích thú với bộ trang phục và sản phẩm thổ cẩm dân tộc Thái. Sầm Thị Tình đã tặng cho Hoàng hậu tấm thổ cẩm đẹp nhất trong số sản phẩm cô mang theo.

Sầm Thị Tình, cô gái dân tộc Thái miền tây Nghệ An chẳng những nối nghiệp nghề dệt của của gia đình, của bà con bản làng mà còn chọn thổ cẩm quê hương để khởi nghiệp. Cô gái trẻ tự tin chọn lối đi cho sản phẩm làng nghề, từ bản làng, ra thủ đô và đến với xứ người.

Chuyến "xuất ngoại" mang thổ cẩm đến vùng Mã Lai Đa Đảo được coi là điều may mắn, cô đã gặt hái nhiều hoa trái, vừa bán hàng, tham quan, học tập vừa tìm kiếm thị trường để có thêm động lực theo đuổi, phát triển nghề truyền thống của dân tộc mình.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn