Dạy trẻ hướng thiện bằng những hành động thiết thực, không mang tính giáo điều

03/08/2023 14:31
Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đạo Phật là đạo từ bi, hướng thiện, luôn đi sâu vào đời sống của xã hội qua những câu chuyện kể đời thường. Không những thế, Phật giáo còn vượt ra khỏi khuôn khổ tôn giáo, giáo điều, thần quyền mà gần gũi vào đời sống của mỗi con người.

Lời dạy của Đức Phật mặc dù đã có trên 2500 năm nhưng những tinh hoa, chân lý về đạo đức, tư tưởng sống ngày càng được xã hội hiện đại chứng minh và công nhận. Khi phôi thai được hình thành từ tinh cha huyết mẹ thì đã có thần thức, vì thế, đạo Phật chủ trương dạy con từ khi còn trong bụng mẹ, gọi là thai giáo.

Khác với suy nghĩ của nhiều người cho rằng khi trẻ từ 1 tuổi trở lên mới bắt đầu biết và nhận thức, nhưng từ khi bé còn là phôi thai thật sự đã có cảm nhận theo một thần thức riêng.

Ngoài ra, phương pháp dạy con theo quan điểm Phật giáo là dạy trẻ cách hướng thiện ngay từ thuở ban đầu bằng những hành động thiết thực, không mang tính giáo điều.

Dạy con khi còn trong bụng mẹ (thai giáo)

Tâm lý của người mẹ khi mang thai tác động rất nhiều đến tâm lý và tính cách của trẻ sau này. Theo khoa học hiện đại, dây rốn là nơi dòng cảm xúc của người mẹ có sự liên hệ trực tiếp với đứa con.

Nếu người mẹ khi mang thai hay cáu gắt, oán ghét cái thai vì lý do nào đó thì tình mẫu tử thường không bền chặt. Với những người mẹ thường bị căng thẳng, mệt mỏi, ức chế, trầm cảm thì nguy cơ bé sau này mắc chứng tự kỷ là khá cao.

Ngược lại, trong suốt 9 tháng 10 ngày mang thai, nếu người mẹ vui vẻ, có thái độ sống tích cực thì sẽ tạo ra hóa chất enophin, giúp đứa trẻ sinh ra sau này cũng rạng rỡ, năng động. Vì thế giữ tinh thần vui vẻ, lạc quan là phương pháp đầu tiên để dạy con có cuộc sống hạnh phúc.

Hiệu quả tích cực khi dạy con thông qua lời dạy của Đức Phật - Ảnh 1.

Tranh minh họa

Thai giáo trải qua 3 thời kỳ

Thời kỳ 1 (3 tháng đầu): Người mẹ mang thai ở giai đoạn này thường cảm thấy mệt mỏi, ốm nghén, khó chịu, ức chế nếu có những thứ không vừa ý mình. Đôi khi tính tình khó ở này nhiều người không biết tại sao như thế. Do đó, người mẹ nên tập thiền để tịnh tâm và cải thiện dần tính tình thất thường đó. Mỗi ngày dành 20 phút để ngồi thiền, quán sát hơi thở, thờ đều, niệm Phật hoặc nghe nhạc thiền có giai điệu nhẹ nhàng, bay bổng để giúp tinh thần thoải mái, nhẹ nhàng. Đây cũng là cách giúp cho thai nhi được phát triển tốt và hạn chế nguy cơ bị động thai.

Thời kỳ 2 (3 tháng tiếp theo): Giai đoạn này bé đã bắt đầu hình thành dần các bộ phận, trong đó có não bộ. Lúc này người mẹ cần duy trì phương pháp ở thời kỳ đầu đều đặn và có thể niệm Phật, niệm danh hiệu Bồ Tát, nghe kinh đĩa giảng hoặc các phim truyện Phật Giáo về lòng từ bi, hạnh bố thí,…

Tránh xem những bộ phim hay nghe những bài nhạc có hình ảnh hoặc giai điệu bi ai, rùng rợn hay bạo lực để không bị sốc tâm lý. Bởi lúc này nhịp tim của mẹ là nhịp tim của bé. Giữ tâm luôn bình an là cách để giúp bé được bình an phát triển. Ngoài ra, hành động này cũng truyền đạt sự nhẹ nhàng của đạo Phật vào trong thần thức các bé.

Thời kỳ 3 (3 tháng cuối): Bé đã hình thành đủ mọi bộ phận và có thể nghe được âm thanh bên ngoài, mặc dù bé chưa hiểu được. Vì thế người mẹ nên đọc kinh hay những lời Phật dạy để cho bé nghe và thấm nhuần từ bên trong dần dần. Luôn giữ tâm trạng thoải mái và nói chuyện với trẻ mỗi ngày để bé cảm nhận được sâu sắc tình mẫu tử và đó cũng là cách dạy con quan trọng nhất ở những bước đầu trước khi ra đời.

Giáo dục và sự phát triển nhân cách trẻ ở nhà (1 – 3 tuổi)

Ðến thời kỳ này, trẻ thơ bắt đầu tiến bộ rõ rệt về cơ thể, tâm lý. Trẻ bắt đầu được cha mẹ tập đi, biết thích chơi đồ vật, biết nói dần dần, góp phần thúc đẩy sự phát triển khả năng ý thức, một yếu tố thể hiện nhân cách con người. Lúc này cha mẹ tập nói những đại từ nhân xưng thân thuộc như ba, má, ông, bà hay thầy, sư ông… khi bồng trẻ lên chùa lễ Phật và hướng dẫn con mình hiểu người khác nói.

Đồng thời, cha mẹ chỉ bảo cho con cái học tập cư xử theo những nguyên tắc hành vi khi tiếp xúc với người khác trong gia đình như anh em, chú bác. Quan trọng hơn là cha mẹ phải là những người gương mẫu, đừng bao giờ để trẻ thấy một hình ảnh bất hòa cãi vã, tạo dấu ấn xấu trong mắt trẻ.

Thỉnh thoảng, cha mẹ lên chùa cho trẻ tiếp xúc không gian tĩnh lặng rộng lớn, hình ảnh Phật Thánh qua những bức tượng hiền hòa để trẻ cảm nhận tình thương của Phật, thậm chí có thể chỉ vào những bức tượng Hộ pháp để răn đe khi chúng không vâng lời như không chịu ăn, khóc nhè…

Giáo dục và sự phát triển nhân cách trẻ ở nhà trẻ (3 – 6 tuổi)

Ðây là giai đoạn hình thành nhân cách của trẻ, thể hiện khả năng hành động theo động cơ gián tiếp. Sự phát triển nhân cách lệ thuộc vào khuôn mẫu hành vi của người lớn mà trẻ em tiếp xúc như cha mẹ, thầy cô, bạn bè… Những dấu ấn ban đầu trên nhân cách trẻ thơ được lưu giữ lại. Sự phát triển nhân cách trong giai đoạn này chỉ đạt được mức độ thấp nhưng diễn ra ở tốc độ cao, bắt đầu xuất hiện khuynh hướng độc lập.

Vì vậy cha mẹ phải tập trung chú ý, quan tâm nhiều hơn trong việc trẻ ham thích trò chơi. Thông qua việc tiếp xúc với trò chơi mà định hướng ý thức trẻ vào việc học tập. Có thể dạy trẻ những gương tốt đạo đức thông qua việc kể chuyện cổ tích, thần thoại, bước đầu chỉ ra nhân vật thiện ác, kích thích trí tưởng tượng của trẻ, các loại tình cảm của trẻ thơ.

Ðối với những phụ huynh là Phật tử thuần thành thì nên kể những mẩu chuyện tiền thân đức Phật. Thỉnh thoảng khen thưởng cho quà, hoặc chở trẻ đi chùa tập làm quen và chào hỏi các vị thầy, dạy tập trẻ thưa thầy mở đầu là "A Di Ðà Phật", "Bạch thầy"…, cúi chào người lớn, nhất là chú ý đến việc trẻ trong cách thức ứng xử các hành vi lễ phép, biết làm chủ về sinh hoạt cá nhân.

Bước đầu cho trẻ tiếp xúc các lễ hội Phật giáo nhân ngày Phật đản, Vu lan,… để thông qua các đại lễ này ươm mầm những hạt giống về ý nghĩa Phật ra đời, những đạo lý cơ bản về hiếu hạnh.

(còn tiếp)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn