Cô gái Nùng mong là "cầu nối" nâng cao cơ hội học tập của phụ nữ dân tộc thiểu số

15/07/2023 07:57
Chị Lục Thị Thương

Chị Lục Thị Thương

Sinh năm 1987 trong một gia đình nghèo ở tỉnh Cao Bằng, Lục Thị Thương (dân tộc Nùng) đã không ngừng nỗ lực vươn lên, đạt học bổng Thạc sĩ tại Australia.

Nhà nghèo, bố không có khả năng lao động nên mẹ cô gồng mình lo cho cả gia đình. Ban ngày mẹ đi làm, tối đến bán cháo thuê, cứ như thế kiên cường nuôi 3 chị em Thương ăn học. Lúc đó, Thương nghĩ, chỉ có cách chăm chỉ học hành mới thoát nghèo, mới có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. 

"Hồi học tiểu học, nhà chỉ cách trường 500m nhưng đường dốc, rất khó đi. Đến năm tôi học lớp 3, mẹ mới có tiền mua cho tôi một đôi giày nhựa. Cảm giác lúc đó hạnh phúc vô cùng", Thương chia sẻ.

Tốt nghiệp phổ thông năm 2005, trong khi bạn bè chọn trường đại học thì Thương lại cảm thấy bơ vơ vì không có ai định hướng. Lúc đó, cô chỉ nghĩ đến việc tìm trường nào đó được miễn học phí để đỡ gánh nặng cho mẹ. 

Thế là Thương đăng ký thi Sư phạm nhưng cô không thi đỗ. Thương nộp hồ sơ vào trường Đại học dự bị dân tộc Trung ương Việt Trì, sau đó học khoa Trắc địa - Đại học Mỏ Địa chất. Ra trường năm 2011, Thương nỗ lực thi tuyển và được nhận vào làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cao Bằng.

Không ngừng học tập, nâng cao trình độ, Thương được nhận được học bổng của Chính phủ Australia. Cô trở thành Thạc sĩ chuyên ngành Chính sách Công tại Đại học RMIT Australia. Tháng 3/2021, cô trở về nước và tiếp tục làm việc tại Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh. 

Từ những kiến thức có được từ khóa học Thạc sỹ Chính sách công, tìm hiểu các vấn đề xã hội liên quan đến đồng bào dân tộc thiểu số như nghèo đói, bạo hành gia đình… cô mong muốn là "cầu nối" góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao cơ hội học tập, phát triển cho phụ nữ dân tộc thiểu số. 

"Pháp luật về đất đai, cụ thể là dự thảo Luật đất đai sửa đổi có nhiều đổi mới liên quan đến chính sách đất ở và đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào dân tộc Nùng nói riêng. Đây là một tín hiệu đáng mừng. 

Tuy nhiên, hiện nay, nhiều người trẻ người dân tộc thiểu số không mặn mà với ruộng đất. Họ chọn làm việc tại các khu công nghiệp, dẫn tới đất đai bị bỏ hoang. Do đó, tôi mong muốn có chính sách khuyến khích con em đồng bào dân tộc thiểu số khởi nghiệp tại địa phương", Lục Thị Thương bày tỏ.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.