Cụ bà 98 tuổi là "linh hồn" của ca trù Chanh Thôn

29/08/2023 14:14
Cụ Nguyễn Thị Khướu

Cụ Nguyễn Thị Khướu

Khi chúng tôi hỏi về ca trù, đôi mắt cụ Khướu long lanh như gợi lại những ký ức thời thanh xuân rực rỡ của mình.

Chúng tôi tìm đến nhà cụ Nguyễn Thị Khướu, 98 tuổi - Nghệ nhân dân gian, ca nương lớn tuổi nhất hiện nay ở Chanh Thôn, xã Nam Tiến, huyện Phú Xuyên (Hà Nội). Ở tuổi "xưa nay hiếm" nhưng cụ Khướu vẫn minh mẫn, nước da trắng hồng. Cụ có sở thích ăn trầu và têm trầu rất điệu nghệ.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống về ca trù nên từ nhỏ, hằng ngày cô bé Khướu đã được nghe các cụ hát. Những lời ru ngọt ngào của mẹ cũng là ca trù nên những câu ca, vần điệu đã ngấm vào tâm hồn cô bé từ thuở nằm nôi.

"Tôi học ca trù từ năm 11 tuổi, sinh ra ở thời phong kiến, con gái không được đến trường học, chuyện trọng nam khinh nữ con nặng nề lắm, nếu học đàn ca sáo nhị lại còn bị xem thường. Người nào ấp ủ giấc mơ theo nghiệp hát, là con hát, ả đào thì bị các cụ xem là không tốt, không chính chuyên. Song, vì đam mê nên tôi vẫn học từ ca trù từ bố. Bố là người thầy đầu tiên truyền dạy cho tôi những làn điệu ca trù thấm đẫm tình quê hương đất nước...", cụ Khướu tâm sự về những khó khăn khi tiếp cận với ca trù của mình.

Theo cụ Khướu, ca trù những năm trước đây ở Chanh Thôn phát triển, có nhiều ca nương, kép đàn nên đi đến đâu cũng nghe trống chầu, tiếng đàn hòa cùng tiếng hát ngọt ngào của những ca nương.

"Những năm đầu thế kỷ 20, tại làng Chanh Thôn, ca trù phát triển rực rỡ, cả làng có 32 ca nương, 29 kép đàn, đi đâu cũng có ca nương, kép đàn và trống chầu thì chỗ nào quan viên cũng sẵn sàng. Các điệu hát như hát ả đào, hát nhả tơ, lối hát bỏ thẻ tre (người nghe hát thấy chỗ nào hay thì ném thẻ cho đào hát) được các ca nương trình diễn... tạo nên không khí vui tươi", cụ Khướu kể.

Nữ Chủ nhiệm tâm huyết với ca trù

Là thế hệ sinh sau cụ Khướu, bà Nguyễn Thị Ngoan (73 tuổi), Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn, đã nỗ lực suốt 15 năm qua để duy trì Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn.

Sinh ra, lớn lên trong gia đình có truyền thống ca trù ở Chanh Thôn, bà Ngoan xuất thân là giáo viên dạy Văn của trường Trung học cơ sở Văn Nhân. Khi đó, cô giáo Ngoan là một cây văn nghệ có tiếng, thường xuyên tham gia biểu diễn ca trù tại các lễ hội của làng, xã... 

Cụ bà 98 tuổi, linh hồn của ca trù Chanh Thôn - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Ngoan (phải), Chủ nhiệm Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn

Về hưu năm 2005, chứng kiến loại hình nghệ thuật truyền thống của quê hương ngày càng mai một, bà đứng ra vận động các cụ cao tuổi cùng những người yêu ca trù trong làng thành lập Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn vào năm 2008.

"Thời gian đầu thành lập, hội viên được hơn 10 người. Tôi thấy, công việc trao truyền cho thế hệ sau cần phải tích cực hơn nữa. Vậy nên, tôi đã đi đến từng gia đình trong thôn để vận động lớp trẻ tham gia câu lạc bộ. Tuy nhiên, việc vận động lớp trẻ học ca trù không dễ, nhiều gia đình không muốn cho con em tham gia vì bận công việc, ảnh hưởng đến học hành", bà Ngoan tâm sự khó khăn những ngày đầu thành lập câu lạc bộ.

Song, với quyết tâm khôi phục lại ca trù của làng, bà Ngoan không nản chí, nhất là đối với những cháu có giọng hát tiềm năng. Bà kiên trì đến vận động, thuyết phục nhiều lần, nhờ đó, nhiều gia đình tin vào bà và đồng ý cho con tham gia. Bên cạnh đó, bà cũng được các cụ cao niên và chính quyền thôn, xã ủng hộ nhiệt tình. Thành quả đầu tiên đến vào năm 2009, Câu lạc bộ đã đoạt 4 huy chương vàng tại Liên hoan ca trù toàn quốc...

"Số hội viên Câu lạc bộ hiện tại có 32 người, trong đó có nhiều cháu 11-12 tuổi tham gia sinh hoạt. Người lớn tuổi nhất là cụ Nguyễn Thị Khướu", bà Ngoan cho biết.

Với tâm huyết gìn giữ làn điệu ca trù quê hương, bà Nguyễn Thị Ngoan đã được UBND Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu "Người tốt, việc tốt" năm 2019. Dù tuổi đã cao, lại mang bệnh tuổi già nhưng bà Ngoan vẫn tâm huyết với công việc truyền dạy ca trù và là người quán xuyến Câu lạc bộ ca trù Chanh Thôn. "Bao giờ tôi yếu hẳn, không đi được, không nghe được, không nhìn được thì tôi mới tạm xa được ca trù", bà Ngoan khẳng định.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn