Lalish là một ngôi làng và cụm đền thờ ở Kurdistan với dân số chỉ 25. Với người Yazidi, nơi này thiêng liêng như thánh địa Mecca đối với Hồi giáo.

Đền Lalish: Trái tim của đức tin 7.000 năm tuổi

Lalish là một ngôi làng và cụm đền thờ ở Kurdistan với dân số chỉ 25. Với người Yazidi, nơi này thiêng liêng như thánh địa Mecca đối với Hồi giáo.

Nằm cách Erbil (thủ phủ của Kurdistan, một khu vực tự trị ở phía bắc Iraq) 125 km về phía đông bắc là cụm đền thờ Lalish có quy mô bằng một ngôi làng, địa điểm thiêng liêng nhất của những người Yazidi, một tôn giáo cổ xưa với khoảng 700.000 tín đồ trên toàn thế giới.

Lalish là địa điểm linh thiêng với người Yazidi giống như Mecca đối với người Hồi giáo hay Jerusalem với các tín đồ đạo Hồi, đạo Ki-tô và đạo Do Thái.

Luqman Mahmood, lãnh đạo về quan hệ du khách

Cụm đền thờ với niên đại 4.000 năm tuổi này giữ tầm quan trọng về lịch sử và tôn giáo. Nó không chỉ mở cửa cho các tín đồ đạo Yazidi mà còn chào đón những người thuộc các tôn giáo khác. 

Địa điểm bao gồm một số đền thờ, mỗi ngôi đền được đặc trưng bởi những ngọn tháp hình nón với những rãnh đặc trưng. Ngôi đền được tôn kính nhất là nơi có lăng mộ của Sheikh Adi ibn Musafir, người sáng lập đức tin.

Đạo Yazidi được cho là đã có từ hơn 7.000 năm trước. Theo thời gian, tôn giáo cổ xưa này dần tiếp thu và kết hợp yếu tố của các tín ngưỡng khác, bao gồm Hỏa giáo, Hồi giáo Sufi, Ki-tô giáo và Do Thái giáo.

Niềm tin cốt lõi của đạo Yazidi tập trung vào sự tồn tại của một vị thần duy nhất, được gọi là "Kuda" trong ngôn ngữ của người dân tộc Kurd. Vị thần tối cao này được coi là người tạo ra loài người. Theo niềm tin của người Yazidi, tất cả những sinh vật sống khác được tạo ra bởi nhóm bảy thiên thần do Thiên thần Công Malak Taus chỉ đạo.

Cụm đền Lalish: Trái tim của đức tin 7.000 năm tuổi - Ảnh 1.

Rắn là biểu tượng đặc biệt và là con vật mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng Yazidi.

Một khía cạnh quan trọng khác của đức tin Yazidi là mối liên hệ đặc biệt với thế giới tự nhiên. Nó được đúc rút từ các tập tục tôn thờ thiên nhiên cổ xưa, nhấn mạnh mối quan hệ sâu sắc giữa con người và môi trường. "Con rắn đen trên cửa đền tượng trưng cho sự tôn kính của chúng tôi đối với Mẹ Thiên nhiên; chúng tôi sẽ không bao giờ giết rắn, ngay cả khi nó có nọc độc", Luqman Mahmood nói.

Rắn là biểu tượng đặc biệt và là con vật mang nhiều ý nghĩa với cộng đồng Yazidi. Theo niềm tin của họ, câu chuyện về Con tàu Nô-ê (Nô-ê là một nhân vật trong các tôn giáo khởi nguồn từ Áp-ra-ham) có cách giải thích khác. Khi dừng lại trên đỉnh núi Ararat sau trận đại hồng thủy 40 ngày đêm, con tàu bị rò rỉ và có nguy cơ bị chìm. Lúc này, một con rắn đã dùng chính cơ thể của mình để bịt kín chỗ rỉ, ngăn tàu chìm và cứu tất cả những người trên tàu.

Giống như người Hồi giáo thực hiện hành hương Hajj đến Mecca, người Yazidi cũng có truyền thống hành hương đến Lalish ít nhất một lần trong đời. Những người sống ở Kurdistan hoặc Iraq được khuyến khích đến Lalish ít nhất một lần mỗi năm.

Cụm đền Lalish: Trái tim của đức tin 7.000 năm tuổi - Ảnh 2.

Thắt girêk là một truyền thống liên quan đến việc buộc nút thắt bằng những chiếc khăn lụa được treo quanh cột và cây cối trong đền.

Người hành hương và khách tham quan phải vào cụm đền trong trang phục khiêm tốn và đi chân trần để thể hiện sự tôn kính với không gian linh thiêng và bản chất tâm linh của cuộc hành hương. Họ cũng được trải nghiệm thắt girêk, một truyền thống liên quan đến việc buộc nút thắt bằng những chiếc khăn lụa được treo quanh cột và cây cối trong đền. Các màu khác nhau tượng trưng cho bảy thiên thần, trong khi mỗi nút tượng trưng cho một lời cầu nguyện. Người Yazidi tin rằng việc cởi nút thắt mà người khác đã thắt trước đó có thể giúp một người thực hiện mong muốn của mình.

Chỉ có 25 người sống ở Lalish. Họ bao gồm linh mục; nhà sư; nữ tu; và những người giúp việc, người phụ trách dọn dẹp, bảo dưỡng, chăm sóc những rừng cây sung, cây óc chó và cây ô liu xung quanh cũng như chuẩn bị đất cho người hành hương.

Người Yazidi được khuyến khích nên lấy đất từ Lalish và mang theo bên người như một lá bùa hộ mệnh. Đất cũng là một phần quan trọng trong các nghi thức tang lễ của người Yazidi. Đất được trộn với nước suối thánh, và những cục bùn nhỏ từ hỗn hợp này được đặt vào miệng, tai và phía trên mắt của người chết. Một tập tục khác là đặt tiền xu vào quan tài, theo truyền thống cổ xưa của người Babylon. Điều này nhằm cung cấp tiền bạc cho người đã khuất ở thế giới bên kia.

Cụm đền Lalish: Trái tim của đức tin 7.000 năm tuổi - Ảnh 3.

Một người giúp việc đốt những sợi dây trắng dài với hy vọng nhận được các khoản quyên góp cho người bệnh, cầu phúc cho người mất và mang đến may mắn cho người sống.

Cụm đền Lalish: Trái tim của đức tin 7.000 năm tuổi - Ảnh 4.

Dầu ô liu được cất giữ trong bình đất sét và để trong các hang động của cụm đền.

Trong các khu rừng ở Lalish, người ta thu hái ô liu và sau đó ép chúng bằng chân trong thùng gỗ. Dầu ô liu được cất giữ trong bình đất sét và để trong các hang động của cụm đền. Loại dầu này có tầm quan trọng đặc biệt trong các hoạt động tôn giáo. Người Yazidi cầu nguyện hướng về phía mặt trời, ít nhất hai lần một ngày, vào bình minh và hoàng hôn. Khi ngày chuyển sang chiều tối, 365 ngọn đèn dầu ô liu được thắp sáng xung quanh địa điểm. Mỗi ngọn đèn tượng trưng cho một ngày trong năm, tượng trưng cho ánh sáng của mặt trời và của Chúa. Ánh sáng cũng giữ vai trò sâu sắc ngay cả trong quan niệm về cái chết của người Yazidi. Khi một người qua đời, họ được chôn cất theo hướng mặt trời mọc.

Người Yazidi từng đối mặt với nhiều cuộc đàn áp do niềm tin khác biệt của mình, với những trường hợp từ thời Osman I, người sáng lập Đế chế Ottoman. Hơn 70 trường hợp diệt chủng xảy ra kể từ đó, bao gồm cả những hành động gây áp lực từ cựu Tổng thống Saddam Hussein và các thành viên Nhà nước Hồi giáo. Đàn ông Yazidi đội mũ jamadani từng có màu trắng, nhưng mũ ở Lalish hiện được kẻ sọc carô đỏ để tượng trưng cho sự đổ máu của cộng đồng. Trang phục truyền thống này đóng vai trò tôn vinh những người đã ngã xuống và giúp bảo tồn di sản văn hóa, phản ánh sự kiên cường của người Yazidi khi đối mặt với nghịch cảnh.

Cụm đền Lalish: Trái tim của đức tin 7.000 năm tuổi - Ảnh 5.

Mũ jamadani ở Lalish hiện được kẻ sọc carô đỏ.

Cụm đền Lalish: Trái tim của đức tin 7.000 năm tuổi - Ảnh 6.

Việc chia sẻ thức ăn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đoàn kết của cộng đồng Yazidi.

Thứ Sáu là ngày lễ linh thiêng của người Yazidi khi các thành viên trong cộng đồng tập hợp ở Lalish để cầu nguyện và giao lưu. Edee Mahmood, vợ của Luqman Mahmood, nhấn mạnh rằng việc chia sẻ thức ăn đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự đoàn kết giữa họ.

Trong một căn bếp ngoài trời, Edee và những phụ nữ khác chuẩn bị các món ăn từ thịt cừu và sau đó chia sẻ chúng với gia đình, bạn bè và người hành hương từ cộng đồng người Yazidi bên ngoài. Mặc dù thể hiện lòng hiếu khách nồng nhiệt, Edee giải thích rằng người Yazidi không coi mình là một cộng đồng hòa nhập. Điều này bắt nguồn từ việc họ không chấp nhận cải đạo hoặc kết hôn với người thuộc các tín ngưỡng khác.

Bà nhấn mạnh rằng việc duy trì sự thuần túy của đạo Yazidi là điều cần thiết cho lối sống của họ, giúp mang đến cảm giác bình an trong nội tâm và khả năng phục hồi để đối mặt với bất kỳ thử thách nào. Giống như cây cần có rễ sâu để đứng vững, Edee so sánh điều này với sự cần thiết phải bảo tồn các giá trị và niềm tin cốt lõi của đạo Yazidi để duy trì bản sắc văn hóa và mối liên hệ tâm linh. "Nếu Yazidi không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, chúng tôi có thể duy trì lối sống của mình. Điều đó giúp tâm hồn chúng tôi bình yên, và nó có nghĩa là chúng tôi có khả năng chịu đựng bất cứ điều gì xảy đến với mình. Cây không có rễ sâu thì sẽ sớm đổ. Điều này cũng tương tự như với Yazidi".

Kim Ngọc (Theo BBC)