Cô giáo của những đứa trẻ thất học ở Suối Rằm

02/02/2023 12:48
Bà Bùi Thị Kiên giới thiệu giáo án của mình để dạy học sinh ở bản Suối Rằm (xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình)

Bà Bùi Thị Kiên giới thiệu giáo án của mình để dạy học sinh ở bản Suối Rằm (xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình)

Thấu hiểu hoàn cảnh thất học của những đứa trẻ ở bản Suối Rằm (xã Cun Pheo, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình), bà Bùi Thị Kiên (SN 1965), người phụ nữ lên bản làm thuê, đã mở lớp dạy chữ cho trẻ em nơi đây.

Bản Suối Rằm nằm trên núi cao, là địa bàn giáp ranh của 3 tỉnh: Thanh Hóa, Hòa Bình và Sơn La. Trong không gian tĩnh mịch của rừng chiều, tiếng trẻ con đồng thanh đánh vần từng chữ như xua tan giá lạnh nơi miền sơn cước. Đoạn đường rừng như ngắn lại, bao mệt mỏi trong tôi bỗng tan biến bởi âm thanh đánh vần của đám trẻ.

Lớp học hiện lên giữa bốn bề thông thốc gió. 4 cái ghế ngồi kín học sinh. Cháu lớn 15 tuổi, cháu nhỏ mới 7 tuổi. Bà Kiên trong bộ quần áo lao động đã sờn vai, kiên trì dạy đám trẻ đánh vần và ghi nhớ từng chữ cái. Giữa lớp học đơn sơ đó, sự học diễn ra thật sôi động. Bà Kiên gọi từng em đứng lên đánh vần. Đa số học sinh trong lớp chưa nói được tiếng phổ thông. 

Buổi dạy học đầu tiên, học sinh chỉ biết chào cô giáo bằng tiếng Mông. Bà Kiên cũng học câu chào của người Mông, từ đó tình cảm thầy trò thêm gần gũi. Tiết học nọ nối tiếp tiết học kia. Một tuần bà Kiên đứng lớp khoảng 5 buổi. "Nhìn các cháu tôi thương lắm! Tôi biết đến đâu, tôi dạy các cháu đến đó. Những bỡ ngỡ ban đầu của lớp học cũng dần trôi qua. Sau mỗi buổi học, tôi lại tự rút kinh nghiệm về cách dạy, cách động viên các cháu học tốt hơn", bà Kiên chia sẻ.

Bà Kiên là người Mường, sống ở bản Cun (xã Cun Pheo), cách bản Suối Rằm khoảng 20km. Cách đây 3 tháng, bà lên bản Suối Rằm làm thuê cho một người cùng bản có trang trại ở đây. Những ngày sống ở nơi đèo mây hút gió này, bà thường đến các gia đình người Mông chơi.

 Những cảm nhận sâu sắc về bản, đặc biệt là hình ảnh những đứa trẻ với đôi mắt đen láy hồn nhiên nhưng không được học hành, khiến bà tự nhủ phải làm một việc gì đó giúp những đứa trẻ trong bản. Nảy ra ý định dạy chữ cho đám trẻ, bà Kiên đã đưa kế hoạch này ra bàn với các hộ dân trong bản. Người ủng hộ, người không. Sau nhiều ngày thuyết phục, cuối cùng các hộ dân cũng đồng ý để bà Kiên mở lớp dạy học cho con em của họ.

Một vài người đến lán của bà Kiên cùng nhau san gạt góc đồi để làm lớp học. Tre, nứa được trai bản đưa về cắm lên rồi phủ bạt làm mái. Bàn ghế được ghép lại bằng mấy tấm ván cũ. Không có bảng, không có phấn, bà đã dùng tấm ván cũ làm bảng, dùng than củi để viết. Lần đầu tiên bản Suối Rằm có một lớp học cho bọn trẻ. Buổi đầu có 19 học sinh đến lớp. 

Dù chưa từng được đào tạo về sư phạm nhưng với tấm lòng yêu trẻ, bà Kiên biết đến đâu dạy đến đó. Lớp học đã diễn ra được gần hai tháng. Học sinh đến lớp tương đối đều đặn. Hiểu và chia sẻ với hoàn cảnh khó khăn của học sinh ở bản, ông chủ của bà Kiên đã mua một cái bảng đen và phấn trắng để ủng hộ việc dạy học của bà Kiên. "Đám trẻ giờ đã biết viết và đọc được tên của mình, biết nói tiếng phổ thông. 

Đó là phần thưởng lớn nhất đối với tôi. Cuộc đời tôi đã từng đi học lớp xóa mù chữ. Chưa bao giờ tôi nghĩ mình lại trở thành cô giáo. Khi nghe các cháu gọi mình là cô giáo, tôi thấy rất hạnh phúc", bà Kiên chia sẻ.

Tấm lòng của bà Kiên với trẻ em người Mông nơi đây thật đáng trân trọng. Ước mong của bà Kiên là lớp học sớm được xây dựng kiên cố để ngày mưa hay ngày nắng các cháu đều có thể đến trường...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn