Cộng đồng Hồi giáo thúc đẩy môi trường bền vững qua tháng Ramadan “xanh”

03/04/2023 14:45
Cộng đồng Hồi giáo đang khuyến khích tái sử dụng các chai nhựa. Ảnh: Marwan Naamani/AFP/Getty Images

Cộng đồng Hồi giáo đang khuyến khích tái sử dụng các chai nhựa. Ảnh: Marwan Naamani/AFP/Getty Images

Cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới đã sử dụng tháng Ramadan để tập trung vào các vấn đề về nhận thức xã hội. Và điều này bao gồm nhìn nhận nguy hại từ việc lãng phí và đón nhận mối liên kết giữa Ramadan với ý thức về môi trường.

Khuyến khích tháng Ramadan "xanh"

Các bữa ăn cộng đồng iftar, bữa ăn sau khi mặt trời lặn gắn kết những người Hồi giáo trong tháng linh thiêng Ramadan bắt đầu từ ngày 22 tháng 3 năm 2023, thường đòi hỏi sử dụng dụng cụ ăn uống cho các sự kiện đông người, như dao, nĩa nhựa và chai nước. Tuy nhiên, để khuyến khích người Hồi giáo chú ý hơn đến tác động của tháng Ramadan đối với môi trường, các nhà thờ Hồi giáo đang tăng cường loại bỏ các dụng cụ ăn uống dùng một lần, một số cấm sử dụng nhựa hoàn toàn.

Tháng Ramadan là tháng mà người Hồi giáo phải nhịn ăn uống từ bình minh đến hoàng hôn. Đây là thời gian để các thành viên tập trung vào việc thanh lọc bản thân với tư cách là những cá nhân chống lại chủ nghĩa vật chất và sự dư thừa.

Trong những năm gần đây, cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới đã sử dụng thời gian này để tập trung vào các vấn đề về nhận thức xã hội. Và điều này bao gồm nhìn nhận nguy hại từ việc lãng phí và đón nhận mối liên kết giữa Ramadan với ý thức về môi trường.

Lệnh cấm các sản phẩm nhựa, một động thái được khuyến khích bởi Hội đồng Hồi giáo Anh như một cách để người Hồi giáo "chú ý đến sự tạo dựng của Chúa và quan tâm đến môi trường", là một ví dụ. Nhiều nhà thờ Hồi giáo khác cũng không khuyến khích các bữa ăn tối thịnh soạn hoặc xa hoa. Lý do là bởi sự kiện cộng đồng như vậy tạo ra chất thải thực phẩm và tình trạng tiêu thụ quá mức, cũng như thường dựa vào các vật liệu không thể phân hủy sinh học để làm bộ dụng cụ ăn uống, đĩa và khay dùng phục vụ.

Tháng Ramadan “xanh” nêu bật chủ nghĩa môi trường bền vững của Hồi giáo - Ảnh 1.

Nhận thức về các vấn đề môi trường đã thu hút sự chú ý trong các cộng đồng Hồi giáo những năm gần đây. Ảnh: Yasser Chalid/Getty Images

Chủ nghĩa môi trường theo kinh Qur'an

Trong khi động thái hướng tới ý thức về môi trường đã thu hút được chú ý của cộng đồng Hồi giáo trong những năm gần đây, mối liên hệ giữa Hồi giáo và tính bền vững có thể được tìm thấy trong các tài liệu tôn giáo.

Các học giả từ lâu đã nhấn mạnh các nguyên tắc được đề cập trong Kinh Qur'an, văn bản tôn giáo quan trọng nhất của đạo Hồi, nhấn mạnh việc bảo tồn, tôn trọng các sinh vật sống và sự đa dạng của giới sinh vật như lời nhắc nhở về sự sáng lập của Chúa. Theo đó, kinh Qur'an nhiều lần nhấn mạnh ý tưởng về "mizan" - một loại cân bằng vũ trụ và tự nhiên cũng như vai trò của con người với tư cách là người quản lý và "khalifa" - người được giao trách nhiệm chăm sóc Trái đất.

Gần đây, các nhà hoạt động môi trường Hồi giáo đã nêu bật các hadith, những lời dạy của nhà tiên tri Muhammad hướng dẫn cho các tín đồ, nhấn mạnh rằng người Hồi giáo nên tránh sự thừa thãi, tôn trọng tài nguyên và sinh vật, đồng thời tiêu thụ ở mức vừa phải.

Mối quan hệ của Hồi giáo với chủ nghĩa môi trường chỉ nhận được nhiều chú ý hơn với các tác phẩm của nhà triết học người Iran Seyyed Hossein Nasr và một loạt bài giảng của ông tại Đại học Chicago năm 1966. Nasr đã lập luận rằng triết học, siêu hình học, truyền thống khoa học, nghệ thuật và văn học Hồi giáo nhấn mạnh ý nghĩa tinh thần của tự nhiên. Ông cũng lưu ý rằng nhiều yếu tố đương đại, chẳng hạn như di cư ồ ạt từ nông thôn lên thành thị và sự lãnh đạo yếu kém và chuyên quyền, đã ngăn cản thế giới Hồi giáo nhận thức và thực hiện quan điểm Hồi giáo về môi trường tự nhiên.

Nhiều học giả và nhà hoạt động đã mở rộng các công trình của Nasr trong suốt những năm 1980 và 1990, trong số đó có Fazlun Khalid, một trong những người tiên phong về Hồi giáo và chủ nghĩa môi trường. Năm 1994, Khalid thành lập Tổ chức Hồi giáo về Sinh thái và Khoa học Môi trường, một tổ chức hướng đến việc duy trì sự sống trên hành tinh như một môi trường lành mạnh cho mọi sinh vật. Khalid và các nhà môi trường Hồi giáo khác cho rằng gần 2 tỷ tín đồ Hồi giáo cũng có thể đóng góp cho công tác bảo vệ môi trường và đảm bảo sự công bằng chính từ những giá trị và truyền thống của đạo Hồi.

Hợp tác với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Khalid và các học giả hàng đầu khác đã tạo ra Al-Mizan, một dự án toàn cầu dành cho các nhà lãnh đạo Hồi giáo quan tâm đến các cam kết tôn giáo của đạo Hồi với thiên nhiên. "Tinh thần của Hồi giáo là kết hợp đức tin vào hành vi đạo đức chú ý đến bản chất của thế giới tự nhiên", Khalid viết trong "Dấu hiệu trên trái đất: Hồi giáo, Hiện đại và Khủng hoảng Khí hậu".

Tháng Ramadan “xanh” nêu bật chủ nghĩa môi trường bền vững của Hồi giáo - Ảnh 2.

Những người hành hương ở Karbala, Iraq. Ảnh: Jasmin Merdan/Getty Images

Nỗ lực "xanh" vượt ra ngoài tháng Ramadan

Các cuộc khủng hoảng môi trường ảnh hưởng không tương xứng đến những nhóm dân số nghèo nhất thế giới và các học giả đã nêu bật những tổn thất đặc biệt của các cộng đồng Hồi giáo trên khắp thế giới, chẳng hạn như nạn nhân của trận lũ lụt tàn khốc ở Pakistan năm 2022. Bằng cách nhấn mạnh các nguyên tắc, chính sách và cách tiếp cận cộng đồng của đạo Hồi, các học giả đã chỉ ra cách đạo Hồi có thể đại diện cho một mô hình quản lý môi trường.

Sự nhấn mạnh về ý thức môi trường này đã vượt ra ngoài tháng Ramadan. Trong những năm gần đây, người Hồi giáo đã cố gắng đưa các thực hành "xanh" đến những thành phố linh thiêng ở Iraq trong mùa hành hương Ashura và Arbaeen. Điều này bao gồm các chiến dịch nâng cao nhận thức khuyến khích 20 triệu người hành hương đến Arbaeen mỗi năm giảm hàng tấn rác họ để lại, một điều làm tắc nghẽn các tuyến đường thủy của Iraq. Cụ thể, phong trào Green Pilgrim (tạm dịch: Người hành hương Xanh) đề xuất sử dụng túi vải và chai nước có thể tái sử dụng, không dùng bộ dụng cụ ăn uống bằng nhựa và tổ chức các quầy hàng thân thiện với môi trường dọc theo lối đi.

Các doanh nghiệp và tổ chức phi lợi nhuận của Hồi giáo cũng đang tham gia những nỗ lực rộng mở này. Melanie Elturk, người sáng lập thương hiệu khăn trùm đầu Haute Hijab, thường xuyên kết nối đức tin, thời trang, thương mại và chủ nghĩa môi trường thông qua việc làm nổi bật trọng tâm của thương hiệu về tính bền vững và tác động môi trường. Tổ chức phi lợi nhuận Green Muslims ở Washington đã đi tiên phong trong chiến dịch "leftar" đầu tiên (một cách chơi chữ của "iftar"): sử dụng thức ăn thừa và hộp đựng có thể tái sử dụng.

Những nỗ lực này chỉ là một trong số nhiều cách mà các cộng đồng Hồi giáo đang đối phó với các tác động môi trường. Việc "phủ xanh" tháng Ramadan là một ví dụ cho những nỗ lực này, nó phản ánh cuộc thảo luận sâu rộng hơn về cách các cộng đồng có thể giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu trong khuôn khổ của chính họ.

Tuy nhiên, chủ nghĩa môi trường Hồi giáo không chỉ đơn thuần là việc không sử dụng dao nĩa và chai nước nhựa mà liên quan đến thế giới quan rộng hơn gắn liền với đức tin của đạo Hồi. Bằng cách khai thác thế giới quan này, người Hồi giáo có thể sử dụng niềm tin tôn giáo của mình như một định hướng để điều chỉnh sự phức tạp của chủ nghĩa môi trường, một không gian họ có thể cảm thấy bị gạt ra ngoài hoặc bị loại trừ.

Nguồn: The Conversation

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn