Điểm danh các hoạt động văn hóa đặc sắc diễn ra trong 2 tháng tới

28/09/2022 14:00
Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ.

Sau 2 năm gián đoạn do dịch COVID-19, trong tháng 10 &11/2022 sẽ có nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc diễn ra tại nhiều địa phương trên cả nước với mục đích bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống...

Lễ hội du lịch thác Bản Giốc năm 2022

Lễ hội du lịch thác Bản Giốc năm 2022 sẽ được huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng tổ chức vào ngày 8, 9/10. Nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn sẽ diễn ra tại lễ hội này. Đây là thời điểm thác Bản Giốc đẹp nhất trong năm, với làn nước trong xanh bên những cánh đồng lúa chín trải dài bên dòng Quây Sơn.

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ diễn ra trong tháng 10, 11/2022 - Ảnh 1.

Lễ hội du lịch thác Bản Giốc năm 2019 với điểm nhấn là lễ hội ánh sáng ngay bên thác nước.

Lễ hội sẽ có các hoạt động như lễ rước nước cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa tại chùa Trúc Lâm Bản Giốc; các hoạt động giới thiệu sản vật, ẩm thực địa phương; triển lãm ảnh; thi đấu thể thao; hội thi hát dân ca, dân vũ... Đến với lễ hội, người dân và du khách còn có dịp trải nghiệm các trò chơi dân gian bản địa như tung còn, đẩy gậy, lày cỏ, bịt mắt bắt vịt, thi chèo bè mảng trên sông Quây Sơn, thi bóc hạt dẻ...

Lễ hội Thác Bản Giốc được tổ chức thường niên từ năm 2017 góp phần quan trọng quảng bá, giới thiệu vẻ đẹp của thác Bản Giốc với du khách trong nước và quốc tế. Năm 2019, sự kiện này được tổ chức với điểm nhấn là lễ hội ánh sáng trên thác, đã thu hút khoảng 100.000 lượt khách tham gia. Đây cũng là năm thác Bản Giốc lập kỷ lục khi đón khoảng 1 triệu khách du lịch. Tuy nhiên, do dịch COVID-19 nên 2 năm qua lễ hội này phải tạm dừng.

12 tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội Văn hóa, Thể thao và Du lịch đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ VIII

Ngày hội sẽ diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8/11/2022 với chủ đề "Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Khmer Nam Bộ bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, hội nhập và phát triển"; có sự tham gia của 12 tỉnh, thành phố, gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Trà Vinh, An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Tây Ninh, Bình Phước, Cần Thơ và TP. Hồ Chí Minh.

Ngày hội được tổ chức nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào Khmer Nam Bộ trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Tại Ngày hội sẽ diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch đặc sắc, như: Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương, liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc truyền thống, trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc và diễn tấu nhạc ngũ âm, trưng bày, chế biến và giới thiệu ẩm thực. Ngoài ra, còn có các hoạt động du lịch, hoạt động thể thao, như kéo co, bóng đá, bi sắt, cờ ốc….

Đặc biệt, ngày hội năm nay được tổ chức lồng ghép với Lễ Hội Óoc Om Bóc - Đua ghe ngo Sóc Trăng lần thứ V, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022 nên sẽ tạo cơ hội để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Khmer Nam Bộ trong thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước.

Theo BTC, ngày hội được tổ chức sôi nổi, trang trọng, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, không phô trương lãng phí, đồng thời tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn gắn với các sự kiện chính trị, văn hóa của đất nước, của khu vực và của địa phương. Chọn lọc đặc trưng văn hóa tiêu biểu của đồng bào Khmer Nam Bộ, bảo đảm yếu tố bảo tồn, tôn vinh và phát huy giá trị văn hóa truyền thống...

Nhiều hoạt động đặc sắc trong Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang năm 2022

Lễ hội hoa tam giác mạch Hà Giang 2022 sẽ chính thức khai mạc vào ngày 26/11/2022 tại huyện Đồng Văn. Tỉnh Hà Giang đang chuẩn bị nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc để thu hút du khách đến với Cao nguyên đá trong dịp này.

Nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc sẽ diễn ra trong tháng 10, 11/2022 - Ảnh 3.

Lễ hội hoa tam giác mạch được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015.

Với chủ đề "Sức sống Cao nguyên đá", Lễ hội hoa tam giác mạch năm 2022 sẽ được khai mạc tối 26/11 bằng chương trình nghệ thuật đặc sắc do Đoàn nghệ thuật tỉnh Hà Giang biểu diễn. Trong khuôn khổ Lễ hội còn có không gian giới thiệu sản phẩm OCOP, sản phẩm hàng hóa nông nghiệp đặc trưng của tỉnh Hà Giang (từ ngày 25 đến 28/11); giải marathon quốc tế "Chạy trên cung đường Hạnh phúc" tỉnh Hà Giang năm 2022 (diễn ra ngày 9/10); giải đua xe ô tô, mô tô mạo hiểm "Tinh thần Đá" tỉnh Hà Giang (từ ngày 19 đến 20/11)...

Ngoài ra, các huyện vùng Công viên địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn cũng tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch phục vụ người dân và du khách. Huyện Quản Bạ tổ chức Lễ hội dệt lanh xã Lùng Tám, Cán Tỷ và các hoạt động trải nghiệm tham quan hang Lùng Khuý, làng văn hóa du lịch cộng đồng thôn Nặm Đăm (từ tháng 10 đến tháng 11/2022).

Huyện Mèo Vạc tổ chức Ngày hội văn hóa dân tộc Lô Lô (tháng 11/2022). Huyện Đồng Văn tổ chức trưng bày gian hàng sản phẩm văn hóa, sản phẩm du lịch, nông sản, ẩm thực và dược liệu địa phương; hội thi ẩm thực địa phương tại sân chợ phố cổ Đồng Văn; chế tác vật dụng sinh hoạt và các nhạc cụ dân tộc truyền thống... (từ 24 đến 27/11/2022).

Để chuẩn bị cho lễ hội, tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo chuẩn bị gần 400ha để trồng hoa tam giác mạch. Thời gian hoa nở sẽ kéo dài từ tháng 9 đến tháng 12, thời điểm hoa nở rộ nhất sẽ vào đúng dịp lễ. Tại các địa phương, Đồng Văn sẽ là địa điểm trồng nhiều hoa tam giác mạch nhất với 250ha. Trọng điểm dọc QL 4C và cung đường Phố Là, Phố Bảng, Phố Cáo, Sủng Là, Thài Phìn Tủng, Lũng Táo, Ma Lé, Lũng Cú.

Tại huyện Quản Bạ, địa điểm tập trung nhiều hoa tam giác mạch là Điểm dừng chân Cổng trời, điểm du lịch Thạch Sơn Thần và các điểm có diện tích đất dọc quốc lộ 4C.

Tại huyện Mèo Vạc, hoa tam giác mạch sẽ được trồng nhiều tại thôn Há Chí Đùa (xã Tả Lủng); khu vực Tượng đài Thanh niên xung phong, khu vực trái tim đá, khu vực đối diện Trạm Y tế (xã Pải Lủng); khu vực ngã 3 Hạt 7, khu vực xuống Bến thuyền thủy điện Nho Quế 1 thuộc thôn Hấu Chua (xã Giàng Chu Phìn); thôn Sảng Pả A và tổ 2 (thị trấn Mèo Vạc); thôn Pả Vi Thượng, thôn Pả Vỉ Hạ và khu vực xuống Bến thuyền thủy điện Nho Quế 1 (xã Pả Vi)...

Huyện Yên Minh có các điểm trồng nhiều hoa là Na Khê, Lao Và Chải, Du Già, thị trấn Yên Minh.

Lễ hội hoa tam giác mạch được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015. Đây là sự kiện diễn ra hàng năm nhằm quảng bá hình ảnh, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh của Hà Giang. Đồng thời giúp thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có

Nhập thông tin của bạn