Dạy trẻ 11-15 tuổi phân biệt chính tà, thiện ác và tin vào chính mình

04/08/2023 14:31
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Cha mẹ là Phật tử hay không phải Phật tử đều có thể áp dụng một cách dễ dàng giáo huấn Đạo Phật để nuôi dưỡng con cái với sự nhẫn nại và nỗ lực.

Trẻ tiểu học (6 - 11 tuổi): Tập làm việc có ích

Khi trẻ bắt đầu lớn nhanh so với các giai đoạn trước và bắt đầu tham gia các hoạt động xã hội để tiếp nhận các hệ thống tri thức, cha mẹ cần chú ý quan tâm về việc học tập, tính cách bắt đầu định hình với các đặc điểm sau:

– Khả năng nhận thức của trẻ phát triển nhanh chóng nhờ hoạt động học tập. Ðời sống tình cảm chiếm ưu thế và chi phối mạnh mẽ các hoạt động trong sự hồn nhiên.

– Hay bắt chước những người gần gũi, có ảnh hưởng nhất định đến chúng. Bản tính hiếu động, không kiềm chế dẫn đến sai phạm những điều cha mẹ, ông bà, người lớn dạy bảo.

Do đó, cha mẹ cần phải khéo léo uốn nắn dạy dỗ con em trong việc ứng xử hành vi, lễ phép tôn trọng người lớn và biết học tập theo chương trình dạy ở trường. Lúc này cha mẹ phải cho con tiếp xúc các mẫu người mô phạm để làm phương tiện giáo dục. Ngoài sự giáo dục của gia đình, nhà trường, cha mẹ nên dẫn con lên chùa, gặp gỡ chư Tăng.

Cha mẹ biết sống yêu thương là cách tốt nhất cho con trẻ học hỏi về Phật giáo (Bài cuối) - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Sự tiếp xúc này sẽ để lại ấn tượng tốt thông qua lễ lạy, nghe những lời dạy của quý thầy, những câu chuyện đạo lý trong Phật giáo về sự tôn trọng sự thật, sự vâng lời mẹ cha, biết yêu thương đồng loại.

Lúc này, cha mẹ cần lưu tâm chú trọng từng hành vi ứng xử của trẻ trong học tập, tâm lý, dạy cho chúng tự tin, biết tin yêu gia đình, quý thầy cô… đồng thời hướng dẫn tham gia các hoạt động mang tính tập thể, gia nhập Gia đình Phật tử, đi hành hương các chùa cùng bố mẹ, làm việc công đức ở chùa như quét dọn, tham gia văn nghệ vào các ngày lễ của Phật giáo… nói chung là tập làm các việc có ích trong khả năng của trẻ.

Trẻ từ 11 đến 15 tuổi:

Giai đoạn này là giai đoạn trẻ phát triển và biến động về tâm sinh lý phức tạp, tác động khá mạnh vào sự định hình nhân cách. Giới tính định hình, nó quy định tính cách, nhận thức và sự thể hiện ra bên ngoài qua các hành vi ứng xử khác nhau giữa trẻ nam và nữ.

Lúc này trẻ xuất hiện những khuynh hướng phát triển khá đặc biệt về biến chuyển tâm lý: như mong muốn tự khẳng định mình nên bắt đầu có dấu hiệu phản ứng lại lời dạy của thầy cô, cha mẹ, hoặc tranh cãi với bạn bè. Các em bắt đầu biết xấu hổ, biết tự kiêu, biết làm đẹp, thích được thỏa mãn các mong muốn như được đi chơi, được xem các trò chơi, tivi, game… Nếu không đáp ứng hoặc đáp ứng nhu cầu của trẻ không đúng do nuông chiều của cha mẹ thì dễ dẫn đến hư hỏng. Tình cảm của các em lúc này diễn biến rất phức tạp.

Vì vậy, cha mẹ càng cần có sự liên kết chặt chẽ giữa giáo dục gia đình, nhà trường, nhà chùa và xã hội để giúp trẻ dần hoàn thiện. Người mẹ lúc này càng gần gũi con hơn bao giờ hết, để hiểu về những thay đổi tâm sinh lý tuổi dậy thì của con; giúp con hiểu biết về giới tính, có cách thức hành xử đúng khi quan hệ, tiếp xúc với người khác giới.

Tuổi này trẻ bắt đầu ham chơi, thích mơ mộng và mong muốn được cưng chiều. Vì vậy phải khéo léo kết nối yêu thương vỗ về nhưng cũng phải có sự nghiêm khắc. Quan tâm, tạo các điều kiện học tập tốt nhất và vui chơi lành mạnh mà cha mẹ có thể đáp ứng.

Môi trường trẻ tiếp xúc lúc này khá rộng, hiểu biết nhiều. Vì vậy cha mẹ Phật tử phải dành nhiều thì giờ chăm lo để các con phát triển nhân cách theo định hướng của gia đình, nề nếp của gia phong. Liên lạc thường xuyên với các thầy cô giáo để theo dõi việc học, tìm hiểu bạn bè của các con để nắm rõ tình hình sinh hoạt ở bên ngoài.

Khi có điều kiện sinh hoạt gia đình thông qua bữa cơm, húy kỵ, tiệc mừng sinh nhật, chúc thọ… cần nói rõ ý nghĩa lễ và khơi dậy tình thương yêu, biết chia sẻ niềm vui với người khác, cũng như giảng rõ về sự bất hạnh đối với ai thiếu tình thương với cha mẹ. Độ tuổi này các bậc cha mẹ phải kết hợp cùng quý thầy khéo léo giảng dạy các con về niềm tin và lẽ sống; tin Tam bảo, tin nhân quả, dạy phân biệt chính tà, thiện ác, nhất là biết tin vào chính mình.

Nuôi dưỡng con cái có thể gặp khó khăn và thử thách. Đối với những ông cha bà mẹ là Phật tử lẫn không phải Phật tử, có thể áp dụng những lời dạy của Đức Phật để từ ái hơn, bi mẫn hơn, tỉnh thức hơn và yêu thương hơn. Không chỉ thế, con cái học hỏi từ những tấm gương và nhìn sự áp dụng giáo lý Đạo Phật của cha mẹ là một trong những cách tốt nhất cho con trẻ học hỏi về Phật giáo.
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn