Cô gái Huế thăng hoa với giá trị “cho” và “nhận”

15/04/2023 12:19
Phan Anh Thư

Phan Anh Thư

Học lớp 2, Phan Anh Thư đã cảm được nhân vật chị Dậu trong tác phẩm “Tắt đèn” của Ngô Tất Tố để tự vẽ thành truyện tranh 90 trang. Bước qua tuổi trăng tròn với danh hiệu Hoa khôi trường THPT Nguyễn Huệ (TP Huế, tỉnh Thừa Thiên Huế), Anh Thư tiếp tục đạt được thành công ở nhiều cuộc thi sắc đẹp khác. Bấy nhiêu đó dường như không đủ để giữ chân cô gái xứ Huế trong môi trường showbiz.

Nhật ký thiện nguyện qua tranh vẽ

Niềm đam mê rất đỗi tự nhiên với hội họa chợt trở nên cháy bỏng, đưa Anh Thư trở lại với quỹ đạo vốn dĩ của mình. Cảm giác thăng hoa trong hội họa mạnh mẽ hơn sau mỗi chuyến thiện nguyện của cô. Anh Thư thường rong ruổi đến vùng cao phía Bắc, chia sẻ, hỗ trợ các em nhỏ, rồi ở đây vẽ lại tất cả cảm xúc trong mỗi chuyến đi. Ở tuổi 22 đầy năng lượng, Phan Anh Thư đã xác định rõ con đường của mình. "Cách đây hơn 2 năm, Thư đối diện với ngã ba cuộc đời. Hoặc tiếp tục tham gia các cuộc thi sắc đẹp hoặc quay trở về với hội họa, môn nghệ thuật mà Thư luôn mơ ước được sống với nó. Một khoảng lặng dài Thư quay về với chính mình để trả lời câu hỏi, cái gì mới là điều mình mong muốn, là thế mạnh của mình. Và Thư nhận ra rằng, thế mạnh không hiện diện ở đôi chân dài của mình, cũng không phải là những bước đi catwalk thanh thoát mà đó chính là vẽ".

Anh Thư vẽ màu nước rất đẹp. Cô là thủ khoa Khoa thiết kế nội thất của trường ĐH Tôn Đức Thắng với điểm môn vẽ là 9,5. Nhưng rồi việc học ngành thiết kế nội thất cũng không thỏa mãn đam mê vẽ của cô. Bởi vì ngành này đa phần là vẽ trên máy, vẽ đồ họa…Còn Thư yêu nghệ thuật hội họa.

Thăng hoavới giá trị “cho” và “nhận” - Ảnh 2.

Phan Anh Thư

Phan Anh Thư có một thương hiệu hoa tươi đồng sáng lập với người bạn. Cô xác định dành 10% lợi nhuận trong kinh doanh để hình thành quỹ "Sức mạnh của hoa". Một mặt để có kinh phí làm thiện nguyện, mặt khác Thư muốn truyền thông điệp cái đẹp của hoa không chỉ để cho, tặng mà còn có thể biến thành sức mạnh của lòng nhân ái. Thương hiệu S-Florist của Thư đến nay đã nhận nuôi được 12 em nhỏ và tiến tới kế hoạch xây trường học ở tỉnh Lào Cai. Mục tiêu của Thư là có thể nuôi được 50 em nhỏ trong thời gian tới.

Ấp ủ dự án "Sỏi, em và trường"

Trong cảm xúc đam mê ngọt ngào, Phan Anh Thư kể về một chuyến đi "vừa cho, vừa nhận" của mình: "Đó là lần Thư cùng mọi người mang máy lọc nước tặng trường học ở Y Tý (tỉnh Lào Cai), một chuyến đi mà bản thân mình cảm nhận thật rõ giá trị của cuộc sống. Mình được làm đúng với cái tâm của mình và mang đến những điều thiết thực mà thầy cô và các em học sinh ở đây trông chờ. Sau mỗi lần như vậy, Thư thường lưu lại để vẽ như một cách ghi nhật ký cho hành trình của mình. Dù chỉ là bức tranh phong cảnh nhưng với Thư, nó là một cảm xúc thật khác biệt, được sinh ra từ tình yêu thương. Về nhà xem lại tranh, mình như nghe được từng âm thanh của khung cảnh ấy. 

Nhớ có lần Thư vẽ một ngôi nhà ở vùng cao thì nghe được tiếng ru con của một người mẹ trẻ, mà sau này Thư mới biết là cùng độ tuổi với Thư. Tiếng ru trong cái tĩnh lặng đến nao lòng. Quả là phút thăng hoa mà mình không thể vẽ lại lần thứ hai và cũng là điều níu kéo Thư nỗ lực mỗi ngày để đi đến tận cùng của đam mê"

Thăng hoavới giá trị “cho” và “nhận” - Ảnh 4.

Phan Anh Thư và các em nhỏ

Từ những trải nghiệm ấy, Phan Anh Thư đang ấp ủ một dự án mang tên "Sỏi, em và trường". Cô dự định vẽ trên những hòn sỏi về con người và cảnh vật vùng cao bằng chất liệu sơn dầu. Đặc biệt, những hòn sỏi được các cô giáo vùng cao cất công đi nhặt, chọn lựa để gửi về, cùng khát vọng thay đổi cuộc sống của các em nhỏ. Những tác phẩm này sẽ được bán đấu giá để gây quỹ, biến những khát khao ấm áp ấy thành hiện thực.

Nhiều người thân tỏ ra tiếc cho Thư khi cô không đi tiếp con đường tham gia showbiz. Cô gái Huế này khiêm tốn cho rằng: "Em trải nghiệm vậy cũng đã đủ rồi, đủ những sắc màu sôi nổi và những cảm giác được săn đón. Giờ Thư chỉ muốn được sống đúng với con người của mình, được cho đi và được nhận về những giá trị mà với mình là quý giá".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn