Đề cao vai trò giáo dục trong gia đình Công giáo - ngôi trường đầu tiên giúp trẻ hình thành nhân cách

13/10/2023 11:39
Nữ tu Đặng Thị Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: PVH

Nữ tu Đặng Thị Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: PVH

Nữ tu Đặng Thị Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, chia sẻ: Hơn bao giờ hết, vai trò giáo dục gia đình Công giáo cần phải được đề cao, bởi chính gia đình là ngôi trường đầu tiên giúp trẻ hình thành nhân cách, làm tăng sức đề kháng cho con trẻ, giúp trẻ chống lại những tác động xấu từ môi trường xã hội.

- Được biết, nhiều năm qua, Sơ vẫn âm thầm chăm sóc, mở lớp dạy học, nâng cao trí tuệ, văn hóa cho trẻ em, nhất là trẻ em gái có hoàn cảnh đặc biệt, điều gì đã thôi thúc Sơ dành nhiều nhiệt tâm cho thế hệ tương lai như vậy?

- Nữ tu Đặng Thị Loan: Ngày nay, trong quá trình hội nhập kinh tế toàn cầu, giao lưu văn hóa quốc tế, có ảnh hưởng sâu sắc đến lớp trẻ. Con em chúng ta đang sống trong môi trường tràn ngập các tranh ảnh, sách báo mang nhiều yếu tố giới. Sống trong một môi trường với những tác động thường xuyên ấy, khiến các em nẩy nở tình cảm khác giới là chuyện khó tránh khỏi. Chúng ta không thể quy hết trách nhiệm cho các em. Ở một khía cạnh nào đó, có thể coi các em là nạn nhân chịu tác động bởi những hệ quả tiêu cực của nền kinh tế thị trường và cả vấn đề giáo dục nữa.

Cách mạng thông tin, sự phát triển của hệ thống internet... làm thế giới biến đổi cực kỳ nhanh chóng, tình yêu giới trẻ càng biến đổi mạnh mẽ. Những mối tình trên mạng của cô cậu học trò chưa một lần gặp mặt ngày một nhiều. Tuy nhiên, điều mà các em thật sự học hỏi, tiếp thu được lại chính từ môi trường giáo dục của gia đình. Thực trạng ngoài xã hội đâu có thuyên giảm, những cảnh nhức nhối như buôn bán phụ nữ, trẻ em bị lạm dụng tình dục, nạp phá thai ở tuổi teen... Trong khi đó, đạo đức, văn hóa ngày càng trở nên lỏng lẻo, không đủ sức giúp giới trẻ đề kháng trước áp lực của lối sống hiện đại.

Đề cao vai trò giáo dục trong gia đình Công giáo, ngôi trường đầu tiên giúp trẻ hình thành nhân cách - Ảnh 1.

Nữ tu Đặng Thị Loan (bìa phải) nhận bằng khen của TƯ Hội LHPN Việt Nam trao cho cá nhân nữ Công giáo tiêu biểu đạt thành tích xuất sắc tại buổi gặp mặt ngày 11/10/2023. Ảnh: PVH

- Giáo dục trẻ là công việc lâu dài, cần sự vào cuộc của toàn xã hội nhưng trong đó, theo Sơ yếu tố nào mang tính quyết định trong việc "trồng người" - thế hệ tương lai của đất nước?

- Nữ tu Đặng Thị Loan: Gia đình là tế bào, là nền tảng của xã hội. Gia đình thực hiện những chức năng đặc thù mà không một thiết chế xã hội nào thay thế được. Gia đình là nơi tiếp nhận, kế thừa và chuyển giao những truyền thống tốt đẹp của một dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Trải qua nhiều thế hệ, gia đình Việt Nam nói chung và gia đình người Công giáo nói riêng, được hình thành và phát triển với những chuẩn mực giá trị tốt đẹp, góp phần xây dựng bản sắc dân tộc. Những giá trị ấy đã và đang được các gia đình Việt Nam gìn giữ, vun đắp và phát huy trong suốt quá thời gian qua.

Không có sự giáo dục nào tốt hơn cha mẹ là tấm gương cho con cái noi theo. Từng cử chỉ, hành động, cách hành xử của cha mẹ sẽ hằn sâu vào nếp nghĩ, nếp sống của con cái từ nhỏ đến lúc trưởng thành. Thay vì những biện pháp nhắc nhở uốn nắn kịp thời, nhiều bậc phụ huynh lại tỏ ra dễ dãi, tặc lưỡi cho qua. Đến lúc sự việc đã đi quá xa, con em mình lỡ làng, hoặc sa chân vào những tệ nạn xã hội, có những hành vi vi phạm pháp luật mới hối hận thì sự việc đã quá muộn màng.

Đề cao vai trò giáo dục trong gia đình Công giáo, ngôi trường đầu tiên giúp trẻ hình thành nhân cách - Ảnh 2.

Nữ tu Đặng Thị Loan (bìa trái)

- Giáo dục trong gia đình Việt Nam nói chung là yếu tố rất quan trọng để hình thành nhân cách của con trẻ; với việc giáo dục con em trong các gia đình Công giáo sẽ đề cao những yếu tố gì, thưa Sơ?  

- Nữ tu Đặng Thị Loan: Trước thực trạng bạo lực học đường ngày càng gia tăng, tội phạm ngày càng trẻ hóa, hơn bao giờ hết vai trò giáo dục gia đình Công giáo cần phải được đề cao, bởi chính gia đình là ngôi trường đầu tiên giúp trẻ hình thành nhân cách. Giáo dục gia đình tốt và đúng hướng sẽ có tác đụng lớn, làm tăng sức đề kháng cho con trẻ, giúp trẻ đối phó chống lại những tác động xấu từ môi trường, nhất là trong bối cảnh xã hội nhiều cạm bẫy như hiện nay. Với gia đình, ngoài việc dạy con bình thường như những gia đình khác, trách nhiệm của cha mẹ càng phải trở thành những "chứng nhân" qua việc sống đạo và hướng dẫn con cái mình theo tinh thần Giáo dục Kitô giáo mà Thư chung Hội đồng Giám mục Việt Nam đã chỉ rõ "Giáo dục hôm nay, xã hội và Giáo hội ngày mai".

Trong niềm tin Kitô giáo, các linh mục xứ luôn quan tâm đến giáo dục giới trẻ, qua các sinh hoạt đoàn thể theo từng giới, từng lứa tuổi, bằng những buổi học hỏi giáo lý phối hợp với những sinh hoạt giải trí vui chơi lành mạnh…

- Theo Sơ, việc giáo dục thế nào để trẻ em có đủ "sức đề kháng" với những mặt trái, tiêu cực của đời sống hiện đại ngày nay?

- Nữ tu Đặng Thị Loan: Đức Giáo Hoàng Gioan Phao Lô II hằng nhắc nhỏ về sự thánh thiêng của gia đình khi Ngài gọi Gia đình là nền tảng của Giáo hội. Cả đạo lẫn đời đều coi trọng ở nền giáo dục gia đình. Ước gì con em chúng ta có cái nhìn thực tiễn hơn về bức tranh muôn màu của cuộc sống, mà nơi đó, con em chúng ta được giáo dục để được trang bị thêm nhiều kiến thức và kỹ năng sống để định hướng cho cả một giá trị sống hôm nay và ngày mai, để mọi người được vui sống trong một đất nước thanh bình, cùng nhau xây dựng một quê hương Việt Nam văn minh, giàu mạnh.

Vì vậy, cần đưa những yếu tố của nhịp sống hiện đại vào gia đình hiện nay, từ cách giáo dục, xã giao, ứng xử thăm hỏi, nghỉ ngơi, làm việc... sao cho phù hợp, tạo ra một lối sống lành mạnh, hữu ích. Chúng ta cần phát huy những yếu tố của gia đình truyền thống như lòng nhân ái, sự khoan dung, hiếu thảo, kính trọng người trên, nhường nhịn, giữ gìn nếp gia phong. Thêm vào đó là sẵn sàng mở rộng vòng tay yêu thương đón nhận những con em lầm lỡ trở về, động viên giúp đỡ những người vướng phải tệ nạn xì ke, ma túy.

- Trân trọng cảm ơn Sơ!

Nữ tu Đặng Thị Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Đắk Lắk, từ 2010-2016, tham gia mở 2 lớp mẫu giáo nuôi dạy các trẻ ở làng phong Tumơrông (Kon Tum); mở Nhà Lưu trú chăm sóc cho khoảng 100 trẻ em gái có hoàn cảnh khó khăn; Từ năm 2016 đến nay: Phụ trách Trung tâm chăm sóc trẻ khuyết tật Vi Nhân (Đắk Lăk) giúp cho gần 200 trẻ được giáo dục đặc biệt, giáo dục để hòa nhập…Năm 2020 được tặng Bằng khen và Kỷ niệm chương "Đồng hành cùng dân tộc" của TƯ Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn