Cộng đồng Sikh cung cấp bữa ăn miễn phí trong Đại hội Tôn giáo Thế giới

10/08/2023 10:30
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Hiệp hội tôn giáo Sikh của Palatine, đại diện cho cộng đồng người Sikh ở Illinois, đóng vai trò quan trọng khi phục vụ langar cho hơn 6.000 người mỗi ngày.

Thể hiện một nguyên tắc quan trọng trong đức tin của mình, cộng đồng người theo đạo Sikh ở Illinois (Mỹ) sẽ cung cấp thức ăn miễn phí (langar) cho hàng nghìn người tham dự sự kiện Đại hội Tôn giáo Thế giới năm 2023 ở Chicago từ ngày 14 tháng 8 đến ngày 18 tháng 8. Đây là sự kiện quy tụ người từ nhiều tín ngưỡng khác nhau để thúc đẩy đối thoại, hợp tác và hiểu biết giữa các truyền thống tôn giáo.

Mở đầu Đại hội Tôn giáo Thế giới là lễ diễu hành, dự kiến diễn ra vào ngày 13 tháng 8 ở công viên Museum Campus tại 1521 South Linn White Drive, Chicago. Diễu hành phục vụ như một màn trình diễn bùng nổ khi các nền văn hóa và tín ngưỡng kết hợp với nhau trong một sự kiện thể hiện văn hóa đa dạng phong phú của Chicago. Với sự tham gia của những người từ các nền tảng tôn giáo khác nhau, buổi lễ thể hiện niềm tin, truyền thống và thực hành văn hóa của họ thông qua lễ hội, âm nhạc và khiêu vũ.

Cộng đồng Sikh sẽ cung cấp bữa ăn miễn phí trong Đại hội Tôn giáo Thế giới - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Đại hội Tôn giáo Thế giới quy tụ hơn 200 tín ngưỡng tôn giáo, bản địa và chủ nghĩa thế tục đến từ hơn 80 quốc gia trên thế giới. Đại hội lần đầu tiên được triệu tập ở Chicago tại Hội chợ Thế giới năm 1893, thành lập nhằm mục đích thúc đẩy sự hòa hợp giữa các cộng đồng tôn giáo và tâm linh trên thế giới.

Đại hội năm nay tập trung vào việc bảo vệ các quyền tự do và nhân quyền với chủ đề "Tiếng gọi của lương tâm." Các diễn giả và đại hội sẽ tập trung vào các cách chống lại sự gia tăng của chủ nghĩa độc đoán và bảo vệ nền dân chủ cũng như tìm kiếm giải pháp cho các vấn đề nghiêm trọng trên thế giới, như nhân quyền, biến đổi khí hậu, kiểm soát súng, quyền của phụ nữ cùng nhiều vấn đề khác.

Đức Hồng Y Blase Cupich của Tổng Giáo phận Chicago đã cùng các nhà lãnh đạo đức tin trên khắp đất nước có cuộc gặp riêng với Thị trưởng Johnson, diễn giả chính khai mạc Đại hội. "Cộng đồng tín ngưỡng của Chicago rất đông đảo và sôi nổi, thể hiện linh hồn của thành phố chúng ta và sự ủng hộ của người dân cũng như các khu vực lân cận. Là con của mục sư, đức tin đã hướng gia đình tôi vượt qua những thời điểm khó khăn và thấm nhuần các giá trị cốt lõi về phục vụ và cống hiến cho cộng đồng. Đại hội Tôn giáo trên Thế giới đã đại diện cho những giá trị này trong suốt lịch sử tiếp cận và hoạt động từ thiện lâu đời của nó, và tôi rất biết ơn vì được tiếp tục phối hợp tổ chức để cung cấp các nguồn lực và thúc đẩy cộng đồng ở Chicago", Johnson cho biết.

Theo tổ chức phi lợi nhuận Kaur Foundation, số người theo đạo Sikh đã tăng đều đặn ở Mỹ kể từ cuối thế kỷ 19, đóng góp cho các ngành như nông nghiệp, y tế và nghệ thuật. Theo tổ chức này, có khoảng 750.000 người theo đạo Sikh sống ở Mỹ và 30 triệu người trên toàn thế giới.

Hiệp hội tôn giáo Sikh của Palatine, đại diện cho cộng đồng người Sikh ở Illinois, đóng vai trò quan trọng khi phục vụ langar cho hơn 6.000 người trong sự kiện mỗi ngày. Rajinder Singh Mago, người được ủy thác danh dự của Hội đồng Đại hội Tôn giáo Thế giới và cũng là điều phối viên truyền thông và tiếp cận cộng đồng cho Hiệp hội Tôn giáo Sikh của Palatine, xác nhận rằng các bữa ăn cộng đồng sẽ bổ dưỡng và miễn phí cho tất cả những người tham dự.

Cộng đồng người Sikh cũng có những nghĩa cử tương tự trong các lần tổ chức trước đó của Đại hội Tôn giáo Thế giới. Năm 2018, họ đã phục vụ hàng nghìn đại biểu ở Toronto và trước đó là ở Thành phố Salt Lake và Barcelona, Tây Ban Nha.

Langar, viết tắt của Guru Ka Langar, là một bữa ăn cộng đồng được phục vụ miễn phí cho tất cả mọi người bất kể giới tính, đẳng cấp, tín ngưỡng, địa vị xã hội, tôn giáo hay chủng tộc của một cá nhân. Langar dựa trên các nguyên tắc bình đẳng và phục vụ nhân loại.

Đạo Sikh là một tôn giáo độc thần có nguồn gốc từ vùng Punjab của Ấn Độ, được sáng lập vào thế kỷ 15. Đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của sự sùng bái Chúa trời, theo đuổi công bằng xã hội và bình đẳng của tất cả mọi người không phân biệt đẳng cấp, chủng tộc hay giới tính.

Tín đồ đạo Sikh thường mang trên mình 5 dấu hiệu tôn giáo để chứng tỏ sự trung thành với giáo lý của đạo. Cả năm dấu hiệu đều được bắt đầu bằng chữ cái K nên được gọi là 5K: (1) kesh (không cắt tóc và râu) tượng trưng cho tinh thần, (2) kanga (lược gỗ) biểu thị sự sạch sẽ, (3) kachs (quần mặc trong) thể hiện sự khiêm tốn và kỷ luật tự giác, (4) kara (vòng kim loại) đại diện cho lời nhắc làm việc thiện, và (5) kirpan (cây kiếm nhỏ) tượng trưng cho nhiệm vụ bảo vệ người yếu và người bị áp bức.

Nguồn: The American Bazaar

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn