Đắk Lắk: Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc góp phần giao lưu, gắn kết cộng đồng

04/09/2022 19:16
Nữ nghệ nhân dệt thổ cẩm tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc (Đắk Lắk).

Nữ nghệ nhân dệt thổ cẩm tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc (Đắk Lắk).

Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc góp phần tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc giao lưu, học hỏi, phát huy truyền thống tốt đẹp, gắn kết cộng đồng.

Ngày 3/9, Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) đã được diễn ra tại Trung tâm Truyền thông - Văn hóa - Thể thao huyện.

Ngày hội được UBND huyện Krông Pắc tổ chức nhằm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết Trung ương khóa XI của Đảng về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước". Đây cũng là hoạt động ý nghĩa trong chương trình Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc lần thứ I.

Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc có sự tham gia của gần 700 vận động viên, nghệ nhân đến từ 16 đơn vị thuộc các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.

Tại Ngày hội, các nghệ nhân, vận động viên tranh tài ở các nội dung thi gồm: nhảy bao bố nam, nữ; đẩy gậy nam, nữ; kéo co nam, nữ; ẩm thực; thi quay heo; thi dệt thổ cẩm; chế tác nhạc cụ dân tộc.

Đắk Lắk: Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc góp phần giao lưu, gắn kết cộng đồng - Ảnh 2.

Biểu diễn nhạc cụ dân tộc tại Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc.

Nghệ nhân chế tác đàn tính Ngân Văn Lẩn, trú thôn Thạch Lũ (xã Ea Yông, huyện Krông Pắc) cho biết, thôn Thạch Lũ chủ yếu là đồng bào dân tộc Nùng từ các tỉnh phía Bắc vào. Dù xa quê nhưng bà con còn giữ được nhiều bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình, trong đó đàn tính, hát then là tiêu biểu nhất.

Chị Giang - Nghệ nhân dệt thổ cẩm dân tộc Xơ Đăng, trú xã Ea Yiêng chia sẻ niềm vui khi Lễ hội Sầu riêng Krông Pắc tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa góp phần vừa quảng bá nông sản, vừa giới thiệu được văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc.

Theo chị Giang, tấm vải truyền thống của dân tộc được dệt thủ công rất công phu và mất nhiều thời gian. Dệt tấm vải đẹp thì nghệ nhân phải tâm huyết, hiểu biết về thổ cẩm của dân tộc mình từ màu sắc đến hoa văn và cả ý nghĩa. Để dệt tấm vải 1,5m, chị phải kiên trì 5 ngày ngồi bên khung dệt.

"Tôi giữ nghề dệt vải vì muốn giữ nét đẹp truyền thống của dân tộc, chứ giới trẻ bây giờ rất ít diện trang phục được may từ loại vải dệt truyền thống này. Sản phẩm làm ra chủ yếu để dùng, hoặc có khách đặt mua", nữ nghệ nhân chia sẻ.

Đắk Lắk: Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc góp phần giao lưu, gắn kết cộng đồng - Ảnh 3.

Ngày hội diễn ra nhiều hoạt động sôi nổi, ý nghĩa.

Ngày hội văn hóa - thể thao các dân tộc huyện Krông Pắc là hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhằm quảng bá, giới thiệu và tôn vinh những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc và phong trào thể dục thể thao ở cơ sở; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân gian, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc trong huyện.

Bên cạnh đó, đây còn là dịp để các nghệ nhân, vận động viên dự thi được giao lưu văn hóa văn nghệ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi, tăng cường hiểu biết, gắn kết cộng đồng, trở thành động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng các dân tộc trong toàn huyện.

Lễ hội Sầu riêng huyện Krông Pắc lần thứ I - năm 2022 với chủ đề "Nâng tầm Sầu riêng Krông Pắc" diễn ra từ ngày 1 đến ngày 3/9. Trong khuôn khổ chương trình lễ hội đã diễn ra nhiều hoạt động phong phú gồm: hội chợ trưng bày, triển lãm các sản phẩm trái cây, nông sản đặc trưng của huyện và một số địa phương lân cận; hội nghị xúc tiến kêu gọi đầu tư và phát triển nông sản, nông nghiệp bền vững…

Các hoạt động này nhằm quảng bá hình ảnh quê hương, con người, tiềm năng kinh tế huyện Krông Pắc đến với du khách trong và ngoài nước. Qua đó, giới thiệu các sản phẩm đặc trưng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và du lịch; tôn vinh những giá trị kinh tế từ các loại cây đặc sản chất lượng cao, đặc biệt là sầu riêng; tạo cơ hội giao thương giữa người trồng, nhà sản xuất, chế biến sản phẩm từ trái cây và người tiêu dùng.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Đồng hành cùng nữ sinh người Dao trong học tập, tìm kiếm việc làm

Có khoảng 30 nữ sinh viên người Dao trong nhóm “Người Dao Việt Nam - Gắn kết từ bản sắc” đang sinh sống, học tập trên địa bàn Hà Nội. Kể từ khi tham gia nhóm cộng đồng này, các nữ sinh người Dao ngày càng trưởng thành trong giao tiếp xã hội, làm chủ các kỹ năng mềm, học hành tiến bộ. Họ cũng có thêm nhiều cơ hội trong tìm kiếm việc làm, đặc biệt ngay sau khi tốt nghiệp.