Đăk Bla - dòng sông huyền thoại

03/08/2022 18:00
Dòng sông Đăk Bla vào mùa nước cạn

Dòng sông Đăk Bla vào mùa nước cạn

Nếu như Quảng Nam có dòng sông Thu Bồn huyền thoại thì Kon Tum có dòng sông Đăk Bla mang biết bao huyền thoại và cả những câu chuyện tình đẫm nước mắt.

Đăk Bla dòng sông huyền thoại - Ảnh 1.

Nhà Rông văn hóa thôn Kon Klor.

Nhiều đoạn trên sông có những phận đời đã mải miết mưu sinh với dòng chảy Đăk Bla, vẫn thầm lặng những chiếc thuyền độc mộc gắn liền với cuộc mưu sinh trên sông nước, đời người… Dòng Đăk Bla đã đi vào thơ ca đẹp dịu dàng như hình ảnh của người thiếu nữ dân tộc Gia Rai, Ba Na… chèo thuyền đưa bộ đội qua sông, nhưng dòng nước này cũng đã làm tang thương bao cuộc sống của dân làng trong những mùa lũ dữ.

Sông Đăk Bla bắt nguồn từ dãy Ngọc Linh hùng vĩ, chảy dài gần 140km và cứ thế ngược về phía Tây trước khi gặp sông Krông Pô Cô (ở huyện Sa Thầy) nhập làm một thành sông Sê San, chảy qua đập thủy điện Yaly rồi sang lãnh thổ Campuchia để hòa vào dòng Mê Kông đổ ra biển Đông ở phương Nam.

Chính nhờ dòng sông này mà Kon Tum trở nên đặc biệt hơn vì là địa phương duy nhất trong 5 tỉnh Tây Nguyên có sông chảy ngược qua lòng thành phố.

Già A Xếp - già làng của làng Kon K’tu (xã Đăk Rơ Wa, TP. Kon Tum), cho hay dòng sông Đăk Bla là mạch sống của dân các làng Ba Na khác như làng Plei Đôn, Plei Rơ Hai, Plei Tơ Nghia, làng Kon Jơri… ở hai bên bờ. Dòng sông ấy có lúc mềm mại như mái tóc của các sơn nữ, có lúc lại hung dữ tựa cơn nóng giận của các chiến binh thời xa xưa.

Từ xa xưa người Ba Na đã gọi dòng sông này là Đăk Krong Plăh - dòng sông nước lớn. Trong tiếng Ba Na, "đăk" là nguồn nước, "plăh" là hung bạo, dữ tợn. Những mùa lũ, dòng sông cồn lên con nước hung hăng cuốn đi biết bao trâu bò, lúa gạo và cả người làng ở hai bên bờ.

Già A Xếp kể, người của các làng Ba Na và Gia Rai hai bên sông này vẫn lưu truyền câu chuyện tình diễm lệ nhưng đầy xót xa. Nhiều đời trước, những người đầu tiên đến bên dòng Đăk Bla dựng buôn, lập làng là người Gia Rai và Ba Na.

Người Gia Rai lập làng bên hữu ngạn, phía thượng lưu. Người Ba Na lập làng bên tả ngạn, phía hạ lưu. Hai buôn làng vẫn sống chan hòa, yêu thương nhau giữa núi rừng hùng vĩ. Một ngày, chiến tranh nổ ra khắp vùng Tây Nguyên, người làng Gia Rai và người làng Ba Na cũng trở nên thù địch, đánh nhau thường xuyên.

Lúc bấy giờ, một chàng trai người Gia Rai lại đem lòng yêu thương cô gái người Ba Na mà không được buôn làng chấp nhận. Tuyệt vọng, họ hẹn nhau một đêm sáng trăng ra sông Đăk Bla trầm mình cùng nhau. Ngày hẹn, đôi trai gái nhảy xuống dòng nước đang cuồn cuộn chảy. Đến lúc biết sự việc, người dân hai làng đều hối hận trước cái chết của đôi bạn trẻ vì yêu nhau.

Cảm động trước tình yêu của đôi trai gái, hai làng quyết định gạt bỏ quá khứ, kết nghĩa anh em, sống lại những ngày tháng chan hòa. Và từ đấy, người làng của những Pei Đôn, Plei Rơ Hai, Plei Tơ Nghia, Kon K’tu… yêu thương lẫn nhau và cùng sống chung với dòng sông huyền thoại này.

Cầu Kon Klor - một điểm nhấn trên sông Đăk Bla được nhiều du khách đến thăm quan và các cặp đôi tới chụp ảnh cưới.

Năm 1994, cầu Kon Klor "chào đời" đã "đánh thức" kinh tế hai bờ, tạo cơ hội giao thương thuận tiện cùng với nhà Rông là điểm nhấn văn hóa của tỉnh Kon Tum đã mang lại sự phát triển trong vùng.

Cầu Kon Klor đã đưa mọi người đến gần nhau hơn và cũng chấm dứt luôn những chuyến đò ngang bằng thuyền độc mộc từng bao năm qua lại đôi bờ. Cảnh quan khu vực cầu Kon Klor khá đẹp với nhiều du khách đến tham quan, check in cùng với các đôi tân hôn chụp ảnh cưới trên xe bò trông rất lạ lẫm và sinh động.

Đăk Bla dòng sông huyền thoại - Ảnh 3.

Phụ nữ Ba Na địu con qua cầu Kon Klor.

Trong suốt hành trình đi bằng thuyền máy trên sông Đăk Bla vào mùa nước lớn, ta mới thấy hết cái kỳ thú, dòng sông xuyên qua nhiều làng quê nổi tiếng với nghề trồng cà phê, tiêu, trái cây; những nà bắp, khoai lang, sắn trù phú, xanh ngát một màu; những mái rừng thông rủ bóng, những buôn làng của đồng bào đang tỏa khói, hư ảo ven sông

Thời điểm này đang là cuối mùa khô ở Tây Nguyên và con sông Đăk Bla đang trở mình lặng lẽ. Nhiều người đi trên cầu Kon Klor khi nhìn xuống dòng sông chỉ còn thấy rất ít nước. Dòng sông hùng vĩ giờ chảy lặng lẽ, cạn kiệt nguồn nước có thể do hạn hán và thủy điện ở khu vực đầu nguồn.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.