Đạo Công giáo và Tin lành: Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của trẻ

15/06/2023 09:32
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Với đạo Công giáo và Tin lành, gia đình là môi trường giáo dục, huấn luyện con người để có tất cả những phẩm giá, đức tính phù hợp với chuẩn mực của xã hội.

Vai trò của cha mẹ không gì có thể thay thế được

Giáo dục là một quá trình rất quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách của con người. Chính vì thế có ý kiến cho rằng, muốn biết tương lai của một xã hội thì hãy nhìn vào thực trạng giáo dục hiện có của xã hội ấy.

Thông thường khi nói đến giáo dục, người ta nghĩ ngay đến nhà trường, các mối quan hệ thầy - trò. Nhưng quá trình giáo dục của một con người không chỉ ở trên ghế nhà trường, trong các mối quan hệ thầy - trò mà còn xảy ra chính ngay trong gia đình người đó nữa. Bởi vậy người thầy đầu tiên của một người không phải là người thầy ở nhà trường mà chính là cha mẹ. Gia đình là nền tảng cho mọi nền giáo dục, bản chất và sứ mệnh của giáo dục gia đình, vai trò của những người làm cha mẹ không có gì có thể thay thế được.

Đức cố Giáo hoàng Piô XI, trong thông điệp Casti Connubii, đã nói: "Thiên Chúa, đấng khôn ngoan vô cùng, đã quan phòng việc sinh sản cho gia đình như thế, cho toàn thể nhân loại, thì đối với cha mẹ là những người mà Ngài đã ban cho quyền và khả năng để sinh sản, không lẽ Ngài lại không ban thêm cho bổn phận và quyền giáo dục con cái".

Thánh công đồng Vaticanô II cũng phán quyết: "Vì là những người truyền thông sự sống cho con cái, nên cha mẹ có bổn phận hết sức quan trọng là giáo dục những người con trong gia đình, và vì thế họ được coi là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của chúng".

Qua việc giáo dục, gia đình đào tạo con người đạt tới phẩm giá viên mãn, theo tất cả mọi chiều hướng xã hội. Tức là gia đình là môi trường giáo dục, huấn luyện con người để có tất cả những phẩm giá, đức tính phù hợp với chuẩn mực của xã hội.

Đạo Công giáo và Tin lành: Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của trẻ - Ảnh 1.

Cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay từ khi còn nhỏ- Ảnh minh họa

Hơn nữa, đối với gia đình Công giáo thì những điều giáo dục gia đình hướng tới còn phải theo giáo huấn của Giáo hội. Quả vậy, thánh công đồng đã nói: "Trong gia đình các Kitô hữu, với ân sủng dồi dào và trách nhiệm đã lãnh nhận qua bí tích Hôn nhân, cha mẹ phải dạy dỗ con cái ngay khi chúng còn trong tuổi ấu thơ, hợp với đức tin đã lãnh nhận qua bí tích Thanh tẩy, để nhận biết và tôn thờ Thiên Chúa, đồng thời yêu thương mọi người xung quanh".

Giáo dục con cái biết yêu thương

Giáo dục con cái là hồng ân và cũng là đòi hỏi cấp thiết đối với mỗi người cha, người mẹ trong gia đình Công giáo. Do đó cần có một nội dung và phương pháp giáo dục con cái hợp lý trong mỗi gia đình Công giáo.

Nội dung của giáo dục con cái trong gia đình Công giáo trước hết là giáo dục để hướng đứa trẻ đến yêu mến, phụng sự Chúa và yêu thương tha nhân. Cha mẹ phải nói cho đứa con về Thiên Chúa, dạy cho chúng thấu cảm về tình thương của Ngài dành cho nhân loại. Thiên Chúa là một người Cha nhân lành, giàu lòng thương xót chứ không phải là một Thiên Chúa hay nổi nóng, hay xử phạt. Điều đáng buồn là có những bậc cha mẹ không biết dạy con cái cầu nguyện như thế nào cho đẹp lòng Chúa, rồi thì nếu con cái không nghe lời thì dọa nạt Chúa sẽ nổi giận, Chúa sẽ xử phạt. Từ đó mà vô tình gieo vào đầu con cái hình ảnh một vị Chúa tàn nhẫn, gian ác.

Bên cạnh giáo dục con cái biết kính sợ Thiên Chúa, các bậc cha mẹ còn phải dạy cho chúng biết yêu thương mọi người. Không thể yêu mến Thiên Chúa mà lại không yêu thương anh em mình. Bởi thế, cha mẹ có nhiệm vụ giáo dục con cái yêu thương, trước hết, các thành viên trong gia đình mình, đặc biệt cần dạy cho trẻ biết thảo kính cha mẹ vì đó là một trong những điều răn của Chúa. Bởi vậy giáo dục cho con cái biết yêu thương là điều hết sức cần thiết trong môi trường xã hội ngày nay.

Có thể nói kính Chúa- yêu người là giá trị đạo đức chung và phổ quát của Công giáo và Tin lành. Tuy nhiên khi đi vào các quy tắc thực hành cụ thể để hướng tới giá trị giáo dục chung thì Công giáo và Tin lành có những nét riêng. Tín đồ biểu hiện đức tin của mình qua tinh thần phục vụ và thái độ ứng xử lẫn nhau trong thực tiễn cuộc sống theo những lời răn trong Kinh thánh xuất phát từ nhận thức đức tin cá nhân.

Đạo Công giáo và Tin lành: Cha mẹ là những nhà giáo dục đầu tiên và chính yếu của trẻ - Ảnh 2.

Với đạo Tin lành, gia đình được coi là tế bào của xã hội - Ảnh minh họa

Tin lành đưa ra những chuẩn mực ràng buộc cuộc sống gia đình. Gia đình được coi là tế bào của xã hội. Gia đình có vai trò quan trọng trong việc giáo dục, định hướng phẩm chất đạo đức của con người. Kinh thánh có rất nhiều lời răn liên quan đến giáo dục đạo đức gia đình như mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái, giữa vợ và chồng. Kinh thánh dạy bổn phận người làm con phải hiếu kính cha mẹ, nghe lời dạy bảo của cha mẹ, không được ngược đãi, khinh bỉ cha mẹ già.

Các tín đồ Tin lành đặt niềm tin tuyệt đối vào Kinh thánh, coi đó là chuẩn mực căn bản, duy nhất của đức tin, do vậy giáo dục niềm tin cho tín đồ, trước hết là niềm tin vào Kinh thánh và tin vào Đức Chúa trời với mẫu hình lý tưởng là Chúa Giêsu.

Trước lúc kết hôn sáu tháng các cặp vợ chồng luôn phải gặp Mục sư để chuẩn bị trong công cuộc thai giáo làm sao để đứa trẻ có đầy đủ điều kiện để nhận được sự giáo dục Kinh thánh càng sớm càng tốt. Do đó, ngay từ trong bụng mẹ các thai nhi đã được nghe Thánh ca, Kinh thánh…

Cũng như Công giáo, người theo Tin lành tin rằng, con người do Thiên Chúa tạo dựng, có phần hồn, phần xác; con người bị sa ngã và tội lỗi; có ngôi hai Thiên Chúa là Giêsu xuống thế làm người, chịu chết để chuộc tội cho loài người; có Thiên thần và ma quỷ, có thiên đường và địa ngục, có ngày tận thế, phục sinh và phán xét cuối cùng...

Trong gia đình Tin lành, giá trị cốt lõi đầu tiên cần dạy là giáo dục niềm tin vào Đức Chúa Trời, tin vào Kinh thánh. Để có thể giữ lòng kính Chúa thì phải yêu mến lời Chúa, nghiên cứu và học hỏi lời Chúa mỗi ngày. Như vậy, răn dạy về lời Chúa truyền lại là một trong những cách thức thực hành niềm tin và duy trì niềm tin cho mỗi tín đồ Tin lành.

Giáo hội Công giáo có nhiều văn kiện về giáo dục nhưng rõ ràng nhất là Tuyên ngôn Kitô giáo đã được Cộng đồng Vatican 2 thông qua ngày 14/10/1965. Ngay điều 1 của Tuyên ngôn đã đề cập rằng: "Tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp và tuổi tác, do phẩm giá con người, đều có một quyền bất khả nhượng là phải được hưởng một nền giáo dục đáp ứng với sứ mạng riêng, phù hợp với cá tính của từng phái, thích nghi với văn hóa và truyền thống dân tộc, đồng thời mở rộng sự hợp tác với các dân tộc khác, để hỗ trợ công cuộc hợp nhất chân chính và hòa bình trên mặt đất. Vậy nền giáo dục chân chính là việc đào tạo con người, nhằm đạt tới cùng đích của mình cũng như lợi ích đoàn thể mà họ là đoàn viên, và họ sẽ tham gia phục vụ khi đến tuổi trưởng thành".

Mục tiêu của Công giáo đối với việc giáo dục chăm sóc trẻ em là: "Giúp trẻ em và thanh thiếu niên phát triển điều hòa những năng khiếu thể xác luân lý và tinh thần, ý thức dần dần trách nhiệm một cách rõ rệt hơn, nhờ luôn luôn cố gắng trau dồi đúng mức đời sống cá nhân và theo đuổi sự tự do chân chính với lòng can đảm và kiên nhẫn lướt thắng mọi trở ngại. Phải tích cực và thận trọng giáo dục chúng về phái tính tùy từng lứa tuổi. Ngoài ra, phải huấn luyện cho chúng biết tham dự vào đời sống xã hội, để sau khi được chỉ dẫn đầy đủ về những phương tiện cần thiết và thích hợp, chúng có thể tích cực dấn thân vào những đoàn thể khác nhau của cộng đồng nhân loại, sẵn sàng đối thoại với người khác cũng như hăng say hoạt động để góp phần thực hiện lợi ích chung".

Nguồn: Viện HLKHXHVN

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn