Đền thờ Thân mẫu Bác Hồ ở Hưng Yên - địa chỉ đỏ của mỗi người dân đất Việt

19/05/2023 07:20
Toàn cảnh đền thờ bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh - ở thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh tư liệu

Toàn cảnh đền thờ bà Hoàng Thị Loan - Thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh - ở thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, Khoái Châu, Hưng Yên. Ảnh tư liệu

Đền thờ bà Hoàng Thị Loan ở Hưng Yên không chỉ là nơi thờ tự, mà còn là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật ghi nhận công lao to lớn của bà cùng những ảnh hưởng của bà và dòng họ Hoàng đối với sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đất Tổ của dòng họ Hoàng

Mảnh đất quê hương Vân Nội, xã Hồng Tiến là nơi phát tích của dòng họ Hoàng nổi tiếng có 18 đời Quận công. Theo gia phả họ Hoàng, cụ Tổ của dòng họ Hoàng ở Nghệ An là Hoàng Thế Kiều (1540-1587, là đời thứ 6 dòng họ Hoàng, vốn là quan võ của nhà Lê) gốc người làng Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.

Lần theo gia phả họ Hoàng Nghĩa ở làng Hoàng Trù (huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An) có ghi: "Tổ ta xưa, ở xã Hoàng Vân, huyện Kim Động, tỉnh Sơn Nam, nay là thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Châu Giang, tỉnh Hưng Yên. Ngài Thủy tổ là cụ Hoàng Thế Chân, ở vào thời các vua Lê Thái Tổ (1428-1433) và Lê Thái Tông (1434-1439). Tiếp đó là cụ Hoàng Thế Giai (1444-1512), Hoàng Thế Đáng (1472-1533), Hoàng Thế Chiêu (1491-1544), Hoàng Thế Ánh (1509-1552). Đến đời thứ 6, cụ Hoàng Thế Kiều (1540-1587) là quan võ của nhà Lê, đã là người đầu tiên vào đất Nghệ.

Linh thiêng đền thờ thân mẫu Bác Hồ ở Hưng Yên - Ảnh 1.

Đền thờ bà Hoàng Thị Loan ở thôn Vân Nội

Năm Đinh Tỵ (1557), quan Thái phó Hồng Quốc Công Hoàng Thế Kiều vâng lệnh vua đem quân vào Nghệ An dẹp quân nhà Mạc. Do lập được nhiều chiến công lớn nên cụ được phong chức Tổng binh và được giao trấn giữ Nghệ An. Nhưng sau quân nhà Mạc kéo đến đông, cụ tử trận ngày 20 tháng 3. Vua rất thương tiếc một người trung dũng đã quên mình vì nghĩa lớn nên cho con cháu được đổi chữ lót từ Hoàng Thế sang Hoàng Nghĩa với bút phê: "Tiên tổ ái quốc chi linh". Họ Hoàng Nghĩa bắt đầu từ đấy.

Cụ Hoàng Thế Kiều chính là người đầu tiên đặt nền móng cho việc lập nghiệp họ Hoàng ở Nghệ An. Đời nối đời, đến cụ Hoàng Xuân Đường ở làng Hoàng Trù (thân phụ của bà Hoàng Thị Loan) là đời thứ 19.

Ngôi đền tưởng nhớ "Người mẹ Làng Sen"

Năm 2003 sau khi đã được các cấp Trung ương và đặc biệt là giới khoa học lịch sử đồng nhất xác định: Thôn Vân Nội là quê gốc của bà Hoàng Thị Loan và cũng chính bà là người con của dòng họ Hoàng Nghĩa), tiếp nối mạch nguồn lịch sử, đáp ứng ngưỡng vọng của nhân dân đối thân mẫu Hồ Chí Minh, tỉnh Hưng Yên đã xây dựng đền thờ bà Hoàng Thị Loan trong khuôn viên rộng trên 5000m² tại thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu. 

Đền thờ hoàn thành ngày 11/12/2005, có kết cấu kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian Tiền tế và 1 gian Hậu cung, xây theo lối kiến trúc cổ truyền thống, mái lợp ngói ta. Các hiện vật, đồ thờ tự tại đền được bài trí rất trang nghiêm, quy chuẩn theo kiểu truyền thống.

Linh thiêng đền thờ thân mẫu Bác Hồ ở Hưng Yên - Ảnh 2.

Trên ban thờ, chiếc ngai thờ được rước từ làng Hoàng Trù ra

Bước qua cổng đền, bên phải là nhà bia, bên trái là nhà khách và nhà thờ Tổ của dòng họ Hoàng. Đền thờ bà Hoàng Thị Loan nằm ở chính giữa khuôn viên. Nhà thờ được xây dựng bằng gỗ lim, lợp ngói theo kiến trúc nhà 3 gian cổ với 1 hậu cung để đặt ngai thờ. Bước chân vào trong đền hình ảnh đầu tiên là bốn chữ "Quốc mẫu uy nghi" viết bằng chữ Hán được đặt trang trọng. Trong nhà, trên ban thờ là chiếc ngai thờ được rước từ làng Hoàng Trù ra. Đôi câu đối đặt trong đền thờ ca ngợi bà Hoàng Thị Loan có nội dung: "Vạn lý sơn hà vọng cố hương" (Ở xa hàng vạn cây số, cách trở núi sông nhưng vẫn luôn nhớ đến quê cũ) và "Thiên thu phúc đức sinh minh thánh" (Nhờ có phúc đức từ ngàn năm nên đã sinh ra một vị minh thánh). Trước cửa đền là chiếc giếng được xây dựng, tôn tạo khá khang trang, đây vốn là giếng làng của đình làng Vân Nội.

Linh thiêng đền thờ thân mẫu Bác Hồ ở Hưng Yên - Ảnh 3.

Phía trong đền thờ bà Hoàng Thị Loan

Địa chỉ đỏ của các tầng lớp nhân dân

Đền thờ bà Hoàng Thị Loan không chỉ là nơi thờ tự mà còn là nơi lưu giữ nhiều tài liệu, hiện vật ghi nhận công lao to lớn của bà Hoàng Thị Loan cùng những ảnh hưởng của bà và dòng họ Hoàng đối với sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các tài liệu hiện vật theo chủ đề: Quê hương Vân Nội và dòng họ Hoàng, Bác Hồ với nhân dân Hưng Yên.

Một trong những hiện vật đặt ở một góc đền thờ thu hút rất nhiều du khách, đó là chiếc khung cửi được làm theo nguyên mẫu chiếc khung cửi đang trưng bày tại Khu di tích Kim Liên (Nam Đàn, Nghệ An). Đây là vật dụng mà bà Hoàng Thị Loan đã ngày đêm dệt vải, nuôi chồng ăn học, nuôi các con khôn lớn. Tiếng thoi đưa dệt vải cùng những lời ru à ơi bên cánh võng đã nuôi dưỡng tâm hồn của một vĩ nhân lịch sử...

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng 10 lần về thăm Hưng Yên. Người đã dành nhiều tình cảm tha thiết với mảnh đất quê hương của thân mẫu Hoàng Thị Loan. Hiện nay, một phần đền thờ bà Hoàng Thị Loan được dành để trưng bày, giới thiệu những hình ảnh và hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm Hưng Yên.

Linh thiêng đền thờ thân mẫu Bác Hồ ở Hưng Yên - Ảnh 4.

Chiếc khung cửi của bà Hoàng Thị Loan dệt vải nuôi gia đình trưng bày tại đền thờ, được làm theo nguyên mẫu khung cửi trưng bày tại Khu di tích Kim Liên ở Nam Đàn, Nghệ An.

Gần 30 năm qua, đền thờ bà Hoàng Thị Loan ở thôn Vân Nội, xã Hồng Tiến là một trong những địa chỉ đỏ của mảnh đất văn hiến Hưng Yên, có ý nghĩa giáo dục truyền thống cho các tầng lớp nhân dân địa phương. Cùng với Khu di tích lịch sử Kim Liên (ở Nam Đàn, Nghệ An - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh), ngôi đền thờ thân mẫu của Người ở Hưng Yên đã trở thành địa chỉ văn hóa - tâm linh của mỗi người dân đất Việt.

Nguồn: Bảo tàng lịch sử, Văn phòng huyện uỷ Khoái Châu, Báo Hưng Yên

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Miếu Nổi - ngôi cổ miếu trên dòng sông Vàm Thuật

Phù Châu Miếu là tên gọi chính thức nhưng người dân vẫn quen gọi là Miếu Nổi do vị trí biệt lập trên cù lao sông Vàm Thuật, thuộc quận Gò Vấp, TPHCM. Miếu được xây dựng từ thời vua Gia Long và được trang trí chủ yếu từ mảnh sành, sứ. Đây cũng là nơi được nhiều bạn trẻ đến viếng và “check-in” vì nét độc lạ và nằm ngay trong Thành phố.