Đặc sắc Lễ bỏ mả của người Jrai

11/03/2023 20:02
Người dân dâng các lễ vật cúng tại ngôi nhà mả ở làng Kép 1

Người dân dâng các lễ vật cúng tại ngôi nhà mả ở làng Kép 1

Lễ Pơ thi hay còn gọi là bỏ mả, là nghi lễ lớn nhất của dân làng để tiễn đưa linh hồn người thân đã khuất về với Yàng, giải phóng những ràng buộc giữa người sống với người chết. Pơ thi còn là lễ hội quy tụ những giá trị văn hóa đặc sắc nhất trong không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên.

Vào những ngày trăng tròn của tháng 3 năm nay, khắp các buôn làng Jrai ở Gia Lai lại rộn ràng tổ chức lễ Pơ thi. Đây một nghi thức đặc biệt của bà con dân tộc Jrai, được tổ chức với mục đích tiễn đưa các linh hồn về với cội nguồn, bắt đầu vòng luân hồi mới, tách biệt giữa người sống với người chết. Đây cũng là dịp để những người con trong buôn làng có dịp được quây quần, trò chuyện cùng nhau và tưởng nhớ đến tổ tiên. 

Đặc biệt hơn, trong lễ Pơ thi, các nam nữ trong làng thường tổ chức cùng nhau đi làm nhà mả cho người đã khuất và điêu khắc tượng nhà mồ, tối đến nam nữ trong làng cùng nắm tay vui nhảy trong điệu xoang.

Gia Lai: Đặc sắc lễ Pơ thi (bỏ mả) của người Jarai - Ảnh 1.

Chuẩn bị cơm lam cho lễ hội

Tại làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Pah (Gia Lai), lễ Pơ thi năm nay có 6 gia đình cùng góp trâu bò, gà, rượu để làm lễ bỏ mả cho người thân. Theo tập tục của người Jrai, khi người chết đi vẫn để lại hồn ma luôn ở bên gia đình. Người sống đi đâu, hồn ma sẽ đi theo đến đó. 

Trước khi lễ bỏ mả diễn ra, người chết vẫn được những người thân trong gia đình ngày ngày mang thức ăn đến nuôi. Người thân sau khi cúng sẽ đổ thức ăn xuống mồ qua một cái lỗ lớn. Không những thế, họ còn phải thường xuyên ra quét dọn nhà cửa cho người chết, tâm sự, kể chuyện cho người chết nghe...

Gia Lai: Đặc sắc lễ Pơ thi (bỏ mả) của người Jarai - Ảnh 2.

Trong lễ hội Pơ thi người phụ nữ có trách nhiệm chuẩn bị các món ăn truyền thống như cơm lam, chuối tươi, nấu cháo.

Ngoài ra, các gia đình còn phải chia các tài sản có giá trị như ché, chiêng, công cụ sản xuất cho người chết sử dụng. Thời gian nuôi mả dài hay ngắn tùy theo điều kiện kinh tế của gia đình. Mọi việc cứ tiếp diễn cho đến khi làm lễ bỏ mả diễn ra, chấm dứt mọi sự ràng buộc giữa người sống với người chết, khi đó linh hồn người chết mới thực về thế giới Atâu.

Già làng Rơ Chăm A Nhơm cho biết: "Sau lễ Pơ thi này, mọi ràng buộc, mối liên hệ với người chết coi như chấm dứt, nhà mả này cũng sẽ bỏ đi. Không qua lại thăm nuôi mả nữa. Đây mới thực sự là một cuộc chia ly vĩnh viễn của người chết với cõi sống để tái sinh ở một thế giới khác nên Pơ thi trở thành lễ hội lớn nhất mang tính cộng đồng nhất của Tây Nguyên".

Theo phong tục, người Jrai thường chọn những ngày trăng sáng nhất để bắt đầu làm lễ bỏ mả, nghi lễ này thường kéo dài suốt 3 ngày, 3 đêm: Ngày đầu tiên gọi là ngày vào nhà mả, ngày thứ hai là ngày ăn lớn và ngày cuối cùng là ngày rửa nồi.  Lễ vật cúng bao gồm: Gà, cơm lam, rượu ghè, thủ heo… Sau khi già làng thực hiện nghi lễ cúng, các nghệ nhân trong làng sẽ đánh cồng chiêng, khi tiếng cồng chiêng bắt đầu nổi lên thì tất cả mọi người tham dự lễ sẽ đứng dậy và bắt đầu trình diễn các nghi thức dân gian tiễn đưa người đã khuất.

Trong lễ hội, Châm H'Vưng (25 tuổi, người làng Kép 1) được cùng mẹ tham gia chuẩn bị các món ăn truyền thống như cơm lam, lá cây, chuối tươi, nấu cháo…  Nhanh tay đưa các vật dụng cần thiết vào nhà mồ, H'Vưng cho biết: "Từ nhỏ em đã được nghe cha mẹ kể nhiều về lễ bỏ mả. Năm nay được tận mắt chứng kiến và tự tay chuẩn bị lễ cúng em thấy rất vui và cảm thấy tự hào vì làng Kép còn giữ được lễ hội độc đáo như vậy. Đây cũng là dịp em giới thiệu với bạn bè gần xa về nét văn hoá truyền thống của dân tộc và nâng cao trách nhiệm giữ gìn các giá trị văn hóa".

Ông Rơ Châm Puih - Trưởng thôn làng Kép 1 (Ia Mơ Nông, Chư Pah, Gia Lai) - cho biết: "Lễ bỏ mả được tổ chức tùy thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình. Nếu như ngày trước lễ tổ chức khá tốn kém, bởi những gia đình tham gia sẽ phải giết nhiều trâu bò, chuẩn bị nhiều rượu ghè để cho cả làng (và các làng khác) đến ăn uống trong vài ngày thì nay cả dân làng sẽ đóng góp. Trâu, bò mang đến cúng cũng tùy thuộc vào kinh tế của mỗi gia đình. Khi lễ bỏ mả chấm dứt, ngôi nhà mồ cũng bị bỏ luôn, không còn được chăm sóc. Lễ bỏ mả còn là dịp để tất cả bà con trong làng được hội ngộ, cùng nhau ăn uống, chia sẻ những câu chuyện trong cuộc sống thường ngày...".

Gia Lai: Đặc sắc lễ Pơ thi (bỏ mả) của người Jarai - Ảnh 3.

Những người phụ nữ trong làng múa xoang xung quanh nhà mả.

Không chỉ những người dân trong làng mà những người làng khác hay các du khách đến tham gia lễ cũng được quây quần bên đống lửa, thưởng thức những miếng thịt nướng nóng hổi, béo ngậy hòa quyện bên ché rượu cần thơm ngon của người Jrai.

Trong dịp này, ông Rơ Chăm Viuh, người làng Kép 1, cũng bỏ mả cho người thân. Những kỷ vật về người chết, đồ dâng cúng được ông bày ra nền nhà mồ. Ông Viuh kể: "Mẹ mình chết gần 20 năm rồi nhưng hôm nay mới bỏ mả cho bà. Vì vậy mình chuẩn bị 1 con trâu, 1 con gà, cơm lam… để bà mang theo về với ông bà, tổ tiên. Hôm nay là ngày cuối mình được nói chuyện với bà. Mình thấy buồn vì không còn mang cơm cho bà nữa nhưng cũng vui vì linh hồn bà đã được về cõi Atâu".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn