Cô gái Dao thành lập hợp tác xã giúp nhiều chị em thoát nghèo

28/10/2022 09:00
Chị Lý Thị Ba (bìa phải) và các thành viên HTX

Chị Lý Thị Ba (bìa phải) và các thành viên HTX

Không cam chịu cái đói, cái nghèo, chị Lý Thị Ba đã cùng 10 chị em khác thành lập hợp tác xã. Các chị đã lựa chọn những cây trồng thế mạnh của địa phương để phát triển và kết quả đã khẳng định đây là hướng đi đúng.

Gạo "Đâyzang" là chủ lực

Sinh ra và lớn lên ở bản Nặm Đất, ngay từ nhỏ, chị Lý Thị Ba (SN 1989, Dân tộc Dao, xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, Bắc Kạn), đã chứng kiến và trải qua cuộc sống khó khăn của người dân trong bản cũng như gia đình. Nhờ được tiếp xúc với các phương tiện thông tin từ sớm, chị Ba được nghe, xem những tấm gương phụ nữ các dân tộc vượt khó, làm giàu. Vì vậy, chị luôn ấp ủ, bản thân sẽ làm việc gì có ích, trước là phát triển kinh tế gia đình, sau là hỗ trợ những người dân khác.

Năm 20 tuổi, chị Lý Thị Ba đã quyết định theo học một lớp Trung cấp Luật. Môi trường học tập đã giúp chị mở mang kiến thức cũng như định hình con đường mà mình đã lựa chọn.  

Năm 2016, khi ấy mới 27 tuổi, sau khi tham khảo, chị Lý Thị Ba đứng ra vận động 10 chị em khác thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sạch Tân Sơn. HTX có số vốn 500 triệu đồng do các chị em vay mượn. Theo đó, HTX Tân Sơn trồng, mua bán, trao đổi các sản phẩm bản địa như gừng, rau sạch, bí xanh, lúa nếp nương và chăn nuôi gia súc.

Thời gian đầu, HTX gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do thiếu những mặt hàng chủ lực của địa phương, thậm chí một số dự án trồng rau sạch đã thất bại khi không được người dân hưởng ứng.

Nhận thấy sản phẩm gạo nếp nương của đồng bào Dao ở Tân Sơn được ưa chuộng, HTX đã quyết định tập trung xây dựng sản phẩm này thành mặt hàng chủ lực. Hiện HTX đã mở rộng liên kết với hơn 30 hộ dân, trồng trên diện tích hơn 20ha và xây dựng thành công thương hiệu gạo nếp nương "Đâyzang" với tiêu chuẩn OCOP 3 sao (sản phẩm thuộc chương trình quốc gia Mỗi xã một sản phẩm).

Chia sẻ về loại gạo này, chị Ba cho biết "Đâyzang" tiếng Dao là gạo nương vàng. Đây là loại gạo có vị thơm đặc trưng vốn chỉ được người Dao trồng ở một số ít khu vực trong xã. Trước đây, bà con chỉ trồng gạo nếp Đâyzang để sử dụng hoặc làm quà. Tuy nhiên, có thời gian bỏ do không có kỹ thuật chăm sóc, trồng ít nên chuột và sâu bệnh phá hoại không được thu hoạch.

Cô gái người Dao thành lập Hợp tác xã giúp nhiều chị em thoát nghèo - Ảnh 1.

Các thành viên HTX đang sơ chế sản phẩm cà gai leo.

Khi HTX thành lập đã chú trọng mẫu mã, bao bì và xây dựng thương hiệu OCOP 3 sao, nhờ đó hiện sản phẩm không đủ cung ứng ra thị trường. Năng suất cũng đã tăng lên nhiều lần do được hướng dẫn kỹ thuật và cách chăm sóc. 

Ngoài gạo, chị Ba nhận thấy rằng, vùng đất Tân Sơn chủ yếu là rừng già, núi cao và nhiều nương rẫy bạc màu. Và với sự hỗ trợ của Tỉnh Đoàn, HTX đã tiếp tục phát triển sản phẩm cà gai leo ở dạng nguyên liệu trên quy mô 5ha. Chị Dương Thị Đào, thành viên của HTX Tân Sơn cho biết: "Vào HTX trồng cây Cà gai leo tôi có thu nhập ổn định. Ở đây rất khó khăn, không có rừng sản xuất mà bây giờ cấm phá rừng làm nương, rẫy nữa nên bà con toàn phải đi làm thuê ở xa thôi, có HTX rồi bà con đỡ vất vả hơn. 

Vượt qua khó khăn

Theo chị Lý Thị Ba, cà dược liệu gai leo dễ trồng, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng và đặc biệt là thị trường tiêu thụ khá tốt. HTX đã đầu tư hệ thống nhà lưới, quạt sấy để phơi giữ, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch. Hiện nay, lúa nếp nương được cung ứng cho 2 siêu thị ở Hà Nội còn sản phẩm cà gai leo cũng được một doanh nghiệp ở tỉnh Thái Bình bao tiêu toàn bộ. 

Hiện mỗi năm, HTX đạt doanh thu từ 1-2 tỉ đồng. Số thành viên của HTX cũng đã tăng lên 15 người. HTX cũng thực hiện liên kết sản xuất với hàng chục hộ dân của 4 bản trong xã. Nhờ đó, thu nhập của nhiều người dân đạt từ 5 đến 6 triệu đồng/tháng.

Cô gái người Dao thành lập Hợp tác xã giúp nhiều chị em thoát nghèo - Ảnh 2.

Chị Lý Thị Ba, người thành lập HXT Nông nghiệp sạch Tân Sơn.

Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình HTX phát triển, chị Lý Thị Ba cho biết, khi mới thành lập, người thân hoài nghi về tính khả thi và sự phản đối. "Lúc đầu, tôi không được gia đình ủng hộ, vì quan niệm của đồng bào người Dao vùng cao còn khá khó khăn, nặng nề, đặc biệt là các ông chồng khá bảo thủ. Đó là quan niệm phụ nữ thì không nên ra ngoài nhiều, đàn ông thì được thoải mái hơn. Còn trong kinh tế thì đàn ông sẽ làm chủ, phụ nữ thường không có quyền gì về quản lý tài chính. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của bản thân nói riêng, HTX nói chung, dần dần mọi người thay đổi quan niệm và ủng hộ", chị Ba chia sẻ. 

Ngoài ra, những buổi họp trao đổi kinh nghiệm, bàn phương án sản xuất thường được triển khai ngay trên nương. Mỗi ý tưởng, dự án mới đều được các chị thống nhất, phân công cụ thể để có thể phù hợp nhất với từng nhóm hộ. HTX được tổ chức khá quy củ khi chia các thành viên theo từng tổ, có tổ trưởng, tổ phó cho từng dự án.

Về hướng phát triển trong thời gian tới, chị Lý Thị Ba cho biết, HTX không dừng lại ở việc bán nguyên liệu thô mà sẽ đầu tư máy móc để chế biến thành các sản phẩm như: Trà, cao cà gai leo và nâng cấp sản phẩm gạo nương lên tiêu chuẩn OCOP 4 sao. Đồng thời, mở rộng thêm quy mô các dự án chăn nuôi gia súc, trồng rau sạch.

Bà Triệu Thị Kiều, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Sơn cho biết, Tân Sơn là xã vùng cao, khó khăn, với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất huyện Chợ Mới. Để giảm tỷ lệ hộ nghèo, những năm qua cấp ủy, chính quyền địa phương đã vận động nhân dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, đẩy nhanh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa và canh tác bền vững trên đất dốc.

Những năm qua, người dân đã đưa một số cây trồng phù hợp khí hậu địa phương như cây gừng, hồi, cà gai leo trở thành cây trồng chủ lực, mang lại thu nhập cao. Hiện, toàn xã Tân Sơn có trên 30ha gừng, 12ha cà gai leo và khoảng 5ha hồi mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.

Nói về HTX Tân Sơn, bà Kiều đánh giá rất cao tinh thần quyết tâm khởi nghiệp của những nữ thanh niên dân tộc Dao. Điều này khẳng định khát vọng vươn lên và vị thế của những nữ thanh niên dân tộc ít người. Mặc dù con đường khởi nghiệp phía trước còn khó khăn, nhưng các chị không ngại khó, ngại khổ vươn lên thoát nghèo và làm giàu trên mảnh đất quê hương. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.