Sự xâm nhập của văn hóa Đông Á vào nền văn hóa đại chúng thông qua phim ảnh và âm nhạc là chìa khóa cho sự biến hóa của thời trang với ảnh hưởng từ các biểu tượng Phật.

ĐA SẮC HÌNH ẢNH PHẬT GIÁO TRONG THỜI TRANG 

Sự xâm nhập của văn hóa Đông Á vào nền văn hóa đại chúng thông qua phim ảnh và âm nhạc là chìa khóa cho sự biến hóa của thời trang với ảnh hưởng từ các biểu tượng Phật.

Sự trỗi dậy của biểu tượng Phật trong thời trang - Ảnh 1.

Chiếc đầm Quan Âm trong bộ sưu tập xuân hè 1997 của Vivienne Tam được trưng bày trong triển lãm “China: Through the Looking Glass” tại đền Dendur ở Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan vào ngày 4 tháng 5 năm 2015 (New York). Ảnh: Slaven Vlasic/Getty Images

Vào những năm 1990, khi thời trang Phật giáo nổi lên trên sàn runway với những chiếc váy rồng, ví có hoa văn và motif tôn giáo từ "Bộ sưu tập Phật" năm 1997 của nhà thiết kế Vivienne Tam, giới thời trang đã phát cuồng vì nó. Bộ sưu tập có ảnh hưởng này nhanh chóng được mua lại và trưng bày tại Bảo tàng Andy Warhol ở Pittsburgh, bang Pennsylvania và Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan ở New York.

Trong giai đoạn này, ảnh hưởng của văn hóa Đông Á đã xâm nhập văn hóa đại chúng thông qua phim ảnh và âm nhạc. Bộ phim tiểu sử chiến tranh "Bảy năm ở Tây Tạng" năm 1997 với sự tham gia của Brad Pitt và album phát hành năm 1998 của Madonna, "Ray of Light" - một phần thành quả trong nghiên cứu của Madonna về các tôn giáo phương Đông như Ấn Độ giáo và Phật giáo góp phần giúp đưa Phật giáo đến gần hơn với nền văn hóa đại chúng.

Tuy nhiên, phải đến năm 2015 và 2016, gần một thập kỷ sau đó, một số nhà thiết kế như Tô Nhân Lê và Trịnh Hinh Nhi của Trung Quốc mới tung ra các bộ sưu tập lấy cảm hứng từ Phật giáo Tây Tạng.

Tất cả những điều này chính là chìa khóa cho sự biến hóa của thời trang với ảnh hưởng từ các biểu tượng Phật.

Thời trang và Phật giáo

Theo Yujin Lee, một nghệ sĩ xăm hình có nghệ danh Rizn tại Seoul, Hàn Quốc, Phật có ảnh hưởng tới thời trang cao cấp và là biểu tượng cho hòa bình, đoàn kết và sự cống hiến. 

Lee nói: "Khi lần đầu tiên bắt đầu làm việc với những hình xăm về Phật, tôi đã bị hấp dẫn bởi một điều rằng tôn giáo có thể trở thành thời trang. Rất nhiều nhà thiết kế thời trang đã sử dụng Phật làm chủ đạo trong các thiết kế. Kể từ đó, tôi nhận thấy thời trang có mối liên hệ chặt chẽ với tôn giáo".

Sự trỗi dậy của biểu tượng Phật trong thời trang - Ảnh 2.

Một hình xăm bàn tay Phật. Ảnh: RIZN TATTOO

Năm ngoái Lee bắt đầu khám phá về hình Phật xăm trên tay, và hiện nó đã phát triển thành một sự nghiệp triển vọng. Cô tìm hiểu về hình ảnh bàn tay Phật, hoa Sen và những biểu tượng khác.

Là chuyên gia về hình xăm Phật giáo, Lee rất tò mò về cách tôn giáo có thể trở nên phù hợp với xu hướng thời trang. "Điều làm tôi thích thú là những người không theo tôn giáo cũng bị thu hút bởi biểu tượng Phật. Tôn giáo khơi dậy trí tưởng tượng của nghệ sĩ và nhà thiết kế, đồng thời cho phép họ sáng tạo như một điểm khởi đầu, vì nó thường được coi là khiêu khích trong một số nền văn hóa. Rất nhiều loại hình nghệ thuật được truyền cảm hứng từ các tôn giáo khác, vậy tại sao lại không đưa Phật vào thiết kế thời trang năm 2022?"

Nhiều nhà thiết kế cho rằng ảnh hưởng của Phật giáo được truyền cảm hứng từ những chuyến đi đến Tây Tạng, từ lịch sử của Phật giáo, hoặc từ sự an lạc tìm thấy trong đạo Phật.

Phật và biểu tượng Phật

Phật là một biểu tượng được coi trọng và rất linh thiêng. Lee nói: "Phật là một chủ thể được tôn trọng, cung cấp những bài học cho mọi người hơn là một đấng sáng tạo và vị cứu tinh được thần thánh hóa để tôn thờ. Phật giáo liên quan đến định nghĩa về phương pháp giảng dạy của Đức Phật Thích Ca, và các phương pháp giảng dạy để trở thành Phật".

Sự trỗi dậy của biểu tượng Phật trong thời trang - Ảnh 3.

Một thiết kế trong bộ sưu tập lấy cảm hứng từ Tây Tạng của Trịnh Hinh Nhi tại Tuần lễ thời trang Mercedes-Benz Trung Quốc 2015. Cô lấy cảm hứng thiết kế từ một chuyến đi đến Tây Tạng và tạo ra một dòng sản phẩm chuyển văn hóa tôn giáo của Phật giáo thành thời trang đương đại. Ảnh: Visual China Group/ Getty Images

Sự trỗi dậy của biểu tượng Phật trong thời trang - Ảnh 4.

Người mẫu Regina Latone tạo dáng trong trang phục châu Á trước tượng Đức Phật những năm 1960. Ảnh: Heinz Browers/Getty Images

Trong thời trang, Phật được thể hiện dưới dạng in khắc gỗ như một biểu tượng và như một cách để thực hành chánh niệm, như trong cuốn sách gần đây "Những dự báo về thời trang" của Yumi Sakugawa. Hình xăm Phật là biểu tượng cho niềm tin của một người, hành trình để bản thân trở nên tốt hơn, hoặc sự giác ngộ.

Lee nói: "Tôi không có ý định biến biểu tượng Phật thành tác phẩm đặc trưng của mình. Tôi chỉ nghĩ rằng đó là một biểu tượng tuyệt vời để xăm, và ngay khi tôi thực hiện hình xăm đầu tiên, nó đã trở thành một biểu tượng mà mọi người yêu thích. Kể từ đó, tôi phát triển nhiều thiết kế hơn, và đã học được rất nhiều điều trong suốt chặng đường đó".

Nhiều hình xăm của Lee thể hiện dạng thủ ấn của Phật, với đầu ngón tay trỏ chạm vào đầu ngón tay cái, hoặc đầu ngón tay cái chạm vào đầu ngón giữa. Ngoài ra, nhiều hình xăm bàn tay Phật được Lee trang trí bằng hoa sen ở gốc bàn tay hoặc bên trong lòng bàn tay. "Hoa sen cũng xuất hiện rất nhiều trong đạo Phật, nó có thể được nhìn thấy ở nhiều nơi khi bước vào chùa chiền Phật giáo như tường, trần nhà, cửa và đồ đá", cô nói.

Kết nối với đạo Phật

Ở thế giới phương Tây, Phật giáo có một ý nghĩa khác. "Phật giáo với mỗi người là khác nhau, nhưng có thể Phật trong văn hóa đại chúng và thời trang sẽ cho phép mọi người tìm hiểu về Phật giáo, điều mà tôi nghĩ là rất tuyệt. Nó có thể không phải là chuẩn mực, nhưng nó có thể làm tăng giá trị cho cuộc sống hàng ngày của mọi người", Lee nói và cho biết thêm các khách hàng của của cô xăm hình Phật vì lý do cá nhân và cả lý do tôn giáo, tùy thuộc vào từng người.

Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma tham gia phỏng vấn cho tạp chí Vogue Paris năm 1990, và được hỏi thái độ của ngài đối với nghệ thuật và thời trang là gì, ngài nói rằng thời trang chỉ làm nổi bật thần thái của một người nào đó. "Một nụ cười đẹp, một cái nhìn tử tế còn quý hơn cả viên ngọc tuyệt vời nhất. Một người không tử tế mang những phụ kiện đẹp nhất lên… sẽ không thay đổi được gì cả".

Hình xăm bàn tay Phật. Ảnh: RIZN TATTOO

Lee đang đi trên con đường tìm hiểu về Phật giáo của riêng mình, từ cả hai nhà thiết kế thời trang nói trên và lịch sử gắn liền với nó. "Tôi bắt đầu nghiên cứu triết lý Phật giáo một cách tự nhiên khi tôi làm việc với hình xăm Phật. Đạo Phật đã ngấm vào cuộc sống của tôi, và điều này khiến công việc xăm hình của tôi trở nên vững vàng hơn. Tôi nghĩ đó là nhờ sự linh hoạt của Phật giáo".

Năm 1998, khi phát hành album "Ray of Light", Madonna từng nói về sự quan tâm với tâm linh phương Đông và đời sống tinh thần của cô trong một cuộc phỏng vấn. Cô nói: "Tôi đã nghiên cứu Phật giáo và Ấn Độ giáo, tôi đang tập yoga và tôi cũng biết rất nhiều về Công giáo. Có những sự thật không thể chối cãi kết nối tất cả chúng, và tôi thấy điều đó thật thoải mái và tốt đẹp. Hành trình tinh thần của tôi là cởi mở với mọi thứ".

Kim Ngọc (Theo Forbes)