Từ bỏ công việc ổn định với thu nhập cao ở Sài Gòn, Chau Ngọc Dịu trở về quê hương với khao khát làm mật thốt nốt truyền thống để tìm lại hương vị tuổi thơ và nâng tầm giá trị của mật thốt nốt, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.

CÔ GÁI KHMER BỎ PHỐ VỀ QUÊ TÌM LẠI HƯƠNG VỊ TUỔI THƠ TỪ MẬT THỐT NỐT


Từ bỏ công việc ổn định với thu nhập cao ở TPHCM, Chau Ngọc Dịu trở về quê hương với khao khát làm mật thốt nốt truyền thống để tìm lại hương vị tuổi thơ và hơn hết là nâng tầm giá trị của mật thốt nốt, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.


"Tuổi thơ của tôi lớn lên dưới bóng mát của những cây thốt nốt, tận mắt chứng kiến người dân quanh vùng lấy mật, chế biến đường thốt nốt, được bà nội cho ăn những món ăn có đường thốt nốt. Nhưng sau này lớn lên thì không sao tìm lại được hương vị đó. Trong tâm trí tôi luôn khao khát làm sản phẩm đường thốt nốt truyền thống để tìm lại hương vị của tuổi thơ", Chau Ngọc Dịu (40 tuổi, quê An Giang) mở đầu câu chuyện của mình.

Năm 2004, sau khi tốt nghiệp chuyên ngành tài chính kế toán - Đại học An Giang, Dịu xin vào làm việc tại một ngân hàng rồi sau đó chuyển qua một tổ chức phúc lợi với thu nhập ổn định. Công việc ở tổ chức phúc lợi giúp cô tiếp xúc với nhiều lao động tha hương. Khi chứng kiến những mảnh đời công nhân phải sống cuộc sống khó khăn, chật vật nơi xứ người khiến cô gái trẻ không khỏi xót xa.

Việc liên kết với Palmania giúp cho cuộc sống của nhiều người dân trồng thốt nốt ngày một tốt hơn

Bên cạnh đó, việc đọc được những thông tin về ngành nghề sản xuất đường thốt nốt truyền thống đang dần bị mai một. Và thực tế từ những câu chuyện của các bạn trẻ không còn mặn mà với nghề làm đường tốt nốt bởi quá vất vả mà thu nhập không cao; thậm chí cây thốt nốt bị chặt bỏ khiến Dịu trăn trở mãi.

Chính những điều này đã tạo thành động lực, thôi thúc Dịu thực hiện dự định ấp ủ bấy lâu. Trong một thời gian dài, cô nỗ lực mày mò với hàng chục cách làm khác nhau để tìm về hương vị nguyên chất truyền thống của đường thốt nốt.

Được sự ủng hộ của bạn bè, năm 2017, mật thốt nốt Palmania ra đời. Palm tiếng Anh là cây cọ/cây thốt nốt, mania là đam mê. Tên sản phẩm nói lên tình yêu về cây thốt nốt rất mạnh mẽ. Theo Dịu, sản phẩm hoàn toàn tự nhiên, không chất bảo quản, phụ gia, không sử dụng phương pháp tách bỏ lớp mật nên giữ lại nhiều hương thơm, vitamin đặc biệt nhóm vitamin B12 có lợi cho sức khỏe. 

Chau Ngọc Dịu nhớ lại, quyết định rời Sài Gòn với công việc có mức thu nhập mơ ước của nhiều người lúc bấy giờ cũng gặp phải sự phản đối của gia đình và không ít bạn bè. 

"Mọi người có khuynh hướng muốn mình phát triển ở một thành phố lớn, đã cố gắng trong thời gian dài. Nhiều người nói rằng, tại sao mình đang có công việc ổn định, thu nhập cao tại sao phải trở về quê để làm lại từ đầu", chị chia sẻ. Nhưng với quyết tâm và sự chuẩn bị kỹ càng trong một thời gian dài, cô gái Khmer đã quyết tâm thực hiện mục tiêu, con đường đã đặt ra.

Nhọc nhằn xây những viên gạch đầu tiên

Trong thời gian đầu, Dịu gặp không ít khó khăn trong việc thuyết phục người nông dân trồng thốt nốt hợp tác với mình. Bởi lẽ, khi đồng ý liên kết với Palmania cũng có nghĩa là người nông dân phải thay đổi hoàn toàn quy trình sản xuất hiện tại. Người lấy mật bắt buộc phải lấy từ sáng sớm để mật không bị chua. Thợ nấu mật thốt nốt sử dụng gỗ sến để hạn chế sự lên men chua của nước hoa thốt nốt…

Cô gái Khmer bỏ phố về quê tìm lại hương vị tuổi thơ từ mật thốt nốt - Ảnh 2.

Thốt nốt là loài cây đặc trưng ở vùng Bảy núi (thuộc 2 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn - tỉnh An Giang).

"Bản thân mình cũng phải tìm những nơi cây thốt nốt được trồng trên đất sạch, không bị nhiễm kim loại. Người nông dân phải chấp nhận đồng hành với mình, vượt qua những khó khăn. Trong giai đoạn đầu rất cần sự hợp lực, cùng chí hướng của mọi người", chị Dịu chia sẻ.

Để có được sự đồng hành của người nông dân, ngoài những chia sẻ, tâm tình thì Dịu cũng cho họ thấy được lợi ích trong kinh tế khi giá thu mua mật đường đã nấu của Palmania đối với người nông dân liên kết luôn cao gấp 2-2,5 lần so với giá thị trường. Trong khi nếu bán cho thương lái thì giá cả bấp bênh, bị ép giá.

Bên cạnh đó, với quy trình sản xuất của Palmania, tuy người nông dân sẽ phải bỏ ra công sức nhiều hơn nhưng đổi lại họ sẽ không còn phải tiếp xúc với các loại hóa chất, phụ gia nữa, giúp đảm bảo sức khỏe. Đặc biệt, mối quan hệ giữa vợ chồng, các thành viên trong gia đình ngày tốt hơn.

"Khi trở về với quy trình sản xuất theo phương pháp truyền thống, người đàn ông cần sự hỗ trợ của người vợ, hay các thành viên khác trong gia đình từ việc vệ sinh dụng cụ đến chế biến. Điều này giúp cho sự gắn kết trong gia đình tốt hơn. Nguồn thu nhập được tăng lên, vị thế của người phụ nữ trong gia đình được nâng cao hơn", chị Dịu nói và cho biết hiện tại đa phần các hộ nông dân liên kết với Palmania là người dân tộc Khmer.

Với mong muốn giúp giải phóng bớt sức lao động của người nông dân, bước đầu Palmania cũng đã trang bị những chiếc máy đánh khuấy đường để thay thế cho việc làm bằng tay. Các dụng cụ thu hái, chứa đựng đường cũng phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mật thốt nốt của Palmania ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến và mong muốn vươn xa ra thế giới hơn nữa

Tôi thường trao đổi thông tin, chia sẻ với những người nông dân hợp tác, liên kết. Và thật hạnh phúc khi được nghe những người nông dân mong muốn sẽ tiếp tục đồng hành cùng mình.

Chau Ngọc Dịu

Sau nhiều năm gắn bó với người dân, từ chỗ phải thuyết phục, vận động thì nay người nông dân trồng thốt nốt đã có mong muốn được gắn bó lâu dài với Palmania bởi họ thấy được hiệu quả; thu nhập, cuộc sống được nâng lên. Đây chính là thành công, cũng như niềm vui của Palmania nói chung cũng như của Dịu nói riêng.

Đưa mật thốt nốt vươn xa 

Hiện Palmania có 2 dòng sản phẩm chính là mật thốt nốt sệt và mật thốt nốt bột. Trong đó, sản phẩm tâm huyết nhất của Palmania là mật thốt nốt bột hoàn toàn 100% nước hoa thốt nốt, không phải sử dụng phương pháp ly tâm, tách mật hay pha trộn bất cứ chất gì khác; vẫn giữ được hương thơm, mùi vị của đường thốt nốt.

Năm 2020, sản phẩm mật thốt nốt của Palmania được UBND tỉnh An Giang đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đạt 4 sao. Bên cạnh đó, mật thốt nốt bột cũng đạt giải thưởng Great Taste Awards 2020 2 sao được tổ chức ở Anh, đây được xem như là giải Oscar trong thế giới ẩm thực. 

Không chỉ xuất hiện ở nhiều hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi trên khắp cả nước. Các sản phẩm của Palmania còn được xuất khẩu sang Hà Lan, Phần Lan… Hiện tại, Dịu mong muốn có thêm nguồn vốn để tiếp tục đầu tư mở rộng sản xuất, tiếp tục nâng cao chất lượng sản phẩm để đưa các sản phẩm thốt nốt Palmania đến với người tiêu dùng ở các nước trên thế giới, nhất là ở thị trường Bắc Âu.

"Để khởi nghiệp thành công không phải là điều dễ dàng, nhất là khởi nghiệp về nông sản. Cần phải có quyết tâm, cũng không quá kỳ vọng mà cần đi từng bước từng bước vững chắc. Học hỏi nhiều ở những người đi trước. Nếu gặp được những người định hướng cho mình đúng thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian hơn. Nhưng quan trọng nhất vẫn là ở bản thân mình, cần có kế hoạch, hoạch định cụ thể và có sự chuẩn bị rất nhiều về tinh thần", Chau Ngọc Dịu chia sẻ.

Thốt nốt là loài cây đặc trưng ở vùng Bảy núi (thuộc 2 huyện Tịnh Biên, Tri Tôn - tỉnh An Giang). Từ bao đời nay, cây thốt nốt đã gắn liền với đời sống vật chất và tinh thần của cư dân Bảy Núi, nhất là bà con người dân tộc Khmer. Cây được trồng bằng hạt và hợp với vùng đồi núi khô hạn. Sau 20-25 năm trồng, cây trưởng thành cao từ 5 đến 7m, có đường kính thân cây từ 30 đến 40cm, lá dài và xanh như lá dừa. Người Khmer trồng nhiều thốt nốt trong vườn và sau nhà để lấy nước uống, làm bánh hay làm đường để sử dụng trong gia đình.
Đình Hưng (thực hiện)